Ba mươi chín năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, những người từng là chứng nhân của thời ly loạn tùy theo hoàn cảnh riêng, đã ghi lại những suy nghĩ của họ về cuộc chiến đã qua. Bác sĩ Nguyễn Công Trứ là một trong số những chứng nhân nói trên. Theo vận nước điêu linh ông trở thành người tù cải tạo phải lao động khổ sai, sau đó làm y tá trong trại giam, rồi vượt biển trở thành bác sĩ dạy tại Đại Học Cornell Hoa Kỳ. Là người bình đạm thầm lặng, bác sĩ Nguyễn Công Trứ mở đầu những trang hồi ký của ông, bằng những giòng chữ đơn giản, chân thành: “Khi đọc những trang hồi ký này, xin các độc giả đừng để những thành kiến về chính trị và đảng phái bóp méo, vì đó là những sự thật và những sự kiện mà tôi viết từ trong đáy lòng. Tôi xin chân thành cảm tạ ơn trên, cha mẹ đôi bên và tất cả các bạn bè bà con quyến thuộc, đã giúp đỡ và hỗ trợ cho tôi và gia đình từ tinh thần đến vật chất, để có được một cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Tôi cũng chân thành cảm tạ các độc giả đã bỏ chút thì giờ quý báu, để đọc những trang hồi ký này.” [*]
Là người ở lại Bệnh Viện Quân Y Quy Nhơn cho đến ngày cuối cùng, khi tỉnh Bình Định lọt vào tay cộng sản, khi gần như tất cả các bác sĩ, y tá, nhân viên của quân y viện đã di tản, bác sĩ Nguyễn Công Trứ an táng Đại Tá Nguyễn Hữu Thông – người đã tự sát sau khi Miền Nam thất thủ – và 47 chiến sĩ của Sư Đoàn 22 trong một nấm mộ ngay trước kỳ đài của quân y viện, sau đó tự sát theo họ. Ông tự truyền thuốc mê để ngưng thở, và uống 50 viên Chloroquine. Nhưng cuộc đời của ông chưa kết thúc, ông được cứu sống để tiếp tục chịu đọa đày, sống không bằng chết trong trại tù cải tạo K18, nằm trong thung lũng của vùng rừng núi thuộc quận An Lão, tỉnh Bình Định. Ông và bác sĩ Khải cùng một vài anh em tù cải tạo khác được đưa vào nhóm y tế, dưới quyền nữ thượng uý công an tên Luận. Khi bác sĩ Khải được trả tự do, ông là bác sĩ duy nhất săn sóc bệnh tình của anh em tù cải tạo K18. Mỗi ngày khi tù nhân đi lao động, bác sĩ Nguyễn Công Trứ có nhiệm vụ khám cho những người khai bệnh. Tiêu chuẩn mỗi phòng giam khoảng 50 người, chỉ được 1 hay 2 người nghỉ. Mùa sốt rét, dịch tả, kiết lỵ, anh em tù khai bệnh nhiều, bác sĩ Nguyễn Công Trứ cho họ ở nhà, mỗi phòng giam có từ 3 đến 5 người. Chính vì thế ông bị thượng úy Luận mắng chửi thậm tệ trước hàng ngàn tù nhân, và cũng từng bị đánh đập bị xử phạt thật dã man. Nhưng tất cả mọi sự ngược đãi này vẫn không thể lay chuyển được tấm lòng của ông.
Những người từng ở chung trại giam với ông, dù là tù cải tạo hay tù vì tội trộm cắp đều biết: Mỗi khi được gia đình thăm nuôi, bác sĩ Nguyễn Công Trứ chỉ ăn đủ một bữa, còn lại ông đem chia hết cho bệnh nhân, và trẻ bụi đời bên trại thiếu nhi. Sau đó lại tiếp tục những bữa ăn tiêu chuẩn thiếu thốn trong trại, không hề thay đổi: Sáng – một chén khoai mì khô với nước muối. Trưa, chiều – một chén cơm hẩm mục, một chén khoai mì, một chút mắm, và một chén canh “đại dương.”
Bác sĩ Nguyễn Công Trứ sinh quán tại Đa Lạt, tốt nghiệp Y Khoa năm 1971, cựu nội trú bệnh viện Hùng Vương năm 1972, và là bác sĩ tại Quân Y Viện Quy Nhơn đến năm 1975. Ông bị đi tù cải tạo từ năm 1975 đến năm 1979. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1980, ông đi học lại và làm việc tại phân khoa quang tuyến thuộc bệnh viện VA ở Los Angeles. Ông gia nhập US Airforce với chức vụ Thiếu Tá Bác Sĩ, hiện là bác sĩ của Radiology Deparment của Lutheran Medical Center, và là Clinical Assistant Professor của College of Medicine. Hồi Ký “Vượt Qua Gian Khổ” do nhà xuất bản Nam Việt phát hành bắt đầu từ thời tác giả đi học, đến lúc làm việc tại Quân Y Viện Quy Nhơn, rồi bị tù cải tạo năm 1975, sau đó vượt biển đến trại tỵ nạn Galang, định cư tại Hoa Kỳ, bắt đầu một thời gian khó khăn khi làm quen với đời sống mới ở xứ người.
Bàng bạc trong quyển hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ” là những suy tư, những đau đớn ề chề trước biết bao gian lao đầy thử thách sinh tử, và cũng biểu hiện trọn vẹn lòng yêu thương, lòng tự trọng và đòi hỏi sự công bằng cho mọi người, của bác sĩ Nguyễn Công Trứ. Tất cả mọi tình cảm, mọi cách nghĩ được thể hiện bằng lối văn nhẹ nhàng, thành thật, không chút khoe khoang khiến người đọc càng có nhiều thiện cảm với tác giả – một người đã không bỏ chiến hữu không bỏ anh em trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến năm 1975.

Bìa sách “Vượt Qua Gian Khổ” của Nguyễn Công Trứ
3:41am Thứ Hai ngày 28 tháng 7 năm 2014