Menu Close

Hồi Giáo – Đàng sau bức màn đen

Từ những vụ khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ và Phương Tây với hệ lụy là cuộc chiến Trung Đông kéo dài, từ những làn sóng cách mạng của thế giới Ả Rập đến các tranh chấp tôn giáo trong khu vực cùng cuộc chiến giữa Palestine và Do Thái hiện nay, người dân Phương Tây dường như có cái nhìn đầy định kiến khi nói đến thế giới Hồi Giáo. Nhưng chân diện mục của Hồi Giáo, tôn giáo lớn thứ hai này ra sao? Tiếp tục loạt bài về những xung đột tại Trung Đông hiện nay, chuyên mục tuần này đem đến cho các bạn vài nét tổng lược về tôn giáo này.

 

alt

Thánh địa Mecca

Tự thân từ  “Islam”  có nghĩa là sự tùng phục (submission) – tùng phục theo ý Đức Chúa Trời, phát sinh từ tiếng Syria mang ý nghĩa “thiết tạo sự bình an” (making peace). Một từ khác chỉ những người tùng phục là Muslim. Cả hai từ này đều có cùng từ nguyên là “salaam” trong tiếng Ả Rập, mang ý nghĩa “bình an” (peace). Ðó là một đức tin kêu gọi lòng nhân ái, khiêm cung và phục vụ. Và nó giống các tôn giáo khác nhiều điều, ở một mức độ đáng kể. Như những tín đồ Thiên Chúa Giáo hay Do Thái Giáo, tín đồ Hồi Giáo cũng tin rằng họ là hậu duệ của Abraham. Họ cầu nguyện cùng một đức Chúa Trời, mà họ gọi là Thánh Allah, và tin vào những nhà tiên tri. Họ xem Chúa Jesus là một nhà tiên tri vĩ đại dù không xem Chúa Jesus là con Chúa Trời. Trong kinh Koran của Hồi Giáo, Ðức Mẹ Ðồng Trinh được nhắc đến còn nhiều hơn cả trong Tân Ước của Thiên Chúa Giáo.

 

alt

Người Hồi Giáo Indonesia trong Thánh Đường ở Jakarta- nguồn pdnonline.com

Hồi Giáo là một tôn giáo mang nét rất riêng dựa trên kinh Koran, du nhập một vài giáo điều của các tôn giáo khác, sửa đổi vài điều và phủ nhận những điều khác. Những tín đồ Hồi Giáo tin rằng họ thờ phụng cùng một  Chúa Trời (Ðức Allah) với người Thiên Chúa Giáo và Do Thái Giáo, nhưng họ không nghĩ về Thượng đế theo cách nghĩ của hai tôn giáo trên. Ðức Allah của Hồi Giáo không mang thuộc tính người thường, không có không gian và thời gian tính. Ðức Allah là siêu lực vô nhiên, tuyệt đối, không thể nhìn bằng mắt thường dù hiện diện ở khắp mọi nơi, hiện hữu trong đời sống mỗi người. Ðó là lý do không hề có tranh vẽ hay tượng thờ Ðức Allah như các tôn giáo khác. Con người có quyền tự do chọn lựa sự vâng lời Ngài hay không nhưng khi đến Ngày Phán Xét, Ngài sẽ phán xử mỗi người  dựa trên đức tin đó để được lên thiên đàng hay chịu muôn kiếp dưới hỏa ngục.

 

alt

Thánh Kinh Koran – nguồn fr.dreamstime.com

Phần lớn 1.6 tỉ tín đồ Hồi Giáo không cư ngụ tại vùng Ả Rập, nhưng tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thống của tôn giáo vì kinh Koran được viết bằng tiếng Ả Rập. Không giống như Thánh Kinh được chuyển dịch ra hầu hết các thứ tiếng khác nhau, Hồi Giáo tin rằng kinh Koran được truyền đạt đến tín đồ bằng một ngôn ngữ mà thôi, khi lời của Ðức Allah là bất di bất dịch, không thể sửa đổi, hay nói một cách nghiêm ngặt hơn, là không được chuyển dịch. Tiên tri Muhammad ibn Abdullah, một nhà buôn Ả Rập, được coi là người ghi lại lời dạy của Ðức Allah, theo sự hướng dẫn của thiên thần Gabriel để tuyên xưng lời Ðức Allah qua kinh Koran vào năm 610 sau Công Nguyên.

 

alt

Giáo sĩ (clergy) hiện đại – nguồn majalla.com

Hồi Giáo chủ trương cổ vũ cho lòng bác ái và tinh thần từ thiện và đây là một trong những hành động của đức tin. Họ tin rằng sự giàu có thuộc về Ðức Allah và cần chia sẻ cho người khác. Zakat, một thứ thuế tự nguyện hay bắt buộc theo từng mỗi quốc gia Hồi Giáo, là để giúp đỡ những người bất hạnh hơn. Thuế Zakat dùng giúp cho người nghèo khổ, bịnh tật, kẻ mang nợ, chuộc con tin các vụ tống tiền, giải phóng nô lệ và rao giảng đức tin. Và có lẽ chính những việc làm này là lý do thu hút người nghèo. Là những người sùng mộ, tín đồ Hồi Giáo  cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Thánh lễ đông người chỉ bắt buộc nửa đêm Thứ Sáu và 2 ngày lễ khác. Nhưng người Hồi Giáo tin rằng nếu cầu nguyện chung thì ơn lành được tăng gấp nhiều lần so với cầu nguyện một mình, nên đó là lý do Hồi Giáo tạo được sự liên kết và sức mạnh cộng đồng.

Về điều mà chúng ta vẫn được nghe là Jihad, Cuộc Thánh Chiến, thật ra mang một ý nghĩa và khái niệm phức tạp hơn suy nghĩ của một số người cho rằng đó là lời kêu gọi bạo lực. “Jihad” – đức tin thứ 6, chỉ đơn giản là kêu gọi sự đấu tranh tự thân của tín hữu cho đức tin và để lan truyền đức tin. Kinh Koran chỉ kêu gọi cuộc trả đũa khi thế giới Hồi Giáo bị tấn công: “Chiến đấu cho Allah với những kẻ tấn công các ngươi, nhưng đừng tấn công họ trước. Allah không yêu chuộng những kẻ hiếu chiến” (Sura 2, v. 190). Có lẽ ở mặt nào đó, “Jihad” cũng là khái niệm “tử đạo” như nơi một số tôn giáo khác.

 

alt

Nữ chiến binh Hồi Giáo Jihad Palestine – nguồn nbcnews.com

Tuy nhiên, chính từ sự sùng tín đã dẫn đến sự cuồng tín của những thành phần cực đoan. Chính họ là những thủ phạm đã gây cho người dân Phương Tây một cái nhìn định kiến nói chung. Ngược lại, thiếu đi sự thông hiểu về tôn giáo cũng sẽ dễ dàng tạo nên những cái nhìn thiếu thiện cảm về thế giới Hồi Giáo trong một số người dân phương Tây, ngoài ra còn có thể tạo thêm những vực sâu của thù địch. Nhận chân về bản chất tôn giáo, lịch sử, văn hoá và xã hội lẫn nhau là điều cần thiết cho cả thế giới Hồi Giáo lẫn phương Tây, để lòng hận thù và những cuộc chiến tranh chẳng còn lan tràn trên hành tinh nhỏ bé này.

 

alt

Tín đồ Hồi Giáo trong giờ cầu nguyện – nguồn sodahead.com

KTT – Nguồn: US News