Cuốc và trồng khoai lang coi vậy mà mau ăn. Cuốc Tháng Ba, Tháng Sáu, hoặc trễ lắm tới Tháng Bảy là dỡ khoai. Dỡ khoai còn gọi là đào khoai lấy củ. Gọi là đào khoai, đây chỉ là cách nói thôi, nhưng thực tế người ta không dùng len miểng để đào khoai mà lại dùng cuốc tai tượng như hồi cuốc giồng trồng khoai vậy. Chỉ có khác là hồi trước mình cuốc đất ốp vô thành giồng, nhưng nay thì dùng cuốc ban vồng khoai ra để lấy củ. Nói thì nghe gọn như vậy, nhưng khi bắt đầu đào khoai cũng có nhiều việc phải chuẩn bị trước.
Chẳng hạn, trước hôm đào khoai một ngày, chủ rẫy cho người dùng cái phảng phát dây khoai và gom dây khoai trước cho sạch đất để hôm dỡ khoai người ta chỉ còn mỗi việc là đào khoai thôi thì mới dỡ khoai kịp trong ngày, nếu không, nhiều khi gặp khoai trúng mà mình vừa phát dây khoai vừa dỡ khoai thì làm không kịp.

Công việc đào khoai cũng nặng vì dù dùng cuốc phá đất ra để lòi củ khoai ra và lượm khoai gom lại chở về nhà nhưng nếu người cuốc ban vồng khoai không cẩn thận, hoặc lưỡi cuốc ăn cạn quá thì có khi lưỡi cuốc phạm vào củ khoai, khoai bị đứt ra làm hai. Dỡ khoai mà khoai bị đứt nhiều quá thì khoai trúng trở thành khoai thất vì các củ khoai bị đứt trở thành khoai vụn. Nhưng nếu bạn cuốc sâu quá thì lại tốn quá nhiều sức lực, lại cũng không có lợi vì ngày sau hoặc mấy ngày sau nữa đâu còn sức dỡ các công khoai kế tiếp. Do vậy, cực hay không cực chung quy là do sức lực một phần nhưng cái chính là do kinh nghiệm của mỗi người trong việc trồng khoai qua nhiều mùa nữa.
Tưởng cũng nên nhắc một chút về các giống khoai hồi mấy thập niên 1950-1960 ở các vùng quê Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) hoặc bên Xẻo Môn, Mương Kinh, Tân Bình, Định Yên, Lai Vung, Vĩnh Thạnh, Long Hưng thuộc Lấp Vò (Sa Đéc) thường ưa trồng hai giống khoai rất thông dụng, đó là khoai dương ngọc và khoai cù lần. Khoai lang dương ngọc là loại khoai vỏ màu tím, ruột trắng, bột nhiều; còn khoai cù lần là khoai vỏ và ruột đều màu trắng, bột nhiều, củ sần sùi không trơn láng như khoai dương ngọc. Ngoài ra, hồi đời trước cũng có loại khoai lang bí, vỏ và ruột màu vàng; loại khoai này khi nấu chín bột khoai hơi nhão, nên ít người trồng. Ngoài ra, mấy năm 1980-1990, nhiều bà con các vùng quê thuộc Long Xuyên, Sa Đéc cũng thường vô Lỳnh Quỳnh gần Hà Tiên mướn đất trồng khoai lang và hai giống khoai dương ngọc và cù lần cũng được trồng nhiều hơn các giống khác. Việc đi mướn đất trồng khoai xa tuốt trong Lỳnh Quỳnh như vậy cũng năm ăn năm thua vì làm rẫy mà xa nhà quá, trước nhứt là không chăm sóc kỹ, thứ hai là chuột bọ phá hại không giữ kịp nên đất ở nơi ấy dù rất tốt vì còn là đất rừng tràm mới khai phá nên còn nhiều phân, nhưng đa phần dân vùng tôi vô Lỳnh Quỳnh trồng khoai một vài mùa mà nay vẫn còn nghèo hoài vị nợ cũ trả hoài chưa dứt ấy.

Củ khoai lang dương ngọc – PHOTO THÁI LÝ
Nhớ hồi trước mỗi lần tới mùa đào khoai vui lắm.Người lớn vất vả làm công việc của họ nhưng gặp năm khoai trúng mùa thì mọi mệt nhọc không có gì quan trọng nữa. Cái vui làm người ta quên cực. Còn trẻ nhỏ hồi đó ở nhà quê đâu có gì giải trí như bây giờ mà chỉ theo công việc của đồng quê để vui thú với nhà quê thôi. Thế nên vào mùa dỡ khoai chúng tôi thường đi mót khoai như tới mùa tát đìa, tát mương, chúng tôi cũng đi bắt hôi vậy. Mót khoai, thật ra khoai ít sót vì công việc làm trên mặt đất không giống như công việc bắt cá dưới bùn dưới đìa, nhưng các chủ rẫy dù có lượm khoai kỹ tới đâu đi chăng nữa thì khoai vẫn sót, nên trẻ con mới có niềm vui mỗi khi mót khoai mà được củ khoai lớn bị sót là vậy. Nhưng có lẽ mót khoai ngay khi người ta cuốc hổng ham bằng những đám khoai người ta dỡ khoai hai ba ngày trước rồi và lại qua vài cơn mưa nữa thì mót khoai mới thú vị. Vì lúc bấy giờ các củ khoai sót nằm lấp dưới đất qua cơn mưa khoai lại bày củ lên, gặp trường hợp như vậy mình chỉ còn lượm khoai bỏ vô rổ và mang về nhà, xúm nhau rửa khoai, bỏ vô nồi, nhúm lửa lên nấu một chút là khoai chín rồi cùng ngồi với nhau ăn rất vui.
Khoai hồi ấy rẻ lắm. Bán khoai không ai cân ký gì mà bán bằng thùng, loại thùng hai chục lít dùng để đong lúa bán. Hồi đời xưa ngoại trừ lúa thóc hay đậu, nếp khi bán thùng, bán giạ thì đổ đầy thùng rồi dùng ống gạt, gạt ngang bằng mặt là xong; còn các loại khác bán bằng thùng, bằng giạ như cá linh, khoai lang, trái ấu vân vân… thì cách đong là cứ đổ vun đầy lên hoài tới chừng nào cái thùng hết chứa nổi thì mới thôi. Cách đong vun như vậy gọi là đong vun ngọn. Hồi đời xưa là lúc ăn chắc mặc bền nên con người còn rất chơn chất, không tính hơn tính thiệt, miễn giá cả vừa bán vừa mua là sự ưng thuận giữa hai bên là chính còn tới khi đong lúa đong khoai là đong bằng cái thùng đúng 20 lít hoặc cái giạ 40 lít đàng hoàng không có lo ba cái vụ thùng non thùng già gì vì người bán cũng như người mua còn rất hiền, rất thiệt tình. Trong dân gian thường nói: “Bán mà không thêm nằm đêm khó ngủ”; do vậy mà người bán ngoài việc đong khoai vun thùng rồi người ta còn hốt thêm cho cả rổ khoai nữa; còn người mua đi bán lại nếu mua với giá thấp quá hoặc đong thùng già bán thùng non thì họ rất sợ câu “ăn thì ăn chung cả nhà, mà tội thì tội riêng một mình mình chịu”, nên hổng ai dám mua thùng già bán thùng non làm gì. Tội chết!

Dỡ khoai tại Vĩnh Long – NGUỒN KHUYENCONGVINHLONG.GOV.VN
Hồi còn nhỏ cách nay sáu bảy chục năm, học trò làng chúng tôi đứa nào đi học cũng để dành tiền mua khoai lang nấu bán tại các cổng trường. Các người bán khoai lấy ghim tre ghim hai ba củ khoai lại thành một ghim rồi bán năm ba cắc gì đó một ghim, vậy mà rồi hồi ấy tụi tôi ăn ngon lắm, có đứa hổng cần lột vỏ và để vậy ăn nguyên vỏ luôn. Đến mấy năm 1956-1957, nếu tôi nhớ không lầm thì lúc bấy giờ xài tiền giấy xé làm hai, mua khoai lang mỗi ghim 5 cắc, đưa tờ giấy một đồng, bà bán hàng xé hai tờ một đồng rồi đưa mình một nửa, mà sao hổng nghĩ tiền xé tiền nguyên gì, vậy mà cứ cất bo bo trong túi để ngày mai mua khoai lang hay mua mía ghim tiếp…
Tóm lại, nói hồi trước là nói gần như vậy, tức là cách nay khoảng sáu bảy chục năm, hoặc gần hơn chút nữa là khoảng ba bốn chục năm để mình dễ hình dung ra hồi trước có những mùa cuốc khoai nơi các miền đất phương Nam này vậy. Nhưng theo sách Thực Vật Bản Thảo có nói:“Có một thứ củ, vỏ đỏ, ăn sống ngọt, gọi là hồng thự hay phiên thự, nấu ăn ngon, chữa được các chứng động phong, phát sáng, và lạnh tì”. Tục ta gọi nó là khoai lang, là sản vật của nước Lã Tống (Lucon), đem vào từ cuối đời Minh”(3). Vậy là khoai lang du nhập xứ mình nói chung là có rất lâu đời rồi.

Bán khoai lang luộc – NGUỒN VIETBAO.COM