1. Ngôi trường tọa lạc ở một địa điểm có thể nói là không mấy thuận lợi. Mùa nắng thì chang chang, không một bóng cây che mát hay vỉa hè để đường về nhà hay đến lớp bớt ánh mặt trời gay gắt. Mùa đông thì mưa tạt ướt những vạt áo dài, gió luồn vào rét mướt. Do cũng vừa mới xây dựng nên sân trường cũng chưa có bóng cây che mát giờ ra chơi. Đã vậy, con đường đến trường cũng là đường đến các cơ quan tỉnh giữa thời chiến nên xe nhà binh chạy gần như suốt ngày. Chưa hết, trường nằm kề với bệnh viện nên nét thơ mộng của ngôi trường con gái giảm đi khá nhiều.
Vậy mà, ngày xưa cũng như bây giờ, dẫu không từng học ở đây, khi đi qua ngôi trường, ai cũng phải ngoái đầu nhìn lại. Một điều gì gần như quán tính, thiêng liêng và thôi thúc khiến đôi mắt không thể thờ ơ, bình thản. Nhìn lại, mỗi người một tâm cảnh. Nhìn lại, có khi để thở dài luyến tiếc. Có khi cũng chẳng có cảm giác gì rõ rệt nhưng cứ bắt phải nhìn vào trường. Thật ra, nó xuất phát từ trong tâm khảm sâu thẳm một tình ý nhưng có nhiều lý do để không ai nhận ra thôi.
Ngôi trường ấy một thời là “vùng cấm địa”, “vùng nguy hiểm” của học trò con trai. Những chú “ngựa chứng trong sân trường” con trai bỗng dưng trở nên hiền lành như chú cừu non khi phải đi ngang qua đây hay bất ngờ trên đường lúc tan trường. Giữa một rừng áo dài trắng phất phơ, yêu kiều như vậy mà bất kỳ chàng trai nào, dù bướng bỉnh, ngang tàng đến mấy cũng cảm thấy… yếu đuối và sợ đến co rúm cả người. Nói chi đến các chàng thư sinh, ngay cả những anh chàng sĩ quan lúc bấy giờ cũng chẳng mấy ai dám một mình đương đầu, đối diện với học trò con gái này lúc trường tan.
Mà, họ có làm chi đâu! Lúc này họ chưa là những “bà chằn”, chưa hiện rõ hình hài “sư tử”. Họ thướt tha, nền nã với chiếc áo dài trắng, với chiếc nón che nghiêng nhưng thừa sức làm khiếp vía những ai mon men hay vô tình lạc lối đến đây. Nhiều lúc nghĩ ngợi lung tung, tôi vẫn không sao tưởng tượng được, giả như có chừng mươi học sinh con trai, vì một lẽ nào đó, phải đến đây học chung, sẽ “sống” như thế nào với học trò trường nữ này? Trong khi đó, ngôi trường con trai của tôi, đã hân hoan đón nhận vài chị vào học chung vì khi đó trường Nữ chưa có ban B. Hay như sau này, lớp tôi có mươi cô gái đến học chung. Tất cả đều được chào đón vui vẻ, “kính trọng” và bình yên “chung sống hòa bình”.
Hình như khi đứng với số ít, các cô gái trở lại nguyên vẹn là phái yếu, thì phải? Hay, đó là sự tinh nghịch “thứ 3 học trò… nữ”?
2.Bây giờ ngôi trường vẫn còn đó nhưng đã mang bộ mặt khác. Lẽ đời, “thương hải tang điền”, cuộc đời biến đổi không ngừng là chuyện thường tình, là quy luật của cuộc sống. Ngôi trường mang tên khác, không còn riêng của học trò con gái. Các bạn đừng quan tâm, chú ý đến sự thay đổi ấy mà hãy nghĩ rằng, ai cũng có một thời tươi đẹp và các bạn đã trở thành chứng nhân, là người trong cuộc của một ngôi trường. Điều đó quan trọng hơn.
Suy cho cùng, con người ta luôn luyến tiếc cái đã qua. Các bạn, cũng như tôi, luôn nhớ về những ngày xưa cũ. Và, cái xưa cũ vĩnh viễn nằm trong khung hình quá khứ sẽ khiến chúng ta nhớ rất lâu, nhớ rất kỹ hơn là cái xưa cũ có khả năng gặp lại trong hiện tại hoặc ở ngày mai. Ngôi trường ấy, tuy hình hài vẫn còn đấy (và chắc chắn hình hài ấy sẽ thay đổi ở tương lai) không mang một ý nghĩa nào với các bạn nữa. Nhưng tên trường NỮ TRUNG HỌC QUẢNG TÍN sẽ còn mãi, đồng hành với các bạn cho đến khi các bạn về với cát bụi. Vì thế, thay vì buồn lòng về ngôi trường đã mất, các bạn nên gìn giữ trong tâm hồn tươi sáng của mình những ngày sống cùng bạn bè, thầy cô. Đó, chính là báu vật của mỗi người.
Hơn nữa, ngay chính các bạn, cũng như tôi, đã phải rời ngôi trường của mình. Vào bấy giờ, đó lại là điều chúng ta mơ ước, mong mỏi. Nghiệt ngã của số phận là vậy! Vào trường học tập miệt mài, mong cho từng niên khóa qua nhanh để tốt nghiệp, bước xuống cuộc đời. Chúng ta cũng có những lần buồn phiền (vì không thuộc bài bị thầy cô phạt hay cãi cọ, giận hờn – cả vô lý và có lý – với bạn bè) khiến chúng ta muốn rời khỏi lớp học ngay lập tức! Vậy mà, sau khi cuộc đời tạo nên những vết chai sần, tạo ra những đau thương, buồn chán (và đôi lúc tuyệt vọng nữa) trong tâm hồn, chúng ta lại muốn quay về sống lại không khí hồn nhiên, không bao giờ vẩn đục dưới ngôi trường xưa. Đúng không, các bạn?
Nước chảy qua cầu. Chúng ta vui vẻ, chớ nên cưỡng cầu. Hôm nay, các bạn đang chuẩn bị cho cuộc hội ngộ “lịch sử”: Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Nữ Trung học Quảng Tín (1964-2014). Theo tôi, chính xác hơn, nên phải là “Kỷ niệm 11 năm Trường Nữ Trung Học Quảng Tín”. Vì, từ năm 1975, Trường Nữ Trung Học Quảng Tín đã không còn. Tuy nhiên, tên gọi là gì đi nữa thì các bạn cũng hãy mở lòng, đón nhận những kỷ niệm bạn tự nhiên nhớ lại hay bạn bè cũ gợi nên. Đừng buồn vì sao thầy cô nhớ bạn này mà lại quên mình. Cũng đừng tự ái khi một người bạn mình luôn nhớ đến, luôn mong một lần gặp lại; vậy mà khi đối diện, người đó lại chẳng nhớ nổi tên mình. Bao nhiêu năm qua, thời gian như son phấn làm gương mặt cũ trở nên lạ lẫm; cát bụi trần ai đã khiến vẻ tinh khôi, thánh thiện ngày xưa nhạt nhòa. Ai cũng vậy, tất cả chúng ta đều chịu nạn chung nên hãy từ bi, vô lượng mà thương yêu nhau. Bởi, tất cả những ai ngồi đây, và những ai không thể có mặt, hôm nay đều đã từng khoác lên ngực áo cùng một phù hiệu ngôi trường thân yêu.
3. Người đời thường cầu mong được “lên thiên đường”. Thiên đường, thiên thai hay niết bàn chẳng qua khác nhau tên gọi. Cõi thiên đường, dù có thật như trong nhạc của Văn Cao: “Chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian” và cảnh vật tuyệt mỹ “có một mùa đào, dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần” thì cũng không thể sánh với một thiên đường khác, có thực và tồn tại trong cuộc đời. Có điều, cho đến lúc rời khỏi nơi đó, con người mới nhận ra mình vừa rời bỏ thiên đường mà không hay. Thiên đường đó chính là ngôi trường chúng ta từng học. Không có gì đẹp hơn, sống động hơn, giàu có hơn và tinh khiết hơn một thời vụng dại, ngây thơ cùng bảng đen, phấn trắng, bàn học…
Bạn đừng đỏ mặt khi có ai nhắc đến chuyện bạn khắc tên một chàng trai nào đó cùng với tên mình trên cây thước gỗ. Tuổi mới lớn, ai chẳng có những phút giây thả hồn mình ra ngoài cửa sổ? Các bạn khác, cũng từng làm như bạn thôi. Họ viết tên người trong mộng mơ của họ trên giấy nháp, trong tập sách giáo khoa và có khi cả trên vạt áo trắng nữa. Trước một bài toán khó, cắn bút nghĩ hoài chưa ra cách giải thì việc viết tên ai đó chợt thoáng qua trí là chuyện đáng yêu của tuổi học trò. Viết vậy thôi, đơn giản chỉ là phút tâm hồn rong chơi, để rồi sau đó chẳng nhớ gì. Bạn đừng ngượng ngùng khi ai đó nhắc đến chuyện ngày xưa bạn từng giận hờn vì một người bạn cùng lớp tỏ ra quá thân mật với thầy giáo. Hay bạn cũng đừng cười mình khi ngày xưa học hoài không thuộc bài Vạn Vật, giải sai một bài toán phương trình… Tất cả đều là kỷ niệm đáng trân trọng của đời học trò. Và bất hạnh cho những ai không có nổi một kỷ niệm thuở học trò để mang theo…
Ngôi trường, đó là thiên đường của chúng ta, của các bạn và tôi. Tôi bất lực, không thể tả lại cõi thiên đường ấy. Tuy nhiên, tôi biết rất rõ, thiên đường ấy đã đi về phía rất xa. Càng ngày, càng xa chúng ta dù chúng ta đang nuôi dưỡng, nâng niu nó…
LVB – OKC