Menu Close

Tháng chín năm 2014

Tháng Chín bắt đầu. Mùa hạ sắp kết thúc. Mặc dù sửa soạn vào thu,  nắng vẫn rực rỡ sáng chói.  Mặt trời gần chín giờ tối chưa khuất bóng, bãi biển còn đông người. California vẫn phải chịu đựng thời tiết oi ả và  không khí gay gắt vì hạn hán, vì ảnh hưởng của những cơn cháy rừng chưa hết; những cơn mưa vẫn là điều cư dân ở miền Tây Hoa Kỳ khao khát. Mùa thu bảng lảng ở cuối chân mây, xuất hiện rất nhẹ nhàng giữa đêm về sáng. Lúc ấy nếu đứng ngoài trời, người ta có thể nhìn thấy sương rơi trên cành cây ngọn cỏ, có thể  khẽ rùng mình vì cảm nhận làn gió vừa đủ lạnh thoáng bay qua. Giữa không khí dịu dàng của ngày còn rất mới, tôi nhớ đến câu chuyện mùa hè đỏ lửa năm 1972 – một mùa hè đã đi vào lịch sử Việt Nam. Tôi không biết gì về cuộc chiến xảy ra tại các căn cứ Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử, cũng không biết gì về đoàn người vừa quân đội vừa thường dân rồng rắn bồng bế nhau chạy loạn. Nhưng bạn tôi là một nạn nhân từng có mặt trong cuộc tháo chạy đáng sợ ấy, kể rằng: Người chết nằm la liệt trên đường. Mùi súng đạn mùi tử thi nồng nặc bao phủ khắp khung trời nắng như thiêu đốt. Người bạn lúc ấy đã mười hai tuổi, cho biết: Anh không thể nào quên xe GMC của quân đội, xe máy xe hơi xe đạp xe lam xe tắc xi của thường dân nối đuôi nhau qua cầu Thạch Hãn, và rồi cầu sập…!
Một số lớn chiến xa, xe cộ, đại bác, quân trang quân dụng phải bỏ lại ở phía bên kia cầu. Tôi và những người không ở Miền Trung trong thời điểm ấy, chắc chắn không thể biết cái nắng chết người ở Quảng Trị, chắc chắn không thể hiểu những gì xảy ra trên Quốc Lộ 1, đoạn từ Hải Lăng về Mỹ Chánh gần cầu sông Nhung. Nhưng sau này khôn lớn tìm đọc trong sách báo, chúng tôi được biết hàng chục ngàn thường dân đã chết trên đoạn đường này. Cái Tên Đại Lộ Kinh Hoàng được nhắc đến kể từ dạo đó.

Tháng Chín bắt đầu. Mùa hạ sắp kết thúc. Mùa thu chưa vội về. Thời gian âm thầm buông nhịp, từng âm thanh khẽ khàng đi giữa cuộc đời. Đêm yên lặng. Gió chơi vơi. Trăng chưa về. Chẳng phải ngày trừ tịch. Cũng không là đêm rằm. Nhưng bỗng dưng tôi nhớ giòng thơ cổ của Đới Thúc Luân: Lữ quán thùy tương vấn. Hàn đăng độc khả thân. Nhất niên tương tận dạ. Vạn lý vị quy nhân…Quán trọ ai về qua. Bấc đèn riêng bóng ngả. Năm qua đêm vắng nhà. Người còn muôn dặm xa…Có lẽ ngàn xưa thơ là non cao. Rêu phong in dấu bao điều nghẹn ngào. Triều lên nước bạc thay lời phiền não. Nên dễ chung chia giọt sóng ba đào. Lòng của người ta vì thế có lúc vui,  có lúc buồn, có lúc thăng,  có lúc trầm. Cũng  như lòng con nước có lúc lên, có lúc xuống, có lúc đứng, có lúc ròng…Tất cả đều là chuyện tự nhiên. Ngàn năm trước hay ngàn năm sau, đầu năm, cuối năm, hay giữa năm cũng thế…Trong khói sương mênh mông kỷ niệm, niềm riêng luyến nhớ quê xưa của mỗi người rất khác. Có người nhớ giàn thiên lý, nhớ giậu mồng tơi. Có người nhớ cây bình bát, nhớ đọt măng non. Có người nhớ phấn thông vàng rơi trên đồi cao. Có người nhớ tiếng côn trùng kêu ngoài vườn. Có người nhớ tiếng rao hàng giữa đêm khuya. Những hình ảnh hay âm thanh đã về xưa ấy được phác họa bằng sắc màu đặc biệt, được hòa âm phối khí bằng những làn điệu chỉ một người cảm nghiệm. Ở chừng mực nào đó sự chia sẻ hay sự cộng hưởng, có thể xem là mẫu số chung giữa những người đồng điệu. Ở chừng mực nào đó con đường trí tưởng của cõi người ta, có chung một nơi chốn để tìm về.

Tháng Chín bắt đầu. Mùa hạ sắp kết thúc. Ngày qua năm tháng cứ trôi xuôi. Một phút nhớ xưa thoắt ngậm ngùi. Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh. Hay đâu than ngún dưới tro lùi…Câu thơ của Bình Nguyên Lộc là hoài niệm gợi nhớ một thời đã qua. Người ta thích an trú trong kỷ niệm, thích nhìn lại quá khứ, thích nhìn đến tương lai hơn là đối điện với những gì có trong hiện tại…Điều này cũng không có gì lạ, bởi vì nói như Bùi Giáng: Một phút nữa thôi. Và màu sẽ mất. Suối sẽ xa đồi. Như mây xa đất. Câu chữ nhẹ nhàng, giản dị nhưng vừa nghe được đã thấy chạnh lòng. Người ta vốn hay nhớ đến những gì đã mất. Có lẽ chính vì thế Xuân Diệu ao ước: Tôi muốn tắt nắng đi. Cho màu đừng nhạt nắng. Tôi muốn buộc gió lại. Cho hương đừng bay đi. Nhưng  đó chỉ là ao ước của riêng lòng thi sĩ. Thời gian như giòng sông trôi, là điều mong manh không thể nắm giữ. Thời gian chỉ có một chiều. Điều đang là đang có vừa chớp mắt đã trở thành điều đã là đã có, nhường chỗ cho những điều sẽ là  sẽ có. Và điều gì “sẽ” cũng trở thành “đã,” cũng thuộc về quá khứ khi ngày qua tháng hết năm tàn. Điều quan trọng không phải là níu kéo hay chới với khi thời gian theo giòng sóng trôi, mà là nhận định và đánh giá đúng điều đã trở thành hoài niệm, để sống và vui sống với giây phút hiện tại. Hơn nữa con đường trước mắt mới thực sự là con đường tích cực và sinh động, mở ra một khung trời để hoài niệm có chỗ nương tựa.

Tháng Chín bắt đầu. Mùa hạ sắp kết thúc. Chợt nhớ Luang Prabang  – thành phố được mệnh danh là “Royal Buddha Image – Hình Ảnh Đức Phật của Hoàng Gia,”  nơi mười năm trước tôi đã đến cũng vào mùa hè. Còn nhớ trước khi tôi đi,  Đàm An – người bạn thân sinh trưởng tại Lào –  đề nghị  tôi nên đến Luang Prabang – cố đô của vương quốc Vạn Tượng – để thưởng thức hừng đông đầy Phật Tánh của cư dân ở đây. Tôi đã đến và được chứng kiến một cảnh tượng không thể nào quên.  Bắt đầu ngày mới còn rất sớm, tôi nhìn thấy mỗi người thinh lặng ngồi trên vuông đệm nhỏ, hay trên ghế mây thấp ở ven đường. Trước mặt họ là một giỏ xôi, chờ đón các vị thiền sư đi khất thực. Rất trang trọng họ bảo phải đợi các tu sĩ, không được để các vị ấy chờ. Trước khi đoàn khất thực đến, những người cúng dường nâng giỏ xôi lên ngang trán, thì thầm chú nguyện. Một nghi thức không phải là bố thí, mà là hiến dâng. Các vị thiền sư đi thành đoàn dài, Phật Tử hai bên đường cung kính dâng phẩm vật. Có lúc đoàn tăng lữ ngừng lại, đọc bài kinh âm vang uy lực đại hùng bảo điện, cảm ơn và chúc phúc cho mọi người. Khi đoàn khất thực đi rồi, người mang thực phẩm dâng hiến vẫn ngồi yên, chắp tay nhắm mắt thiền định – một khoảnh khắc để lòng tĩnh lặng giữa cõi vô thường, trước khi dấn thân vào cuộc đời lấm bụi hàng ngày. Lạ thay một dân tộc có những người  suốt đời – ngày nào cũng vậy – mỗi buổi sáng thức dậy thật sớm, chuẩn bị cho mình tư thế đĩnh đạc và thanh khiết, thinh lặng cung kính ngồi ven đường để tiến dâng phẩm vật – một công việc tự nguyện khởi từ đáy sâu nội ngã.

Bắt đầu một ngày mới bằng nghi thức thanh tẩy tâm hồn và tiến dâng phẩm vật như vậy, người ta không thể nào làm mất đức hiếu sinh, càng không thể ủ mưu thâm hiểm để tạo ác nghiệp. Tôi muốn dùng hình ảnh đạo đức đã trở thành hoài niệm, nhưng vẫn tồn tại trong nhịp đời sinh động hiện tại, kết thúc những lời để gió cuốn đi hôm nay, với lời nguyện chúc  tôi và chúng ta biết sống chậm, hòa nhập vào thiên nhiên và tính bản thiện của bổn nguyên thường  trụ.

alt

Buổi sáng tại Luang PrabangNGUỒN LAOSTOURS.UX

HV
1:15am Thứ Hai ngày 1 tháng 9 năm 2014