Menu Close

Sóng Từ Trường- Thụy Khuê

Nếu như bức xạ từ trường là sự kết hợp của dao động điện trường và từ trường vuông góc với nhau, lan truyền trong không gian tạo ra sóng từ trường, thì những bài viết trong tập tiểu luận “Sóng Từ Trường”

(STT) của nhà phê bình Thụy Khuê là sự phân tích những dao động tiềm ẩn trong từng câu từng chữ  của mỗi một tác giả, để tìm ra cái khung tư tưởng nghệ thuật và thế giới nội tâm của mười sáu tác giả mà bà đề cập đến. Và cũng thật lạ mở đầu quyển sách này, không phải là tác phẩm của một nhà văn mà là “Tiếng Hát Lên Trời” của nữ danh ca Thái Thanh – người được mệnh danh là “vương hậu” trong làng ca nhạc Việt Nam. Có thể nói những người muôn năm cũ đã qua đời như Mai Thảo, hay những thế hệ thanh niên nam nữ sau này – dù quan điểm có khác nhau – ai cũng bàng hoàng khi nghe cô Thái Thanh hát “Tình Ca – Tiếng Nước Tôi” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi ! Tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”

“Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền, êm như hơi gió thoảng cung tiên, cao như thông vút buồn như liễu, đất lặng mây ngừng ta đứng yên” [1] Thụy Khuê  đã mượn để mô tả tiếng hát của Thái Thanh. Không chỉ khen ngợi âm sắc tuyệt vời của cô, Thụy Khuê còn nhận xét những điểm hay và những điểm không hay, khi người nữ danh ca này đổi chữ, hát sai ca từ của Phạm Duy. Nhưng cho dẫu là như vậy – theo Thụy Khuê – Thái Thanh vẫn là ca sĩ thượng thặng,  là người “nắm vững bốn vùng nghệ thuật: nghệ thuật truyền cảm, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật thi ca, và nghệ thuật phát âm Tiếng Việt. Thái Thanh chẳng cần làm thơ cũng đã là thi sĩ.” [STT, trang 21]  

Từ giọng hát sang trọng quý phái của Thái Thanh, Thụy Khuê chuyển sang “Nỗi Buồn Chiến Tranh,” chia sẻ với mọi người nhận định của bà về cuộc sống của nhân vật Kiên – người bộ đội của đoàn quân trinh sát trong mười năm chiến tranh và mười năm hòa bình. Toàn bộ tác phẩm là hồi ức của nhân vật Kiên bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với những người cùng thế hệ với anh đã nằm xuống, là nỗi ám ảnh về thân phận con người sinh ra giữa mùa ly loạn, là sự tái hiện đầy đau đớn và chua xót về quá khứ, về cuộc hành trình dấn thân của cả một thế hệ lớn lên trong thời chiến. Trên hết mọi sự “Nỗi Buồn Chiến Tranh” gắn liền với từng mảnh đời riêng, khước từ những ngôn ngữ sáo mòn về lòng tự hào dân tộc, về những chiến công và vinh quang tập thể, để rồi đưa ra một thông điệp nói lên sự ghê tởm bản chất hủy diệt của chiến tranh.

Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ, người tỉnh Nam Định, sang Pháp du học hồi tháng 9 năm 1962, hiện cư ngụ tại Paris. “Sóng Từ Trường” do nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1998, là quyển sách tập hợp những bài tiểu luận phê bình của Thụy Khuê viết về Thái Thanh, Bảo Ninh, Trần Anh Hùng, Lê Phổ, Phạm Tăng, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Lựu, Trần Vũ, Võ Thị Hảo, Phạm Quy, Bùi Hoằng Vị, Lê Bá Đảng, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Huy Thiệp, Bé Ký, Lê Đạt. Mỗi một giòng chữ trong quyển sách ngắn gọn này là sự lý giải, lập luận riêng của Thụy Khuê, khi nói về từng tác giả và tác phẩm. Như trong một lần trả lời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai, nhà phê bình Thụy Khuê đã nói: “Nếu nhà văn hoàn toàn tự do trong sự tưởng tượng của mình về cuộc đời, về con người, thì nhà phê bình phải giới hạn sự tưởng tượng trong chữ nghĩa của tác giả mà mình khảo sát, không thể tán, bịa, hoặc gán ghép những điều không có trong văn bản, tức là không thể nói trắng thành đen, cái dở ngụy biện thành cái hay. Nhưng nếu không có óc tưởng tượng, nhà phê bình cũng không đọc được những gì ẩn sau chữ nghĩa của tác giả…” [2]  

Đồng thuận hay không, tùy theo quan điểm và sự cảm thụ văn chương riêng của mỗi một độc giả. Chỉ biết rằng “Sóng Từ Trường” ở chừng mực nào đó đã ghi lại dấu ấn phê bình văn chương của Thụy Khuê.

alt 

HNP
3:28am Chủ Nhật ngày 17 tháng 8 năm 2014

[1]. “Tiếng gọi Bên Sông.” Của Thế Lữ.
[2]. Trích từ “Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Thụy Khuê.”