Vào trung tuần tháng 7 âm lịch, một mùa lễ Phật giáo được tổ chức khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở các nước vùng Đông Nam Á châu, đó là lễ Vu Lan. Các chùa chiền của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng tưng bừng không kém. Nhân mùa Vu lan, xin được cùng nhau ôn lại mấy khái niệm về lễ này.
Vu lan là những từ gọi tắt của Vu-lan-bồn. Nguyên ngữ trong tiếng Phạn là ullambana, được người Trung Quốc phiên âm thành Ô-lam-bà-noa (), người Nhật gọi là Urabon.
Ngoài ra, có khi người Tầu còn gọi lễ này là “giải đảo huyền”, nghĩa đen là cởi trói cho người bị treo ngược, còn nghĩa bóng là giải thoát cho những kẻ ở cảnh giới địa ngục, đau khổ nặng nề chẳng khác gì như bị treo ngược.
Ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên, một trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên Chư Tăng và sức chú nguyện của Tam Bảo mà mẹ của Ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới.
Noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, ngày nay những người đệ tử của Phật, đặc biệt là tại những quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Hoa, đều tổ chức lễ Vu Lan để hồi hướng phước đức, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại và cha mẹ đã quá vãng.
Mấy danh xưng trong đạo Phật
Một số độc giả của Trẻ sau khi đọc bài viết trong chuyên mục này về các chức danh Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, đã yêu cầu nói thêm về các vị sư nữ.
Xin được nhắc lại và bổ túc thêm các chi tiết như sau:
– Một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia hay do gia đình gửi gắm vào chùa để làm việc trong chùa, học tập kinh kệ, nghi lễ, thường được gọi là Chú Tiểu (hay Điệu). Sau khi được thụ 10 giới, vị này được gọi là Sa di hoặc Chú (nam) hoặc Sa di ni hay Ni cô (nữ).
– Được ít nhất 20 tuổi đời và chứng tỏ khả năng tu học, đủ điều kiện về tu tánh, vị này được thụ giới cụ túc (250 giới tỳ kheo cho nam, hoặc 348 giới tỳ kheo ni cho nữ) và được gọi là Thầy hoặc Sư cô. Trên giấy tờ thì ghi Tỳ Kheo (nam) hoặc Tỳ Kheo Ni (nữ) trước pháp danh. Từ ngữ Tỳ Kheo có nơi còn gọi là Tỷ kheo, Tỳ Khưu hoặc Tỷ Khưu.
Hiến chương của Giáo hội Phật giáo quy định các danh xưng như sau:
– Từ 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức
– Từ 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa
– Từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng
Bên nữ (ni bộ), có các danh xưng như:
– Từ 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Sư Cô
– Từ 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo, được gọi là Ni Sư.
– Từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo, được gọi là Sư Bà (hoặc Ni Trưởng).
Các vị Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở lớn của giáo hội, thường là trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng.
Những danh xưng nói trên chỉ là cách người đời tôn trọng mà gọi các vị, còn khi ký các văn thư, thông bạch, các Ngài vẫn xưng đơn giản là Tỳ Kheo, hay Sa Môn (có nghĩa là thầy tu).
Mấy danh xưng trong đạo Phật