Phố Hầm. Cái tên gây ấn tượng và gợi cảm quá chừng. Nó ở ngay Atlanta, vậy mà mình không biết. Cả người bạn viết văn, trên vùng Twelve Oaks, thân thiết là vậy mà cũng không nói tới bao giờ. Gần đây, Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh hiện ở Mỹ gởi cho cái truyện Người Nghệ Sĩ Ở Phố Hầm Atlanta, mình như chợt tìm thấy được một khu phố của mơ ước lãng du. Nhưng tại sao từ Phố Hầm ở Atlanta lại trôi dạt về tận mãi New Orleans nơi có Ngôi Nhà Mặt Trời Mọc (The House of the Rising Sun)? Đầu đuôi xin tỏ rõ ở những đoạn sâu đây.
Trước hết xin nói tới Phố Hầm ở Atlanta. Nói theo Cam Li thôi chứ Nguyễn tôi đâu biết gì mà nói. Vậy theo Cam Li thì khu Phố Hầm – Underground Atlanta rộng khoảng năm “block phố”, kiến trúc cũ kỹ, nằm dưới mặt đất. Khu phố này được xây dựng từ sau cuộc Nội Chiến, qua bao nhiêu tang thương biến đổi, ngày nay trở thành địa điểm du ngoạn của người tứ phương. Đặc biệt tại đây, Cam Li gặp một nghệ sĩ đường phố chơi guitar đầy cảm xúc. Đây, mời các bạn cùng Nguyễn lang thang theo bước chân của My – nhân vật truyện:
“My có thói quen đáp xe bus xuống phố mỗi cuối tuần. Xuống phố! Mỗi lần đi như thế My có cảm giác như đang nghe bài hát “Downtown” thuở còn đi học và hát theo giọng hát của Petula Clark trong radio…
“Buổi sáng hôm nay, My cũng lang thang trong Phố Hầm. My có ý tìm mua một vài món hàng làm quà cho gia đình. My thích ngắm những chiếc “booth”, tức là những gian hàng nhỏ, với hình dáng như những chiếc xe ngựa, trên đó trưng bày đủ loại từ quần áo, khăn, mũ cho đến nữ trang, đồ chơi, bánh kẹo… Những chiếc xe xinh xắn ấy đứng tăm tắp bên nhau, trông như đang chờ để rời bến. Trong lúc còn đang thơ thẩn, My nghe xen lẫn trong tiếng cười nói của mọi người, có tiếng đàn guitar văng vẳng. Có cái gì thúc đẩy My lần theo tiếng đàn ấy. Tiếng đàn rõ dần. Và đây rồi! Không phải chỉ tiếng đàn, mà còn có lời hát nữa. Nơi khoảng trống trước một cửa tiệm bán giầy, người đàn ông đội chiếc “mũ phớt”(1), cầm cây đàn guitar, vừa đàn vừa hát. Chỉ một mình ông thôi. Không có ban nhạc. Không có micro. Nhưng giọng của ông lúc lên cao, lúc hạ thấp, rõ ràng và điêu luyện không kém những ca sĩ trên sân khấu. My tiến đến gần ông. Ôi! Ông đang hát bản nhạc mà My yêu thích từ lâu: “House of the rising sun”. Một cảm giác vui vui khiến My mỉm cười. Ông càng hát, My càng bị lôi cuốn theo bản nhạc. Và khi nỗi niềm dâng lên thành một đợt sóng, rồi hạ thấp dần để thành một nỗi đau câm lặng, ông dứt tiếng hát. Ông còn đàn thêm một đỗi nữa với những âm giai mà My hồ như đã quen thuộc lắm, rồi ông để cho tiếng đàn tắt dần. Xung quanh ông bỗng nhiên chỉ còn lại sự im lặng. Cả đám đông im lặng. My chợt đưa tay lên má mình, thấy một giọt nước mắt rơi…”
A, người nghệ sĩ hát bản ballad House of the Rising Sun, ca khúc mà Nguyễn sẽ xin được nói đến ở những dòng sau đây. Tên ông là Louis. Ông từ New Orleans theo dòng đời cơm áo trôi dạt tới đây. Xin nghe đoạn đối thoại ngắn này:
– Quê ông ở đâu?
– Nơi có ngôi nhà mặt trời mọc đó.
– New Orleans?
– Đúng rồi.
Thật ra ông ngồi hát ở Phố Hầm mục đích chính là kiếm tiền gởi về cho người thân ở quê nhà. Một hôm, người ta không còn thấy ông ngồi hát những bài hát rong trên con phố ấy nữa. Ông về New Orleans rồi xảy ra trận bão Katrina và không trở lại. Thay vào chỗ ông ngồi, bây giờ là một nghệ sĩ chơi kèn.
Ông Louis đã về quê nhà New Orleans. Nơi có Ngôi Nhà Mặt Trời Mọc
Vâng
Có một ngôi nhà như thế
ở New Orleans
tên gọi
The House of the Rising Sun
nơi thanh xuân. của bao chàng trai. cô gái
bị hủy hoại
và bao nhiêu dòng lệ
đã rơi
Tên gọi này, Nguyễn đã được nghe nhiều lần và biết nó là tựa đề một bài hát nổi tiếng. Nguyễn cũng được nghe các nhạc công da đen và các ca sĩ nổi tiếng trình bày bài hát. Một lần ở quán rượu giang hồ trong khu French Quarter ở New Orleans. Một dịp khác, cùng hiền nội đi nghe nhạc blues và Jazz ở tiệm Swan Court trong vùng Richardson Dallas, Nguyễn đã yêu cầu ban nhạc chơi The House of The Rising Sun. Trong hơi rượu ngà ngà, Nguyễn ngồi lắc lư thả hồn theo điệu nhạc, mơ tới những cảng sương mù và vùng đầm lầy mịt mù của New Orleans. Và tháng 6, 2009, ở một sân khấu nhỏ ấm cúng ngay trên con tàu Carnival đi trong vùng biển vịnh Mexico, trong một chương trình đặc sắc về New Orleans, các ca nhân nghệ sĩ vũ công đã trình diễn một vở nhạc kịch tuyệt vời tên The House of The Rising Sun. Diễn viên ca sĩ ăn mặc kiểu truyền thống của các quán rượu giang hồ nơi bến cảng, hát múa theo tiếng đàn piano và tiếng kèn kêu khóc trên một bối cảnh là nhà tù với song sắt và mái ngói xám nâu. Chưa bao giờ Nguyễn được xem một buổi diễn chuyên nghiệp và nghệ thuật lộng lẫy đến như thế.
Và mới đây, hồi tưởng lại những năm tháng đầy bóng ảnh đã qua, một buổi trưa ui ui, mở máy ngồi nghe ban nhạc The Animals hát The House of The Rising Sun, lòng Nguyễn rưng rưng muốn khóc. Ôi, tiếng đàn thùng rải trên tiếng organ ngân lên rời rã. Một giọng hát rất mâle, rất đàn ông, quánh đặc nỗi đau, than thở về những mảnh đời trẻ tuổi tan nát ở New Orleans, trong The House of The Rising Sun. Ôi, The House of the rising Sun / Nơi tuổi thanh xuân nghèo khổ của tôi bị hủy hoại / Mẹ tôi làm thợ may / Cha tôi là gã cờ bạc / Ở nơi đó, vùng New Orleans / Mẹ ơi, hãy nói với các con của mẹ / Đừng bao giờ làm những điều như con / trong tội lỗi và nghèo khó / Ở ngôi nhà mặt trời mọc The House of the Rising Sun…
Vâng, một chân trên thềm ga / Một chân trên con tàu / Tôi đang về lại New Orleans / để tra chân vào xiềng xích
There is a house in New Orleans
They call the Rising Sun
And it’s been the ruin of many a poor boy
And God I know I’m one
My mother was a tailor
She sewed my new blue jeans
My father was a gamblin’ man
Down in New Orleans…
Theo Wikipedia, “The House of the Rising Sun” là một bài hát dân gian của Hoa Kỳ. Bài hát cũng có tên “House of the Rising Sun” hoặc “Rising Sun Blues”, kể về một cuộc đời tan nát ở New Orleans. Ca từ hay nhất, thành công nhất (trích dẫn ở trên) là của ban nhạc rock The Animals thâu năm 1964. Bài hát một thời đã vào hàng top hit ở Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Canada.
Vậy nguồn gốc của The House of The Rising Sun như thế nào? Giống như những bài hát rong (ballads) cổ điển, The House of The Rising Sun có một nguồn gốc rất mơ hồ về người sáng tạo ra nó. Nó được những di dân đầu tiên đưa vào Mỹ. Rồi truyền thống của nhạc blues trộn lẫn vào, trong đó người ca nhân kể lại một câu chuyện buồn và nó đã có hiệu quả trị liệu những thương tích của tâm hồn. Alan Price của The Animals thì nhận định rằng ca khúc này có nguồn gốc từ một bài dân ca của Anh nói về nhà thổ Soho (ở Westminster, London – Anh), và những di dân gốc Anh đã đem The House of The Rising Sun vào nước Mỹ, tại đây nó được phóng tác trên cái nền của cảnh quan vùng New Orleans.
… Mới đây, trong một đêm chờ cơn giông tới, Nguyễn đã mở nghe Eric Burdon của The Animals, Bob Dylan và Joan Baez hát The House of The Rising Sun. Trong ba ca sĩ trên, Eric Burdon hát tới nhất và phê nhất, ca từ của The Animals, theo Nguyễn nghĩ, hay và thích hợp hơn cả (đã dẫn trên). Nhân vật chính trong ca từ là một chàng trai nghèo khổ, nhưng trong lời hát của Bob Dylan, nhân vật chính lại là một cô gái, có mẹ làm thợ may và người yêu là gã cờ bạc say sưa ở các quán rượu. Từ đó, đời cô vỡ nát. Và cô nhắn lại cô em nhỏ đừng làm như cô và hãy tránh xa Ngôi Nhà Mặt Trời Mọc.
Vậy, Ngôi Nhà Mặt Trời Mọc có thật không và ở đâu? Có hai tài liệu có tính cách lịch sử cho rằng cụm từ The Rising Sun đã được tìm thấy trong cuốn niên giám thời xưa. Tài liệu thứ nhất nói đến một khách sạn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn trên đường Conti Street ở Khu Pháp Cổ vào những năm 1820. Khách sạn này đã bị cháy rụi vào năm 1822. Một cuộc khai quật và những tài liệu tìm được vào đầu năm 2005, gồm một quảng cáo chỉ dấu đây là một nhà thổ với nhiều ống son và mỹ phẩm được tìm thấy chung quanh – tất cả là bằng chứng hỗ trợ cho lập luận về sự có mặt của một lữ quán giang hồ mang tên The House of The Rising Sun. Tài liệu thứ hai nói về một tòa nhà mang tên Rising Sun Hall ở trên bờ nước của khu Carrollton có vẻ là một Hội Quán Vui Chơi (Pleasure Club), tuy nhiên không nghe nói đến bài bạc hay đĩ điếm. Một lập luận khác nữa cho rằng The House có thật vào giữa những năm 1862 và 1874, do một phụ nữ Pháp thường được gọi là Madam Marianne Le Soleil Levant điều hành. Từ “Le Soleil Levant” có nghĩa là Mặt Trời Mọc. Ngôi Nhà được ghi nhận là ở 1614 Đại Lộ Espalanade, New Orleans. Và cũng có thể The House of The Rising Sun được dùng với gợi ý những trại nô lệ trong đồn điền, hoặc chính những đồn điền này từng là đề tài cho những bài blues truyền thống. Nhạc sĩ Dave van Ronk trong tự truyện nói rằng đã nhìn thấy tấm hình của một Trại Giam Phụ Nữ ở New Orleans, lối vào trại tù này có vẽ hình một mặt trời mọc. Phải chăng vì vậy nhà tù được mang tên The House of The Rising Sun.
Như vậy, The House of The Rising Sun có thể là một nhà tù. Hay một lữ quán của sòng bài, rượu và gái. Ở ngay giữa lòng New Orleans. Mà cũng có thể đó là một địa danh tưởng tượng nào mang vẻ đẹp tàn khốc. Điều thực nhất trong bài ca là tuổi trẻ nghèo khổ bị hủy hoại vì ánh phù hoa và những lỗi lầm. Nỗi đau khổ ở đây là có thực. Cho nên nó đã gợi lên trong Nguyễn lòng thương cảm. Xin cảm ơn các nhạc sĩ ca sĩ và New Orleans đã đặt The House of The Rising Sun trong tâm cảm con người. Và xin cảm ơn Cam Li đã viết một truyện rất hay về người nghệ sĩ ở Phố Hầm Atlanta, gợi hứng cho Nguyễn viết bài tản mạn này.
Viết thêm sau khi đọc lại: Chiều hôm nay (12 March 2012), nói chuyện với người bạn văn thân thiết ở cà phê Ly Thơ về Phố Hầm, bạn hứa hè tới sẽ đi thăm con phố Underground này, và cho Nguyễn cùng bạn bè tháp tùng, để nghe nhạc Jazz đường phố và những nhạc sĩ hát rong, ngắm những sản phẩm thủ công của các nghệ nhân Châu Phi và lắng nghe nhịp thời gian chuyển dịch từ từ… trong lòng đất.
(Tổng hợp)