Menu Close

Mùa kiệu

Nơi các làng quê vào mùa cuốc khoai lang cũng là mùa trồng kiệu. Đất trồng kiệu cũng là đất rẫy cặp mé mương hoặc đất gò sát mé vườn. Chuẩn bị đất trồng kiệu cũng có những công việc y như sửa soạn đất trồng khoai lang nhưng đất trồng kiệu có phần kỹ hơn. Chẳng hạn phải cày phá đất, rồi cày trở, bừa phá đất bằng bừa bàn nạo, bừa tác thứ nhì bằng bừa răng. Xong xuôi phơi đất cho khô ráo và giăng dây lên liếp trồng kiệu. Kích thước mỗi liếp có chiều ngang một thước tây, bề cao khoảng một tấc hoặc một tấc rưỡi, bề dài tính từ mí mương chạy dài mút miếng đất. Sở dĩ lấy chuẩn từ mí mương vì người ta phải lên liếp trồng kiệu sao cho các liếp đều song song hướng về bờ mương để khi cần gánh nước tưới kiệu thì nó sẽ tiện vì mình lội dưới rãnh giữa hai liếp kiệu không bị trở ngại và nước được tưới cả hai bên liếp kiệu cùng một lượt.

Nhưng trước hết, nếu bạn muốn trồng kiệu mình phải lo lựa kiệu già phơi khô để giống, chứ để tới mùa rồi mới tìm mua giống thì sẽ không có giống để trồng.Vì hồi xưa các loại cây và rẫy khác đều có bán hột giống nhưng các loại kiệu, hành, hẹ, tỏi ít có người để giống dư mà bán vào mùa bắt đầu gieo trồng. Khi lựa được kiệu già, người ta để nguyên lá gom lá kiệu lại thành một bó vừa nắm tay và lấy lạt tre chẻ mỏng buộc ngang chỗ tiếp giáp giữa lá và củ của bó kiệu ấy, rồi đem phơi nắng cho hơi ráo ráo. Sau đó mới đem những bó kiệu giống này treo trên giàn bếp. Khói nấu ăn trong các bếp ở nhà quê sẽ làm các bó kiệu giống khô dần và tới mùa người ta đem kiệu giống này xuống cắt lá bỏ và lấy củ trồng nơi các liếp kiệu đã chuẩn bị sẵn sàng. Kiệu giống hong khói trên giàn bếp như vậy có cái lợi là khói làm cho củ kiệu vừa khô ráo vừa không mối mọt ăn và khi được đem trồng kiệu đang thèm nước mà gặp đất mới dọn sẵn và gặp nước mưa nữa thì sẽ mau bén rễ và lên mầm.

Thời gian trồng kiệu như đã nhắc trùng với thời gian trồng khoai, tức là vào lúc mùa mưa Tháng Ba là bắt đầu trồng, tới Tháng Bảy khi nước bò gần tới đất gò là nhổ kiệu.Thành ra, khi thấy trời Tháng Ba chuyển mưa là người ta bắt đầu trồng kiệu. Cách trồng thì cũng không nên trồng kiệu quá dày vì trồng mà khít hàng quá kiệu không nở nhiều củ. Trung bình liếp cỡ một thước bề ngang người ta phân đều ra trồng năm bụi kiệu giống, mỗi bụi chừng hai hoặc ba củ kiệu giống là vừa; đừng trồng ít quá, kiệu sẽ thưa, mà trồng nhiều kiệu giống quá thì củ kiệu không nở củ lớn được. Sau khi người trồng kiệu vừa đặt giống xuống xong thì giống như cuốc khoai lang, sẽ có người đi phía sau lôi rơm tủ lên liếp kiệu vừa mới trồng. Công việc tủ rơm cũng nhằm mục đích che cho liếp kiệu ít bị nắng nóng,giữ được độ ẩm và cũng vừa làm cho liếp kiệu ít bị dẽ đất khi gặp mùa mưa nhiều.

alt

Liếp trồng kiệuNGUỒN SAIGONOCEAN.COM

Thường thường mấy năm 1940-1950, ở các vùng nhà quê chưa có máy bơm nước nên trồng kiệu nói riêng, làm rẫy nói chung là nhờ trời mưa, trường hợp mưa chưa ướt đất thì người ta sắm cặp gàu đan bằng tre hoặc cặp thùng có vòi bông sen gánh nước tưới kiệu. Mãi tới thập niên 1960-1970 máy bơm nước được thông dụng, ở miệt ruộng và rẫy người ta dùng máy bơm tưới rẫy.

Mùa nhổ kiệu cũng vui như mùa dỡ khoai lang, dù kiệu bọn trẻ chúng tôi hồi ấy không đứa nào ăn sống được nhưng mót kiệu sót trên các đám rẫy người ta vừa nhổ kiệu xong là cái thú không làm sao quên được. Thường thường, người ta nắm một bụi kiệu nhổ lên khỏi mặt đất người ta nhổ rất khéo tay, củ ít khi bị đứt; nhưng kiệu nhiều quá, nếu nhổ kiệu kỹ càng quá thì lâu, có khi cả ngày mà nhổ chưa xong đám kiệu, nên nhờ vậy mà có kiệu sót cho con nít chúng tôi mót. Kiệu mót được thường thường củ kiệu không lớn nhưng đôi khi họ nhổ sót nhiều lắm, mà nhứt là sau khi nhổ kiệu chừng một ngày mà trời lại mưa nữa thì đi mót kiệu khoái lắm. Vì đêm qua mưa, sáng hôm sau đi qua những đám kiệu vừa nhổ xong hôm qua, bao nhiêu củ kiệu sót đều phơi mình hoặc nhú lá lên trên mặt đất rẫy, mình chỉ cần cầm con dao nhỏ đào nhẹ bụi kiệu lên và lượm củ kiệu bỏ vô rổ. Gặp nhiều miếng rẫy kiệu sót nhiều, chúng tôi mót có khi được cả rổ. Kiệu mót được đem về hồi đó ở nhà quê mấy gia đình nghèo gặp mùa cực ăn, người ta hay xào kiệu ăn với cơm hoặc lấy củ kiệu kho với nước mắm rồi chế chút mỡ, kiệu kho khô cũng hấp dẫn lắm. Lá kiệu xào tép, xào thịt rắn, thịt chuột cũng là những món ăn đạm bạc nơi nhà quê mà thời nào cũng có, cũng ngon như các thức cao lương mỹ vị đối với dân cư nơi các chợ búa, thị thành vậy.

Thật ra kiệu còn gọi là giới bạch, có tên khoa học là Allium Bakeri, thuộc loại cỏ cao từ 15-50cm, có củ trắng dài, rộng từ 0,5 tới 1,5cm. Lá hẹp có bốn cạnh trừ ở chỗ gần củ, bộng, màu xanh dợt. Ít khi có bông, mục đích trồng kiệu là để lấy củ. Củ kiệu thường được dùng làm dưa chua, khí ấm, vị ngọt và đắng, không độc, được chế thuốc trị nhức đầu, bao tử, ruột. (4) Như ở trên, trong sách nói kiệu không độc, chế thuốc trị bịnh cho con người nữa, nhưng sức nóng của kiệu dễ làm hư mắt những người có con mắt bị yếu. Hồi mấy năm mới tản cư về, ở đối diện nhà tía má tôi ở bên kia Rạch Trầu, làng Tân Bình, có gia đình người cháu bà con trú ngụ trong căn nhà nhỏ. Năm ấy, khoảng chừng 1955, mới rằm Tháng Bảy âm lịch mà nước chạy tràn vô tới sân, lắp xắp nước chung quanh nhà tới mắt-cá chân vào đúng mùa nhổ kiệu. Ba bên bốn bề là nước lấp loáng trên sân bao quanh căn nhà nhỏ, không còn chỗ để chứa số kiệu vừa nhổ xong nên người cháu mới chất đỡ kiệu trong nhà. Người cháu ấy lúc chiều thấy mắt bị có hơi xốn xốn vì bùn dính vô khi nhổ kiệu; vậy mà rồi qua một đêm chứa kiệu trong nhà, mắt chú ấy bị sưng đỏ và đau nhiều thêm do sức nóng của kiệu tỏa ra. Hồi ấy dù còn quê mùa, xa chợ búa nhưng gia đình, người thân cũng đôn đốc chú ấy lên nhà thương Long Xuyên khám mắt; mắt bị sưng quá nặng không chữa trị được và người cháu ấy bị hư một con mắt suốt đời. Thành ra, qua sự việc vừa kể, kể từ đó tính tới nay gần bảy chục năm, ở làng quê tôi những mùa trồng kiệu không ai dám chất kiệu vừa mới nhổ trong nhà.Người ta có thể nhổ kiệu rồi chất xuống ghe chở lên các chợ bán hoặc bán cho lái mua và các lái kiệu này họ tự nhổ kiệu lấy, người trồng kiệu khỏi bận tâm về việc nhổ kiệu nữa.

alt

Củ kiệuPHOTO THÁI LÝ

Hồi đời trước trồng kiệu vào Tháng Ba, Tháng Bảy nhổ; nhưng tới mấy năm thập niên 1980-1990, dân vùng Mương Kinh thuộc làng Hội An Đông và các vùng khác bắt đầu trồng kiệu sái mùa, còn gọi là kiệu lỡ, tức là thay vì trồng kiệu với thời giờ như vừa kể thì họ trồng kiệu Tháng Sáu, tới Tháng Chín hoặc Tháng Mười nhổ kiệu. Mấy tháng này là giữa mùa nước lên nên đất trồng kiệu phải cao ráo, không bị ngập nước. Muốn vậy, người ta trồng kiệu trên nền vườn cũ hoặc vào tháng nước ngập khoảng Tháng Tám, Tháng Chín họ mướn thợ lặn đào một lớp đất mặt của những miếng đất gò làm lúa hay bị thất mùa rồi chở đất này đắp thành một cái nền cao giữa đồng và nền mới đắp này không bị ngập nước để trồng kiệu. Thường những đất vừa đắp thành nền trồng kiệu ấy còn mới với chất phân lúc trồng lúa còn ngấm trong ấy nên khi trồng kiệu, kiệu sẽ mau tốt. Những mùa kiệu lỡ ấy lúc nào cũng đắt hàng và được giá vì mùa nước ít ai có đất cao để trồng kiệu như vừa kể.

Thưa bạn,

Qua hai loại khoai lang và kiệu, mỗi loại có những đặc tính khác nhau của chúng nhưng cả hai cùng là loại cỏ có củ, có thời gian bắt đầu trồng cũng như khi dỡ khoai hay nhổ kiệu đều xảy ra gần gần với nhau làm thành những mùa rất riêng của các làng quê miền Tây nước ngọt nơi này. Ngày nay thỉnh thoảng bạn có dịp về ngang qua đó một đôi lần bất chợt bạn sẽ gặp những vồng khoai, những liếp kiệu xanh xanh nhưng không nhiều vì đất ruộng ngày nay làm lúa thần nông ba vụ một năm nên không còn chỗ đất nào dư cho kiệu cho khoai thong dong mọc đầy trên những mé vườn bờ mương phù sa tươi mát như ngày xa xưa cách nay sáu bảy chục năm, những năm tháng còn làm lúa mùa… Hồi đó đi đâu bạn cũng thấy khoai lang, đi đâu bạn cũng thấy kiệu xanh chan hòa sức sống của giữa đất trời. Thế nên, cả hai loại rẫy khoai lang và kiệu dù là rau củ, chúng cũng có một thời của chúng vậy!

LTT – Tân Bình, ngày 04-04-2014