
Quán café Hummingbird – với tôi là một cứu cánh nơi xứ người. Vẫn phải “tác nghiệp” bằng cell phone.
Wi-Fi, chiếc phao trên biển cô đơn
1
Bầu trời xám xịt đè nặng trên những mái nhà, vỉa hè, cây cối. Sấm, chớp co thắt rền rĩ. Những bộ râu xồm xoàm đứng tựa người trên những bức tường nhăn nhở. Vài cái đầu bù xù ló ra từ những cửa sổ của dãy nhà hoen ố. Mùi hăng của nước tiểu. Tiếng mèo kêu từng chập trên những ngôi nhà thủng mái. Chiếc dép giẫm phải một xác chuột, gầy guộc dưới bộ lông xám; tôi giật mình, ngước nhìn một con chó vằn vệt mũi đang nghếch về hướng mùi chuột chết.
Một nỗi sợ hãi nặng nề, ngột ngạt. Tôi siết chặt cái balô, gắng duỗi hơi thở trên mỗi bước chân hoang mang. Tôi giấu nỗi sợ vào những lời cầu nguyện khi nhớ đến lời dặn của Bailey, “ Bước ra khỏi cái bệnh viện này là những hung hãn khó đối lường.” Cảnh vật lạc lõng, con đường bụi đất cứ mù mờ những ngõ rẽ ngoặt. Trên vỉa hè, quần tụ những chiếc quần áo lót sặc sỡ trên những dây phơi, lấp ló những khuôn mặt đàn bà bản xứ mốc thếch. Tim loạn nhịp, tôi cúi gằm, tránh những tia lạnh lùng ném vào mình.
“Kia rồi, cái tiệm tạp hóa,” tôi lầm bầm, gắng dứt mình khỏi những lo sợ triền miên. “ Cũng có giải khát lạnh, không quá tệ!” Cơn khát chẳng làm tôi nghĩ đến bình nước cam chua lè. Tôi nhìn quanh, cũng chẳng có gì để nhét vào cơn đói ngoài vài cái bánh vàng nghệ beef patties, loại bánh nướng quai vạc đặc sản của Jamaica. Tôi dừng ở cái thẩu kẹo, cốt kiếm sự bình tâm trong vốc kẹo đủ màu. Lục tung cả cái tiệm tạp hóa vẫn chưa thể tìm ra một đôi vớ cho anh.“Bà chỉ có thể tìm mua vớ ở dưới phố. Tiệm tạp hóa không bán những thứ này.” Nàng thu ngân, tóc bím, môi dầy, mắt kẻ viền đen thui như chẳng có vị ngọt ngào nào ở đầu lưỡi. Tôi như con mèo cụp đuôi, trả tiền vài thứ lặt vặt rồi lủi thủi bước ra ngoài. Ngày xám xỉn. Cơn mưa đang nhàu nát sau bức tường đổ. Tôi nép vào mé hiên bẩn thỉu, chăm chăm vào một con chó con sũng ướt đang gặm khúc xương nham nhở trong vũng bùn cạn. Mùi cống khăm khẳm xú khí. Giữa trần trụi, tôi nhìn đời bằng con mắt hoang mang. Trời mưa. Tôi mang nước mắt làm mưa xứ người. ..

Nhờ cô hàng café chụp giùm một “pô” ảnh.
2.
Cánh cửa như muốn rung lên bằng những cú dộng mạnh. Tôi vừa kịp giật nước bồn cầu, rửa tay. Vừa mở cửa. Một cô nàng tay bụm miệng, lao như thốc vào restroom. “Xin lỗi, tôi cần dùng restroom ngay, tôi buồn nôn quá!” Cái cánh cửa chưa kịp đóng sập. Cơn ói mửa tựa những u uất tích tụ, thôn thốc dồn dập vào cái bồn cầu.
“Cô có sao không?” tôi ái ngại hỏi vọng vào. Chẳng hiểu sao, tôi vốn nhạy cảm với cái đau của người đời.
Cô gái liêu xiêu bước ra. Gương mặt nổi lên trên bức tường- một mảng xanh xao. Tôi bước lại gần đỡ lấy tay cô, vẻ yếu đuối xác xơ, gợi trong tôi nỗi thương cảm khó tả.
“Cô có thân nhân cùng đi với cô không?” Tôi thực tâm lo lắng.
“Tôi và chồng đi hưởng tuần trăng mật nhưng chưa mấy trọn vẹn, mấy ngày nay, tôi cảm giác một cơn bệnh lạ đang hoành hành mình đến vật vã.” Cô nói như thở dốc.
Một thanh niên mắt xanh, dong dỏng với cặp môi khô, tóc cắt ngắn, da hồng hào đầy vẻ hốt hoảng. Cả thân người mảnh dẻ của cô gái chợt đổ ập, rũ rượi trên cánh tay người chồng.
Những con số hai thường luôn đi cặp, như những nhịp tim, những bước chân gắn bó… Tôi nghe mắt mình cay.

Cái balô – vật bất ly thân – một đồng hành thân thiết ở những ngày nơi xứ sở Jamaica
3.
Phòng cấp cứu chuyển đến một ca chấn thương nguy kịch. Một khuôn mặt bầm giập trên cái băng ca màu cứt ngựa. Tiếng kêu của người đàn ông già, nửa như rên, nửa như rú.
“Tưởng sóng biển đã cuốn tuốt cha tôi khi ông bị sóng dập và đập mặt mạnh vào những ghềnh đá sát bờ. Lúc ấy, tôi đang bơi gần đấy và chỉ kịp kéo ông vào bờ…” Cậu con trai vắn tắt. Chấm hết sự lạc thú của một kỳ nghỉ mát trên bãi biển thơ mộng cùng người cha già.
Cô nàng mong manh như cành lan, giờ đang điền vào chỗ trống của cái giường bệnh đối diện. Tôi dần quen thuộc với những tiếng rên đau đớn như thoát ra từ cổ họng của một con mèo ốm yếu. Cặp vợ chồng thoạt nhìn chỉ như một cặp tình nhân trẻ. Lãng mạn của kỳ trăng mật, chẳng còn là những bước dập dìu trên cát trắng. Cứ mỗi vài chục phút, chàng lại dìu nàng từng bước lao đao vào nhà vệ sinh!
Ôi! Những cơn ác mộng của một kỳ nghỉ mát trên xứ sở Jamaica. Tôi thở dài.

Blue Hole- con thác và hồ nước xanh thiên thanh tuyệt đẹp giữa rừng hoang dã.
4.
Tôi gắng giũ sạch mọi sợ hãi, cảm giác mình đang sống trong một đời sống khác biệt. Đời sống của những ống Morphine, những chai nước biển trong vắt nhỏ giọt trên mỗi đầu giường- từng giọt tăm sủi đều đặn. Cuộc sống của tôi giờ đây: tiết chế và run rẩy. Tôi gắng để lại sau lưng những hốt hoảng với nỗi buồn trĩu mắt. Tôi và anh, dẫu ở hai thái cực hoàn toàn khập khễnh nhưng cùng đối mặt với nỗi cô độc tận cùng. Tôi nhìn đời đầy thất vọng nhưng chưa mất hẳn niềm tin. Và gắng chối bỏ những chịu đựng của cuộc sống để không chìm vào nỗi tuyệt vọng.
Dr. Mark đã trở về Mỹ để dành kỳ nghỉ với gia đình. Ông cũng bị cuốn đi trong nỗi khát vọng cứu sống anh. Và ông đã thành công. Dẫu vậy, cái thân nhiệt yếu ớt của anh vẫn chưa đem lại cho tôi cảm giác an bình. Cuộc chiến chống thần chết vẫn để lại trong tôi những dư chấn đầy kinh hoàng. Thật sâu trong im lặng của bốn bức tường. Tôi nhìn cái Chết thấu suốt.
Anh tỉnh dậy, đầy mỏi mệt. Sự mỏi mệt của kẻ được sống đến tận giờ phút này. Bailey đã mang về cho anh một đôi vớ. Tôi vui mừng xỏ vào bàn chân anh đôi bít tất mỏng manh như cánh lá. Anh vẫn chập chững trên đôi chân yếu gầy. 10 phút tập đi thậm thượt và đầy khó nhọc.
“Chỗ nào em ngồi chờ anh, anh muốn biết honey,” anh nhìn tôi chờ đợi.
Tôi dìu anh ra phòng chờ, chỉ tay vào mấy cái ghế gỗ trong góc phòng, nơi mỗi ngày tôi ngồi chuyện trò với cái đầu gối của mình,“Em ngồi ở đó hằng giờ chờ anh thức dậy mỗi ngày. Có khi ngủ gục luôn.”
“ Còn cái phòng em ngủ mỗi tối, ở đâu?” Ánh nhìn anh dường như đau nhói.
“Ồ, nó nằm lẻ loi dưới căn hầm của bệnh viện”, tôi vờ thản nhiên như chuyện chẳng có gì. Tôi thực tâm chẳng muốn diễn đạt sự khủng hoảng khi mỗi đêm phải đối diện với nỗi sợ hãi và cô độc. Thời gian như đóng cứng giữa bốn bức tường, nơi ấy mỗi khuya, những giọt nước mắt còn lăn trên gối, thấm xuống âm thầm…
Khuôn mặt anh, tuyệt nhiên như bất động trong khoảnh khắc, anh thốt lời, “Tội nghiệp em quá!”

Một cú nhảy biểu diễn ngoạn mục từ trên vực cao xuống mặt hồ của chàng trai bản xứ Jamaica.
5.
Tôi bước vào quán, rụt rè. Trong góc quán, một người đàn ông ngồi cúi gằm, gí mắt vào trang báo. Một ả bản xứ đầy đầu tóc bím, sáng bừng trong trang phục diêm dúa. Một gã non choẹt da đồng bóng lưỡng, thư thả nhả khói bên ly café… Những con mắt, vẻ như giấu khuất nhưng thầm quan sát sự trơ trọi của một người đàn bà Á Đông- đã thử thám hiểm vào một vùng đất lạ. Một khuôn mặt không địa chỉ, giấu đôi mắt dưới một cặp mắt kiếng đen thui. Tôi gắng ra vẻ thật bình thản, nhìn thật… ngầu đời.
So với những ngõ hẻm khu nhà ổ chuột tăm tối, cái quán lạ lẫm với phong cách thiết kế có hơi đặc thù. Tôi nhìn kệ rượu thẳng tắp trên bức tường, ngỡ mình lầm lạc vào một quán bar nào đó. Tiếng nhạc bùm bụp phát ra từ một “dàn” âm thanh của cái máy computer. Cô hàng cà phê- một tảng mỡ núng nẩy ở bụng- bộ mông đồ sộ đang lắc lư theo điệu nhạc xập xình trên youtube.
“Ở cái quán café Hummingbird này, bà có thể nháy máy thoải mái,” tôi nhớ lời gợi ý của ông Bailey. Sự cấp thiết của những cú phone về phía bên kia đại dương. Tín hiệu wifi- chiếc phao trên biển cô đơn- với tôi giờ đây là một cứu cánh.
Bên ngoài, vài tia chớp trắng xóa như tia hy vọng cũng đang lóe lên trong tôi, “ Vậy là có tín hiệu wifi để gọi về nhà rồi! ”