Menu Close

Kavi Vũ & những lời vô ngôn

Sau các tường trình về Đại Hội Liên Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ (uNAVSA) được tổ chức tại Dallas hồi tháng trước, Trẻ đã có cơ hội liên lạc và trò chuyện cùng Kavi Vũ, tác giả kịch bản “Nail Salon Monologues: Unspoken Words” được trình diễn trong đại hội và nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ khán giả. Những vở kịch Kavi trình diễn hay biên soạn là “những điều không trực tiếp phản ảnh đời sống của tôi mà tôi có cảm giác như đang là tiếng nói thay cho những người không thể bày tỏ cảm nghĩ của mình”, theo như lời cô. Đến Hoa Kỳ từ năm 2 tuổi, Kavi có thể trò chuyện và diễn đạt bằng tiếng Việt nhưng để cô có thể bày tỏ trọn vẹn những suy nghĩ của mình, cuộc trò chuyện đã thực hiện bằng Anh Ngữ. Mời quý độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn để có thêm một cái nhìn về suy nghĩ của một lớp trẻ tài năng gốc Việt như Kavi Vũ..

 

alt

Trẻ: Chào Kavi. Chúng tôi đã có dịp được xem vở thoại kịch rất ý nhị và xuất sắc “Nail Salon Monologues: Unspoken Words” mà Kavi là nhà soạn kịch. Trước khi thay mặt các bạn nói về vở kịch này, mời Kavi cũng giới thiệu về mình với độc giả của Trẻ.
Kavi Vũ: – Em là Kavi, 23 tuổi và đang sống tại Atlanta, GA. Em đã tốt nghiệp ngành báo chí tại Đại Học Georgia và đang là nhân viên lãnh vực truyền thông điện tử tại Georgia Perimeter College. Em cũng là Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Georgia (UVSA-GA) và đồng thời là thành viên Chấp Hành Ban Văn Nghệ của uNAVSA.

Trẻ: – Có sự đan kết nào giữa ngành báo chí Kavi học với kịch nghệ không? Điều gì đã dẫn Kavi đến với kịch nghệ?

Kavi Vũ: – Chắc chắn là có mối liên hệ từ ngành báo chí của em đến kịch nghệ. Em không học soạn kịch ở trường nên em biết còn nhiều điều để trau dồi, nhưng em hiểu rằng cuối cùng thì nó cũng để kể ra một câu chuyện. Em và Frank, Trưởng Ban Văn Nghệ của uNAVSA và là bạn thân của em, đã có hướng sẽ kể ra nhiều câu chuyện Việt Nam nữa, hơn là được nghe từ giới truyền thông chính thống. Em đã có kinh nghiệm soạn kịch cho các chương trình văn nghệ từ thời còn đại học, lúc là Chủ Tịch Hội Sinh Viên VN tại University Georgia. Em đã phụ đạo diễn hai vở diễn, nên nó cũng cho em cơ hội thực hành nhiều và vun đắp sự tự tin cho bộ môn này.

 

alt

Đạo diễn Frank Huỳnh và biên kịch Kavi Vũ – Photo: Tony Trần

 
Trẻ: – Xem kịch và quan sát khán giả trong đêm diễn, chúng tôi có thể nói rằng vở kịch là một thành công lớn. Nó làm khán giả cười, khóc, rồi lại cười. Kavi có thể nói thêm vài điều về vở kịch này?

Kavi Vũ: – Như anh biết thì Nail Salon Monologues: Unspoken Words bao gồm khá nhiều bài thơ. Em nghĩ những câu thơ kịch này mới thật sự tạo nên nhưng cảm xúc đó vì hài hước cũng dễ làm, nhưng khó mà làm rung động khán giả và ngẫm mình trong nhân vật. Frank đã có hướng thực hiện thơ kịch và tìm đến em vì em làm điều này khoảng hai năm nay. Em từng đạt giải thưởng tại chương trình Kollaboration Atlanta, một tổ chức cung cấp một sân khấu nghệ thuật cho người Mỹ gốc Á phô diễn tài năng (Chú của KTT: Kavi Vũ giành được Giải Thưởng Lớn tại sân khấu trình diễn Kollaboration Atlanta lần thứ năm – xem phim tại  https://www.youtube.com/watch?v=64JKFPeyi0o hay tra tìm Kavi Vu (Grand-Price Winner) trên youtube).     

Sau đó thì tụi em suy nghĩ làm sao để hoàn tất vở kịch chỉ trong vài tháng. Frank và em bắt đầu liên lạc với các nhà thơ gốc Việt mà tụi em biết, rất là ít. May mắn là có ba nhà thơ đã giúp tụi em soạn lời thơ nên em không phải viết hết một mình. Trong các trò chuyện online, tụi em giải thích với các nhà thơ về ý hướng vở kịch để viết và mang vào kịch. Xin cảm ơn Hiếu Minh Nguyễn và Jennii Le Vo rất nhiều cho các bài thơ trong vở kịch.  

 

alt

Vincent Trần (Jonathan) và Trần Thu Vân (Phương) trong Unspoken Words – Photo ĐYT

 
Trẻ: – Vở kịch nói về những khoảng cách thế hệ, về những khác biệt văn hóa. Hình như nó gởi đi những thông điệp lớn hơn đến với xã hội, cộng đồng và các thế hệ?

Kavi Vũ: – Anh bắt đúng rồi. Thông điệp của vở kịch là, thứ nhất, mỗi người, bất kể sắc tộc nào, cũng cần nhớ rằng ai cũng có những câu chuyện của riêng mình. Số liệu và truyền thông có thể đổ đồng số đông nhưng chúng ta phải nhắc nhở mình rằng, tất cả chúng ta đều rất riêng biệt và tất cả câu chuyện của chúng ta đều quan trọng. Luôn nhớ rằng câu chuyện của ai cũng đều quan trọng để cần lắng nghe câu chuyện của người khác, trước khi chỉ chăm vào câu chuyện của riêng mình. Thứ hai là các thế hệ người Việt cần có sự đối thoại tốt hơn. Nhiều khi chúng ta dè dặt lời nói và đè nén cảm xúc, luôn sĩ diện và sợ mất mặt. Em nghĩ đã đến lúc chúng ta học rằng không có gì xấu hổ hơn là phải hối tiếc.

Trẻ:– Rồi vở kịch đã đưa ra một giải pháp tích cực là “những lời vô ngôn”, những sự dè dặt, đè nén kia cần được nói ra để tìm đến một sự thông hiểu lẫn nhau, ít ra là giữa cha mẹ và con cái phải không?

Kavi Vũ: – Em biết là chẳng thể giải quyết hết mọi vấn đề nhưng em thật sự nghĩ rằng tất cả chúng ta cần đối thoại nhiều hơn. Đã có quá nhiều vấn đề nảy sinh từ sự thiếu đối thoại, và em nghĩ nếu chúng ta càng đối thoại nhiều thì càng vun đắp khả năng đối thoại. Em đã nhấn mạnh ý tưởng giới trẻ cần tìm hiểu về cha mẹ mình hơn trong vở kịch. Phần thì hàng rào ngôn ngữ và phần thì cha mẹ lo làm việc nhiều giờ, em có cảm giác như những người trẻ chẳng biết hết về cha mẹ mình. Sự thật là có những người bạn biết về em còn nhiều hơn là biết về cha mẹ của họ. Điều này cần thay đổi, bất kể mất bao lâu hay thậm chí vụng về dùng tự điển để hiểu những câu chuyện của họ. Cha mẹ đã làm quá nhiều cho chúng ta rồi và đến lúc chúng ta cũng chứng tỏ mình là những đứa con ngoan ra sao.

 

alt

Nina Trần (cô Vân-mẹ), một vai diễn xuất sắc làm rơi lệ khán giả – Photo ĐYT

Trẻ: -Có lẽ Kavi đưa điều này qua nhân vật Jonathan phải không? Đây là người con trong hình ảnh đại diện một số người trẻ gốc Việt có những cái nhìn và nhận thức có nhiều lý lẽ khác biệt với mẹ và những người khác. Jonathan được hình tượng hoá điều gì?    

Kavi Vũ: – Em dùng nhân vật Jonathan để chỉ những sự thiếu sót và ích kỷ một lúc nào đó trong đầu của một người trẻ ra sao và em cũng muốn nhắn gởi là nếu những thế hệ đi trước thử sẵn lòng và giúp đỡ chúng em hiểu thì chúng ta có thể nối được khoảng cách. Không nói là tất cả những người trẻ gốc Việt đều như vậy nhưng chính em cũng trải qua một thời không hiểu rõ mẹ mình và nghĩ rằng mẹ ích kỷ chỉ lo cho công việc. Nhưng em cũng muốn dùng Jonathan để nói với các bậc cha mẹ gốc Việt là có khi cũng phải để con cái tự mình nhận ra vấn đề. Như trong kịch, Jonathan nhận thức được vấn đề qua lời những người thợ khác chứ không trực tiếp từ mẹ mình. Nhiều lúc cha mẹ bảo bọc cho con cái quá nhiều đến độ không đành thấy con mình mắc lỗi lầm, nhưng có khi cũng nên nới bàn tay để con cái có thể tự chọn lựa để hiểu về cha mẹ, chứ không phải bị bắt buộc.     

Trẻ:Chúng tôi rất thích cái tựa kịch “Nail Salon Monologues: Unspoken Words” mà chúng tôi đã dịch qua tiếng Việt là “Những độc thoại tại tiệm nail: Những lời vô ngôn”. Cái tựa mời gọi ý muốn tìm hiểu về ý nghĩa của nó, Kavi giải thích thêm về nó được không?

Kavi Vũ: -Thực tế thì tựa kịch có thể làm người khác thấy như về một tiệm nail, nhưng chúng ta có thể nhìn nhiều hơn vậy. Chúng ta thấy hình ảnh một ngôi nhà, nơi tuổi thơ nhiều người đã trải qua và nơi mà nhiều bậc cha mẹ đã bỏ phần lớn đời mình ở đó, nơi mang một không khí gia đình nói chung. Với ý hướng tích cực, dù vậy, tụi em cũng muốn tô bật những điều mà tụi em nghĩ vốn nằm trong văn hóa người Việt. Có quá nhiều điều mà chúng ta không bộc bạch, một phần em hiểu có thể đến từ việc chúng ta không hiểu đủ ngôn từ, hay cũng có thể nó là hệ lụy từ những trấn áp tồn tại trong xã hội cộng sản. Tụi em không muốn nhắc đến vấn đề chính trị, nhưng đơn giản chỉ muốn nói một điều rằng, chúng ta – như một con người, cần cất tiếng nói, bởi khi thế hệ tụi em lớn lên thì chỉ thấy những người khác đang nói thay cho mình.  

 

alt

Phúc Phan (David) lên tiếng trước những kỳ thị, thủ đoạn của khách hàng tiệm nail – Photo: Tony Trần

 
Trẻ: – Tại sao là tiệm nail? Từ nhân vật, tình cảnh, suy nghĩ, cảm xúc, lời lẽ nơi tiệm nail được dàn dựng khá thật, ở đâu Kavi có kinh nghiệm này?

Kavi Vũ: -Frank và em chọn tiệm nail vì nó gần gũi với mọi người. Tụi em cũng hay đùa về nó – lại thêm một gia đình Việt Nam có tiệm nail. Nó gây cười vì nó thật và nó cũng xúc động vì nó thật. Ba mẹ em cũng trong ngành nail khoảng 10 năm và em còn nhớ về tất cả những điều tốt xấu của nó. Em thích biết về khách hàng, đặc biệt những người quan tâm đến gia đình em và nhớ những câu chuyện nhỏ mà mẹ em hay kể. Khách hàng là chỗ cho mẹ em xả ra những câu chuyện của bà. Em vẫn thường trêu mẹ về những mẩu chuyện cứ kể đi kể lại, nhưng thật sự có gì sai trái đâu? Mẹ em đã có những trải nghiệm kề cận cái chết nhiều lần để đưa gia đình đến sự an toàn và được sống thoải mái tại Mỹ này. Còn bây giờ, con nít bây giờ mới đạt được điểm A là đã mong được thưởng. Em thật sự rất biết ơn những gì ba mẹ và các anh chị mình đã trải qua để cho em cơ hội hôm nay và em may mắn nhận biết được điều này. Em chỉ muốn bạn bè trang lứa cũng nhận ra điều này và cảm tạ cha mẹ mình như vậy. Họ xứng đáng được vậy. Em biết em còn trẻ và có thể không phải là tài giỏi nhất nhưng những gì em viết là bằng cả con tim mình. Khi ngôn từ đến từ lòng chân thành, em nghĩ mọi người nhận thấy và có thể vì vậy mà mọi thứ được cảm thấy sống thực.    

 
Trẻ: – Toàn ban kịch diễn xuất rất hay và đầy tài năng. Nghe bảo mọi người ở khắp các tiểu bang mà làm sao có thể tập dợt được với nhau?

Kavi Vũ: -Nói đúng thì đây là việc tận dụng tối đa kỹ thuật mới. Tụi em tuyển diễn viên, chia sẻ kịch bản và rồi tập với nhau chỉ qua mạng. Tụi em ở khắp các tiểu bang khác nhau nên có khi việc tập lúc một giờ sáng theo giờ miền Đông của em, nhưng quả xứng đáng bỏ công. Với nhóm kịch thì rất vui được làm việc chung và nhiều người lần đầu tiên diễn kịch thơ. Em rất hân hạnh đã cùng tập cho nhóm kịch và nhìn thấy các tiến bộ qua tập dợt. Nó là một tặng thưởng khi làm việc với nhóm bạn tài năng và tận tâm như vậy.    

Trẻ: – Kavi có nghĩ sẽ giới thiệu vở kịch ở mức độ quy mô và đại chúng hơn không?

Kavi Vũ: -Em cũng thích cái ý tưởng giới thiệu vở kịch ở mức độ sân khấu lớn hơn. Nhưng em cũng không biết phải chuyển dịch nó sang tiếng Việt làm sao vì các bài thơ sẽ không có sức nặng như vậy trừ khi có được những nhà thơ Việt Nam có tài dịch qua tiếng Việt. Rất là thú vị nếu được diễn trên Paris By Night hay Asia.

Trẻ:– Kịch thơ của Việt Nam thì có từ lâu và chúng ta cũng không thiếu những nhà thơ có tài. Hy vọng một ngày nào đó sẽ được xem vở kịch này bằng tiếng Việt và trên một sân khấu đại chúng hơn. Cảm ơn Kavi về cuộc phỏng vấn này và chúc Kavi cùng các bạn sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này.

 

alt

Toàn ban kịch nghệ – Photo ĐYT

ĐYT thực hiện