
Tỉnh thức của hôn mê
1.
Anh nhìn tôi – ánh mắt như cam chịu những đớn đau ngập ngụa sau cơn sinh tử. Những ngón tay gầy guộc siết chặt bàn tay tôi, “honey, em đây rồi!” Tôi nuốt ngược những giọt nước mắt. Những ngày sống với sự trông đợi trái tim anh hồi sinh. Trong vô tận, mọi đau khổ đều thốt ra với một cái tên. Tôi gắng tin vào cuộc đời, tất cả bi kịch đều kết thúc với một kết cuộc hạnh phúc.
“Em ăn gì chưa, honey?” – câu nói của bao nhiêu năm ân cần chồng vợ.
“Em không thấy đói,” tôi nhích lại gần anh, tìm lại hơi ấm trong đôi bàn tay lạnh lẽo. Tôi và anh – tay vẫn níu không rời, như sợ mỗi ngả một bàn chân bước.
“Em trông tiều tụy quá!” ánh mắt anh lộ vẻ hốt hoảng.
“Em không sao,” tôi gắng “ương ngạnh” trước mắt anh, chỉ để chống chỏi với một nỗi căng thẳng cùng cực. Và cả cái cảm giác tụt dốc của một kẻ lạc loài không nơi bấu víu.
Chỉ vài câu đối thoại ngắn ngủi, rồi anh lại ngầy ngật, ngày đêm mê man. Tôi lao đao đi nốt đoạn gian truân.
“Bà cần trả thêm chi phí bệnh viện $4,000 nữa,” vẻ mặt không sắc màu tình cảm của một nữ nhân viên văn phòng, nhìn tôi chờ đợi.
“Tôi đã trả số tiền này chỉ mới ngày qua thôi mà,” tôi nhíu mày, hoang mang.
“Chúng tôi cần thêm $4,000 nữa, cho mỗi hai ngày. Bà cần biết để chuẩn bị,” gương mặt lạnh, ra vẻ quyết đoán.
Ở phía trước đồng tiền là bao nỗi lo toan. Ở phía sau đồng tiền cũng đầy buồn bã. Tôi dần tập thói quen kiên nhẫn trước những bất mãn. Bất an. Bất lương của đời sống xứ người. Tôi nghe tiếng tôi thở dài, não ruột.
Nỗi bơ vơ, thất thần biến tôi trở thành một nhân vật đầy thương cảm trước mắt mọi người. Dường như mỗi ngày, họ đã quen nhìn một người đàn bà ủ rũ như một tạo vật buồn bã của thế gian này. Người đàn bà không quen ướm chân mình vào đôi dép lạ. Và đếm những bước chân tá túc buồn tủi nơi xứ người. Bailey, một nhân viên bản xứ đảm trách những công việc vặt – người đàn ông da đồng, mắt dã môi dầy trong bộ đồ nâu đã ngả màu với cái dáng vẻ lênh khênh, nụ cười nửa miệng đầy vẻ cam chịu. Mỗi đêm, tôi co lạnh trên chiếc ghế gỗ nơi phòng chờ đợi, tấm chăn mỏng từ tay ông chợt ấm cả tình người.

Downtown St. Ann’s Bay- nghèo túng vẫn đầy dẫy trên từng con đường, ngõ hẻm ở mỗi nơi tôi qua.
2.
Căn phòng nghèo túng, hoang phế dưới căn hầm tối tăm của bệnh viện – vẫn phải trả với cái giá $115 mỗi đêm. Đời đã mù sương nơi này, và tôi chẳng mơ gì hơn một cái giường để ngả lưng, dù là một chiếc giường bệnh nhân phế thải đệm rách, chăn bươm.
Bộ đồ nhàu nhĩ lấy ra từ cái balô, tôi như người say sóng trên mặt đất, loạng choạng bước vào phòng tắm. Áp suất nước dồn tôi vào góc tường. Gai ốc mọc trên da. Cái vòi sen chết tiệt làm tôi hụt thở. Đêm nằm nghe tiếng lũ chuột sột soạt ngang sàn nhà. Bặt thinh hay động đậy, lũ kim chích chẳng buông tha cái xác thân mệt rũ. Chẳng phải đợi đến tàn phiên chợ muỗi, tôi bật dậy, lục tìm trong balô mấy cái vòng chống muỗi. Cổ tay, cổ chân chẳng mấy chốc sực mùi “hương sả”. Tôi hơm hớp như con cá ngáp hơi trong căn phòng thiếu dưỡng khí. Mắt nhắm nghiền, cố hít thật sâu. Cơn mệt đuối cũng chẳng thể làm tôi an giấc, khôn nguôi một nỗi nóng lòng. Anh giờ ra sao? Còn chập chờn hay tỉnh thức giữa cơn đau?
Dòng nước mắt lại long tong chảy xuống mặt đời…
Đêm u ám trong căn phòng hoang phế. Hình ảnh xác chết trắng toát bó chặt, dựng đứng trên cái xe cút kít ở nhà thương thí – dù nhắm mắt hay mở trừng nhìn – vẫn đầy ám ảnh. Khuya nực nội mà tôi vẫn cong người vì rét sợ. Tôi ôm chặt cái balô vào người, cảm giác bấu víu.
Thân xác nặng như chì, nhọc nhằn lấm cả giấc mơ tôi…
Thức giấc thảng thốt. Tôi lơ ngơ giữa đêm sắp cạn. Mày mò trên mấy bực thang tối vào khu cấp cứu thăm anh. Y tá trực nhắn tin, anh chỉ vừa tỉnh dậy và hỏi “vợ tôi đâu?” Tôi như cọng bún thiu, trở về phòng co quặp trong nỗi bứt rứt và một khối cô đơn. Khi trái tim anh vẫn chưa ngừng đập – Trái tim tôi vẫn thao thức hằng đêm.

Chiếc mùng đã cứu khổ tôi những đêm hiu quạnh trong căn phòng hoang phế. “Tác nghiệp” bằng máy ảnh cell phone.
3.
Ánh mắt anh rực lên khi trông thấy tôi, “Honey, tối qua anh tỉnh dậy mà không thấy em. Em ngủ ở đâu? Anh lo quá!”
“Bệnh viện ‘ưu tiên’ cho em một căn phòng deluxe, sang hơn cả Riu Hotel mình ở” tôi trấn an anh, giấu nhẹm cả nỗi bơ phờ của một đêm lẻ vòng tay anh.
“Em có chỗ ngủ là anh đỡ lo rồi. Ra khỏi cái resort, nơi nào cũng đầy bất an,” anh thở dài, nhìn vào mắt tôi, “Mắt em quầng thâm rồi, em không ngủ được sao?”
“Muỗi như trấu. May mà có mấy cái vòng chống muỗi của Trần Vũ nhét vô cái balô cũng cứu khổ!” Tôi vờ cà rỡn.
Chỉ ngần ấy thôi. Là tất cả niềm ao ước giờ đây. Anh lại chìm vào cơn mê thiếp. Còn lại tôi với cả một trời bơ vơ…
Cuối ngày, Dr Mark gọi riêng tôi, “Tôi thực sự tự hào về liều lượng chính xác. Và đã cứu được trái tim ông nhà.” Ông nhấn mạnh ở cụm từ “liều lượng chính xác,” đầy vẻ hãnh diện. “Áp suất máu, nhịp tim đang dần ổn định. Kết quả hơn sức tôi mong đợi. Ông là bệnh nhân có trái tim quả cảm. Và ý chí quyết sống.” Ông nhìn tôi, như đong lượng nỗi vui mừng long lanh trên khoé mắt của một người vợ tha phương. “Tôi thành thực biết ơn bác sĩ đã cứu mạng chồng tôi,” chầm ôm lấy ông, tôi rưng rức trong niềm vui và hy vọng.
4.
Con tim như đã vui trở lại. Tôi trở về phòng hỏi mượn Bailey cái mùng. “Bệnh viện ở xứ đảo Jamaica này, hơn hẳn những xứ văn minh khác là nhiều muỗi và chuột nhắt,” tôi khó thể ngậm câm trước sự kích động hằng đêm của bầy chuột kéo nhau sục tìm thức ăn trong bóng tối, và những tiếng lượn vo ve của lũ muỗi đêm.
Bình tâm, tôi tìm cách liên lạc về nhà. Cái cell như một cục sắt rỉ – tài sản duy nhất của cả tập thể nhân viên bệnh viện. Cái cục sắt chưa nóng tai, đã phải trả về vị trí cũ. Bailey bỏ nhỏ, “Chỉ cần một ly café ở một địa chỉ bình dân có cái tên Humming Bird, bà có thể nháy máy thoải mái.” Tôi lẩy bẩy như vớ được cái phao.
5.
Bữa ăn đầu tiên của anh ở bệnh viện, “thịnh soạn” hơn tôi nghĩ. Miếng thịt gà bị thiêu quá lửa. Pasta nhão nhét chẳng cần phải tích cực hàm nhai. Anh thử vài miếng rồi buông nĩa. Cơn đói làm tôi vét nhẵn cả phần ăn của bệnh nhân, dẫu sao vẫn còn hơn đói rã.
Đôi bàn chân anh trắng bạch như sáp nến. Cặp cẳng teo tóp như miếng tép mỡ cạn kiệt chất béo. Tôi ngần ngại hỏi xin đôi vớ. “Bệnh viện không còn vớ cho bệnh nhân,” bà y tá trả lời thẳng đuột. Bỗng dưng tôi đâm sợ, và chán ghét những vịt vờ vô cảm. Đời người có những cơn điên trào bọt. Tôi tập quen với những mở đầu và kết thúc. Thời gian, như chiếc cần câu rấp rứ nhử mồi. Tôi như con cá ngất ngư.
Đêm về mở cửa phòng. Tôi bất ngờ. Chiếc mùng buông xuống từ trần nhà như dải lụa trắng mập mờ, “Thanks Bailey,” tôi thở phào, gắng buông trôi cảm giác của sự trống vắng. Sợ hãi. Bộ đồ hong mấy ngày còn ướt rũ. Không khí như hoi hóp trong căn phòng lạnh lẽo chứa đầy âm khí. Tôi trở người trong giấc ngủ tối hù, vẫn miên man với nỗi bất an và cô độc trong một thế giới tách biệt – chỉ riêng tôi.
“Mai, phải nhớ hỏi Bailey mua giùm vài đôi vớ cho anh,” tôi nghe tiếng tôi – lầm bầm trong đêm lặng.

Bữa ăn “thịnh soạn” đầu tiên ở bệnh viện của phó nhòm Andy Nguyễn, và cũng dần trở thành bữa ăn của “người chăm bệnh” kế bên!