Ngày 11 tháng 9 lại về. Vậy là đã mười ba năm trôi qua. Bao nhiêu biến dịch trên dòng thời gian nhưng ký ức nhiều người chúng ta vẫn còn ghi đậm hình ảnh của buổi sáng ngày hôm ấy. Đó là một sáng trời xanh trong và nắng vàng rực rỡ. Một người viết trên Facebook: Màu nắng vàng của tháng 9 luôn luôn nhắc tôi nhớ đến ngày 11 tháng 9 của năm 2001. Nhà văn người Nhật Haruki Murakami là tác giả cuốn 1Q84 cho biết tác phẩm được gợi cảm hứng từ cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ năm 2001. “Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy cảnh hai tòa tháp đôi WTC đổ sập. Với tôi, đó là những hình ảnh quá thực, quá ấn tượng. Dù nó cứ như là cảnh dựng bằng máy tính…”.
Mười ba năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Nhiều người nói đã bao nhiêu năm rồi mà cái cảm giác mất mát vẫn còn đau nhói như mới xảy ra hôm qua. Hai nhà quay phim tài tử của Mỹ đã quay được toàn bộ cảnh tượng ngày hôm ấy trong một cuốn phim dài gần một tiếng đồng hồ đã từng được chiếu trên hệ thống của đài CBS ngày nọ. Nhiều người xem phim cho biết: Quả thật không thể nào tin những việc khủng khiếp đã xảy ra. Nỗi kinh hoàng đã khiến ngày 11 tháng 9 năm ấy đi vào lịch sử và làm cho một đất nước hùng mạnh phải xoay chiều. Sáng hôm ấy, mặt trời vẫn tỏa nắng trên nóc hai ngọn tháp uy nghi, hùng vĩ, tượng trưng cho sức mạnh và niềm kiêu hãnh của nước Mỹ. Trong tiệm cà phê mọi người vẫn chuyện trò vui vẻ. Trên đường phố, dân chúng và du khách tấp nập đón chào một ngày mới bắt đầu. Thế giới trông bình yên thế. Cuộc sống vẫn trôi chảy, hân hoan, vạm vỡ. Nhưng rồi chỉ một tiếng đồng hồ sau, mọi sự sụp đổ. Lúc đầu, khi tòa tháp thứ nhất bị trúng thương, mọi người nghĩ chắc chỉ là tai nạn thôi – một vụ hỏa hoạn chẳng hạn. Cho nên người ta bình thản đứng nhìn, chuyện trò bàn tán. Thế nhưng, khi tòa tháp thứ hai bị chiếc máy bay đâm vào, cảnh tượng hoảng loạn mới diễn ra. Người ta kêu khóc, tháo chạy, đội cứu hỏa cấp thời khai triển công tác cứu người. Kể từ giây phút ấy, khói lửa mịt trời, những vì tường sụp đổ, gạch đá sắt thép như mưa trút xuống, máu và nước mắt… Cùng lúc ở bắc Virginia, khói và lửa ùn lên từ một góc của Ngũ Giác Đài. Trong khi đó một chiếc máy bay thương mại đâm xuống cánh đồng ở Pennsylvania.
Quả là khiếp đảm…Cho tới ngày hôm nay, mắt chúng ta tưởng còn nhìn thấy những mảng khói và lửa bốc lên từ lưng chừng hai tòa tháp, những bóng người như chim bay ra khỏi các cửa sổ rồi rơi xuống nền đất phía dưới; tai chúng ta còn nghe âm thanh những tiếng nổ rung chuyển và gạch ngói vỡ cùng tiếng người la thét, kêu khóc vang âm giữa bầu trời sớm mai đầy nắng của Nữu Ước; và tâm trí chúng ta còn quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ đen tối, kinh hoàng về một thảm họa phát xuất từ khối óc u mê của con người mà tưởng như từ trời xanh giáng xuống. Chỉ trong khoảnh khắc của một buổi sáng mà tới gần ba ngàn người chết -có những người tìm được xác, có những người chỉ còn lại một phần thi thể và có những người như biến mất vào hư vô. Ôi, khúc tang ca của ngày 11 tháng 9 năm 2001 mãi mãi còn vang dội trong không gian, thời gian và trong trái tim người. Nó kể với chúng ta về những người vô tội đã chết, về những đổ vỡ và những hận thù mang màu sắc chủng tộc, tôn giáo. Sẽ không bao giờ chúng ta quên những đau thương mất mát ấy.
Poster phim Extremely Loud and Incredibly Close – nguồn indiereader.com
Và sau đây là một khúc phim khác được dựng lên từ cuốn tiểu thuyết của Jonathan Safran Foer, xuất bản năm 2005. Cực Vang Âm và Gần Đến Không Tin Nổi Extremely Loud and Incredibly Close, khúc phim được dẫn dắt theo lời kể của một cậu bé chín tuổi, Oskar Schell, cha của cậu đang ở trên tầng cao của Trung tâm Thương mại Thế giới khi hai chiếc máy bay phản lực đâm vào tòa tháp đôi. Để kìm chế nỗi buồn khôn nguôi và đè nén những tưởng tượng kinh hoàng về thảm họa mà cha cậu phải gánh chịu, Oskar dấn mình vào một cuộc phiêu lưu trong tâm trí để truy tìm ra điều mà cậu hy vọng là sự bí mật của cha cậu. Trong cuộc phiêu lưu của trí tưởng tượng này Oskar vượt qua những nỗi sợ hãi vô căn cứ và an ủi nhiều linh hồn đau thương.
Và đây, tường thuật của một phim hoạt hình có tựa đề là Will của đạo diễn vừa tốt nghiệp ra trường là Eusong Lee, người Đại Hàn, đoạt giải The Student Academy Award ngày 8 tháng 6. 2013. Cuốn phim dài có 4 phút nhưng làm tim người thắt nghẹn với giọng biểu cảm của xướng ngôn viên Tuyết Lê. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh xem phim đã không cầm được nước mắt. Cô kể trong bài tản văn Cây Cô Độc: Mở đầu và kết phim là lời của người cha được đọc bằng một giọng nam cảm động, con gái, cha sẽ không sao đâu, cha sẽ trở về, ông là một trong hàng ngàn nạn nhân của thảm họa khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001 tại World Trade Center. Buổi sáng hôm ấy ông chia tay con gái đi làm và rồi vụ nổ xảy ra, lần đầu là ở tòa tháp thứ nhất. Người cha cố gắng dùng điện thoại gọi cho con gái. Và rồi tòa tháp thứ hai, nơi ông làm việc bị máy bay không tặc đâm và phát nổ, ông bay lơ lửng ra khỏi tòa nhà. Cô bé với nỗi nhớ thương cùng ý muốn mãnh liệt đã cố gắng với món đồ chơi yo-yo (mà cha cho cô trước khi đi làm) để quay ngược thời gian về lại thời điểm lúc sáng cha chia tay, và cái chết đã không xảy ra. Phim dài chỉ 4 phút, hình ảnh được thể hiện bằng những nét cắt kim cương như những vết buồn sắc nhọn cứa vào cảm xúc, làm lòng người nhói đau.
Như vậy đó, những khúc phim của ngày 11tháng 9. 2001. Những hình ảnh trong phim là cực kỳ bi thảm, nhắc chúng ta không được bao giờ quên cái ác. Nhớ lại thì đau khổ lắm đấy nhưng quên cái ác có nghĩa là tạo điều kiện cho nó xảy ra lần nữa. Nhà văn Ba Kim nạn nhân của cái ác Cách Mạng Văn Hóa bảo chúng ta như thế. Chúng ta tự dặn mình như thế.
“Will” của đạo diễn Eusong Lee – nguồn creativitea.org
TN