Menu Close

Những cánh nhện đỏ ở Iwo Jima – Kỳ 6

Mặt trời đỏ

– Nhật ký của Mây

Khi tôi thức tỉnh, nắng đã đem hơi ấm tràn ngập căn phòng. Giá lạnh của trận mưa khuya chỉ là một cảm giác đã qua. Không thể chối rằng cảm giác phụ thuộc vào thời gian. Tại thời điểm này đây, tâm hồn tôi như bầu trời đen tối bị những sét đánh chéo nhau làm rối loạn. Tôi nhìn quanh. Những thứ đã tạo nên khung cảnh lãng mạn bây giờ nằm trơ trẽn trong ánh nắng. Lồng đèn rantan đã tắt lịm. Khay rượu đổ kềnh lây lất. Áo kimono bó cứng người. Ánh mắt tôi dừng sững trên gói bạc «học bổng» của Shuhun để lại, nghe âm vang lời chúc của một người sắp chết mong tôi thành đạt trong cuộc sống.

Sống một kiếp người mới. Tôi nên thấy hân hoan rộn ràng, khoe với bầy nhện đỏ rằng tôi không cần đôi cánh nhỏ. Tôi có thể bay. Bay về phía Đông của bình minh và hy vọng. Shuhun đã hứa giúp Cát và tôi rời Iwo Jima. Chúng tôi sẽ theo chuyến phi cơ tải thương cuối cùng đi Sasebo. Tôi muốn vùng dậy chạy đi tìm Cát để báo tin mừng. Đầu óc hối thúc nhưng thân thể không rời nan chiếu. Cảm giác mừng vui không tràn ngập trái tim. Làm sao biện bạch với Cát tôi đã làm geisha cho một đêm trăng hoa. Làm sao giải thích với chính mình nỗi vui mừng không đến. Tôi thoáng nhận ra mình không còn giản dị như áng mây bay qua những triền đồi tuổi thơ trong vô tư của thoai thoải phẳng lặng.

Phẳng lặng có bao giờ trở lại trong lòng tôi. Hồi còi báo động tập họp xoáy hai bên màng tang làm nhức nhối hơn cơn đau đầu. Thời gian lại đi thêm một nấc, kéo lê theo giọng đám ma của quốc thiều Kimigayo. Tôi như trông thấy xác người lính bị ném xuống biển. Phía Đông sẽ nằm sau lưng Shuhun khi hắn cúi gập người trên bãi cát hướng về phía Tây. Phía của vịnh Leyte. Tin thảm bại vịnh Leyte đổ ập xuống, và từ đó, Iwo Jima như con thú vật vã trước cái chết. Hồi còi trưa nay phải vì Shuhun. Tôi muốn vùng chạy vào trại Ngàn gió, đến trước đám chỉ huy đang hân hoan nhìn Shuhun như một công cụ tuyên truyền lòng ái quốc, hất đổ những ly rượu qua loa vinh danh sự hy sinh. Tôi muốn trông thấy hắn lần cuối, để lặp lại những lời đã nói không thành câu trong cơn say đêm qua. Tôi muốn thét Shuhun hãy về Đông Kinh! Hãy về cùng Sakai! Dù lòng tôi hiểu rõ quân nhân chỉ có thể rời đảo bằng lệnh thuyên chuyển. Tôi muốn gào Shuhun đừng chết! Nhưng lòng quyết tâm của hắn sẽ chối từ tôi. Không còn phi cơ khu trục để Shuhun làm ngọn gió thần. Thần phong chấm dứt. Tự vẫn, là cách chứng minh hoàn thành sứ mệnh phụng sự Thiên hoàng. Tình yêu của hắn, dù là đối với đất nước hoặc một áng mây, đều chỉ một chiều, không đòi hồi báo. Nên món nợ chỉ mình tôi mang. Và thời gian tiếp tục đi những nấc. Và buổi lễ tiễn đưa tiếp tục tiến hành. Và cảm giác ở mỗi nấc gắn liền với nỗi đau thân thể của Shuhun. Cho đến lúc nỗi đau quá sức chịu đựng, tôi tìm quên bằng trí tưởng, trôi theo dấu vết lương tâm đối diện với món nợ của mình. Shuhun hiện ra trong nguyên vẹn con người. Bao lần ánh mắt in trên vách. Bao lần hắn đứng lặng nhìn theo. Cánh tay giành tôi lại từ sóng dữ. Món tiền tử lãnh trước. Làm sao giải thích tôi vay mượn quá nhiều mà không trả. Làm sao giải thích sự níu kéo này, đối với một người tự chọn cái chết. Tình cảm của con người như một gốc cây tẻ nhiều rễ róc.

Tâm tư tôi xám đặc cơn giông trên bãi cát Shuhun nằm chết. Gió run rẩy trên vết dao rọc ngang mở toang bụng, ruột đổ ra ngoài. Vết dao biện bạch lòng ái quốc. Thân thể hắn đã cạn, xanh mét, máu đã trào hết ra lênh láng trên cát, máu nóng không đông vì nhiệt huyết chưa muốn dứt. Tôi nghe vết dao đâm thẳng, tuy máu không chảy và nước mắt không rơi, bao nhiêu sức lực dồn vào tiếng nấc nuốt ngược vào trong. Nỗi đau câm lặng mới xứng đáng để chào biệt Shuhun. Mặt trời đỏ xuống dần. Sắc đỏ loang ra biển rồi theo sóng tràn vào bờ đọng trên cát.

Con đường đi Sasebo trải bằng mây, lớp mây trông êm ái như đệm bông gòn dầy đặc. Tất cả những đe dọa chết chóc vụt biến mất, như Iwo Jima không tồn tại bên dưới những làn mây. Cảm giác như trôi trong giòng sông, nhưng lại không phải là giòng sông cũ, hình như tôi đã trưởng thành hơn. Cát đã không tin khi tôi kể cho anh nghe về những nấc thời gian và những cảm giác tạm bợ của chúng. Tình yêu và lòng ái quốc trong thâm tâm anh chưa hề thay đổi. Với tôi, tình yêu không gói trọn trong cảm giác. Tuyệt đối không. Tôi muốn anh hiểu tình yêu của tôi đối với anh và quê hương vẫn nguyên vẹn. Ra đi, không vì đánh mất lòng ái quốc, ai mà không yêu nước. Ra đi, vì đánh mất niềm tin, trong ý nghĩa của thiếu sót sự tín nhiệm làm nền tảng trung thành. Làm sao trung thành với một hệ thống bất tín.

Cơn giông xám đặc không rời khỏi tôi. Có khi tôi nguyền rủa những kẻ đã lợi dụng Shuhun. Tuy lòng tôi hiểu đúng hay sai là tùy mình nhìn từ góc nào. Lý trí cứng rắn hơn, cho rằng kết quả cuối cùng biện minh cho phương tiện. Sự hùng mạnh của Nhật Bản chứng minh Shuhun có lý lẽ riêng khi tín nhiệm vào những giá trị của danh dự và một mực trung thành với Nhật hoàng. Còn chúng tôi? Vẫn là những thuyền nhân. Những thành đạt dùng để đóng góp và trả nợ ân tình của nơi chứa chấp. Chúng tôi gặp nhau ngắn ngủi rồi chia tay, mỗi người theo định mệnh của chính mình. Shuhun và mặt trời đỏ của hắn, còn chúng tôi mang thân phận của những cánh nhện đỏ không ngừng bay.

– Nhật ký của Cát

Hắn mang gương mặt của thần chết Shihi. Tôi có ý nghĩ kỳ quặc là thần chết trên trang sách của Mishima đang quỳ trên chiếu. Không phải Shihi mà là Shuhun đang quỳ, hắn đang cởi từng khuy đồng và chuẩn bị rạch bụng. Các trang sách của Mishima như lật trong đầu tôi. Hắn không còn mang gương mặt sống. Khuôn mặt bây giờ là bộ mặt lúc chết. Thực ra khuôn mặt ấy một nửa đã không còn là của hắn nữa, mà đã trở thành một bức tượng trên đài tưởng niệm của một quân nhân đã chết. Shuhun ngước mắt về phía cung điện hoàng gia, tròng con ngươi hắn đã đặt vào trong bát nhang bày trên bàn thờ trong đền Yasukuni. Mũi dao đâm phập. Hắn bật phát ra tiếng kêu khàn khàn khi cố ấn bản thép hassaki vào ruột, nhưng ruột hắn đẩy lưỡi dao trồi ra cho đến khi tất cả đổ ra chiếu. Hắn cố gắng thẳng lưng trong một dáng quỳ thiểu não rồi từ từ đầu hắn ngoẹo sang bên và hắn đổ gục xuống vũng máu. Đôi mắt hắn khép lại đem theo mặt trời đỏ.

Tôi chứng kiến cảnh Shuhun quấn khăn quyết tử rồi rạch bụng với ký ức của Mishima. Những dòng chữ vô hình chạy qua đầu tôi như thể Mishima hãy còn sống và đang viết ra những chữ gai nhọn. Tin thảm bại thủy chiến vịnh Leyte đổ về Iwo Jima như một tiếng sét. Nỗi nhục Nhật Bản phải rửa bằng lễ Seppuku. Tôi nói với Thiếu tá Hiroyuki Agawa: Thủ tướng Hideki Tojo đã từ chức vì biết bại trận; thủy sư Đô đốc Yamamoto đã thiệt mạng, Đô đốc Nagumo đã rạch bụng trên đảo Saipan và thiết giáp hạm Musashi đã chìm. Cả bốn Hàng không mẫu hạm Chitose, Chiyoda, Zuiho, Zuikaku đã bị đánh đắm, xứ Phù Tang nên đầu hàng trước khi quá muộn.

Tôi yêu cầu Agawa tránh cho Nhật Bản thảm họa Hiroshima, bằng cách điện về Đông Kinh. Nhưng Agawa vẫn phả khói thuốc, duy nhất gương mặt ông đanh lại khác lúc bình thường. Thật lâu. Thật lâu, cho đến khi ông trầm ngâm: Làm một nhà văn phải vận hành theo hệ thống. Văn hay, cần trải nghiệm và trả giá. Agawa viết bằng thi pháp bốn chữ Ten’nō ni sen-nen  – Thiên hoàng vạn tuế. Ông đẩy tấm giấy về phía tôi: Các anh không bao giờ hiểu sự kính trọng của dân Nhật đối với Nhật hoàng. Chúng tôi mang trong mình lòng tôn kính những giá trị cao nhất mà các anh phá bỏ. Một khi bắt đầu phá hủy một giá trị, các anh sẽ chấm dứt bằng không còn một giá trị nào nữa. Một dân tộc phụng sự, khác với một dân tộc hỗn mang. Agawa thở khói thuốc.

Tôi biết, Agawa giữ thân và giữ mạng cho giải thưởng Sincho và cho tiểu thuyết Đô thị mùa Xuân. Tôi muốn nói: ông chưa biết đến Mishima và Setōchi. Ông chưa bằng họ vì họ chưa viết. Ông sẽ không bằng họ vì họ sẽ viết. Văn chương phải là lời thật – không thể uốn mình theo hệ thống. Mishima tuy quá khích, sẽ sống thật. Còn Setōchi biết vuốt thân thể và chuốc bản năng của một con người. Ông sẽ viết bốn trăm trang về sự nghiệp của thủy sư Đô đốc Yamamoto sau chiến tranh, nhưng ông không thể viết Phẩm hạnh của một thiếu nữ như Setōchi nhìn thẳng vào vị trí của phụ nữ Á châu. Giá trị của ông xây cất trên truyền thống và đạo đức, nhưng truyền thống và đạo đức không là sự thật. Phản chiến, là phản chiến ngay trong chiến tranh, không phải phản chiến sau khi hệ thống chấm dứt. Sự thật và hệ thống ngăn đôi bằng một hố thẳm.

Không bàn cãi. Hiroyuki Agawa đập bàn và đã đứng lên, ký lệnh cho chúng tôi rời đảo: Đây là tâm nguyện chót của Shuhun.

Đó là lần cuối chúng tôi gặp Agawa. Tôi không biết bằng cách nào ông sẽ rời Iwo Jima, nhưng tôi biết ông sẽ sống sót. Mây chăm chú theo dõi đối đáp giữa tôi và Agawa, em không nói lời nào cho đến khi rời hầm Hiến binh, Mây đưa cho tôi tiền tử tuất lĩnh trước của Shuhun. Ánh mắt em chan chứa điều muốn nói: Có những hy sinh cao hơn tiếng khóc. Tôi nhận ra Mây đang khóc bằng im lặng. Như em đã nuốt trôi ngược hết nước mắt vào thâm sâu. Mái tóc Mây hắt ánh sáng của một tâm sự: Shuhun hiểu giá trị hy sinh, vì chính hắn hy sinh. Shuhun hiểu giá trị thân thể vì chính hắn tự rạch thân thể. Shuhun biết Mây hy sinh cho cả hai chúng tôi.

Ý nghĩ tôi đã không hiểu Mây, khiến tâm tôi ray rứt. Nhưng tâm tôi chưa bầm giập bằng gương mặt Sakai bi phẫn khi cùng chúng tôi lên thủy phi cơ. Gần như khuôn mặt Sakai là khuôn mặt của Shuhun khi tự vẫn – một mặt trời đỏ. Những dòng chữ Sakai sẽ viết: giáo điều Samurai không bao giờ đòi hỏi một người chuẩn bị liên tục để tự hủy… Tôi biết, chính tình yêu với Hatsuyo ngăn Sakai tự sát – nhưng tôi không hiểu vì sao Sakai giống Shuhun và vì sao Mây không trông thấy Sakai? Em tiếp tục bàng quan hờ hững như Sakai không đứng đó và chúng tôi yên vị trong ghế ngồi không bên cạnh Sakai. Tâm tôi mù mờ phân giải trong mỗi lính Nhật mang hai phần thiện-ác. Cùng với các phi vụ Kamikaze, Nhật Bản vừa giết chết phần độc ác của chính mình. Thần chết Shihi đã bắt Shuhun đem đi. Song tôi vẫn không hiểu vì sao Mây đã không chọn tìm đến lòng thiện của Sakai, thay vì tìm đến phần ác của Shuhun… Mây biết tôi băn khoăn nên em giao cảm với tôi bằng ý nghĩ: Em đã chọn đến với Shuhun vì em tin trong bản ác còn chứa bản thiện. Em muốn trục ra phần thiện của lính Nhật mà tôi đồng hóa tất cả với tội ác. Tất cả không thảm sát ở Nam Kinh và ngay cả những kẻ thảm sát, vẫn biết tìm đến nhân từ một khi hiểu ra giá trị của nhân từ. Mất đi phần độc ác, Nhật Bản chuyên tâm vào sự hưng thịnh của đất nước. Còn chúng tôi? Ra đi – tuy không thay đổi được đất nước và dù ra đi đã là không ái quốc – chúng tôi đã nhìn thấy những cánh nhện đỏ, chúng mang linh hồn của những nụ mai tứ quý hóa thân. Những cánh nhện biết vươn lên khỏi kiếp thực vật cho dù khoảnh khắc sống chỉ là phù du.

alt

Trịnh Cung 

VTTM & TV