Menu Close

Mẹ Biển

Đinh Hồng Nghi hiện sống ở Sydney, nước Úc. Chị làm thơ và viết văn, sở trường về truyện cực ngắn.

Người ta thường ví hình tượng Người Mẹ như hình ảnh của đất nước. Bà Mẹ trong truyện Mẹ Biển dưới đây được viết như một huyền thoại, nhưng khác với những huyền thoại khác ở chỗ tác giả đưa vấn đề thời cuộc vào đó, như một huyền thoại của hôm nay.

Mẹ Biển

Không biết tự bao giờ Mẹ Biển đã hiện diện ở đó. Có lẽ từ thuở còn hồng hoang. Từ lúc đất trời còn hỗn mang. Từ lúc thủy tổ của chúng tôi là Lạc Long Quân ly hôn với vợ Âu Cơ dắt díu 50 người con đi tìm đường mưu sinh thì đã gặp Mẹ Biển ở đó. Và Mẹ đã dang rộng đôi tay cưu mang tất cả vào lòng.

Chúng tôi những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên từ dòng sữa phồn thực của Mẹ. Mẹ cũng là nguồn thực phẩm vô tận cho tất cả mọi người. Mẹ luôn bao dung và hào phóng nhưng cũng rất công bằng và nghiêm khắc. Mẹ là người đã thổi vào tâm hồn của lũ trẻ mới lớn chúng tôi những ngọn gió mát lành.

Mẹ Biển đối với chúng tôi vừa bí ẩn vừa gần gũi quen thuộc như câu chuyện cổ tích. Trong mắt chúng tôi Mẹ Biển là người giàu có nhất trên trái đất này. Mẹ cũng có cảm xúc giống chúng tôi vậy. Những ngày đẹp trời Mẹ kể chuyện cho chúng tôi nghe bằng giọng nhẹ nhàng chậm rãi. Chúng tôi nhắm mắt lại có thể hình dung ra được âm thanh của hàng đàn loài thủy ngư đang tung tăng khiêu vũ. Tiếng hát ca của hàng thùy dương hòa theo tiếng đàn của gió.

Đôi khi Mẹ lại giận dữ cãi nhau với bầu trời đang cáu kỉnh nổi cơn giông trên cao. Mẹ cau mày giận dữ. Bầu trời gầm gừ loé lên những tia sáng đục rền đầy đe dọa. Chúng tôi chạy vội vào nhà để tránh những cơn mưa rào bất chợt đổ xuống. Mẹ Biển cũng giận dữ đáp trả bằng những lượn sóng tát mạnh vào bờ.

Khi trời quang mây tạnh Mẹ lại suốt đêm thức ru chúng tôi bằng điệu nhạc rì rào rì rào muôn thuở.

Theo thời gian chúng tôi lớn lên rồi trở thành những chàng trai cô gái rắn chắc và khỏe mạnh. Chúng tôi vẫn lưu luyến bên Mẹ như thời thơ ấu. Một số đứa đã rời xa nơi này đi lập nghiệp phương xa. Nhưng vẫn trở về thăm Mẹ thường xuyên vì nỗi nhớ dành cho Mẹ. Lần nào cũng vậy chúng tôi lại cùng nhau tụ họp bên Mẹ. Cười đùa. Ăn uống. Ca hát trong tiếng đệm đàn của hàng thùy dương. Và tiếng hát rì rầm của Mẹ. Mỗi khi tan cuộc chúng tôi lại xếp những con thuyền giấy tí hon đặt những cành hoa dại và thắp sáng những ngọn nến lung linh thả vào lòng Mẹ Biển. Không ai bảo ai chúng tôi tự động đứng sát vai nhau tay cầm tay thì thầm khấn nguyện những lời hứa sẽ không bao giờ rời xa Mẹ. Và sẽ bảo vệ Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Dường như gương mặt Mẹ loáng lên nụ cười mãn nguyện.

Rồi một chuyện khủng khiếp đã xảy đến với Mẹ Biển. Và điều đó mãi mãi sẽ là vết nung cháy bỏng trong lòng chúng tôi, những đứa con của Mẹ Biển.

Đêm hôm ấy khi lũ trẻ chúng tôi đang say sưa trong giấc ngủ vô tư lự của tuổi đôi mươi, một lũ cướp đã tràn vào nhà của Mẹ. Chúng đánh đập tra khảo Mẹ về những tài sản vô giá mà chúng tin là Mẹ đang sở hữu và cất giữ. Bọn chúng gầm lên: “Con mụ kia muốn sống hãy mau phun ra đi!” Mẹ đau đớn oằn người dưới những giày xéo của lũ ngưu đầu mã diện. Vốn là người đàn bà có sinh lực tràn trề và khí chất hào hùng Mẹ vẫn cố sức chống trả lại chúng. Mẹ thét lớn: “Bọn bây hãy coi chừng. Con cháu ta đông vô số kể.

Chúng vốn dòng dõi con Rồng cháu Tiên. Chúng sẽ tìm bây để thanh toán món nợ này.” Thằng mặt rô đầu đàn ngửa mặt lên trời cười sằng sặc. Hắn nghiến răng kèn kẹt: “Trả thù hử? Mụ có mà nằm mơ. Mấy thằng con ngoan của mụ đánh bạc vay nặng lãi. Chỉ có một ván thôi tụi nó thua cháy túi. Tụi nó viết giấy cam kết là mụ có một khối tài sản kếch xù nên gán món nợ này cho mụ đó. Mụ liệu hồn đi.” Bàn tay lông lá thô kệch của hắn vung lên một mảnh giấy viết tay. Không biết Mẹ Biển đã đọc được điều gì trong đó mà mặt Mẹ bỗng nhợt nhạt hẳn đi. Mẹ u uất đổ gục xuống. Mái tóc xanh nghít của Mẹ xõa tung trôi dập dềnh theo từng cơn sóng. Từ giây phút ấy Mẹ lặng yên không hé một lời.

Suốt đêm đó cả bọn cướp hầm hè nhau đào bới cày nát cả khoảng ngực của Mẹ, sục từng mũi khoan vào đó dò tìm. Chúng tôi sợ hãi đứng nấp đàng sau những tấm phên cửa nhìn Mẹ oằn mình trong cơn đau đớn.

Trời vừa hửng sáng cả lũ chúng tôi lại chạy ra bãi cát ngóng nhìn về hướng Mẹ Biển. Một con bạch tuộc khổng lồ sừng sững bám chặt vòi trên đó. Như một dấu chấm hỏi to tướng đeo bám vào trí não của chúng tôi.

Mẹ Biển nằm yên, mỏi mệt buồn rầu. Trên mặt Mẹ loang những vệt dầu lớn. Lớn dần, lớn dần như nỗi hổ thẹn tột cùng đang dâng lên trong lòng chúng tôi. Nỗi hổ thẹn vì đã bất lực không bảo vệ được Mẹ Biển. Và nỗi hổ thẹn vì đã thất hứa với lời thề thốt của lòng mình.

alt

Konstantin Sterkhov. Sea Meets Sky I

DHN