Ký giả của báo The Mail on Sunday xuất hiện tại khách sạn của tôi ở Luân-đôn và hỏi một câu đơn giản: “Nếu hôm nay ông chết, ông muốn có loại đám tang nào?”
Thực sự thì ý tưởng về cái chết đã có trong tôi mỗi ngày kể từ năm 1986, khi tôi hành hương đến Santiago. Trước khi ấy, tôi đã luôn khiếp sợ với ý nghĩ rằng, một ngày nào đó, mọi việc sẽ kết thúc; nhưng trên một trong những chặng đường của chuyến hành hương đó, tôi thực hành một bài tập bao gồm việc trải qua cái cảm giác như khi bị chôn sống. Đó là một kinh nghiệm cực kỳ căng thẳng khiến tôi mất hết sự sợ hãi, và sau đó tôi xem cái chết như bạn đồng hành của tôi mỗi ngày, luôn ở bên cạnh tôi và nhắc nhở: “Tôi sẽ chạm vào bạn, nhưng bạn không biết khi nào đâu. Vì thế bạn hãy sống tràn trề hết mình.”
Bởi vậy, tôi không bao giờ để cho đến ngày mai những gì tôi có thể làm hoặc trải nghiệm hôm nay – và điều đó bao gồm những niềm vui, những trách nhiệm trong công việc, nói lời xin lỗi nếu tôi cảm thấy tôi làm xúc phạm ai đó, và chiêm ngưỡng giây phút hiện tại như đó là giây phút cuối cùng của tôi. Tôi có thể nhớ lại nhiều dịp tôi đã ngửi được mùi hương của sự chết: cái ngày xa lắc vào năm 1974, ở vận động trường Aterro do Flamengo (trong thành phố Rio de Janeiro), khi chiếc taxi tôi đang ngồi bị một chiếc xe hơi khác chặn lại, và một nhóm vũ trang bán quân sự nhảy ra và trùm một cái bao vải lên đầu tôi. Mặc dù họ bảo đảm với tôi rằng sẽ không có điều gì tồi tệ xảy ra cho tôi, tôi vẫn tin chắc rằng tôi sắp trở thành một kẻ “mất tích” khác của chế độ quân phiệt ấy.
Hoặc là vào Tháng Tám năm 1989, lúc tôi bị lạc đường trong khi leo núi Pyrenées. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những dãy núi đầy tuyết phủ và cây cối, nghĩ rằng tôi sẽ không đủ sức để trở về, và kết luận rằng thân xác tôi sẽ không được ai tìm thấy cho đến mùa hè năm tới. Cuối cùng, sau khi lang thang vòng quanh nhiều giờ đồng hồ, tôi tìm ra một lối mòn dẫn tôi đến một ngôi làng hẻo lánh.
Ký giả của báo The Mail on Sunday nài nỉ: nhưng đám tang của ông sẽ như thế nào? Được thôi, theo di chúc của tôi, sẽ không có đám tang. Tôi đã quyết định sẽ được hoả táng, và vợ tôi sẽ rải tro của tôi tại một nơi gọi là El Cebrero ở Tây-ban-nha – nơi mà tôi tìm thấy cây kiếm của tôi. Bất cứ những bản viết tay và bản đánh máy nào chưa xuất bản sẽ được giữ lại, không xuất bản (tôi khiếp sợ đối với số lượng ‘các tác phẩm di cảo’ hoặc ‘những chiếc rương đầy giấy tờ’ mà những người thừa tự của các nhà văn đã đem đi xuất bản một cách vô lương tâm để kiếm tiền; nếu những tác giả đã không muốn xuất bản những thứ này trong lúc họ còn sống, thì sự riêng tư của họ phải được tôn trọng). Cây kiếm tôi tìm thấy trên đường hành hương đến Santiago sẽ được ném xuống biển, và như thế nó được trở về nơi xuất phát của nó. Và tiền của tôi, cùng với tiền nhuận bút sẽ tiếp tục được nhận trong bảy mươi năm nữa, sẽ được hiến dâng tất cả vào quỹ từ thiện mà tôi đã thiết lập.
“Còn câu văn khắc trên bia mộ của ông thì sao?” ký giả hỏi. À, một khi tôi đã được hỏa táng, thì sẽ không có bia mộ để mà khắc chữ, bởi vì tro hỏa táng của tôi sẽ được gió đưa đi khắp nơi. Nhưng nếu tôi phải chọn một câu, tôi sẽ chọn câu này: ‘Ông ấy đã chết trong lúc vẫn còn sống’. Điều đó có vẻ như mâu thuẫn trong chữ nghĩa; nhưng tôi biết rất nhiều người đã ngừng sống, mặc dù họ vẫn tiếp tục làm việc và ăn và tiếp tục với những sinh hoạt xã hội thường lệ của họ. Họ làm mọi chuyện theo quán tính tự động, không hay biết gì về cái khoảnh khắc kỳ diệu của mỗi ngày, không bao giờ ngừng lại để nghĩ về sự mầu nhiệm của cuộc sống, không hiểu rằng giây phút tiếp theo có thể là giây phút cuối cùng của họ trên mặt đất của hành tinh này.
Khi ký giả ra về, tôi ngồi xuống trước máy vi tính và quyết định viết bài này. Tôi biết nó không phải là một đề tài mà ai cũng thích suy nghĩ đến, nhưng tôi có một bổn phận đối với các độc giả của tôi – đó là làm cho họ nghĩ về những điều quan trọng trong đời sống. Và cái chết có lẽ chính là điều quan trọng nhất. Tất cả chúng ta đang bước về phía cái chết, nhưng chúng ta không bao giờ biết khi nào cái chết chạm vào chúng ta, và vì thế, bổn phận của chúng ta là nhìn chung quanh mình, bày tỏ lòng biết ơn đối với từng giây phút trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải biết ơn cái chết, bởi vì nó làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của mỗi quyết định chúng ta đưa ra, hoặc không đưa ra; nó làm cho chúng ta dừng lại trước bất cứ hành vi nào khiến chúng ta bị vướng vào kiểu ‘sống mà như chết’, và, thay vào đó, nó thúc giục chúng ta bất chấp tất cả, đánh cược tất cả cho những điều mà chúng ta luôn luôn mơ ước thực hiện, bởi vì, dù chúng ta có thích hay không, thiên thần của cái chết vẫn đang chờ đợi chúng ta.

Paulo Coelho
Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc Tuấn
Trích từ nguồn website tienve.org