Tôi sẽ không bao giờ quên. Vâng, tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn Ray Kusela, người tôi chỉ quen biết một đôi tuần lễ và đã cách xa hằng mấy chục năm. Anh ấy chính là ân nhân vĩ đại của gia đình chúng tôi.
Trên là lời tâm sự của Bill Livingstone.
“Tạm biệt,” Chúng tôi chào chia tay anh bạn Ray của chúng tôi khi anh quẳng chiếc ba lô lên vai.
Với nụ cười mở rộng, Ray đáp lại, “Tạm biệt, các bồ. Ôi giá mà tôi mang được tất cả các bồ theo.”
Hôm đó là một ngày của tháng Mười Một năm 1944, một ngày xám xịt và lạnh lẽo, khi Ray lê bước qua khu căn cứ ở Ba Lan, bước ra cổng rồi sau đó không ai còn gặp lại anh ta nữa.
Tin từ hậu cứ cho biết khi chiếc khu trục cơ của Ray bị bắn hạ trên bầu trời nước Đức vào năm đó thì cánh tay trái của anh ta bị trọng thương. Người Đức cho rằng anh ta sẽ không bao giờ còn sử dụng cánh tay trái này nữa, và vì vậy, anh được sắp xếp cho hồi hương trong một cuộc trao đổi tù binh.
Còn phần tôi, chiếc B.17 của tôi bị bắn rơi vào ngày 2 tháng 12 năm 1944. Ở quê nhà, những tin tức cha mẹ tôi nhận được đều nói rằng tôi được xem là “mất tích lúc thi hành nhiệm vụ”. Cho mãi tới tháng Hai năm 1945, người cha và người mẹ đau khổ của tôi mới được chính thức báo tin là tôi bị bắt giữ làm tù binh ở đâu đó trên lãnh thổ nước Đức. Cùng trong tháng đó, mẹ tôi đọc trong tờ Los Angeles Times thấy tin Bộ Quốc Phòng đứng ra bảo trợ những cuộc gặp gỡ trên khắp nước Mỹ dành cho thân nhân những tù binh chiến tranh. Trong buổi gặp gỡ này, các cựu tù nhân sẽ nói chuyện về đời sống trong các trại tù.
Sẽ có một cuộc gặp gỡ như thế ở thính đường Los Angeles Shrine Auditorium và bố cũng như mẹ đều nôn nóng chờ đợi.
Tuần lễ tiếp theo sau đó, khi ngày trọng đại đến, cha mẹ ngồi trong đại sảnh đường. Khoảng gần một chục quân nhân, đều là cựu tù binh chiến tranh, ngồi trên sân khấu sáng đèn. Từng người một, những người cựu chiến binh nói chuyện với khán giả im lặng lắng nghe. Trong số những người lên nói đó có Ray Kusela.
Khi tất cả đã nói xong, người sĩ quan điều khiển chương trình lên tiếng cho biết, “Các cựu chiến binh sẽ từ sân khấu đi xuống tiếp xúc với khán giả và xem kỹ từng tấm ảnh quý vị mang theo. Có thể họ sẽ nhận ra một số người trong những tấm ảnh này và cho biết những thông tin đích xác của người nhận diện được.”
Lập tức, những người có mặt trong hội trường ùa tới vây quanh các cựu chiến binh đưa ra những tấm ảnh của thân nhân mình. Đó là những người cha, người chồng, người con của kẻ mất tích.
Sau này, cha cho tôi biết những gì đã xảy ra với mẹ và cha trong ngày hôm ấy.
“Mẹ và cha đã hết sức sầu khổ kể từ ngày nhận cái điện tín nói rằng con đã mất tích khi thi hành công vụ. Nhưng chàng trai trên sân khấu trước mặt đã đem cho cha mẹ chút ít hy vọng rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp thôi.
“Cha thấy một anh chàng đang rẽ đám đông đi tới. Vừa đi vừa nhìn vào hàng trăm tấm ảnh của những bàn tay đưa ra, và nói “không, không” liên tục. Cho tới khi anh ta tiến tới chỗ mẹ và cha đứng, lúc đó cha đã cảm thấy có hơi thất vọng. Nhưng cha vẫn đưa tấm ảnh của con ra, và rồi bỗng nhiên khuôn mặt anh chàng sáng bừng lên và miệng mở rộng cười, nói. “Ô, đó đúng là Bill!”
Cha tôi kể lúc đó cha phải nén một tiếng khóc và hỏi người cựu chiến binh: “Con tôi có được bình an không?”
“Vâng, vâng. Bill khỏe, tốt lắm,” Ray trả lời xác nhận, và từ đó cất đi gánh nặng mà song thân tôi đã phải mang trên vai kể từ tháng Mười Hai năm trước. Sau đó, anh chàng Ray tiếp tục tiến tới để xem tiếp những bức ảnh người ta đưa ra.
Trên đường về đêm ấy, cha và mẹ đã ôm nhau khóc khi nhớ lại câu nói đã làm sống lại hy vọng trong lòng ông bà. “Vâng, Bill khỏe mạnh lắm”.

(theo Bill Livingstone)