Menu Close

Khoa học sinh sản và xã hội con người

Thụ thai nhân tạo không phải là một sự việc mới mẻ trong thế kỷ XXI, nhưng cách sử dụng kỹ thuật ấy đã dẫn đến nhiều câu hỏi khiến các chuyên gia xã hội bối rối, bất an và các nhà lập pháp tiếp tục soạn thảo những điều luật mới để thích nghi với sự thay đổi của xã hội.

Thí dụ đầu tiên của việc thụ thai nhân tạo dẫn đến đạo luật kiểm soát là chuyện của ông bà Bill Stern trong thập niên 80. Đôi vợ chồng không con “mướn” người mang thai (surrogate mother) với tinh trùng của ông Stern. Khi đứa trẻ ra đời, người mang thai đổi ý, không trao đứa nhỏ như đã ký kết. Sự việc trở nên rối rắm khi quan tòa phải phán xử và các câu hỏi khiến xã hội nhức đầu: Mang thai [dùm] có phải là một dịch vụ không? Nếu ta nhìn nhận việc mang thai là dịch vụ như mọi loại dịch vụ khác thì

1) Người mang thai [dùm] không phải là “mẹ” đứa nhỏ? và…

2) Đứa trẻ hình thành từ một hợp đồng có phải là “vật” để buôn bán, giao dịch?

Chưa có tòa án nào trực tiếp đề cập đến câu hỏi thứ nhì nhưng ngày nay, khắp nơi trên thế giới, hầu như mọi quốc gia có luật gia đình và dùng kỹ thuật thụ thai nhân tạo đều nhìn nhận việc mang thai “dùm” như một dịch vụ. Người mang thai sau khi sanh nở không có chút quyền hành cũng như trách nhiệm nào về việc nuôi dưỡng đứa trẻ.

Việc cung cấp trứng và dạ con, tạo điều kiện cho đứa trẻ thành hình ngày nay trở thành chuyện bình thường như chuyện mua tinh trùng từ một ngân hàng dự trữ tinh trùng, sperm bank.

alt

William Marotta, người hiến tặng tinh trùng để thụ thai nhân tạo NGUỒN NBCNEWS.COM

Được pháp luật bảo vệ, bá tánh bắt đầu mua bán mạnh mẽ hơn. Người ta lựa chọn kỹ càng món hàng tinh trùng/trứng kia; chọn giống da trắng, da màu, cá tính, sở học, màu tóc, màu da… Có những người bán tinh trùng thường xuyên đến độ góp phần tạo ra 30-40 đứa trẻ rải rác khắp nơi. Những đứa trẻ này, nam nữ đủ mặt, đã từng hội ngộ sau khi đã tìm ra nhau qua một hệ thống liên lạc của ngân hàng tinh trùng. Những đứa “con” [hay truyền nhân?] của người hiến tinh trùng số XXYY. Tại một số trường học nổi tiếng, đã có những bản quảng cáo mời gọi nữ sinh viên cho mướn dạ con; đây là những phụ nữ đã sẵn yếu tố “thông minh” (nên mới vào được ngôi trường nổi tiếng kia), và một số điều kiện khác như chiều cao, sức nặng, màu tóc màu da… Các dịch vụ này hoàn toàn hợp pháp.

Thụ thai nhân tạo hay In Vitro Fertilization (IVF) bao gồm việc kết hợp tinh trùng và trứng trong ống nghiệm và chuyển trứng đã thụ tinh, khối phôi, vào dạ con của phụ nữ vài ngày sau đó.

Câu chuyện về hai cô bé nhận ra nhau là “chị em” vì có cùng “cha”, cùng người hiến tặng tinh trùng. Đây là câu chuyện của Mikayla Stern-Ellis và Emily Nappi, hai sinh viên tại Đại Học Tulane, New Orleans, Louisiana. Họ tìm ra nhau trong một tình huống khá ly kỳ, cả hai tìm kiếm bạn chia phòng trọ trong ký túc xá. Qua mạng ảo của trường học, cả hai liệt kê những chi tiết cá nhân, và các chi tiết này khá tương đồng: Vóc dáng từa tựa như nhau, cùng tóc xoăn, cũng ưa thích kịch nghệ và cùng có cha mẹ là người đồng tính. Họ kết bạn vì tính tình thích hợp nhưng sau cùng họ nhận ra nhau, hình thành từ tinh trùng của cùng nhân vật, một anh chàng 19 tuổi gốc người Colombia, Nam Mỹ, thích thể thao, kịch nghệ. Họ là “chị em”, chia chung một gốc nhiễm sắc thể (chromosome) X của người đàn ông nọ!

Emily kể rằng Italia Nappi, bà mẹ, một nhà khoa học, đã chọn tinh trùng của người hiến tặng là chàng trai 19 tuổi, gốc Colombia, “đẹp trai, thông minh, cao ráo và chơi thể thao”. Anh chàng này thích ngành môi sinh và muốn bảo vệ thế giới khỏi sự hâm nóng toàn cầu! Về phần Mikayla, cô bé ra đời khi hai bà mẹ, Debra và Heidi Stern-Ellis chọn việc thụ thai. Họ cũng chọn dùng tinh trùng từ một kẻ xa lạ vì lo ngại bị đòi con, và cũng chọn tinh trùng từ California Cryobank. Họ muốn một đứa con mang dòng máu Nam Mỹ, da sậm màu, để không bị phỏng nắng thường xuyên như họ, ngoài các yếu tố như đẹp trai, cao ráo…! Rồi hai đứa trẻ tìm ra nhau sau khi hỏi thăm về gốc tích người cha-từ-ống-nghiệm. Hóa ra, hai cô gái có những cá tính tương đồng từ thủa thơ ấu.

Ngân hàng tinh trùng California Cryobank mở cửa từ năm 1977. Để bảo vệ tinh trùng, họ làm đông lạnh tinh dịch trong chất lỏng nitrogen ở hàn độ – 400 độ Fahrenheit. Suốt 37 năm nay, ngân hàng này đã giúp hình thành 40,000 – 50,000 đứa trẻ. Thân chủ của ngân hàng thường là những đôi vợ chồng hiếm muộn; nhưng từ thập niên 90 đến nay, thân chủ bao gồm 40% các phụ nữ đồng tính muốn làm mẹ. Phần lớn thân chủ đều yêu cầu mẫu tinh trùng từ người tặng có học vấn cao và khỏe mạnh. Tuy nhiên, những đôi đồng tính còn yêu cầu thêm yếu tố chủng tộc, khác với họ để đứa con có vẻ “quốc tế” hơn!

Chỉ mới khoảng 25 năm trở lại đây việc thụ thai nhân tạo trở nên thịnh hành. Ngày nay những đứa trẻ ra đời qua kỹ thuật sinh sản ấy bắt đầu đi tìm “anh chị em” [những người chia cùng gốc di tính] và cả một chương trình truyền hình “Generation Cryo” để chia sẻ.
Câu chuyện thứ nhì không mấy vui vẻ. Hậu quả trái ngược với với điều mong mỏi của người tặng tinh trùng.

Những người hiến tinh trùng qua ngân hàng là những người “ẩn danh”, và khách hàng khi mua tinh trùng đều phải ký hợp đồng đàng hoàng, cam kết rằng họ không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ người cha-trong-ống-nghiệm kia, và cũng không thưa kiện chi ngân hàng nếu đứa trẻ ra đời bệnh tật, hoặc vóc dạng không như đơn đặt hàng, như ước đoán và không kèm theo một lời “cam đoan” hay “bảo đảm” nào cả từ người bán. Hợp đồng viết rõ ràng minh bạch như thế vì pháp luật không thể phân xử chuyện tình cảm hay đạo đức, chỉ có thể phân xử chuyện buôn bán làm ăn theo hợp đồng!

Chuyện ông William Marotta là câu chuyện đáng để ta ngẫm nghĩ. Năm 2009, khi đọc một mẩu quảng cáo tìm kiếm người tặng tinh trùng trên “Craig list”, ông này cao hứng, chẳng cần quen biết thân thiết gì, nên ra tay nghĩa hiệp tặng luôn ba lon tinh trùng cho một đôi phụ nữ đồng tính, hầu giúp họ hoàn thành ước mơ “làm mẹ”. Tặng tinh trùng và ký một bản “hợp đồng” không đòi điều kiện nào, không nhận trách nhiệm và hứa hẹn sẽ không đòi “quyền làm cha mẹ”. Câu chuyện “tặng quà” kia tưởng như chìm vào quên lãng, nhưng không, gần đây, ông Marotta bị tiểu bang Kansas túm áo đòi tiền nuôi dưỡng con trẻ! Thì ra, đôi phụ nữ đồng tính kia chia tay sau khi một đứa bé gái ra đời. Phụ nữ đã mang thai bây giờ độc thân, làm mẹ một mình, lại đau ốm không thể nuôi dưỡng đứa trẻ nên xin trợ cấp từ chính phủ tiểu bang.

Kansas, qua The Department for Children and Families, đi tìm người cha và tìm đến ông Marotta rồi đưa ông ấy ra tòa đòi cấp dưỡng. Lý do: mang đứa trẻ vào đời rồi rũ áo bỏ chạy?

alt

Betsy và Bill Stern, đã mướn người mang thai hộNGUỒN TRUESTORY CRIMEMOVIES.BLOGSPOT.COM

Ông Marotta cãi cọ rằng ông ta chỉ là người “tặng” tinh trùng, không phải là người cha của đứa nhỏ nên không có bổn phận hay trách nhiệm nào cả, như mọi người đàn ông hiến tinh trùng khác tại ngân hàng! Chính phủ Kansas phản đối lập luận ấy, họ nói việc “cho” tinh trùng của ông Marotta không nằm trong luật pháp của tiểu bang; không qua trung gian của một bác sĩ. Nghĩa là việc thụ thai nhân tạo phải do bác sĩ có bằng hành nghề thực hiện, chứ “cho” khơi khơi như ông Marotta thì chứng cớ đâu mà mò? Ai chứng minh được rằng ông Marotta kia không hề giao hợp với mẹ đứa trẻ?

Bà mẹ thì khai trước tòa rằng việc thụ thai nhân tạo kia được thực hiện tại nhà, tinh trùng được bơm vào dạ con.

Tại sao phụ nữ kia, và có thể nhiều người khác, không chọn việc thực hiện thụ thai nhân tạo tại văn phòng bác sĩ? Vì tiền phí tổn. Bác sĩ sẽ phải thử tinh dịch tìm kiếm dấu vết của bệnh truyền nhiễm và các bệnh di truyền khác. Khi mẫu tinh trùng được xác định là không có bệnh tật, lúc ấy bác sĩ mới “bơm” tinh dịch vào dạ con. Mỗi lần bơm tinh dịch như thế, phí tổn khoảng 3,000 Mỹ kim, và có thể cần nhiều lần chuyển tinh dịch trước khi việc thụ thai xảy ra. So với việc bơm tinh trùng tại nhà, “tự diễn”, thì rẻ và thuận tiện vô cùng; cứ việc mời người tặng đến nhà, mang đến hoặc sản xuất tinh trùng ngay tại nhà và dùng luôn.

Shawnee County District Court, phán quyết rằng ông Marotta không làm theo luật định nên ông ấy không được luật pháp bảo vệ; và ông này là “cha” đứa trẻ nên sẽ phải cấp dưỡng cho đến khi nó khôn lớn chưa kể một mớ tiền phí tổn mà chính phủ phải tiêu xài để đưa ông ấy ra tòa! Luật sư của ông Marotta, thì cho rằng việc làm của tiểu bang Kansas có mục đích “chính trị”. Tiểu bang này không nhìn nhận hôn nhân giữa người đồng tính; và theo ông Swinnen, đây là một cách “trừng phạt” những người đồng tính qua việc “thụ thai nhân tạo”, và thân chủ ông sẽ kháng án.Vụ án này nên dựa trên căn bản “hợp đồng”, Contract Law, hay đạo đức xã hội và gia đình, Family Law, để phân xử? Trứng là một “vật thể”, tinh trùng là một “vật thể”, được buôn bán trao đổi theo hợp đồng ký kết giữa những người trưởng thành có đầy đủ tri thức nhưng đứa con tạo ra từ hai “vật thể” ấy lại là một con người có đầy đủ quyền làm người và bình đẳng.

Trẻ em vô tội, và là món quà từ Thượng Đế. Chỉ có những người lớn, và người chưa lớn đã mang chúng vào đời là những người có trách nhiệm và bổn phận.

Sử dụng con trẻ vào bất cứ mục đích nào khác ngoài việc chu toàn bổn phận nuôi dưỡng con cái cho thành người là điều đáng trách, phải không bạn?!

TLL