Với những tác phẩm nổi tiếng như “Bước Qua Lời Nguyền,” “Lão Khổ,” “Đi Tìm Nhân Vật,” “Sinh Ra Để Chết,” nhà văn Tạ Duy Anh được mệnh danh là ngòi bút viết về người nông dân Miền Bắc Việt Nam.
Tạ Duy Anh lang thang phiêu bạt suốt hai mươi năm mới tìm lại được thế giới tuổi thơ – thế giới thật sự của ông – là thôn làng nơi ông được sinh ra. Thôn làng này giống như một vũ trụ thu nhỏ, có sẵn tất cả những điều ông tìm kiếm để sáng tạo. Bao nhiêu năm qua sự gì xảy ra trên đất nước, cũng xảy ra trên ngôi làng quê hương của ông; tất cả giống như cuốn phim tài liệu lịch sử, giúp ông nhận biết: Lịch sử nông thôn hiện đại có hai cuộc đảo lộn lớn. Sự kiện thứ nhất là “cải cách ruộng đất,” đi kèm với hợp tác hóa. Sự kiện thứ hai là giải thể toàn diện những gì được thiết lập rất công phu trước đó. Sau cải cách ruộng đất, nông thôn Miền Bắc như người bị đột quỵ, phải mang một bộ mặt khác, một tinh thần khác, một văn hóa khác, một lối sống khác. Điều này tạo nên những bi hài kịch, và cũng chính là số phận của hàng chục triệu người, mà tác giả đã quan sát và nhận biết.
“Đi Tìm Nhân Vật” của nhà văn Tạ Duy Anh do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia phát hành, là lời tự thuật của nhân vật “tôi” tình cờ đọc được mẩu tin: “Nạn nhân là thằng bé đánh giầy, quãng 10-12 tuổi, bị một gã đàn ông đâm chết ngay tại chỗ. Hung thủ được tạm mô tả như kẻ mắc chứng thần kinh, ăn mặc sang trọng. Việc truy bắt đang được tiến hành ráo riết.” [trang 6]. Nhân vật xưng “tôi” là Chu Quý – cái tên chỉ xuất hiện vài lần, trong quyển truyện dài hơn ba trăm trang. Chu Quý muốn điều tra, muốn đi tìm người anh gọi là hắn. Hắn có thể là hung thủ, là người gây ra án mạng. Hắn còn đóng những vai trò nào đó mà Chu Quý nôn nóng muốn biết. Thật lạ! Trang báo không ghi ngày tháng, địa danh xảy ra án mạng. Nhưng chẳng hiểu vì sao Chu Quý lại biết hiện trường đúng là “chỗ ấy,” gần ngã tư của phố G – nơi anh “tin rằng” chú bé đánh giầy đã ngã xuống. Từng suy nghĩ, từng lời cảnh báo của Chu Quý, khiến độc giả phải coi chừng, phải để ý, vì những điều kẻ nào đó tường thuật có thể là lời nói dối. Ai cũng có thể là người chứng kiến, và ai cũng có thể là kẻ cho lời khai gian trá.
Dưới ngòi bút của Tạ Duy Anh sự hoài nghi là điều không thể thiếu, để hình ảnh của “hắn” trong “Đi Tìm Nhân Vật” phải khắc khoải trầm tư, phải ưu phiền đau khổ, phải đắn đo hoài nghi, khi hắn nhận biết: Bất cứ sự kiện nào vừa xảy ra, chỉ cần vài ba phút đã bị dư luận tung hỏa mù, đánh lạc hướng. Con người vốn ích kỷ, lạnh lùng, không muốn bị rắc rối lôi thôi vì những chuyện bao đồng, có thể gây bất lợi cho bản thân. Nhưng cũng chính con người còn vụ lợi, thích kể xấu người khác, lại sẵn sàng bôi tro trát trấu vào những điều họ biết hay không biết, chỉ vì sợ hãi, chỉ vì ích kỷ, chỉ vì vô tâm, chỉ vì ác ý…, hay chỉ vì “thú tánh” mạnh mẽ trong lòng đã làm mờ lương tri. Vì thế tôi có thể là tôi, mà cũng có thể là kẻ bất lương nào đó trong xã hội điên loạn, không còn biết công lý, nhân ái, hòa bình, tự do, là gì! Những kẻ vô tri nói trên phân vân lạc bước đã đành; nhưng Chu Quý xem ra rất hiểu biết tại sao lại phải loanh quanh trong mớ bòng bong của nghi vấn và giả thiết?
“Đi Tìm Nhân Vật” gồm nhiều mảnh đời trong một mảnh đời, nhiều nhân vật trong một nhân vật, nhiều ẩn tình trong một ẩn tình, mà Tạ Duy Anh muốn mời gọi người đọc thinh lặng xem, để giải mã những con số bí mật của quá khứ.

4:12am Thứ Bảy ngày 23 tháng 8 năm 2014