Khoai lang là một trong những loại rẫy quen thuộc vùng sông nước Hậu Giang như các làng mạc thuộc tỉnh Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc ngày xưa thường hay trồng. Hồi đời trước, từ hồi mới lập làng Tân Bình thuộc Tân Phú tổng, Đông Xuyên huyện, Tân Thành phủ, tức vùng Lấp Vò, thuộc tỉnh An Giang, bộ Minh Mạng năm thứ 17 có ghi:“Diện tích đất trước kia trồng dâu, nay trồng đậu, trồng khoai là 17 mẫu”.(1) Như vậy việc trồng khoai ở Tân Bình, và suy ra các vùng khác đã có từ lâu đời (2). Và đất trồng khoai lang cũng được sắp xếp riêng cho loại rẫy này là đất cặp các bờ mương hoặc cặp các mé vườn. Sở dĩ trồng khoai lang nơi các vạt đất gò vì các nơi vừa kể tới mùa Tháng Bảy nước sông Cửu Long bắt đầu dâng lên lần lần, và khoai lang lại kỵ nước, nên trồng khoai lang nơi đất gò để kịp dỡ khoai khi nước vừa bò tới mí vườn. Vào khoảng cuối Tháng Ba âm lịch và lúc mưa già Tháng Tư là ở các làng quê ấy dân làm ruộng bắt đầu cuốc khoai lang, nhưng việc trước tiên và cần yếu là mỗi khi muốn trồng loại cây nào mình cũng cần hai yếu tố chánh đó là chuẩn bị đất và cây giống.
Về đất, như đã thưa cùng bạn, bạn phải có đất trồng khoai. Đất trồng khoai là đất gò đã đành nhưng nếu vạt đất ấy nằm cặp mé mương, bờ kinh là rất tiện trong việc tưới nước và chuyên chở khoai nữa. Đất trồng khoai được trâu bò cày lên rồi phơi nắng cho đất khô và ráo phèn. Sau đó, trước khi vào mùa cuốc khoai lang người ta cho bò trâu cày đất một lần nữa gọi là cày trở. Cày trở nhằm mục đích trở mặt đất nằm bên trên lật úp xuống và đất nằm bên dưới trở ngược lại bên trên phơi nắng. Khi đất thiệt khô, lúc bấy giờ người ta dùng trâu bò bừa phá đất một lần nữa bằng bừa muỗng, còn gọi là bừa nạo. Sở dĩ gọi như thế vì lưỡi bừa bằng sắt, dài cỡ hai tấc, được rèn giống như cái muỗng hoặc giống như lưỡi bàn nạo dùng để nạo dừa. Dùng loại bừa nạo dễ làm bể đất hơn loại bừa răng vì lưỡi bừa răng thì suôn, loại bừa răng thường dùng lần thứ hai sau khi bừa nạo, mục đích làm cho đất bể nhỏ thêm. Nhưng với đất trồng khoai lang, đất không cần phải bừa nhỏ ra như vừa kể.

Khoai lang vùng Nha Mân (Sa Đéc) – PHOTO TRẦN NHIẾP
Về khoai lang giống, có hai loại. Loại thứ nhứt là mình lấy dây khoai lang vừa mới đào khoai xong rồi đem lên vườn giâm lại nhằm gầy giống cho mùa tới. Loại dây khoai lang giống này ngày xưa thỉnh thoảng có người dùng vì nó tiện trong việc gầy dây khoai giống nhưng không bằng loại dây giống thứ hai là lựa củ khoai tốt và để nguyên đất và đổ đống dưới sàn nhà hay dưới sàn các bộ ngựa gõ cho tới khi nào củ khoai lên mộng mới đem gieo các củ khoai này trên nền vườn để khoai lên cây và sau này lấy các dây lang này làm giống. Thường thường đất giâm khoai lang giống cũng xới nhuyễn cho khoai mau bén rễ và tưới nước thường xuyên nhằm giúp cho dây tươi tốt và loại khoai lang giống này cũng cho nhiều củ nữa. Cả hai loại dây khoai giống này tới mùa trồng khoai người ta lựa dây tốt cắt thành từng đoạn khoảng ba hoặc bốn tấc để trồng, gọi là hom khoai.
Về cách trồng, tùy theo kinh nghiệm mỗi người cũng như kinh nghiệm mỗi vùng, có khi người ta trồng dây chiếc gối đầu nhau; những chỗ hai đầu dây gối đầu nhau ấy sau này cho nhiều củ hoặc người ta nhập hai hoặc ba dây khoai giống lại thành một rồi cũng trồng gối đầu như vừa kể hay trồng cách nhau một khoảng cách rất nhỏ. Có người trồng các dây giống rồi lấp đất lên phủ kín các dây giống; cũng có người trồng chỉ lấp phần giữa dây giống chìm trong đất và hai đầu dây giống cất lên khỏi mặt đất; lại có người trồng hai đầu dây giống ghim xuống đất, còn phần giữa chỉ lấp đất sương sương thôi.Tóm lại, trồng cách nào khoai cũng sống và cũng có củ nhưng củ nhiều hoặc củ ít là tùy từng vùng, từng mùa mà cũng do kinh nghiệm riêng của mỗi người với kinh nghiệm trồng khoai lâu năm của họ nữa.
Việc trồng khoai, nặng nhứt có lẽ là công việc cuốc giồng. Sở dĩ công việc cuốc giồng nặng nhọc nhứt vì cuốc giồng tới đâu trồng tới đó chứ không cuốc giồng sẵn nên người thợ cuốc giồng đòi hỏi phải rành kỹ thuật cuốc giồng khoai đã đành mà còn phải cuốc nhanh, ốp giồng cao làm sao cho đất trên giồng khoai không bị chuồi xuống nữa.. Để cho giồng khoai không bị cong cong quẹo quẹo, người ta giăng dây ngay từ giồng khoai đầu tiên, sau đó, người ta nương theo giồng khoai đầu tiên ấy mà kéo giồng thứ hai, rồi giồng kế tiếp và làm như vậy cả công khoai các giồng khoai đều thẳng hàng nhau; nếu có bị cong queo thì cũng chỉ xê xích chút ít thôi chứ không cong vòng cho lắm. Khởi đầu hai người thợ cuốc giồng khoai với cây cuốc lưỡi tai tượng, tức loại cuốc lưỡi lớn được rèn cho bén để xúc nhiều đất, mỗi người đi một bên cuốc đất ốp vô thành giồng. Theo sau là hai người thợ trồng khoai, thường là phụ nữ dùng dao yếm hoặc dùng chét xắn nhẹ lên giữa giồng khoai và đặt dây khoai giồng xuống rồi lấp đất lại. Thường thường công việc trồng khoai khá nhanh nên người thợ cuốc giồng mà hơi dở là cuốc mệt lắm, các anh sẽ cuốc không kịp cho các chị trồng. Cho nên ở trên tôi có nhắc công việc cuốc giồng cực là do vậy.
Sau khi các thợ trồng khoai vừa xong tới đâu là có người lôi rơm tủ lên giồng khoai vừa trồng tới đó. Rơm chỉ tủ thưa thôi, không cần dày lắm. Mục đích của việc tủ rơm là làm cho ấm giồng khoai mà cũng giúp cho giồng khoai không bị mưa làm dẽ đất, khoai mới có nhiều củ. Trồng khoai mà biết trúng mùa hay không là do thời tiết xảy ra khi mình định ngày cuốc khoai. Nếu vừa cuốc khoai xong, chiều lại có mưa ướt đất, là biết cuốc khoai trúng mùa. Sở dĩ người ta đoán chắc như vậy vì sau cơn mưa, sáng hôm sau ra xem lại miếng khoai vừa trồng chiều hôm qua các lá khoai đều cất lên biết khoai không bị nắng làm mất sức, nên chắc khoai trúng mùa. Trường hợp cuốc khoai mà gặp vào những ngày không mưa thì hơi cực hơn vì người ta phải gánh nước tưới khoai mới trồng, nếu không tưới có thể khoai bị khô và dây khoai sẽ bị héo; có khi nắng quá nhiều dây khoai còn non chịu không nổi và có thể bị chết dây làm các giồng khoai lên không đều, nên cuốc khoai gặp mưa là vui nhứt. Thường thường mỗi ngày, hai người thợ cuốc và hai người thợ trồng có thể cuốc và trồng rồi một công khoai lang với tầm dài 3 thước, ngang 12 tầm, chạy dài 12 tầm, còn gọi một công tầm cắt.
Trồng khoai lang có cái vui là lúc mới trồng gặp mưa thì mừng, nhưng khi khoai lang gặp mưa hoài khoai bò mịt mù trời đất cũng hổng được vì khoai lo bò cho tốt thì lại không lo trụ rễ lại thành củ, do vậy mới có thành ngữ “tốt dây xấu củ”. Từ đó, sanh ra thành ngữ ngược lại“xấu dây tốt củ”. Cả hai thành ngữ này ở nhà quê thường dùng cho cả nghĩa đen và nghĩa bóng nữa. Thành ra, người ta mới nghĩ cách làm sao cho dây khoai lang bớt bò lại, hầu chúng trụ rễ lại thành củ. Do vậy, dân trồng khoai bỏ thì giờ ra đi theo hai bên giồng khoai lấy dây khoai gom gọn dây khoai lên giồng thay vì để chúng bò tràn lan ra ngoài. Công việc gom dây khoai gọn lên giồng khoai ở nhà quê gọi là “vắt giồng khoai” nhằm mục đích làm cho dây khoai bớt bỏ ngọn vượt tới trước hoài thì mới có củ nhiều. Ngoài công việc vắt giồng khoai, ở nhà quê người trồng khoai cũng cho bà con ai muốn ăn đọt khoai lang thì cứ tự nhiên ra đám khoai hái đọt lang về luộc chấm mắm, chấm cá, chấm chao ăn rất bắt cơm, hổng ai la rầy gì mình, mà chủ rẫy khoai còn cảm ơn mấy người hái đọt khoai lang nữa vì khoai bị ngắt ngọn cũng là cách làm cho chúng bớt bò dài ra để khoai mau có củ. Nói hái đọt lang luộc chấm tương chao là nói cách bình thường, nhưng tôi còn nhớ mấy năm 1976-1980, lúc còn trong Kinh Năm, (Hỏa Lựu, Vị Thanh), những ngày chúng tôi đi làm mướn đào đất, cuốc khoai, dỡ khoai, chúng tôi thường hái đọt khoai lang còn non hoặc đôi khi cả lá khoai nữa về rửa sạch và ăn sống với tương chao, không cần luộc chín gì mà lá khoai lang vẫn ngon và ngọt vô cùng. Thế mới biết nhiều lúc lá khoai lang cũng giúp con người những khi cần chất bổ không thua gì thuốc bổ.

Khoai lang đang trổ bông và trong thời kỳ tạo củ – PHOTO TRẦN NHIẾP