Menu Close

Làm cho dị ứng tệ hại hơn

Chẳng ai muốn dị ứng làm cho ngứa mắt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi thở không ra hơi, nên cố tránh bệnh. Vậy mà có những thói quen hằng ngày, những sự vật quanh ta tưởng chừng vô hại, lại làm cho các triệu chứng dị ứng trở thành tồi tệ hơn.

Vào mùa dị ứng, nên tìm hiểu thêm về những thủ phạm gây rối này để tránh được chừng nào tốt chừng đó.

Kiếng sát tròng

Kiếng sát tròng (contact lens) mềm dễ hấp thụ các chất gây kích thích trong không khí, như phấn hoa, khói… Kiếng để cho oxygen đi qua nhiều nhưng cũng hấp thụ bất cứ những gì có trong nước mắt. Do đó trong mùa dị ứng nên dùng kiếng thường thay cho contact lens; nếu không thì nên dùng loại disposable (dùng xong là bỏ) để thay mỗi ngày, tránh bụi phấn tích tụ.

Stress

Stress làm cho bạn dễ bực mình và dễ sổ mũi, theo kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây. Giải pháp để làm dịu tình hình là thư giãn, như ngồi thiền, hoặc chợp mắt một chút, hoặc tìm cách giải trí giúp cho tâm thần bớt căng thẳng.

Rượu

Rượu. Và đặc biệt là rượu vang đỏ, có thể gây rắc rối cho người bị dị ứng. Một số người rất nhạy cảm với sulfites (có trong bia, rượu), nên uống vào càng làm cho dị ứng tệ thêm.  

Uống không đúng thuốc

Vào quày bán thuốc dị ứng, có hàng loạt những thuốc để chọn, thứ nào cũng hứa hẹn chữa được sổ mũi, hắt hơi. Nhưng đa số đều thuộc một trong hai loại: kháng histamin (antihistamines), và làm thông mũi (decongestants). Loại kháng histamin làm bớt hắt hơi, ngứa và chảy nước mũi; còn loại thông mũi trị nghẹt do xoang mũi sưng lên. Có thứ thuốc chữa cả hai loại, nhưng nếu mũi bị nghẹt cộng thêm với các triệu chứng khác nữa, thì mới nên dùng loại thông mũi.  

Dầu thơm và nến

Loại nào có pha thêm hương thơm (như dầu thơm, nến thơm, nhang, các đồ trang trí ngày lễ…) đều có thể làm cho mí mắt và xoang mũi bị kích thích. Khó có thể tránh được các mùi đó khi bạn vào tiệm bán hoặc đi bộ dọc theo đường phố. Cách tốt nhất là tránh những thứ đó trong nhà và dùng thuốc để giảm dị ứng khi ra nơi công cộng.

Khói thuốc lá

Tương tự dầu thơm và nến, khói thuốc gây kích thích làm đảo lộn đường hô hấp. Do đó nên tránh tiếp xúc, càng xa càng tốt.

Chlorine

Chlorine là thứ hơi gây kích thích, có tác động tương tự như khói, nếu hít phải là đi vào cơ thể. Bơi trong hồ nước có pha chlorine – hoặc chỉ ngồi gần – cũng có thể gây cho bạn dị ứng như nến và dầu thơm. Hồ bơi trong nhà còn tệ hơn hồ ngoài trời vì chlorine bị bưng bít trong không gian hẹp.

Quần áo

Quần áo – nhất là thứ may bằng loại sợi thô nhám và dễ dính như len chẳng hạn, dễ bị bụi đất và phấn hoa bám vào. Cần giặt sau mỗi lần mặc vào mùa dị ứng, nếu không thì mặc đồ may bằng bông vải (cotton) hoặc các vật liệu dễ giặt. Giặt quần áo bằng nước nóng cũng làm giảm dị ứng.

Tắm buổi sáng

Phấn hoa không chỉ dính vào quần áo mà còn vào da và tóc, mà khó nhận ra vì ta không thấy được trong không khí. Nếu không tắm ban sáng thì tắm trước khi ngủ để làm sạch đi các chất gây dị ứng bám vào người. Buổi sáng ít nhất cũng nên rửa mặt, chải tóc kỹ lưỡng trước khi ra ngoài.

Thời tiết

Dị ứng thường tệ hơn vào những ngày khô ráo, nắng và có gió, vì đó là những điều kiện lý tưởng để cho cây cối nhả phấn ra nhiều. Gió đưa phấn đi khắp nơi làm cho tình huống tệ hại hơn. Ngày u ám hoặc có mưa bụi cũng tệ: mưa làm chuyển động phấn hoa trong không khí, phân tán ra thành những bụi nhỏ li ti. Còn ngày mưa gió lớn lại tốt vì nước mưa rửa sạch phấn hoa trong không khí, cho người bị dị ứng được tạm thời dễ thở.
 
Sản phẩm có protein giống như phấn

Có thể bạn hắt hơi, sổ mũi vì ăn một số rau, quả gây ra hội chứng khẩu-dị ứng (oral-allergy syndrome, OAS). Đó là do chất protein trên mặt vỏ những trái như táo, cà chua, cantaloupe… cộng thêm với số phấn gây dị ứng từ những trái cây này. Ăn vào, tưởng như nuốt luôn cả phấn, sẽ có triệu chứng như ngứa miệng và cổ họng, cũng như ho. Gọt vỏ hoặc nấu chín có thể giúp giảm đi các phản ứng đó.

alt

TM