Một số người Việt cho rằng không nên chụp ảnh 3 người, vì họ tin những tấm ảnh như thế sẽ mang lại rủi ro cho những người hiện diện trong ảnh, chuyện ngẫu nhiên đó ra sao tùy theo mỗi người. Tình cờ chúng tôi xem được một tấm ảnh như thế,
mà những người trong đó đều nhận được hoàn cảnh tệ hại, tệ hơn cả mọi rủi ro.
Tấm ảnh dưới đây do blogger Nguyễn Tiến Trung chụp trong một ngày giáp Tết giữa trung tâm Sài Gòn, tính từ trái qua là ba blogger: Tạ Phong Tần, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Phan Thanh Hải; họ là những người sáng lập và thành viên chính của Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do, với chủ đích tranh đấu cho dân chủ và cổ vũ tự do ngôn luận tại VN. Đến bây giờ thì chúng tôi có thể xác quyết rằng đây là một tấm ảnh khác thường, thậm chí còn hơn cả khác thường, một tấm ảnh kỳ dị. Nó khác thường vì sau khi bấm máy không lâu thì số phận của những người trong ảnh, và của cả người bấm máy, đều rẽ sang một bước ngoặt khác thường trong cuộc đời: Họ biến mất!
Đúng vậy, bốn người này biến mất, bốn số phận biến mất. Biến mất khỏi đời sống đang diễn ra hàng ngày trên thành phố Sài Gòn, trên đất nước này. Trong số đó người ta vẫn còn có thể biết được một cách sơ lược về hoàn cảnh và nơi chốn của hai người. Hai người đó là anh Nguyễn Tiến Trung và anh Phan Thanh Hải; còn hai người còn lại, anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần, thì biến mất hẳn, tới nay không ai biết gì về hoàn cảnh của họ.
Blogger Nguyễn Tiến Trung, sinh năm 1983, nguyên quán Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là thạc sĩ công nghệ thông tin, là một nhân vật bất đồng chính kiến Việt Nam, đấu tranh cho dân chủ. Ngày 7 tháng 7 năm 2009, anh bị bắt giữ với tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Năm 2010, chính quyền VN buộc tội Nguyễn Tiến Trung “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, vi phạm khoản 1 điều 79 bộ Luật Hình sự VN, anh bị tuyên án bảy năm tù và ba năm quản thúc.
Blogger Phan Thanh Hải là chủ trang blog Anh Ba Sài Gòn, là luật gia, điều hành một doanh nghiệp. Năm 2008, anh bị Liên đoàn Luật sư VN từ chối cấp chứng chỉ hành nghề luật sư với lý do anh đã tham gia biểu tình phản đối Trung Cộng chiếm đảo của VN. Anh bị lực lượng An ninh mật bắt ngày 18 tháng 10 năm 2010 với tội danh bị cáo buộc là “tuyên truyền chống phá nhà nước” vì hành vi được cho là “lưu trữ và tán phát tài liệu”. Anh được tổ chức HRW trao “giải nhân quyền Hellman/Hammett 2011”. Theo các nguồn tin đáng tin cậy thì anh hiện đang bị giam ở số 04 Phan Đăng Lưu, chưa có án cụ thể.
Blogger Tạ Phong Tần từng là đại úy công an bỏ ngành, và là chủ trang blog “Công lý-Sự thật”; chị là nhà báo free-lance, có cộng tác với báo Trẻ trong mục “Hương Vị Quê Nhà” và nhiều diễn đàn khác. Chị bị công an bắt giữ vào ngày 5/9/2011, cho đến nay không ai biết được chị bị giam giữ ở đâu. Chị được tổ chức HRW trao “Giải nhân quyền Hellman/Hammett 2011”.
Người sau cùng là blogger nổi tiếng trong phong trào đấu tranh cho dân chủ VN, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Ngày 10.09.2008, anh bị xử 30 tháng tù vì tội trốn thuế, và bị giam ở trại giam Xuân Lộc. Sau khi mãn hạn 30 tháng tù, anh vẫn không được thả; và tệ hơn, người nhà không được biết chút tin tức nào về anh, không biết anh sống chết ra sao. Sau đó lại có tin là “anh mất tay” do một cán bộ trại giam, có lẽ do sơ suất, đã tiết lộ cho chị Dương Thị Tân là vợ cũ của anh.
Khi viết những dòng này, chúng tôi đau lòng quá! Điếu Cày còn sống không? Có thật là anh đã mất tay không? Tay phải hay trái? Bàn tay mà chúng tôi có dịp nắm lấy thân thiết trong những ngày biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2007. Và Trung, và Ba Sài Gòn, và Tạ Phong Tần, mong sao các anh chị bình yên.
Bây giờ thì chúng tôi tin rằng hoàn cảnh tệ hại xảy ra cho bốn người này không phải do việc họ chụp tấm ảnh 3 người kia, mà là do một lý do rất rõ ràng: Đó là cái giá những người yêu nước dũng cảm phải trả khi họ sống dưới chế độ Cộng Sản độc tài và những mưu đồ rắp tâm bán nước.
Chúng tôi mong mỏi công lý cho bốn anh chị kể trên, hay ít ra lúc này, chúng tôi mong có thông tin về sinh mệnh của họ. Chúng tôi không tìm các thông tin mơ hồ về những người tuyết “bigfoot” ở tận đâu đâu, nhưng chúng tôi tìm công lý và thông tin về những con người thật, những số phận thật, trong cuộc đời thật trên đất nước này. Nếu bạn đọc có thông tin về họ, xin hãy chia sẻ cùng báo Trẻ, họ sẽ loan báo rộng rãi đến mọi người quan tâm. Hãy cầu nguyện cho Trung, cho Tần, cho Ba Sài Gòn, cho Điếu Cày, và cho nhiều người khác nữa đang phải trả giá vì niềm tin vào những gì tốt đẹp và lòng yêu nước của họ.
Và cầu nguyện cho một sinh lộ của đất nước chúng ta.