Con đường cao tốc Kinh Đài, từ thủ phủ Phúc Châu là con đường đưa Tâm đến huyện lỵ miền xa của Phúc Kiến. Ngồi trên xe, Tâm thấy bỡ ngỡ bởi con đường hiện đại quá. Quang cảnh hai bên đường làm Tâm choáng ngợp. So với những con đường làng đầy bụi đất ở Bến Tre quê mình, thật là một trời một vực. Thế cho nên ai cũng mơ ước được lấy chồng ngoại quốc. Nước người ta sao phát triển nhanh như thế. Cuộc sống của người ta sao cao sang và hiện đại như thế. Xem trên phim ảnh, không bằng bây giờ Tâm chính mắt chứng kiến những cao ốc xinh đẹp, những chiếc xe hơi nối đuôi nhau trên con đường cao tốc. Ở nước mình làm sao sánh được, có chạy theo cả thế kỷ cũng không bằng. Tâm yên chí, cô nghĩ cô đã chọn đúng hướng đi cho mình. Vừa đổi đời sống chân lấm tay bùn ở quê nhà, vừa có một số vốn khá khá để lại cho ba má làm vốn liếng sinh nhai. Nói theo người Trung Quốc, đó đúng là “nhất cử lưỡng tiện”.
Nghĩ tới người chồng tương lai, tuy lớn gấp đôi tuổi Tâm, nhưng diện mạo hơn hẳn mấy anh Việt Nam, quê mùa cục mịch nơi quê mình. Người chồng Trung Quốc của cô ăn mặc tươm tất, cử chỉ từ tốn, không có gì thô bạo. Tâm nhớ hôm làm đám cưới tập thể ở Đầm Sen, trên Sài Gòn. Lúc ấy, Tâm diện áo cưới, đứng bên người chồng mặc vest, thắt cà vạt trông cũng chẳng khác nào các nhân vật trong phim bộ dài tập của Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Khi không, Tâm bỗng dưng biến thành con thiên nga, bay khỏi vũng bùn muôn thuở ở quê nhà. Vài hôm sau, nhìn hình cưới, Tâm không thể tưởng tượng đó là cô. Người thợ chụp hình thật khéo tay, chụp xong thấy Tâm không giống là con Tâm làm ruộng ở Bến Tre nữa.
Ngày làm đám cưới cho Tâm ở trong làng, Tâm như được ai đó cầm cọ phết lên một dấu sắc, thành con Tấm tân thời. Mẹ Tâm thì “trong héo ngoài tươi”. Ruột bà đứt từng đoạn một khi nghĩ từ đây bà sẽ mất con vĩnh viễn. Chú rể thì ít nói (hay nói không được tiếng Việt) nên cứ cười cười, gật gật cho xong chuyện. Thế mà hay. Càng ít nói, anh càng ít bị những câu hỏi dễ đụng chạm. Như anh làm gì bên đó? Nhà anh gồm những ai? Ba mẹ còn hay mất? Thậm chí, anh có bao nhiêu căn nhà v.v…?.
Thắm Nguyễn
Trong lòng Tâm, không buồn, cũng chẳng vui. Cô chỉ thấy hơi lo. Bỗng dưng lại theo một người chồng chưa hiểu rõ nhau, không cùng ngôn ngữ, đến một đất nước xa xôi. Ở đó, có chuyện gì bất trắc xảy ra, cũng không biết kêu cứu vào ai. Nhưng cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam cùng khốn như cô ở thời đại này chỉ là phận bọt bèo. Rẻ rúng. Nhiều khi Tâm không khỏi phì cười, khi nghĩ tới những cô gái cùng chung số phận với mình, gặp nhau trong văn phòng môi giới hôn nhân. Có cô đã nói: Cũng tốt thôi, bây giờ Mẹ Việt Nam, trở thành mẹ quốc tế. Mẹ Tàu. Mẹ Mỹ. Mẹ Nga. Mẹ Tây. Mẹ Hàn Quốc… mẹ của cả thế giới. Lịch sử Việt Nam bước sang một trang thật… “vĩ đại” và “hoành tráng”. Nói xong, cả lũ cùng cười. Như điên. Đúng rồi, không có cái điên nào bằng cái điên nào. Bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ anh, bỏ em, bỏ láng giềng, tổ quốc ra đi, chỉ vì một khoảng tiền cỡ 20 triệu đồng bác Hồ. Hôn nhân chỉ là một cuộc mua bán không sòng phẳng mà thôi. Biết là không sòng phẳng, thiệt thòi. Nhưng đa số những cô gái Việt Nam phải chấp nhận là vì sao? Hỏi mà không cần trả lời. Ai nấy cũng hiểu? Nhưng rồi làm sao? Ruộng đất, nhà cửa bị cưỡng chiếm. Người dân không có ruộng cày? Thì lấy lúa gạo đâu đóng thuế cho đảng và nhà nước? Thanh niên trai tráng sức dài vai rộng, thì bị đẩy ra nước ngoài làm công cho thiên hạ, góp phần làm giàu mạnh thêm cho đất nước người ta. Con gái thì không thèm lấy chồng Việt Nam, thoát ly đất nước, bằng cách nhắm mắt đưa chân. Những thanh niên yêu nước, có lòng với quốc gia dân tộc, đều bị trù dập, bắt bớ. Ở trong nước, nổi trội nhất là một đám thanh niên con ông cháu cha, con của các đại gia coi tương lai đất nước không ra gì, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ. Chạy theo những hư danh, phù phiếm. Việt Nam về đâu? Thây kệ, về tay Trung Quốc một ngày không xa, thì cũng mặc. Cứ hối hả sống. Hối hả hưởng thụ. Về tay Trung Quốc ư? Lúc đó Tâm cũng đã là công dân Trung Quốc, mẹ của một thằng Trung Quốc con. Rồi Tâm sẽ bế con về nhà. Thằng con có hư, Tâm sẽ đè đầu nó ra chửi bằng một tràng tiếng Trung Quốc, để trả thù dân tộc. Cho bà con láng giềng lác con mắt chơi.
Có lần, Tâm bị gã người (Tàu) Hồng Kông sàm sỡ cô. Tâm la lớn: “Tiểu nị lậu mậu…”. Tâm chỉ kịp kìm giữ được hai chữ cuối. Có người đã dạy cô nói như thế. Chẳng biết cô phát âm có đúng hay không? Nhưng khi gã Hồng Kông nghe xong. Rống lên một tràng. Tâm chẳng hiểu. Cũng chẳng cần hiểu. Chỉ lầm bầm trong miệng. Đ.M. Nị tưởng gái Việt Nam dễ ăn hiếp lắm sao? Tâm cũng có chút tự ái dân tộc mà. Cô đâu phải là món hàng. Người ta chọn cô, cô cũng biết chọn người ta chứ? Cô rất ghét cái bọn Hồng Kông ỷ có chút tiền bạc, và có cuộc sống cao hơn người Việt, xem người Việt Nam không ra gì. Trước đó, Tâm đã bực mình, khi nghe cô môi giới người Hông Kông nhìn tụi Tâm từ đầu đến chân, rồi phán một câu đầy ganh tị. “Con gái Việt Nam đẹp thiệt, nhưng sao đàn ông Việt Nam thì lại xấu quá?”. Tâm cũng không vừa, cô nhìn người môi giới Hồng Kông nói tiếng Việt rất sõi, rồi bĩu môi: “Còn đàn ông Hồng Kông thì đẹp, nhưng sao con gái Hồng Kông thì lại quá xấu.” Cô gái Hồng Kông giận run người. Tâm sợ gì? Cái gã Hồng Kông mất phép lịch sự, đưa tay bóp vú Tâm một cách công khai lúc nãy, đã bị Tâm dạy cho một bài học rồi mà.
Người chồng mà Tâm ưng thuận, là người thứ ba sau khi xem mắt qua vài lần. Nhất quá tam. Hy vọng lần này Tâm chọn không sai. Vì, đây là cả cuộc đời Tâm. Trông anh cũng hiền lành, chất phác. Anh chỉ hơi khoe khoang khi nói anh có căn nhà gạch lớn ở Trung Quốc.
o O o
Nhưng rồi, những choáng ngợp trên con đường cao tốc Kinh Đài cũng qua mau. Từ Phúc Châu, Tâm phải đổi xe buýt, cùng chồng đi thêm 4 chặng xe đò. Lúc này thì Tâm không còn kiên nhẫn nữa. Cô luôn miệng hỏi chồng chừng nào đến. Những chặng xe đò, từng chặng một, trên những con đường gồ ghề, xa dần thị thành, dẫn Tâm vào những vùng quê hẻo lánh. Đâu rồi căn nhà gạch to lớn mà chồng Tâm đã xây dựng trong đầu cô? Rồi Tâm lại đổi xe, lần này cô cùng chồng ngồi xe công nông từ chân núi chạy băng qua cánh rừng tre, bạt ngàn. Tiếng gió rít trên cành tre, như những ngọn roi quất vào lòng Tâm những vết bầm tím. Sự thật là đây. Muộn rồi. Cuộc đời trái ngược những gì trong phim ảnh. Toàn là lừa gạt. Đảo điên. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ nữa, Tâm mới đến được thôn Trần Địa, xóm núi hẻo lánh nơi thâm sơn cùng cốc, nằm tận cùng tỉnh Đông Sơn. Ở đây chỉ có non 20 nóc gia nằm ở độ cao 2000 mét. Tâm bật khóc khi nhìn căn nhà gỗ mái lá, còn tệ hơn căn nhà của ba mẹ cô ở Việt Nam.
Cuối cùng thì Tâm cũng hiểu gia đình chồng cô rất nghèo. Chỉ vay đủ tiền để “mua” vợ Việt Nam. Ở đây, ngoài việc hầu hạ bố mẹ chồng, Tâm còn phải làm lụng, để kiếm tiền “trả” nợ cho chồng đã ứng trước để “mua” cô về. Theo chồng cô, số tiền anh vay là 60 ngàn Nhân Dân Tệ (hối suất bấy giờ khoảng 7,500 Mỹ kim). Thế mà qua các tay trung gian mai mối, chỉ đến được gia đình Tâm khoảng 1,000 Mỹ kim. Bây giờ, Tâm như phải trả cả vốn lẫn lời. Một số lời khổng lồ từ con vốn nhỏ. Bên cạnh đó, Tâm còn có một nhiệm vụ tối quan trọng khác là phải sanh cho gia đình chồng được một đấng con trai.
Tâm đã trải qua một mùa đông nhiệt độ rớt xuống âm. Cái lạnh như cắt da xẻ thịt. Có nhiều lần cô đã muốn tự tử cho xong kiếp người. Sau mùa đông, lớp băng đá tan vữa, trở thành lầy lội. Trở thành cực hình cho Tâm trong những lúc di chuyển, đi đứng. Tâm cũng theo người dân sống bằng nghề trồng tre và nhặt hạt dẻ. Còn nhọc nhằn hơn những lúc ở quê nhà phụ ba má làm nông. Tâm cũng được ba má cho đi học hết cấp hai. Không nhiều. Nhưng cũng đủ nhận thức những sự việc xảy ra với đất nước nhược tiểu cô đã sinh ra và lớn lên. Đủ để nhận thức được thân phận của những người phụ nữ Việt vì sinh kế, gia đình, phải bươn chải, chịu rất nhiều uất ức nơi xứ lạ quê người. Những mùa đông lạnh lẽo như thế này, Tâm phải ngồi nhà, đan từng cái chổi tre để dành bán kiếm thêm tiền.
Mỗi tuần một lần, Tâm còn phải gồng gánh, chuyên chở những bao măng, và những chiếc chổi tre cao lút đầu ra chợ phiên bán. Có lúc Tâm lén lút dành dụm một số tiền, có cơ hội gửi về cho ba mẹ. Mẹ chồng phát hiện, cô bị đánh cho một trận thừa chết thiếu sống. Cả làng ai không biết nhà họ Khang có cô con dâu người Việt Nam. Thế cho nên Tâm đi đâu cũng bị người ta nhớ mặt. Họ báo với mẹ chồng cô khi cô tìm cách trốn đi, nhưng vừa xuống được chân núi thì bị phát hiện, kết quả là một trận đòn dã man, và hộ chiếu của cô cũng bị mẹ chồng cất giữ. Từ đó về sau, Tâm an phận thủ thường. Chồng cô đối với cô như một người chỉ mang về nhà để làm hai nhiệm vụ: đẻ con, và làm lụng kiếm tiền trả số nợ mà anh đã vay khi cưới cô. Thế thôi. Không tình cảm. Chẳng yêu đương. Trái với người mẹ chồng nói nhiều trong nhà, ông bố chồng thường ngày lại ít nói. Tính tình cục cằn. Có chút rượu vào thì không thể khống chế bản thân. Nhờ làm lụng tay chân, nên gần lục tuần rồi, trông ông vẫn còn khỏe mạnh. Vợ ông thì cùn mằn, trông già cỗi hơn ông.
Dần dà, Tâm đầu hàng số phận. Từ một thiếu nữ Việt Nam trở thành một người đàn bà bần cùng của Trung Quốc. Tóc tai, ăn mặc cũng giống người Trung Quốc. Riết rồi, người ta quên luôn tên Tâm – con dâu Việt Nam – mà chỉ nhớ đến Tâm là cô con dâu nhà họ Khang.
Con Tấm ngày xưa bị bật tung khỏi giấc mơ hóa kiếp, bây giờ chuyển qua một kiếp sống cực kỳ thê thảm. Không biết ba má Tâm ở quê nhà khi biết được Tâm sống như thế này, thì một ngàn Mỹ kim cô để lại cho gia đình có làm ông bà tủi nhục. Sống trên nỗi bất hạnh của con cái mình. Hỡi những đấng cha mẹ Việt Nam. Nỡ lòng nào rao bán con mình. Hỡi đất nước Việt Nam không đủ sức dung chứa những đứa con da vàng của mẹ.
o O o
Hai năm trôi qua, không thấy dấu hiệu bầu bì gì nơi Tâm, bà mẹ chồng tỏ ra sốt ruột. Nghiến răng chì chiết Tâm mỗi ngày. Dạo này, Tâm cũng đã hiểu được ý bà muốn chửi những gì. Càng hiểu nhiều, Tâm càng thấy đau, như mũi dao càng lúc càng lún sâu vào trong da thịt cô. Nhưng biết làm sao hơn, anh chồng chỉ biết phục tùng mẹ. Không dám bênh vực Tâm dù chỉ là một cử chỉ. Tâm nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ ba má quắt quay. Nhớ cả tiếng xôn xao, chửi rủa tục tằn nơi quán hàng, chợ búa. Tất cả, chỉ còn đọng trong trí Tâm nỗi muộn phiền, ray rứt khôn nguôi. Tâm xin phép được trở về thăm ba má, nhưng bị cả nhà gạt phắt, phản đối kịch liệt. Hóa ra vì đồng tiền. Tốn kém rất nhiều. Lại càng sợ Tâm ở luôn bên Việt Nam, không chịu trở lại. Nói cho cùng, Tâm chỉ là một người tù khổ sai cho đất nước Trung Quốc, mà gia đình họ Khang là một nhà tù, các thành viên trong gia đình là những người cai ngục khắc nghiệt mà thôi. Mẹ Việt Nam ơi!Trách ai bây giờ? Thôi đành trách Lá Diêu Bông. Diêu bông ơi hỡi! Diêu Bông. Sao em nỡ vội lấy chồng? Bây giờ khổ quá chổng mông mà gào. Không biết ai đã nhại ca khúc của Trần Tiến lấy theo ý thơ Hoàng Cầm, như thế? Thuở còn mộng mơ, Tâm thích bài thơ này lắm. Tâm đi tìm. Tìm cùng khắp. Cuối cùng, tìm đến cả Trung Quốc, cũng chẳng có chiếc Lá Diêu Bông nào. Tất cả chỉ là những ảo tưởng của một thiên đường không bao giờ có thật.
o O o
Đêm xóm núi buồn thiu. Cái lạnh của núi rừng khiến Tâm trằn trọc mãi. Cô đã quấn một tấm chăn bông dày. Thế nhưng cái lạnh cứ như từ trong xương tủy cô lạnh ra. Cả nhà đều đi ăn cưới xóm dưới. Tâm cáo mệt, xin thôi. Cô ngán ngẩm những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại mãi. Chừng nào có con đây? Chừng nào cho bà Khang lên chức bà nội đây? Hoặc sỗ sàng hơn nữa là: Sao? Không đẻ đái gì được hả? Tâm sợ lắm. Nhất là sau mỗi câu hỏi, lại là một cái nhìn lạnh ghẻ của người mẹ chồng. Đêm âm u. Gió núi hú lên những tràng âm thanh ma quái. Tâm nằm quay mặt vào vách. Cô bỗng nghe thấy tiếng bước chân. Rồi có người vén màn bước vào. Bàn tay lần mò vào trong chăn, quờ quạng trên da thịt cô. Tâm nằm yên. Cô yên chí chồng cô đã về. Cái lạnh kéo hai thân thể gần lại với nhau hơn. Tâm xoay người lại. Cô há hốc miệng định la lớn, thì bị một bàn tay thô nhám bịt miệng cô lại. Trong bóng đêm nhầy nhụa, cô thấy khuôn mặt cúi xuống thấp trên người cô không ai khác hơn là bố chồng. Hơi thở ông nồng nặc hơi rượu. Ông thì thào qua tai Tâm:
“Mày mà la lên một tiếng là tao giết chết mày.”
Tâm vùng vẫy. Cô ú ớ. Âm thanh tắc nghẽn trong cuống họng. Cô đuối sức dưới hai bàn tay chắc như hai gọng kềm. Cuối cùng cô đầu hàng số mệnh.
Ngày hôm sau, trước đôi mắt giám sát của bố chồng, cô không dám hó hé một lời. Cô nghe nói tối hôm qua ông viện cớ mệt, nên về nhà trước. Một mình. Để mẹ chồng và chồng cô ở lại, tan tiệc mới về. Thì ra ông đã có âm mưu. Thảo nào Tâm đã hơn một lần thấy ông trộm nhìn cô. Nhưng trong tâm tư trong sáng của Tâm, cô không bao giờ có ý nghĩ ông sẽ làm những điều trái luân thường đạo lý như thế. Hóa ra chế độ cộng sản của bác Mao Trạch Đông mang lại cho nhân dân Trung Quốc, đã xóa tan những lễ nghĩa, tư tưởng Khổng, Mạnh mà người Trung Quốc vốn tự hào?
Những lúc không có ai bên cạnh, ông Khang thường đến đe dọa Tâm. Rằng, nếu cô tiết lộ sự việc, ông sẽ giết cô, chôn cô vào một nơi xó xỉnh góc rừng nào đó. Rồi vu cáo cô ăn cắp tiền bạc trốn về Việt Nam. Lúc đó, ai cũng tin ông cả. Lời đe dọa, thật là hiệu nghiệm. Tâm không dám hó hé nửa lời. Ăn vụng riết thành quen. Thế là Tâm đành phải “phục vụ” cả hai cha con nhà họ Khang.
Rồi Tâm cấn thai. Chồng Tâm và mẹ anh mừng lắm. Riêng Tâm, cô rất buồn. Tâm biết rõ ai là tác giả của bào thai đó. Loạn luân như thế thì chỉ có nước sanh ra quái thai. Ý nghĩ đó giằng xéo Tâm từng đêm. Tâm không còn bị bà mẹ chồng đay nghiến. Nhưng trong lòng cô còn đau khổ gấp trăm ngàn lần. Tâm thấy tội nghiệp cho bà mẹ chồng hơn là trách móc. Nói cho cùng, cũng là phận đàn bà với nhau. Tâm cũng giấu nhẹm bố chồng, không cho ông biết cái thai này là của ông. Hình như ông cũng có hoài nghi. Nhưng Tâm vẫn giữ kín trong lòng. Một mình Tâm đau khổ.
Nhiều lúc, suy nghĩ quẩn, Tâm muốn phá thai. Nhưng cô không làm được. Giọt máu nghiệp chướng dầu sao cũng là của cô. Tâm đã hối hận rất nhiều khi chọn con đường lấy chồng xa. Không cùng tập quán, ngôn ngữ. Làm vợ, nhưng vai bậc của cô lúc nào cũng bị ở trong vị thế của một người hầu kẻ hạ. Người ta có coi cô là vợ đâu? Người ta chỉ xem cô như một con trâu, mua về để cày ruộng. Có phải cô là người Việt Nam, một nước nhược tiểu, nghèo nàn chậm tiến, nên bị người dân nước khác coi thường, nhìn cô như súc sanh? Cái cảm giác đó Tâm đã từng trải qua. Những tia mắt đó Tâm cũng từng bị xăm xoi. Càng nghĩ, Tâm càng giận mình. Càng nghĩ, cô càng đớn đau. Càng nghĩ cô càng quẫn trí.
Một ngày, ông Khang vào phòng Tâm, khi trong nhà chỉ còn mình Tâm. Ông mang cho cô chén thuốc. Bắt cô uống. Tâm vùng vằng kháng cự. Bị ông đánh như giã gạo vào bụng cô. Ông bóp miệng cô, đổ chén thuốc đắng vào. Vừa đổ, ông vừa rít giọng giữa hai kẽ răng:
“Không thể để đứa bé chào đời được.”
Tâm hốt hoảng xô ông ra. Tâm phóng người ra cửa. Tâm chạy băng qua khu rừng tre. Cành lá cào cấu vào da thịt cô những nỗi đau nhức nhối. Tâm cắm đầu chạy xuống núi. Máu từ hạ bộ tuôn xuống ống quần. Hình như Tâm không còn nhớ cô là ai?
VP
Cảm tác khi đọc: “Nhắm Mắt Lấy Chồng Trung Quốc” của Viễn Sự – Đông Phương (từ Phúc Kiến – Trung Quốc), được post lên Tuổi Trẻ Online 01/01/2014