Menu Close

Tống Hữu Nhân

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn trong cuốn khảo luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói có nhắc đến bài Tống Hữu Nhân của Lý Bạch và bản dịch của Tản Đà Tiên Sinh. Công lao và chỗ đứng của nhà thơ sông Đà núi Tản trong việc giới thiệu và dịch Đường Thi chẳng ai có thể phủ nhận.  Nhưng lúc nói đến điều mà có lẽ Bùi Giáng gọi là phải chừa một khoảng trống phóng nhiệm cho thơ,  Đỗ Thi Sĩ đã đưa ra nhận xét rằng Tản Đà khi chuyển từ nguyên tác ngũ ngôn sang lục bát, ông đã thừa chữ, đã thêm thắt ít nhiều, đã giải thích nọ kia, làm giảm đi cái thú người đọc, không được tự mình cảm lấy cái thi vị của nguyên tác. Bài Tống Hữu Nhân ấy vỏn vẹn có 40 chữ như sau:

Thanh sơn hoành bắc quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thủ tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh

Đây là một thí dụ cho thấy trong thơ, ý đóng một vai trò rất thứ yếu. Bài thơ của Lý Bạch đơn thuần kể lại việc chia tay với một người bạn nơi miền biên ải. Nghĩa đen, nghĩa bóng của bài thơ có thể diễn xuôi ra như sau:

Rặng núi xanh nằm dài sau tường thành bên ngoài, nơi phía Bắc
Giòng sông trắng uốn mình giữa bờ thành bên trong, nơi phía đông
Chốn đây, lần này, anh với tôi đang phải chia tay
Ngọn cỏ bồng lên đường một đi ngàn vạn dặm
Áng mây nổi là nỗi lòng kẻ ra đi
Bóng tà dương là tình người bạn cũ
Vẫy tay, từ nay lên đường nhé
Tiếng ngựa nghe càng buồn thêm

Thế thôi, diễn nghĩa ra thì chẳng có gì là hay ho. Nhưng chớ nên lân la lâu trong phần diễn nghĩa. Đọc khoản diễn nghĩa chỉ để tạm bắc nhịp cầu để trở về với nguyên tác. Phần diễn nghĩa nó nhạt nhẽo vô duyên như tấm ảnh chụp tô mì Hải Ký đang nghi ngút bốc khói. Ngon lành béo bổ ở chỗ nào đâu. Vạn nhất bất đắc dĩ thế thôi. Xin nhẩn nha đọc lại nguyên tác để thấy cái hào khí ngút trời của Lý Bạch. Thanh sơn hoành bắc quách. Sau hai chữ thanh sơn hiền lành không dấu, chữ hoành trùng xuống để mở đường cho hai chữ bắc quách vút cao như núi non trùng điệp ngăn chia Trung nguyên với miền sa mạc phương Bắc. Lại đọc câu kế tiếp bạch thủy nhiễu đông thành, dấu hỏi, dấu ngã lên xuống làm câu thơ uốn éo như giòng sông đang uốn mình trong nắng. Cái hay của bài thơ không phải ở ý nghĩa, mà ở cái cảm giác xa xôi biên ải, của trùng điệp núi đồi, của con người nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vỹ, của thân phận lính thú lưu đày, của ly biệt cách ngăn, của sầu mong thương nhớ. Cái cảm giác ấy không chỉ đến từ ý mà đến từ nhạc điệu. Mà nhạc điệu không chỉ đến từ âm thanh, nó còn đến từ hình ảnh. Ba cái ấy: ý, âm thanh, hình ảnh là ba Ngôi của thi ca. Phần dịch nghĩa không những đánh mất âm thanh mà luôn cả hình ảnh. Chỉ giữ lại mỗi bộ xương là ý. Chao ôi, thịt da đâu, ánh mắt đâu, nụ cười đâu!  Phải trở về với nguyên tác để tắm mình trong nhạc điệu của âm thanh và hình ảnh. Như lúc đọc hai chữ tiêu tiêu ở cuối, chẳng cần biết nó có nghĩa là tiếng ngựa hí, hay có nghĩa là buồn bã tiêu điều, hay nghĩa là tiếng gió thổi vun vút, tiếng lá rụng rào rào, hay là gì gì đi chăng nữa, nhưng đọc lên là đã nghe tê tái cả cõi lòng: Tiêu tiêu ban mã minh.  Như nghe thấy tiếng lục lạc rung lên theo vó ngựa. Tiêu tiêu. Tiêu tiêu. Mà cũng lại như nghe thấy cái hình ảnh của luyến lưu, thương nhớ.

Xin mời đọc lại nguyên tác, rồi cùng đọc lại bản dịch của Tản Đà:

Tống Hữu Nhân

Thanh sơn hoành Bắc quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thủ tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh
Chạy dài cõi Bắc non xanh
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm, biết đâu cánh bồng
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà
Vái nhau thôi đã rời xa
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo

Bản dịch của Tản Đà cho thấy thiên tài sáng tạo của ông.  Nó bay bướm, du dương một cách rất mực Tản Đà. Cái bâng khuâng man mác của Lý Bạch đã nhường chỗ cho cái êm đềm tha thiết của lục bát.  Mỗi là mỗi khác.

Dịch thơ không nhất thiết phải theo nguyên thể. Cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Dương Khuê bằng bài thơ chữ Hán ngũ ngôn cổ phong Vãn Đồng Niên Vân Đình Tiến Sĩ Dương Thượng Thư, rồi tự mình dịch sang Quốc âm song thất lục bát. Bài dịch này ai ai cũng biết, cũng khen hay. Bùi Giáng lại còn hỏi có thể nào ta đem một bài thơ lục bát Việt Nam ‘dịch’ sang song thất lục bát?  Ấy vậy, tuy không cứ nhất thiết phải theo nguyên thể, nhưng bài thơ này vẫn xin dịch theo nguyên thể cho vui.    

Tiễn Bạn

Non nhoài xanh cõi Bắc
Sông lượn trắng trời Đông
Ly biệt miền thành quách
Mù khơi mảnh cỏ bồng
Người đi hồn mây nổi
Tình ta dạ xa trời
Chuông ngựa, chùng tay gọi
Xa, xa rồi, người ơi

Một lần dịch là một lần tái tạo. Mỗi bài thơ dịch tự nó là một bài thơ. Một bài thơ khác. Không có một quy luật nào trong việc làm thơ hay dịch thơ cả. Đọc lên thấy sướng là đủ rồi vậy.

alt

Lý Bạch – tranh Liang Kai, – trước đây là Bộ sưu tập của Winter Palace

TTH – Trích Văn Học, Tháng 9, 2008