Menu Close

Đòn bẩy của ước mơ và đấu tranh

1(4). Một phong trào hữu cơ tự phát
Downtown Manhattan. Broadway. Los Angeles. Oaklahoma. Toronto. Oakland. San Francisco. Olympia. Philadelphia. Liberty Square. Ai Cập. Walmart.

Trung Hoa. Việt Nam. Tokyo. Sydney.

Bất bình đẳng. Bóc lột. Gian tham. Chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa đô hộ. Chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa cá nhân. Chuyên chế. Xảo trá. Bất công. Bạo quyền. Đầu não tài chính quốc tế. Học phí phi mã. Đàn áp dân quyền. Cúp ngân sách an sinh xã hội. Vi phạm quyền lợi của người lao động. Đe dọa quyền di dân và quyền lợi của người di dân. Cá lớn nuốt cá bé. Lợi nhuận bất chính. Lãi suất vô độ. Mạnh được, yếu toi. Nhà băng hút máu người.

Thế giới. Tư duy của đa số.

Cả thế giới. Toàn tư duy.

Mỗi điểm gặp là một sự đồng quyết. Mỗi biểu ngữ là một mắc xích của rừng tre triệu triệu đốt.

Theo tôi, việc chiếm cứ những địa điểm chỉ là một hình thức để biểu hiện một sự chiếm cứ về tư tưởng, sự chiếm cứ những thực tế đi ngược lại một thế giới nhân ái, bình đẳng, và hạnh phúc một thế giới có thể chỉ hiện hữu trong khát vọng, nhưng vẫn là một khát vọng muôn thuở và không gián đoạn của con người. Đằng sau tất cả những trại-chiếm (chữ tôi dùng cho các khu vực được chiếm cứ) là sự đối đầu của những tư tưởng, chống lại những hệ thống quyền bính, thách thức những hà khắc về tài chính và nhiều mặt khác đối với đại đa số quần chúng, tự do/bình đẳng >< tiền/quyền, sự giằng co xung khắc của những ý thức hệ, sự đối đầu với lạm quyền trong bộ máy tài phiệt thế giới. Về mặt tư tưởng, đây là một cuộc đối đầu ngoạn mục. Cuộc đối đầu này đã được khởi động và truyền đi nhanh chóng. Trong thế giới ngày nay, mỗi cá nhân có thể trở thành một người đưa tin, mọi người đều có thể trở thành một nhà hoạt động với những điều kiện căn bản về kiến thức, ý thức, và môi trường đấu tranh. Sự bùng nổ của kỹ thuật điện tử và truyền thông, bên cạnh sự lan tràn của social media, đã làm bàn đạp cho một ý tưởng bén lửa, nổi gió cho một cuộc cháy rừng hùng vĩ. Về mặt nhân bản, đây là một mắc xích trong hàng vạn phong trào nổi dậy trên thế giới, nhất là trong thời kỳ hậu hiện đại. Từ  phong trào giải phóng nô lệ, qua sự nổi dậy của những người dân da đen và sự hỗ trợ của những trí thức da trắng, cho đến cuộc Cách Mạng Nhung ở Tiệp lật đổ chế độ toàn trị. Từ bức tường Bá Linh bị phá vỡ rơi theo dư âm của Chiến Tranh Lạnh, cho đến Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan giật tung xiềng xích của 50 năm dưới ách Stalin. Từ Cách Mạng Hoa Nhài trong thế giới Ả Rập, cho đến hàng loạt cuộc xuống đường của công nhân tại Trung Quốc. Từ những cuộc tuyệt thực cho tự do tín ngưỡng của người Việt hải ngoại tại Little Sàigòn, cho đến Thái Hà và những phong trào dân chủ tại quê hương. Tất cả cùng một vũ điệu: đi tìm tự do, công bình, bác ái. Chiếm Wall Street (tôi sẽ dùng chữ tắt OWS, Occupy Wall Street, trong bài này để tôn trọng danh xưng nguyên thủy của phong trào), nhìn từ ngoại tầng khí quyển, là một khoảng xanh của lũy tre ngà nối dài trên toàn thế giới, qua mọi thời đại. Tuy nhiều trại-chiếm đã bị cảnh sát dẹp từ những ngày giữa tháng 11, ảnh hưởng và sức sống của OWS không chỉ nằm trong những nơi này. Nó nằm trong một luồng tư tưởng mới đang tỏa lan trên khắp thế giới về một khát vọng và đòi hỏi cho bình đẳng, công bằng, và hạnh phúc. 2(4). Cái khó không bó cái khôn

Một ngày đầu tháng 11. Tôi đi một vòng quanh Zuccotti Park. Trời đã bắt đầu lạnh. Gió thu thổi lồng lộng. Nắng ngoi ngóp thở trên những tòa nhà cao tầng, những tàng cây thấp trong công viên. Ánh nắng phản chiếu từ những mặt kính băng giá trên cao ốc, lập lòe một cảm giác nửa thật nửa hư. Ngoài vài người trẻ đứng ở đầu công viên hô hào các khẩu hiệu với khách qua đường, phần còn lại của công viên khá lắng đọng, với khoảng sân ở giữa công viên tuy chật chội nhưng vẫn là hội nghị bàn tròn của những người đang hội luận trong chương trình livestream trên website. Dọc theo bốn phía của công viên, người ta dựng các biểu ngữ, bán các nút cài có thông điệp, hát những bài ca tranh đấu, và hàn huyên với nhau.

Một người tiếp cận lần đầu có thể có nhiều cảm xúc khác nhau. Kẻ thì bảo là hỗn độn.

Ca vang tinh thần đấu tranh

Người thì cho là lộn xộn. Có người cũng sẽ cảm thấy khó chịu vì vấn đề vệ sinh không được hoàn hảo. Đảng phái thì cũng nhiều. Người ta sẽ bắt gặp cả vàng lẫn thau ở đây. Đối với tôi, Zuccotti Park đã trở thành một  mái ấm lộ thiên  cho một  gia đình mở rộng.  Mái ấm lộ thiên này quy tụ thập loại chúng sinh, không nhất thiết ai cũng là một người chiến sĩ tiên phong của phong trào OWS, nhưng mỗi người đều có liên quan đến phong trào này. Hoặc họ là nạn nhân của những bất công mà OWS đang lên án, hoặc họ là những người đã bị xã hội bỏ quên. Một người khắt khe có thể bảo: quân ô hợp. Đây chính là cái khó của OWS.
Nhưng cái khó của phong trào này, theo tôi, cũng chính là sức mạnh của nó. Vì là một phong trào hữu cơ và tự phát, nó bắt buộc phải chấp nhận việc không có một cơ cấu chặt chẽ, không có một hệ thống lãnh đạo theo cấp bậc, không có một sự chọn lọc trong thành phần tham dự. Nó phải hợp quần. Nó phải bao dung. Nó phải khoan thứ. Nó phải chấp nhận. Nó phải dung hòa.
Nhà bếp Tình Thương (tên do tôi đặt) được ông đầu bếp Eric Smith đảm đương, cung cấp thức ăn cho những người trong phong trào. Vẫn có nhiều thiện nguyện viên không được ăn trưa vì một số khách vãng lai đã xếp hàng lấy hết thức ăn. Nhưng các thiện nguyện viên vẫn không phàn nàn hay giành giật. Một số người vô gia cư cũng tìm cho mình một mái ấm tại đây. Nhiều người chỉ trích sự có mặt của họ. Theo tôi, nếu OWS đấu tranh chống bất bình đẳng trong xã hội, thì chính phong trào này không thể loại bỏ hay phủ nhận sự hiện diện của những thành phần thấp cổ bé họng trong xã hội. Họ là những người vô gia cư, những người sống lưu vong ngay chính trên quê hương họ, là những người không có địa vị xã hội cũng chẳng có khả năng tài chính. Họ là những kẻ sống bên lề xã hội. Những người vô gia cư và lãng tử, theo tôi, đóng một vai trò cụ thể trong phong trào OWS. Họ là hiện thân của những bất công, là chứng từ của sự mất quân bình trong xã hội, là một sự thật khó chịu nhưng cần được giải quyết. Họ chính là lý do cụ thể và rõ ràng nhất cho phong trào OWS. Rất nhiều người đã mất nhà vì nạn cho vay subprime, nhiều người bị cơn khủng hoảng tài chính thế giới đẩy vào dòng lãng tử.

3(4). Trông người lại ngẫm đến ta

Những cuộc biểu tình trên thế giới luôn khiến những người Việt hải ngoại ngẫm đến hoàn cảnh nổi dậy của đồng bào trong nước. Những cuộc biểu tình chống Lưỡi Bò Trung Quốc, chống khai thác Bauxite Tây Nguyên, chống đàn áp tôn giáo, chống vi phạm quyền tự do ngôn luận, hay đòi trả tự do cho các nhà hoạt động dân chủ, bloggers… Có phải đây chính là những phong trào “Chiếm Wall Street” trong hoàn cảnh riêng của Việt Nam, khởi đi trước khi Zuccotti Park trở thành biểu tượng của một phong trào quốc tế đòi hỏi quyền con người?

pic

Hội nghị bàn tròn giữa công viên

Những cuộc biểu tình ở Việt Nam, tuy mới nở rộ trong những năm gần đây, đã cho thấy một sự tràn bờ của niềm tin vào chân lý, của sức mạnh cộng thể, của một Việt Nam nhiều sức sống và tiềm năng. Người dân đi biểu tình cũng diễn đạt lòng yêu nước theo cách của họ: người biểu tình trên mạng bằng những bài viết, kẻ xuống đường giăng biểu ngữ, đối mặt với công an. Họ bất chấp sự đàn áp của công an đối với người biểu tình, bằng bạo lực đối với đám đông xuống đường, hay bằng sự giam cầm cho những người bất đồng chính kiến. Họ được đồng hương hải ngoại ủng hộ, được quốc tế quan tâm.

Tại hải ngoại, chúng ta vẫn có những cuộc biểu tình hướng về quê hương, hiệp lực và hỗ trợ cho đồng bào tại quê nhà, những đêm thắp nến, những buổi nghị yết tìm phương cách bảo vệ đất nước, những cuộc tuyệt thực, những đoàn biểu dương đầy quyết tâm đứng trước các tòa lãnh sự Trung Cộng và Việt Cộng, những thỉnh nguyện thư trên mạng để kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của thế giới. Cũng có những cánh chim lẻ loi, vẫn làm nên mùa Xuân ở những vùng xa xôi, đi biểu tình một mình, như một đồng hương tại Tiệp (xin phép không nêu tên lên, vì tôi muốn đặt nặng cái sự chung vai của tất cả những ai biểu tình, cho dù tại Việt Nam hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới).

pic

Sự tham gia của Phong trào Tự lập của người Mỹ da đỏ tại Chiếm Wall Street

Cái mắc xích của những cuộc biểu tình này   cho dù một người, hay vạn người   đã diễn đạt cái niềm mong đợi chất ngất của con dân đất Việt trong thế kỷ 21: cho một quê hương thanh bình, phồn thịnh, kiên vững, và công bằng  một Việt Nam cùng nhịp bước với nhân loại trong thế kỷ 21. Người ta có quyền đặt câu hỏi: Những cuộc biểu tình này đi về đâu? Nó đã tạo ra được thay đổi gì cho quê hương, dân tộc? Câu trả lời, theo tôi, nằm trong chính các cuộc biểu tình này, vốn cho thấy người dân tại Việt Nam, tuy vẫn sống dưới một chế độ toàn trị, đã phá sập một vài khoảng trong bức tường chắn họ với thế giới bên ngoài. Khi giật sập những khoảng tường này, họ tham gia vào một thế giới đang sôi sục, và chính sự sôi sục bị đè nén trong hàng chục thập niên qua trong họ đã bừng lên với sức đột phá cấp lũy thừa. Họ đã bắt đầu một trang sử mới, và tôi háo hức đi tìm những gì còn đang ở phía trước.

4(4). châu chấu đá xe?

“Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng đâu chấu ngã, ai dè xe nghiêng”

Nhìn về kích cỡ, thì cái công viên Zuccotti Park nhỏ bé này chẳng là gì đối với hệ thống Wall Street đồ sộ. Đó là chưa nói đến cái đồ sộ ẩn hình của Wall Street, nắm giữ mọi mạch kinh tế lớn nhỏ trên toàn quốc và thế giới. Zuccotti Park chỉ là một mảnh đất không đủ chỗ cắm dùi. Nhưng cái thỏm đất eo óp ấy chính là điểm khởi đầu của một chuyến chạy việt dã. Ngọn lửa đã lan nhanh qua các vùng khác tại Hoa Kỳ và trên cả thế giới.

pic

Một quầy bán button về phong trào

Đứng giữa Zuccotti Park, tôi liên tưởng đến nhà vật lý học Archimedes và nguyên lý đòn bẩy của ông, một trong những khám phá khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nguyên lý đòn bẩy cho thấy sự chuyển hóa của lực trên đòn bẩy, từ đầu trên đến đầu dưới. Lực này tỉ lệ thuận với độ dài của đòn bẩy. Nếu ta chỉ cần một điểm tựa để nâng quả địa cầu, thì điểm tựa đó là Zuccotti Park, và đòn bẩy là phong trào Chiếm Wall Street. Những người quan tâm đến xã hội đã nhìn vào bờ biển của nhân loại, và thấy tình trạng đại-dương-hóa do lũng đoạn tài chính gây ra. Nhiều người bị trôi ra biển-nợ, bị sóng-lãi-suất nhận chìm. May thay, đòn bẩy của OWS đã ngày càng nối dài. Đòn càng dài thì lực càng lớn. Điểm tựa càng vững thì độ nâng càng cao. Mong rằng sẽ kịp có những phao cứu hộ đưa người vào bờ.

Đối với tôi, “Chiếm Wall Street” diễn đạt một nhu cầu cao nhất của con người: nhu cầu đến với nhau, và cùng đấu tranh cho một giấc mơ viên mãn. Có lẽ chính cái sự thừa mứa về vật chất khiến con người đi tìm một cái gì sâu lắng hơn, chân bản hơn   vì có rất nhiều người tham gia phong trào không vì áo cơm cho chính mình, như giới thượng lưu trí thức (luật sư, giáo sư, những nhà hoạt động tư tưởng, những nhà giáo), mà vì một khao khát cho một xã hội quân bình và công bằng.

Đây là một phong trào không phát đi từ những người không có việc làm hay đang sa cơ thất thế. Nó được khởi động bằng những bộ óc tinh khôi và đương đại tại Canada, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác. Một nhân quần xã hội đa dạng chính là dung mạo của “Chiếm Wall Street.” Tôi hỏi một người cầm biểu ngữ, “Tại sao anh đeo mặt nạ?” Câu trả lời: “Tôi là ai   đó không là điều quan trọng. Điều quan trọng là lý tưởng mà tôi đang tham gia tranh đấu với mọi người.”

pic

Tâm tình của những người chiếm phố Wall

Thế kỷ 21 không là thế kỷ của một châu lục nào. Nó là thế kỷ của toàn cầu, của đại đa số quần chúng, của sức mạnh hợp quần, của niềm tin vào một sự cộng-hữu bình đẳng và công bằng, của những thách đố và dấn thân mới. Chúng ta đã có những Bách Khoa Toàn Thư Mở với đủ mọi ngôn ngữ trên thế giới. Chúng ta cũng có những tổ chức vô vụ lợi chỉ nhằm kiến thiết một nền hòa bình tự phát và hướng tâm ở khắp nơi. Chúng ta đã thấy các tôn giáo đến gần nhau hơn. Chúng ta chứng kiến cơ hội hòa hợp sắc tộc qua những hình thức cả hữu thể lẫn vô hình. Con người, chỉ khi sống trong lý tưởng yêu thương và vị tha, mới thật sự đạt đến hạnh phúc cao nhất. Có phải chăng đây chính là nguyên nhân sâu xa của tất cả những gắn bó hữu cơ mà chúng ta thấy đang diễn ra trên bình diện quốc tế? Cơ hội thuộc về chúng ta. Khả năng thay đổi thế giới nằm trong tay chúng ta.

Thế kỷ 21. Nó đã là một thế kỷ của nhiều thay đổi cả thể, dù chỉ đi mới một phần mười thời gian.

TT