Menu Close

Hội họa của những người thành đạt

Tại sao có nhiều tài năng thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị,… khi vào ngưỡng cửa tuổi già, họ thường chọn hội họa để nối tiếp cảm hứng cho đời sống tinh thần?

 

alt

Churchill vẽ cảnh sông Sorgue, Pháp 1948 – Ảnh: F.Scherschel

Riêng Việt Nam, những Văn Cao, Trần Dần, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, âm nhạc và thi ca của họ đã trở nên bất tử, nhưng vẫn có những điều trong sâu thẳm tâm hồn họ mà ngôn ngữ âm nhạc hay thi ca không thể lột tả, giãi bày hết được. Mỗi loại ngôn ngữ đặc thù của từng khía cạnh sáng tạo đều có một quyền năng riêng, vì thế, hội họa là sự chọn lựa sáng suốt nhất của họ vào những thời điểm xảy ra ngẫu hứng mà âm nhạc hay thi ca không thể cất lời lên được. Tất nhiên, gia nhập vào danh sách này còn có rất nhiều nhân vật tên tuổi…

 

alt

Tháp Nhà thờ Hồi giáo Katoubia, kỷ niệm chuyến đi Marrakech sau Hội nghị Casablanca năm 1943 – nguồn anglotopia.net

Vậy thì ai cũng dễ trở thành họa sĩ mà không cần khổ luyện tại một trường mỹ thuật? Thực tế là tranh của họ không đạt tới những quy chuẩn kỹ thuật tạo hình, sao tranh của họ lại bán được mà giá có khi còn cao hơn giá tranh của các họa sĩ chuyên nghiệp?

Vẽ khó lắm, người ta phải học cả 4-5 năm trời ở trường Đại học Mỹ thuật và sau một kỳ thi tuyển thật khó mới thành họa sĩ, mà đâu phải ai cũng nổi tiếng. Thế thì điều gì làm nên sự khác biệt giữa tranh của các vị không được trải qua một quá trình học vẽ và tranh của những họa sĩ chuyên nghiệp nhưng không nổi tiếng? Xét về mặt hợp lý, các nghi vấn nêu trên là đúng, nhưng trong trường hợp về lãnh vực sáng tạo nghệ thuật thì kỹ năng hội họa chỉ giữ vai trò hỗ trợ cho việc sáng tác. Việc này, đối với nhiều người chọn cách tự học qua sách vở, xem tranh, tiếp cận các xưởng vẽ của các họa sĩ nổi tiếng,… cũng tốt không kém việc học trường lớp. Nói cách khác, để tác phẩm gây được sự chú ý vượt trội ở người xem, tác giả phải là người có một tâm hồn lớn, có một khả năng sáng tạo khác thường. Mà điều quan trọng không có trường nào dạy được, chỉ có ở những tài năng lớn trong mỗi lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Những ai đã thành đạt thì chắc chắn họ phải có tài lớn, cái đầu lớn, nếu dùng nó cho hội họa thì tranh vẽ của họ chắc chắn sẽ có tính cách nghệ thuật riêng dù có thiếu sót về kỹ thuật và sự khéo tay trời cho. Đối với họ, những khiếm khuyết kỹ thuật lại là điều hay, nhờ đó mà tranh của họ phóng khoáng hơn, bay bổng hơn, nhiều cảm xúc hơn so với loại tranh vẽ bằng một kỹ năng hội họa trường quy. Nhưng điều quan trọng hơn đối với họ không phải dùng hội họa để thêm danh mà là một thú vui cho tinh thần. Vì chỉ có như thế họ mới sống được cho chính họ và được trở về làm khán giả riêng cho những cảm xúc của chính mình. Hội họa là thế giới của sự im lặng. Nhà văn lừng danh Pháp thế kỷ XX André Malraux đã viết một cuốn sách lớn về thế giới hội họa với tựa đề ”Tiếng nói của sự im lặng”, đã giải mã những bí ẩn mà hội họa hàm chứa dưới nhiều dạng sáng tạo khác nhau.

 

alt

La Femme Ideale 1984 – Anthony Quinn – nguồn artbrokerage.com

Cuộc đối thoại giữa tác phẩm và người xem thường diễn ra trong sự im lặng của cả hai phía, thậm chí cả hai đều không hiểu được nhau ngay, mà cần kéo dài cuộc nói chuyện bên ly rượu đến giữa khuya để rồi sau đó bức tranh đầy màu sắc đã đưa giấc ngủ của người xem chìm vào cơn mơ.

 

alt

Không lời –  tranh Trần Dần – mực mầu trên giấy

Nhiều ngành nghệ thuật khác là sự ra đi, riêng hội họa là chốn để quay về. Âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thi ca đã cuốn người sáng tác đi về phía khán giả, người nghe, kẻ đọc. Họ suốt một thời gian của thanh xuân đã phải vong thân cho cái động. Càng thành công họ càng bị lôi đi xa khỏi bản thân mình. Khi giật mình thì đã “lau trắng trong tay”. Cái tịnh lúc này là điều cần thiết và đó mới thật là thế giới của sự hóa giải bản thân, tu dưỡng và đắp bồi cho cái ngã đã hư hao, và không có gì khác hơn để giúp họ tìm lại được mình, chính là hội họa.

 

alt

Bùi Giáng – tranh Trịnh Công Sơn

Dường như đối với những người đã thành đạt, hội họa là khu vườn nhỏ sau nhà, nơi họ tìm thấy lại mình. Chỉ có nơi ấy mới cho họ những khoảnh khắc, thậm chí còn nhiều hơn để thoát khỏi vòng danh lợi. Khi họ ngồi trước giá vẽ, đường nét và màu sắc sẽ đưa họ vào một cuộc phiêu bồng mà không có gì có thể đem đến cho họ một thứ hưng phấn vừa có khả năng làm cân bằng tinh thần vừa thanh tẩy những ưu phiền của cuộc sống.

 

alt

Bò khát bia – tranh Bùi Giáng

Tuy nhiên, không phải bất kỳ chính trị gia, doanh nhân, nhạc sĩ, nhà thơ lừng lẫy nào nay vẽ tranh cũng chỉ để tìm cho mình một chốn an nghỉ, như tìm đến một công án thiền. Trong số đó cũng có những tài năng chỉ “thường thường bậc trung”, đã dựa vào một ít tiếng tăm của mình hoặc các mối “quan hệ đặc biệt”, để lấy đó làm một con đường danh lợi khác cho mình. Không phải cứ thấy W. Churchill, Anthony Quinn, Văn Cao, Trần Dần, Trịnh Công Sơn,… vẽ và bán được tranh với giá cao là mình cũng cứ vô tư vẽ rồi “hoành tráng” mà triển lãm.

 

alt

Vợ chồng Mèo đi chợ – tranh Văn Cao

T.C