Học phí đại học càng ngày càng tăng, do đó tiết kiệm cho giáo dục là một trong những quyết định khôn ngoan của phụ huynh học sinh. Chương trình tiết kiệm 529 thành lập cả chục năm nay, là một trong nhiều lựa chọn giúp cho phụ huynh để dành tiền cho con vào đại học sau này.
Ra đời năm 1996 và được đặt tên theo Section 529 của bộ luật thuế liên bang, chương trình có một số lợi điểm về thuế và có thể giúp được con em yên tâm về tài chánh khi bước vào ngưỡng cửa đại học.
– Điều hành
Chương trình này do các tiểu bang, hoặc cơ quan học vấn, hoặc các quỹ đầu tư điều hành. Hiện nay, mỗi tiểu bang đều có ít nhất là một chương trình 529. Có 2 loại chương trình:
1- Chương trình trả trước học phí, cho phép cha mẹ, ông bà hoặc người thân trả trước học phí đại học cho tương lai bằng giá học phí hiện tại, với một số tiền lớn, hoặc đóng góp hàng tháng. Chương trình này thường áp dụng cho đại học trong tiểu bang nhưng có thể chuyển sang để trả học phí đại học tư hoặc đại học ở các tiểu bang khác. Trả trước như vậy có lợi nhiều hay ít là tùy học phí gia tăng nhiều hay ít khi con em đến tuổi vào đại học.
2- Chương trình tiết kiệm và đầu tư cho phép người tham gia dành ra từng kỳ một số tiền rồi đầu tư vào chứng khoán hay quỹ đầu tư nào khác để trả học phí cho con em trong tương lai. Tiền này có thể dùng cho tất cả các đại học trong nước và một số đại học nước ngoài. Chương trình này lời nhiều hay ít tùy theo thị trường chứng khoán, vì phần lớn tiền đóng góp được bỏ vào những Quỹ Hỗ tương (Mutual Funds) với sự đầu tư càng ngày càng bảo thủ hơn khi con em gần đến tuổi vào đại học.
– Điều kiện
Bất cứ công dân Mỹ hoặc thường trú nhân, từ 18 tuổi trở lên, có thể mở một hay nhiều trương mục 529, nhưng mỗi trương mục chỉ dành cho một người thọ hưởng (thường là con, cháu); người này phải là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú hợp pháp. Tuy nhiên, một người trưởng thành cũng có thể mở chương trình 529 để dành tiền chi phí học cho chính mình, không giới hạn tuổi tác. Một người không phải chủ trương mục cũng có thể đóng góp vào chương trình.
Mỗi tiểu bang có hạn chế số tiền đóng góp vào quỹ, nhưng thường là từ $300 ngàn – $400 ngàn cho mỗi người thụ hưởng.
Muốn gia nhập chương trình này, có thể đến các trường đại học, hoặc những công ty đầu tư như Fidelity, Schwab,Vanguard…, hoặc các ngân hàng để tham khảo. Các cơ quan điều hành này đều có thu lệ phí trên số tiền đầu tư, cần tìm hiểu trước khi mở trương mục.
– Lợi điểm
Chương trình 529 được hưởng nhiều lợi điểm về thuế. Tuy tiền đóng góp vào trương mục 529 này không được trừ thuế, nhưng tiền lời từ đó sinh ra thì không phải trả thuế ngay, nên số tiền đầu tư có thể cứ thế sinh sôi nảy nở, phát triển một cách nhanh chóng. Khi lấy tiền ra để trả học phí, số tiền này không bị đánh thuế liên bang, và một số tiểu bang cũng không đánh thuế trên số tiền đó.
– Tiền đóng vào trương mục 529 được xem là quà tặng cho con cháu nên phải theo luật thuế tặng dữ (gift tax). Không phải trả gift tax đóng góp cho chương trình 529 trừ phi số tiền tặng tổng cộng suốt đời lên tới $5.34 triệu. Tuy không chịu thuế nhưng vẫn phải khai báo với sở Thuế.
– Thuế tiểu bang
Các chính sách liên quan đến chương trình 529 thay đổi tùy theo mỗi tiểu bang, nhưng cùng theo những chỉ dẫn chung. Được trừ thuế tiểu bang là khích lệ tốt nhất đối với cư dân sử dụng chương trình 529 của tiểu bang đó.
Alaska, Florida, Nevada, South Dakota, Texas, Washington và Wyoming không đánh thuế tiểu bang nên sự giảm thuế không áp dụng.
California, Delaware, Hawaii, Kentucky, Massachusetts, Minnesota, New Hampshire, New Jersey và Tennessee có đánh thuế tiểu bang, nhưng không cho trừ thuế các khoản đóng góp cho 529.
Montana, Arizona, Kansas, Missouri, Pennsylvania và Maine cho cư dân được trừ thuế những khoản đóng góp cho 529.
Các tiểu bang cho phép chuyển đổi trương mục sang một chương trình khác mỗi năm một lần mà không ảnh hưởng gì đến thuế. Nhưng nếu chuyển từ một chương trình trong tiểu bang sang một chương trình ngoài tiểu bang, bạn phải chịu lệ phí hoặc không được giảm thuế tiểu bang.
– Rút tiền
Trừ một vài ngoại lệ, con em hoàn toàn không có quyền đụng vào tiền đang đầu tư đó cho đến khi vào đại học. Người đóng tiền vào chương trình này có toàn quyền quản lý số tiền đã đầu tư, có thể quyết định lúc nào rút tiền ra và với mục đích gì.
Nếu rút tiền ra khỏi chương trình 529 không phải với mục đích trả học phí đại học theo định nghĩa của đạo luật thuế vụ (gồm có học phí, những lệ phí bắt buộc, sách vở, giấy bút và dụng cụ cũng như tiền ăn ở), sẽ phải bị phạt 10% trên tiền lời kiếm được, trừ khi:
1. Người hưởng quyền lợi (tức là sinh viên) qua đời và quyền lợi được chuyển cho một con em khác hoặc chuyển vào tài sản của người quá cố;
2. Người hưởng quyền lợi bị tàn tật;
3. Người hưởng quyền lợi được cấp học bổng, hoặc bất cứ trợ cấp nào về học vấn.
– Ảnh hưởng đến Financial Aid?
– Nếu trương mục 529 do cha mẹ mở ra thì số tiền này được coi là tài sản của cha mẹ và 5.64% của số tiền đó sẽ là số tiền người sinh viên phải có trách nhiệm góp phần vào học phí của mình.
– Nếu số tiền trong trương mục 529 là của người sinh viên, thì mỗi một trường đại học có luật lệ riêng, có thể phải khai hoặc không phải khai trong đơn xin trợ cấp FAFSA. Cần tham khảo với trường.
– Đôi điều chú ý
Trước khi đầu tư vào chương trình 529, nên so sánh lệ phí, cân nhắc ưu điểm và khuyết điểm, tính toán lời lỗ, để xem gia nhập chương trình 529 có lợi hơn là đầu tư ở ngoài hay không. Sự khó khăn khi rút tiền và 10% tiền phạt trên số lời cũng là điểm nên lưu ý.
HV