Menu Close

Kyoto và Disney Land

Kyoto là cố đô của xứ Phù Tang, cách Tokyo khoảng 3 tiếng xe lửa tốc hành. Thành phố này còn giữ được khá nhiều lâu đài, thành quách, chùa chiền dù không cổ lắm so với di tích của các quốc gia Á Châu khác như Trung Hoa, Cam Bốt.

Du khách đến Kyoto để ngắm nhìn các kiến trúc cổ và tìm hiểu một vài hình ảnh của nếp sống cũ, gọi chung là văn hóa cổ truyền. Ở đây vẫn còn những con đường giữ nguyên các trà đình, tửu quán theo đúng nghĩa cổ xưa. Nghĩa là ta vẫn có thể đến đó để uống trà, uống rượu nếp sake và ngắm nhìn các kỹ nữ tiếp trà, hầu rượu. Những trà đình tửu quán này nằm trong khu phố Gion, đặc biệt nhất là con đường Hanamikoji. Lần trước ghé nơi này, Dế Mèn mua được mấy bức tranh in bản gỗ (woodblock print), bây giờ đóng khung treo trong phòng tắm. Màu gỗ nâu đỏ sậm hòa hợp với khung gỗ của tấm gương, khung gương có dạng cổng đền Shinto. Mỗi lần đánh răng chải tóc là Dế Mèn lại có dịp nhìn ngó mấy người đẹp Phù Tang yểu điệu và nhớ chuyến đi thăm thành phố ấy.

Ngày nay, trừ những dịp lễ lạc, trên đường phố Nhật Bản ít khi ta thấy những người mặc đầy đủ một bộ kimono cổ truyền, nghĩa là nhiều lớp quần áo trịnh trọng, lướt thướt. Riêng Kyoto thì vẫn có những phụ nữ mặc trịnh trọng, đủ bộ bình tích từ chân lên đầu như thế. Họ là những kỹ nữ (tạm dịch từ chữ geisha) hoặc kỹ nữ tập sự (maiko, những người đang học nghề, chưa chính thức trở thành kỹ nữ).

Kimono trên đường phố Kyoto

Tuần qua, một người bạn của Dế Mèn gửi cho mấy bài báo xuất phát từ cố đô. Dân thành phố lớn tiếng than phiền về nỗi du khách bất nhã, hổng biết chút lịch sự tối thiểu cần thiết cho một kẻ lạ. Chuyện như thế này, bạn à. Khách thăm viếng có người thưởng thức thành phố một cách thầm lặng như chỉ nhìn ngắm, chụp hình ảnh vật thể nhưng cũng lắm kẻ tò mò, xông xáo và khi xông xáo quá thì hóa ra xâm lấn vào đời sống riêng tư của cư dân. Người Kyoto than phiền về nỗi du khách rình mò và chạy theo kỹ nữ để chụp hình, chụp ảnh.

Dưới cái nhìn Âu Mỹ, những phụ nữ bôi mặt trắng xóa, thoa son đỏ, kẻ mắt hồng mặc y phục cổ truyền là những hình ảnh biểu hiện nét văn hóa Nhật Bản, nền văn hóa hầu như mỗi ngày một mòn mỏi, mất dấu. Ý nghĩ cạn cợt này không chỉ phổ thông tại Hoa Kỳ (một quốc gia luôn bị người thế giới dè bĩu là dân tộc non trẻ) mà lan rộng khắp nơi trong giới trẻ Âu Châu. Chính những người trẻ Âu Châu này là những kẻ đã xông vào trà đình để chụp hình kỹ nữ hầu trà, xô đẩy cư dân để chụp cho được một vài tấm ảnh đúng chỗ, và tên tuổi họ xuất hiện trên các bài báo than phiền kia. Có kẻ còn táo bạo hơn, níu áo kỹ nữ để họ ngừng chân trên đường mà chụp hình cho rõ. Khi mấy cô geisha và maiko bỏ chạy, đôi guốc ohogo lênh khênh và bộ quần áo lướt thướt khiến họ té chổng kềnh trên đường phố.

Lời than phiền về “khách thăm viếng từ địa ngục” (the guess from hell) đã khiến những trà đình tửu quán nộp đơn xin thành phố can thiệp. Cơ quan văn hóa và du lịch của Kyoto đã bắt đầu dán yết thị trên đường phố, đăng bố cáo trên trang nhà để nói với du khách rằng thăm viếng thì cứ thăm viếng nhưng cần tôn trọng sự riêng tư của các kỹ nữ. Đừng níu áo họ. Đừng đuổi theo họ. Đại khái là dạy dỗ du khách về phép lịch sự thông thường và cần thiết khi thăm viếng nơi xa xứ lạ. Trong khi mắng mỏ du khách như thế, người Nhật Bản cũng không quên phân trần (nhưng vẫn xỉa xói riêng con cháu chú Sam) rằng Kyoto không phải là Disney Land và kỹ nữ không phải là Mickey Mouse đứng khơi khơi làm phông cho du khách chụp hình. Geisha của Nhật Bản là những người theo nghề ca kỹ, giúp vui cho khách thưởng ngoạn chớ hổng phải hình nhân quảng cáo đón mời du khách.

Đọc mấy bài báo đến khúc này thì phe ta bỗng dưng động lòng, ái ngại. Thủa nọ đến Kyoto, Dế Mèn cũng mời được hai kỹ nữ chụp hình đâu có khó khăn chi mà phải săn đuổi họ. Mà lỡ khi hỏi, người ta hổng chịu thì cũng thôi chứ cù cưa chi nữa? Ai đâu mà thích quá hóa lì như thế?

Chủ nhân của những trà đình tửu quán còn đi xa hơn một bước nữa, họ tổ chức những nhóm canh gác, sẵn sàng bảo vệ những kỹ nữ trên đường đi làm, tránh việc bị du khách quấy rầy. Họ nói rằng các kỹ nữ trên đường phố là những người đang đi làm, nghĩa là đã được mời, trả tiền để đi giúp vui cho khách thưởng ngoạn. Số tiền khách hàng phải trả được gọi bằng một cái tên rất văn hoa là “incense fee”. Cái tên này bắt nguồn từ cách đo lường thời gian thủa xưa, thời gian cháy tàn một que nhang. Thù lao cho ca kỹ tính theo số que nhang đã cháy, và que nhang bắt đầu “cháy” từ lúc kỹ nữ rời nhà họ, đi bộ tới tửu quán cho đến khi về lại nhà. Ngày nay nói chung, khoảng 400-500 mỹ kim cho hai tiếng giúp vui kể cả thời gian đi về.

Geisha là kỹ nữ chính, maiko là những người phụ tá, đi theo geisha để học nghề. Họ được huấn luyện từ cách ăn uống, trang điểm, mặc quần áo, rót trà, rót rượu cho đến cách tiếp chuyện, ca hát, múa… Nghĩa là một cô geisha tốt nghiệp giúp vui phải tinh thông thập bát ban văn (hổng phải võ) nghệ. Họ cũng trải qua kỳ thi tuyển đàng hoàng trước khi trở thành maiko, và sau cùng là học cách tiếp chuyện khách hàng hay nói một cách văn hoa là “giao tiếp”.

Hầu như mỗi trà đình đều có dấu hiệu riêng, và các kỹ nữ cài lên tóc “thương hiệu” kia qua những chiếc trâm cài đầu. Mấy cô maiko thường mặc áo tay rất dài, cổ áo màu đỏ, obi thả dài sau lưng và đi guốc cao để áo đỡ vướng chân trong khi các geisha thực thụ mặc áo ngắn hơn, cổ áo trắng, obi thắt gọn gàng sau lưng.

Maiko & Geisha

Như thế, geisha ăn mặc theo kiểu geisha, maiko có trang phục maiko, qua y phục ta có thể đoán ra thứ bậc. Trong một xã hội nặng tinh thần ngôi thứ như thế, không lạ là người ta đặt rõ những tiêu chuẩn xếp hạng ngay cả cho nghề giúp vui. Chẳng hiểu những người không bằng cấp, không chức tước phải sinh sống trong một xã hội nặng đầu óc phân biệt ngôi thứ như thế xoay sở ra sao?

pic

Geisha và Maiko

Trách móc du khách bất nhã nhưng Dế Mèn cũng thầm thông cảm, geisha mỗi ngày một hiếm. Không mấy phụ nữ theo nghề giúp vui này nữa. Theo thống kê của nha Du Lịch Kyoto, năm 2007, số du khách thăm viếng Kyoto lên đến gần 1 triệu người trong khi thành phố chỉ còn vỏn vẹn trên dưới 1,000 kỹ nữ để giúp vui. Theo căn bản kinh tế, số cầu lên cao mà số cung thì quá ít, cái chi hiếm thì quý, thì được giá, vậy mà sao nghề geisha lại mất dấu từ từ ?

Những chuyên viên trong kỹ nghệ du lịch đang gãi đầu băn khoăn. Lâu đài, chùa chiền là di tích, là thắng cảnh nhưng thắng cảnh là vật “tĩnh”. Với thế hệ Y như thế này, những người kiếm ra tiền và sẽ tiêu tiền trong những năm sắp tới, các du khách tương lai, làm thế nào để rủ rê những con người hiếu động kia? Thị hiếu của họ là tìm hiểu “cách sống” và con người, những thứ “động” nên thay đổi luôn luôn. Khi geisha tuyệt tích, thì Kyoto có cái chi để mời gọi du khách tò mò? Có thể khi ấy, Kyoto sẽ có những hàng quán, nơi geisha giả bộ đứng chụp hình với du khách với một lệ phí như ở Las Vegas có những người hóa trang thành Elvis Presley đứng tại các quầy giả để chụp hình thuê với du khách?

Chao ơi, cái viễn ảnh Kyoto bắt chước Las Vegas mà làm giả đủ thứ khiến Dế Mèn não lòng vì ngao ngán. Lạy Trời, đừng có ngày ấy!

TLL