Menu Close

Lẽ Ra… Mùa Mận – Nguyên Nhi

“Mận Trung Lương nức tiếng hồng đào, đi khắp Sài Gòn và lục tỉnh. Tôi mê mùa mận chín. Dưới những tán mận trĩu trái, lũ ve ran tiếng ca hè. Mận có nhiều loại nhưng người Trung Lương chuyên trồng mận hồng đào và mận da người. Mận hồng đào trái tròn, đỏ rưng rưng. Mận da người thon thả, chín ưng ửng màu da con gái. Hồng đào ngọt lịm, da người ngọt thanh. Tôi cùng dượng và những người hái mận dần công lúi cúi dưới những tán cây  rậm lá. Thỉnh thoảng, từ cuối vườn, gió đưa tiếng cô đốc thúc, chửi bới, đay nghiến lũ cháu và giọng lầm rầm trả treo của bọn lái buôn trái cây…” [Trang 153]

Từng gốc mận hồng đào mận da người lần lượt sinh sôi nảy nở, người hái mận tiếp tục siêng năng làm việc dưới những tán cây rậm lá, bọn lái buôn cứ luôn miệng lầm bầm…Nhân vật “tôi” trong “Lẽ Ra…Mùa Mận” cũng lớn mau, rời gia đình sớm. Những ngày nghỉ phép lính về Mỹ Tho, anh không hề đến thăm người cô bản tính nghiệt ngã thường than vãn: “Mấy ông nuôi ong còn có mật, tui ngu mới làm chuyện nuôi ong tay áo. Nuôi một lũ cháu chẳng nhờ được đứa nào.” [Trang 154]  Nhưng có lần anh đã ghé về căn nhà mái ngói, nền cao tới ngực, lót gạch bông, vách bổ kho, bề thế nhất vùng…, vì bà cô “định tính chuyện tôi với con nhỏ nào đó bên kia rạch Đạo Thạnh.” [Trang 157]. Anh gọi đò qua con rạch “lúc nhúc những bông lục bình” tự coi mắt cô nàng đó. Người con gái không biết, không thèm để ý đến người đàn ông “đi đi lại lại lớ xớ bên bờ đò.” Cô gái đứng dưới gốc mận hồng đào. Nhụy hoa mận trắng li ti theo gió bay, vướng đầy tóc. Tác giả nhớ Thôi Hộ xưa có một người thơ bên cánh hoa đào. Và chỉ có thế thôi, bởi vì chuyện tình duyên như hoa mận trắng phiêu diêu bay. Cô gái là nhân vật chính còn không biết mình bị coi mắt, thì làm gì có trầu cau để bàn chuyện cưới xin.

Mùa hè xưa trong làn gió hâm hấp, vườn mận bắt đầu ửng chín. Sau mỗi trận mưa đêm, sáng ra, vườn mận như đổi thịt thay da thấy rõ. Những chùm mận tháng tư chín đỏ, mọng nước. Một mùi thơm thoang thoảng đâu đây… Nhưng cây mận Trung Lương từng có lúc mang lại sự ấm no sung túc cho người, đã góp phần tạo nên cơ ngơi cho chủ nhân, giờ đây lại phơi trần sự nhỏ nhoi và bất lực trong việc tìm miếng cơm manh áo. Một tụng mận mang ra chợ bán đổ bán tháo cũng chỉ đổi được một lon gạo, không đủ nấu cháo cho cả nhà ăn. Nhìn mận rụng đầy gốc, tiếc nhưng chẳng làm được gì. Giá rẻ mạt mà không lái buôn nào đến mua. Số phận cây mận mong manh như cuộc sống của những người trông cậy nó.

“Lẽ Ra… Mùa Mận” – tập truyện và tùy bút của Nguyên Nhi ( 1950-2013) – dày 304 trang gồm 9 truyện ngắn, 20 tùy bút,  do Trẻ Magazine xuất bản năm 2009 là một tập hợp chân dung của tác giả –  người từng được mệnh danh là “kẻ bất cần đời, là con sâu rượu.”  Mỗi một câu chữ trầm âm giọng thổ như dao sắc kim nhọn mổ xẻ chân dung của các nhân vật thẳng thừng không thương tiếc.

Mở đầu bằng truyện ngắn “Căn Cước Tháng Tư” với những giấc mơ lộn xộn, với hình ảnh một kẻ nhập cư nước Mỹ bằng giấy tờ của người đã chết –  ngay giòng chữ đầu tiên đã báo hiệu đây là quyển sách không dễ đọc. Chín truyện ngắn  – dù có những đoạn đối thoại – cũng giống như hai mươi tùy bút đều mang âm hưởng độc huyền, không khích lệ độc giả tiếp tục đọc cho đến trang cuối, mặc dù họ có thể nhận ra mỗi câu chuyện, mỗi tùy bút là một giai đoạn sống trong cả cuộc đời của tác giả. Những giai đoạn ấy lãng đãng trong giấc mơ, trong tiếng còi hụ u u trầm mặc, tiếng còi tàu mở đầu một cuộc ra khơi đồng thiếp, hòa quyện giữa thực tại và khói nhang thần thánh.

Tháng Chín. Hương sắc mùa hè còn nấn ná trên cành cây ngọn cỏ, đọc lại “Ngày Tựu Trường” trong “Lẽ Ra…Mùa Mận” để nhớ Miền Nam mưa nắng hai mùa không có sương thu và gió lạnh. Nhưng điều này chẳng ảnh hưởng gì đến bài văn “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh, mà Nguyên Nghi gọi là “kỷ niệm không thể nào phai nhạt.” [Trang 297]  “Lẽ Ra…Mùa Mận” ở chừng mực nào đó cũng là một kỷ niệm văn chương, trong lòng của những ai từng biết Nguyên Nhi.  

alt

HNP
5:58am Thứ Hai ngày 1 tháng 9 năm 2014