Frank Netter sinh năm 1906 trong một gia đình di dân nghèo khó. Như mọi di dân trong thế hệ đầu tiên, cha mẹ chú bé Frank cũng dốc lòng hy sinh, thúc đẩy con cái theo đường học vấn để thành công trong một xã hội mới. Chuyện ép buộc thường dẫn đến các hậu quả không lành nhưng câu chuyện ép buộc con cái của gia đình họ Netter có một chung cuộc vui vẻ: cha mẹ hài lòng và con cái cũng vui vẻ.

Bác Sĩ Netter mở phòng mạch và hành nghề giải phẫu năm 1933. Thế rồi các tấm phác họa kia được truyền tay khắp nơi và thu hút sự chú ý của nhóm quảng cáo tại một công ty dược phẩm. Ngay cả trong thời Khủng Hoảng Kinh Tế, Bác Sĩ Netter đã bán được 5 bản vẽ với giá 7,500 Mỹ kim cho công ty dược phẩm Ciba (ngày nay là Novartis) trong khi lợi tức hàng năm của một bác sĩ thủa ấy khoảng 1,500 Mỹ kim!
Thế là ông bác sĩ đổi dao kéo giải phẫu để cầm cọ toàn thời gian từ năm 1938! Suốt 50 năm lẻ, tất cả các bản vẽ của ông Netter được Ciba mua độc quyền và xuất bản dưới dạng sách biếu cho các chương trình giảng dạy Y khoa. Ông Netter trở thành nhà minh họa y khoa, medical illustrator, lẫy lừng nhất thế giới. Kho tàng tác phẩm bao gồm cả ngàn bản vẽ dùng màu nước rực rỡ. Tấm nào cũng chi tiết rõ ràng, vượt xa các tấm hình chụp của Gray’s Anatomy, cuốn sách Cơ Thể Học gối đầu giường của sinh viên Y Khoa, và được dùng làm tài liệu giảng dạy.
Bản vẽ của Frank Netter sống động nên thu hút, dễ nhìn nhưng chính các chi tiết tỉ mỉ chính xác theo tiêu chuẩn khoa học khiến các tấm hình ấy trở thành tài liệu vô giá. Ta nhìn không chỉ để ngắm nghía mà còn để học hỏi, ghi nhận. Sự pha trộn tài tình của nghệ thuật và khoa học khó có nghệ sĩ nào theo kịp. Ở thời điểm ấy, những năm 40-60 của thế kỷ trước, hình chụp với màu sắc sống động còn phôi thai nên các bản vẽ của ông Netter được ưa chuộng vô cùng. Chẳng lạ là vào năm 1976, báo Saturday Evening Post đã gọi ông là “Medicine’s Michelangelo”, so sánh Frank Netter với danh tài Michelangelo!
Với cái nhìn của người trong thế kỷ XXI như Dế Mèn đây, được dùng các tài liệu sách vở qua hình chụp trong kỹ thuật đương thời nên không thấu hiểu giá trị của các bản vẽ về cơ thể học ấy. Nhưng vẫn le lưỡi trước tài năng của cụ Netter trong các tấm hình minh hoạ các ca lâm sàng. Khi mô tả chứng suyễn, ông cụ vẽ ra các chi tiết như một người mắt mở lớn, vành mũi nở rộng, tay ôm cổ… in hệt như hình ảnh của một bệnh nhân đang lên cơn suyễn cấp tính, thở gấp rút hối hả trong khi phía sau là con mèo, cái cây đang nở hoa hay một lọ thuốc… Các hình ảnh này khiến ta nghĩ đến “nguyên nhân” dẫn đến cơn suyễn kia.
Cái tài tình ở đây là cách ông cụ họa sĩ-bác sĩ dùng cọ để mô tả chi tiết của một ca bệnh với đầy đủ các khía cạnh, từ nguyên nhân, cách xuất hiện đến việc chữa trị, hình ảnh đặc thù của căn bệnh… Đâu có hình ảnh nào vẽ ra chi tiết một ca bệnh lâm sàng đầy đủ như thế?
Những ngày xa xưa ấy, cụ Netter đã làm công việc của một họa viên (graphic artist?) dùng kỹ thuật điện toán, với cây cọ và các tube bột màu với cái nhìn của một bác sĩ!
So sánh với các cuốn sách bệnh lý dày cui, biểu đồ, bản tóm tắt … chán ngắt và khó nhớ; đọc đi đọc lại chỉ đưa đến cơn buồn ngủ, các tấm hình vẽ của cụ Netter vượt xa, xa lắm. Tấm hình giản dị tươi màu bằng ngàn chữ viết! Chỉ nhìn tấm hình vẽ là ta “học” và nhớ được biết bao chi tiết nên Dế Mèn lúc nào cũng nghĩ đến ông cụ Netter với lòng cảm phục và biết ơn; ông thày “dạy” nhưng chẳng bao giờ xuất hiện trước mặt!
Với tài năng ấy, tất nhiên là ông cụ Netter sống một cuộc đời giàu có, sung túc, gấp mấy mươi lần cuộc sống mà bà mẹ mong mỏi. Bác Sĩ Netter vẽ với điếu xì gà trên tay trái, ông làm việc cho đến khi qua đời vào năm 1991.
Kho tàng tranh vẽ của ông cụ để lại vô cùng quý giá; một số được thu góp và tổng hợp thành một cuốn sách về cơ thể học dày 576 trang, gồm 514 bức tranh màu; mở đầu là bức tranh xương sọ và kết thúc bằng hệ bạch huyết với các hạch bạch huyết của hai chân. Phần giữa là các bức học về cơ thể con người, đầu cổ, lưng và cột sống, lồng ngực, khoang bụng và bụng dưới cũng như bộ phận sinh dục, tay chân.
Một trang sách của Bác Sĩ Frank H. Netter – nguồn printmag.com
Theo Tiến Sĩ Donald Cahill, giáo sư khoa trưởng khoa Cơ Thể Học tại the Mayo Clinic và trường Y Khoa, đại học Minnesota, đây là cuốn sách giáo khoa gối đầu của môn cơ thể học; chính ông ấy đã dùng các bức tranh kia làm tài liệu giảng dạy.
Những nhà cơ thể học tại Hoa Kỳ đã xem ông cụ Netter như một nhà giáo, giáo sư y khoa (medical educator) lẫy lừng nhất của thế kỷ XX.
Mới đây, vị thế trưởng thượng trong ngành giáo dục y khoa của ông cụ được ghi nhận thêm một lần nữa, trường y khoa mang tên ông cụ ra đời, the Frank H. Netter MD School of Medicine of Quinnipiac University, tại Connecticut. Ngôi trường này được tài trợ bởi thân nhân, ông Edward Netter, một nhà tài chánh; đã mở cửa thu nhận lớp sinh viên đầu tiên trong mùa thu năm 2013.
Cuốn sách MEDICINE’S MICHELANGELO – The Life and Art of Frank H. Netter, M.D do một thân nhân khác thực hiện, con gái, Francine Mary Netter viết về cuộc sống riêng tư của nhà họa sĩ đại tài. Cách sống và sự say mê công việc đã khiến thế gian trở nên giàu có với sự đóng góp vô giá của ông cụ.
TLL