Thấy gì qua lá bài “đất hiếm”?
Tuần rồi, Hoa Kỳ, Nhật Bổn “Japan”, và Liên Hiệp Âu Châu “EU” cùng khởi kiện Trung cộng ra World Trade Organization (tổ chức thương mại thế giới), cáo buộc họ giới hạn xuất cảng chất “đất hiếm” (rare-earth) một cách thiếu công bằng. Hơn 3 thập niên qua, sản phẩm “đất hiếm” rẻ tiền từ Hoa Lục chiếm lãnh thị trường. Tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác, các hầm mỏ lần lượt đóng cửa. Thế rồi gần đây, Trung cộng liên tiếp cắt giảm số lượng đất hiếm xuất cảng (xuất cảng 50,145 tấn năm 2009; xuống 48,000 tấn năm 2010; chỉ còn hơn 14,000 tấn năm 2011). Đây là một nước cờ khá thú vị, cho thấy Mỹ và đồng minh không ngó lơ, để Trung cộng mặc tình khống chế thị trường thế giới. Đứng đơn kiện bên cạnh Mỹ và EU cũng cho thấy uy thế của người Nhật, có thể tương đương trọng lượng với cả nền kinh tế EU.

Thanh Dũng
“Đất hiếm” là nhóm gồm 17 kim loại. Có chất thông thường, giống như đồng hay chì. Một số chất khác lại cực hiếm, ít hơn cả vàng hoặc platinum. Tiếng Anh gọi “đất hiếm” là Rare Earth Elements (REE) hoặc Rare Earth Metals (REM). Ngày nay, các kim loại “đất hiếm” được dùng trong nhiều sản phẩm điện tử tân kỳ, phức tạp: phụ kiện cho các cell-phones, màn hình ti-vi LED, bình điện xe hơi “hybrid”, cánh trực thăng…

Các chất “đất hiếm” trên bảng phân hạng tuần hoàn hoá học.
Dù mang tên “đất hiếm”, các chất này có thể không quá hiếm, cũng không phải là đất, theo nghĩa đen. Chúng nằm trong các mỏ quặng, và các lớp trầm tích tụ dưới đáy sông biển, đại dương…
Về trữ lượng, ước tính Trung cộng nắm giữ gần phân nửa số “đất hiếm” toàn cầu. Kế đó là Hoa Kỳ, Canada, Úc châu “Australia”. Việt Nam cũng nằm trong danh sách những quốc gia có tài nguyên “đất hiếm” đáng kể.
Lợi ích kinh tế
Khai thác “đất hiếm” không quá tốn kém, nhưng lại là công việc nặng nhọc, dễ rủi ro gây hại môi trường. Điều khá lạ, nhưng không đáng ngạc nhiên, là Trung cộng xuất cảng đến 95% lượng “đất hiếm”. Nhờ sự độc quyền này, họ dễ dàng kiểm soát giá cả “đất hiếm” theo như ý.
Các kỹ nghệ điện tử, kỹ thuật cao, phim ảnh… đều tuỳ thuộc lớn vào nguyên liệu “đất hiếm” này. Thí dụ chất “Neodymium” đúc ra nam châm dùng cho hệ thống loa computer và “hard drives”, khiến chúng nhỏ gọn mà vẫn nghe hay, làm việc hiệu quả. Còn chất “Lanthanum” dùng trong máy chụp hình, quay phim, và các loại ống kính “telescope lense”. Trong khi đó, “Gadolinium” được gài trong các máy quang tuyến “X-ray” cũng như cho màn hình TV. Chất “Molybdenum” thì được gài trong các “smart bomb” biết tự tìm kiếm mục tiêu, bách phát bách trúng. Nhiều loại “đất hiếm” khác không thể thiếu trong các dàn hoả tiễn tân kỳ, hệ thống liên lạc / radar, vệ tinh…
Kỹ nghệ quốc phòng chiếm dụng khoảng 7% nhu cầu “đất hiếm” trên thị trường hoàn vũ. Liên Hiệp Âu Châu “EU” nhập cảng mỗi năm lượng “đất hiếm” trị giá $458 triệu từ Trung cộng. Song chính Nhật Bổn “Japan” mới là quốc gia nhập cảng “đất hiếm” nhiều nhất. Ước lượng vào khoảng 60% tổng số “đất hiếm” Nhật nhập cảng là từ Trung cộng. Phỏng đoán chung, trong thập kỷ qua, nhu cầu “đất hiếm” tăng gấp ba lần. Nay ở mức 125,000 tấn một năm, sẽ lên tới 200,000 tấn năm 2014.
Một khu khai thác mỏ quặng “đất hiểm” ở Mông Cổ “Mongolia”. ảnh Nelson Ching/Bloomberg
Ván bài của Trung cộng
Nhận biết tầm quan trọng của “đất hiếm”, từ những năm 1980 thế kỷ trước, lãnh tụ Trung cộng Đặng Tiểu Bình đã từng tuyên bố xanh rờn: “Trung Đông có dầu hoả, Trung Quốc có đất hiếm”. Từ đó manh nha chiến lược của Trung cộng nhắm đến… bá chủ kỹ nghệ “đất hiếm” toàn cầu. Sự khống chế của người Tàu biểu hiện qua nhiều mặt.
Trung cộng ào ạt khai thác rồi xuất cảng “đất hiếm”, khiến rớt giá. Các công ty Mỹ làm ăn lỗ lã, bèn đóng cửa hầm mỏ. Nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt Âu Châu, người ta bớt dần việc khai thác “đất hiếm” do có các quan ngại cho môi trường.
Đồ thị biểu diễn, cho thấy mức sản xuất “đất hiếm” của Trung cộng nhiều nhất, vượt hẳn MỸ lẫn thế giới còn lại
Kiểm soát sản lượng “đất hiếm” lớn, Trung cộng dần dần áp lực các công ty mà công việc sản xuất tuỳ thuộc nhiều vào “đất hiếm”, bao gồm các nhà sản xuất phụ kiện computer và các loại bóng đèn thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng “energy-efficient”. Để dễ tiếp cận nguồn nguyên liệu “đất hiếm” bản xứ, nhiều hãng xưởng trong các lãnh vực này đã… dọn nhà sang Hoa Lục. (Một phản ứng phụ khác là đảng cộng sản Tàu dễ dàng ăn trộm, hoặc học lóm từ các kỹ sư lành nghề người ngoại quốc).
Việc Trung cộng lâu nay khống chế thị trường “đất hiếm”, từ thăm dò hầm mỏ, khai thác, đến phân phối, ban hành giá cả… cũng khiến không ít chánh phủ ngoại quốc hồi hộp. Một số nước bèn quay sang phát triển các nguồn nguyên liệu khác, để tránh cảnh một mình một chợ với Trung cộng.
Phản ứng của thế giới
Theo dự đoán, nhu cầu “đất hiếm” trên thế giới năm 2015 là 210,000 tấn. Ngay cả Trung cộng cũng chưa chắc đáp ứng đủ.
Hiện tại đã có hơn 200 dự án khai thác trên toàn cầu. Nhiều dự án thám hiểm, khai thác “đất hiếm” nằm bên ngoài Hoa Lục, như Canada, Úc “Australia”, Chile, Mông Cổ “Mongolia”, và Malaysia… Những quốc gia này đều mở rộng công việc khai thác “đất hiếm”, nhằm tránh nạn độc quyền của Trung cộng, bằng cách… bơm thêm “đất hiếm” vào thị trường.
Ở Mỹ, sau nhiều thập niên bỏ phế, nay hãng Molycorp cho mở cửa lại khu quặng mỏ “đất hiếm” ở vùng Mountain Pass (California)–một trong vài mỏ quặng lớn nhất trên thế giới.
Riêng Nhật Bổn là một trường hợp thú vị. Đối diện nguồn nhiên liệu “đất hiếm” thiếu hụt và giá cả tăng–do quyết định hạn chế xuất cảng của Tàu — chánh phủ Nhật đưa ra nhiều khoản tài trợ, khuyến khích những dự án có thể cắt giảm nhu cầu “đất hiếm” tới 30%.
Mới đây, các khoa học gia Nhật Bản, thuộc Đại học Tokyo, cũng công bố phát hiện nhiều mỏ “đất hiếm” dưới đáy đại dương, trữ lượng có thể lên đến 10 tỷ tấn.
Đối lại phong trào khai thác “đất hiếm” bên ngoài biên giới Hoa Lục, cũng có dấu hiệu Trung cộng manh nha… đón đầu, bằng cách tạo ảnh hưởng, thuê mướn, thậm chí… mua đứt quặng mỏ ở các quốc gia yếm thế hơn. Có dư luận nghi vấn chương trình khai thác bauxite ở Trung Phần Việt Nam hiện nay có thể là để khai thác chất “đất hiếm” chứ không phải quặng nhôm, như Trung cộng và đàn em là đảng cộng sản VN loan tin. Có thể có vài lãnh tụ của đảng CSVN bị Trung cộng lừa mị. Song giả thuyết hợp lý hơn là 2 đảng cộng sản “anh em” này đang bắt tay, ăn chia ngầm với nhau.
Quyết sách của TT Obama
Vụ kiện Trung cộng ra toà WTO ngoài mặt là phương cách áp lực mậu dịch với Trung cộng. Chuyện Trung cộng mánh khoé, “ăn gian” không còn mới. Song hiếm khi chính TT Hoa Kỳ Barack Obama công khai trước dư luận các thủ thuật của Trung cộng, cho thấy vấn đề nghiêm trọng hơn thường lệ.
Sâu xa hơn, có thể đây là cách người Mỹ lèo lái Trung cộng đi tiếp vào con đường kinh tế thị trường. Nước cờ này hy vọng giữ chân một số công ty hãng xưởng trên đất Mỹ. Thúc đẩy Trung cộng xuất cảng chất “đất hiếm” cũng cùng lúc làm cạn dần một nguồn tài nguyên quan trọng của họ trong tương lai…
Vẫn có một số người Mỹ không hài lòng. Họ cho rằng chánh phủ liên bang lẽ ra đã phải can thiệp với Trung cộng từ lâu. Có thể Hoa Kỳ quyết định chờ đợi để mưu tìm sự hợp tác của Nhật Bổn và EU.
Cũng không loại trừ lý do thuần chánh trị trong mùa bầu cử tổng thống 2012. Độc giả người Việt từng quan tâm đến thế sự hẳn còn nhớ những tiến thoái, động binh, hay thay đổi chiến thuật… của địch quân cộng sản trên chiến trường Việt Nam, mỗi khi có cuộc bầu cử lớn ở Mỹ: dựng nên “Mặt Trận Giải Phóng” (1960); khiêu khích hải quân Hoa Kỳ trên Vịnh Bắc Bộ (1964); mở trận Tết Mậu Thân (1968); và chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” (1972) đưa đến Hiệp Định Paris năm sau đó.
TT Obama lâu nay hứng chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt từ cựu Thống Đốc Mitt Romney bên đảng Cộng Hoà, rằng ông quá yếu đuối khi đương đầu Trung cộng. Năm ngoái, người Mỹ lãnh thâm thủng mậu dịch $295 tỉ–là nguồn bất bình không nhỏ giữa đôi bên. Trung cộng lâu nay không ngừng thò tay vô túi chú Sam, đem công ăn việc làm về Hoa lục, gây thêm khó khăn cho nền kinh tế Mỹ.
Không quá bất ngờ, vào nửa năm trước ngày bỏ phiếu, TT Obama lên giọng điệu cứng rắn, hứa hẹn luôn “tranh đấu” và “bảo vệ” nhân viên, công ty, hãng xưởng, và các kỹ nghệ của người Mỹ khỏi cuộc cạnh tranh bất chánh của Trung cộng.
TT Obama trình bày quyết định khiếu nại Trung cộng lên tổ chức WTO trong cuộc họp báo ở Vườn Hồng Toà Bạch Ốc (White House Rose Garden). Bộ Trưởng Thương Mại John Bryson đứng bên trái. ảnh Olivier Douliery, Abaca Press/MCT
TD