
Chinese Netizen
Trùng Dương dịch
Kể từ năm 2008, các chuyên gia đã tiên đoán là cái bong bóng địa ốc khổng lồ của Trung Quốc thế nào rồi cũng bục. Thế nhưng cho tới nay cái ngày đó cứ tiếp tục bị dời lại. Cuộc đối thoại bên dưới đã được lưu truyền rộng rãi trên Liên Mạng Trung Quốc, do một công dân mạng vô danh viết. Bài này đã giúp giải thích cái tâm lý đã giúp cho cái bong bóng Trung Quốc còn nổi chưa bục.
Tại một cái bar karaoke, một người đàn ông trung niên ngồi với một cậu cháu tại một cái bàn quây riêng tư. “Cậu ơi,” cậu cháu lên tiếng, “Không có ai chịu mua nhà chúng ta xây hết. Cậu nên nghĩ ra cách nào giải quyết lè lẹ lên thôi.”
Người trung niên thoáng ngó xéo thằng cháu rồi quay lại bàn với tay lấy một chai rượu đắt hàng ngàn yuan (10,000 yuan trị giá $1,600 Mỹ kim). Sau khi tự rót lấy một ly đầy và uống cạn, ông ta bảo thằng cháu: “Cháu đừng có lo. Cháu chỉ việc xây thêm nhà.”
Cậu cháu, vẫn không hiểu, hỏi, “Thế nhưng tại sao cứ xây nhà trong khi không ai mua cả?”
“Cháu thực không hiểu gì nhiều, phải không? Cậu không xây nhà để bán. Phần lớn thiên hạ cũng không có khả năng mua. Công việc xây cất chẳng qua chỉ là để ve vuốt lòng kiêu căng.”
Ngạc nhiên, cậu cháu hỏi, “Thế thì tiền đâu ra khi cậu không bán nhà?”
“Thì mình vay tiền của nhà băng,” ông cậu trả lời.
“Chứ bộ mình không phải trả nhà băng sao?”
Ông cậu giải thích: “Coi, cậu mượn nhà băng 500 triệu và sẽ chỉ dùng 200 triệu thôi để đầu tư và khai triển. Còn 300 triệu là thuộc về cậu. Do đấy không can hệ gì nếu cậu bán nhà hay không.
“Sau khi ta xây nhà xong, chúng ta sẽ chơi trò đầu cơ tích trữ cho tới khi mỗi căn nhà trị giá tới bạc tỉ. Xong chúng ta sẽ tặng những căn ngon lành nhất cho các công chức nhà nước.
“Một khi các viên chức này làm chủ những căn nhà này, họ sẽ làm bất cứ gì để giữ cho giá nhà không bị hạ bởi vì nếu giá nhà hạ, có nghĩa là đồng tiền mà họ đã thu gặt được sẽ biến đi. Vì thế mà họ sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ cho chúng ta,” người cậu nói.
“Thế nhưng tại sao chúng ta không phải trả tiền lại cho nhà băng chứ?” cậu cháu hỏi.
“Trả cái gì?” ông cậu giễu cợt. “Chúng ta sẽ dùng cái nhà trị giá hàng tỉ để thế chân, và vay tiền để xây thêm một chung cư mới. Cháu cứ xem cậu làm giầu.”
“Thế nhỡ nhà băng hết tiền cho vay thì sao?” cậu cháu hỏi.
“Đừng có lo. Chính phủ sẽ in thêm tiền,” ông cậu trả lời.
“Thế nhỡ họ không in thêm thì sao?” cậu cháu hỏi.
“Thì chúng ta sẽ tuyên bố phá sản và để những căn nhà đó cho chính phủ giải quyết,” ông cậu đáp. “Tiền bạc của cậu nằm ở các ngân hàng ngoại quốc rồi, còn gì nữa mà lo.”
Người cháu chợt cảm thấy cậu ta đã học được một điều gì rất quan trọng: Nhà được xây không phải để ở.