Ebola là một căn bệnh do nhiễm trùng siêu vi khuẩn, virus, được gom vào nhóm bệnh tạo ra sốt xuất huyết hay “Hemorrhagic Fever” và gọi tên “Ebola Virus Disease” hay EVD. Hiện nay, Ebola vẫn còn là bệnh nan y gây tử vong nhanh chóng, của con người và các thú vật có xương sống, primate, như khỉ, dã nhân…
Siêu vi khuẩn gây Ebola thuộc họ Filoviridae, chi Ebolavirus. Chủng Ebolavirus đầu tiên xuất hiện năm 1976 tại vùng đất ngày nay là quốc gia Democratic Republic of the Congo, gần Ebola River. Từ đó, các trận dịch Ebola thỉnh thoảng xuất hiện và gây tử vong cho nhiều bệnh nhân.
Hiện nay, theo bản tường trình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, the World Health Organization (WHO), dịch Ebola đã xuất hiện tại Guinea, Liberia, và Sierra Leone.
Về phương diện vi sinh học, ta đã nhận diện được 5 chủng Ebolavirus, bốn trong 5 chủng siêu vi khuẩn này gây nhiễm trùng cho con người: Ebola virus (Zaire ebolavirus); Sudan virus (Sudan ebolavirus); Taï Forest virus (Taï Forest ebolavirus, trước đây có tên Côte d’Ivoire ebolavirus); và Bundibugyo virus (Bundibugyo ebolavirus). Chủng siêu vi khuẩn thứ năm, Reston virus (Reston ebolavirus), chỉ gây nhiễm trùng cho thú vật như khỉ, dã nhân.
Y học chưa biết rõ nguồn gốc của ebolaviruses. Tuy nhiên, dựa trên các kiến thức về các siêu vi khuẩn tương tự, các chuyên viên vi sinh ước đoán rằng siêu vi khuẩn Ebola xuất phát từ thú vật, hay “zoonotic”, và dơi dường như là “gốc” của Ebola. Bốn chủng siêu vi khuẩn Ebola gây nhiễm trùng cho con người xuất phát từ thú vật sinh sống tại Phi Châu.
“Gần gũi” nhất về cấu trúc với Ebola là Reston virus, RESTV, nhận diện từ giống khỉ cynomolgous (dùng trong phòng thí nghiệm) được nhập cảng vào Hoa Kỳ và Ý từ Philippines trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhiều nhân viên từ các trung tâm nghiên cứu nuôi giống khỉ kể trên bị nhiễm trùng nhưng không gây bệnh tật đáng kể. Tạm hiểu là RESTV, dù là chủng siêu vi khuẩn gần gũi với Ebola nhưng không nguy hiểm như các chủng siêu vi khuẩn “họ hàng”. Từ đó, kiến thức từ RESTV được áp dụng trong việc tìm hiểu Ebola.
Cách truyền nhiễm
Ebola lây sang con người qua việc tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, thịt hoặc bộ phận nội tạng của thú vật bị nhiễm trùng. Tại Phi Châu, sự nhiễm trùng xuất phát từ việc tiếp xúc với dã nhân, khỉ, dơi, sơn dương bị nhiễm trùng; sờ mó xác thú bị bệnh, ăn thịt các con thú bị bệnh trong rừng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng.
Sau đó, người nhiễm trùng mang bệnh về thôn làng và lây bệnh cho những kẻ chung quanh trực tiếp qua các vết lở trên da hoặc màng nhày trong cơ thể hoặc gián tiếp, qua việc sờ mó các vật dụng bị ô nhiễm với chất lỏng trong cơ thể, máu … Ngay cả khi tẩm liệm bệnh nhân, việc sờ mó tiếp xúc với xác chết cũng có thể gây bệnh.
Người bị nhiễm trùng nhưng thoát chết vẫn có thể truyền bệnh cho kẻ khác qua tinh dịch trong vòng 7 tuần sau khi lành bệnh.
Nhân viên y tế dễ bị nhiễm trùng khi chăm sóc bệnh nhân mà không áp dụng cẩn thận các phương pháp cách ly, phòng ngừa chặt chẽ.
Dấu hiệu và triệu chứng
EVD là một căn bệnh cấp tính, khi bị nhiễm trùng các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng: bệnh nhân lên cơn sốt, bắp thịt đau nhức, nhức đầu, rát cổ và vô cùng mệt mỏi. Sau đó là ói mửa, tiêu chảy, da nổi mề đay, suy gan và suy thận và trong một số ca, bệnh nhân bị xuất huyết.
Khi thử máu, bạch cầu và tiểu cầu thường rất thấp trong khi các enzyme từ gan lên cao.
Khi các triệu chứng thuyên giảm, bệnh nhân vẫn còn trong giai đoạn nhiễm trùng vì máu và các chất lỏng trong cơ thể vẫn còn dấu vết của siêu vi khuẩn và có thể gây bệnh cho người chung quanh.
Chẩn bệnh
Với các triệu chứng tương tự như các căn bệnh nhiễm trùng khác nên EVD có thể bị nhầm lẫn với sốt rét (malaria), kiết lỵ (typhoid fever), shigellosis, dịch tả (cholera), leptospirosis, dịch hạch (plague), rickettsiosis, relapsing fever, viêm màng não (meningitis), viêm gan (hepatitis) và các căn bệnh gây sốt xuất huyết khác.
Nhiễm trùng Ebola được xác nhận qua các loại thử nghiệm sau đây:
• Đo lượng kháng thể trong máu qua phương pháp antibody-capture enzyme-linked immunosorbent assay (ELISA)
• Đo lượng kháng sinh (antigen)
• Đo lượng kháng thể-kháng sinh trung hòa trong máu (serum neutralization)
• Đo mức di tính của siêu vi khuẩn qua kỹ thuật reverse transcriptase polymerase chain reaction (RT-PCR) assay
• Nhận diện siêu vi khuẩn qua kính hiển vi điện tử (electron microscopy)
• Nhận diện siêu vi khuẩn trong dĩa [nuôi] tế bào.
Các mẫu máu, chất lỏng trong cơ thể bệnh nhân là các nguồn truyền nhiễm mạnh mẽ, nhân viên phòng thí nghiệm cần áp dụng các phương pháp cách ly và phòng ngừa vô cùng cẩn thận.
Ta chưa có cách chữa trị hữu hiệu cũng như chưa tìm ra thuốc chủng ngừa cho căn bệnh nan y này.
Chữa trị
Bệnh nhân cần được cách ly chặt chẽ, tiếp nước biển để tránh khô nước và cho uống nước chứa khoáng chất nếu bệnh nhân tỉnh táo và có thể uống. Truyền máu, lọc thận khi cần thiết.
Phòng ngừa
Tuy chưa chữa trị được chứng bệnh này, ta vẫn có thể tiết giảm sự lan truyền của EVD qua các cách sau đây:
• Giảm sự rủi ro của việc nhiễm trùng bằng cách đừng ăn sống thịt thú rừng. Khi săn bắn, tìm thức ăn, đừng ăn thịt các con thú bệnh tật (không thể chạy trốn nhanh lẹ). Thịt thú vật cần được nấu chín. Đừng uống máu tươi.
• Tiết giảm tối đa việc tiếp xúc với người bệnh. Khi cần, áp dụng các phương pháp cách ly và phòng ngừa chặt chẽ, dùng mạng che mặt, bao tay, quần áo bên ngoài. Tháo bỏ các vật dụng này khi rời giường bệnh và dùng thuốc sát trùng để rửa tay thường xuyên.
• Tại các thôn làng nơi trận dịch đang hoành hành, cư dân cần được báo tin, chỉ dẫn cách phòng bệnh hữu hiệu kể cả việc tẩm liệm, chôn cất các bệnh nhân quá vãng.
TLL