Sau năm 1975, những người cầm bút nổi tiếng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa bị biến thành “phần tử phản động,” bị kết án với tội danh “Biệt Kích Văn Nghệ,” bị giam giữ không thời hạn trong những nhà tù xa xôi, có người vĩnh viễn không bao giờ trở về với gia đình. Hoàng Hải Thủy ghi lại thảm kịch này như sau:
“Năm 1986, trước ngày Đại Hội Đảng Kỳ 6, Công An Thành Hồ đã dàn dựng đưa bọn “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” ra tòa với cái tội “gián điệp”. Năm ấy họ muốn dựng một vụ Xử Án Điển Hình kiểu “Sát Nhất, Nhị, Tam, Tứ Nhân, vạn vạn nhân cụ,” một vụ án làm cho tất cả những anh Con Trai, Con Rể, Con Nuôi, Con Hoang, Con Rơi, Con Rớt Nhà Bà Cả trên cõi đời này sợ teo luôn. Nói rõ hơn năm 1986 họ muốn xử chúng tôi với mức án đại khái như vầy: Doãn Quốc Sỹ: Tử hình hay chung thân. Hoàng Hải Thủy: Chung thân – 20 niên. Dương Hùng Cường: 18 niên. Lý Thụy Ý: 15 niên. Nguyễn Thị Nhạn: 12 niên. Hiếu Chân Nguyễn Hoạt: 10 niên. Khuất Duy Trác: 8 niên. Trần Ngọc Tự: 8 niên.” [Trích trong “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút”]
“Sống Và Chết Ở Sài Gòn,” là hoài niệm của nhà văn Hoàng Hải Thủy đối với những người bạn văn nghệ sĩ của ông như Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường, Nguyễn Hoạt Hiếu Chân, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh, Vũ Bằng, Cát Hữu, Trịnh Viết Thành, Huy Cường, Minh Vồ, Hoàng Ly, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Hoàng, Thanh Thương Hoàng, Vương Đức Lệ, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Tú Kếu, Choé, Văn Quang, Uyên Thao…
Nhà văn Hoàng Hải Thủy còn kể cho độc giả biết về Huỳnh Bá Thành – tên thật Huỳnh Thanh Tâm, bút danh Họa Sĩ Ớt – là Việt cộng nằm vùng nhiều năm trước 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Huỳnh Bá Thành trở thành cán bộ công an thẩm vấn nhiều ký giả, văn nghệ sĩ Sài Gòn; nhà văn Hoàng Hải Thủy từng bị kẻ này thẩm vấn. Ông cũng ghi lại vụ nổ lớn xảy ra tại tháp Hồ Con Rùa ở ngã tư Duy Tân- Trần Quý Cáp, vào ngày 02 tháng 04 năm 1984. Sau vụ nổ, hơn 200 văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà văn bị bắt đi tù. Những nhân vật nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế, Dương Nghiễm Mẫu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh, Khuất Duy Trác, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Trần Ngọc Tư và Lý Thụy Ý, có tên trong danh sách “những tên biệt kích văn nghệ” bị bắt giam. Họ bị ghép vào tội “gián điệp,” đến năm 1988 đổi lại thành tội “tuyên truyền phản cách mạng.” Một bản án kiểu “Nhân Văn Giai Phẩm” bắt đầu tại Miền Nam Việt Nam kể từ đó.
Nhiều người cho rằng chính Huỳnh Bá Thành chỉ huy, dàn dựng ra hai vụ án chấn động thời đó là “Vụ Án Hồ Con Rùa,” còn gọi là “Vụ Án Những Tên Biệt Kích Cầm Bút,” và “Vụ Án Thập Nhị Tăng Ni Già Lam.” Mười hai vị tăng ni, trong đó có Hòa Thượng Thích Trí Thủ trụ trì Chùa Già Lam, Phú Nhuận, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Thích Trí Siêu, Ni Sư Thích Trí Hải, bị bắt về “tội phản động.” Nhưng nhà văn Hoàng Hải Thủy nhận xét: Cấp trên của Huỳnh Bá Thành chủ mưu, đứng đằng sau hai vụ án nói trên. Còn Huỳnh Bá Thành chẳng qua chỉ là một tên lính lệ, một dạng bồi bút.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải, sinh năm 1933 tại Hà Đông, vào Miền Nam năm 1951, từng là phóng viên nhật báo Ánh Sáng ở Sài Gòn, Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, phóng viên nhật báo Sài Gòn Mới, thư ký sở viện trợ Hoa Kỳ. Năm 1977 bị công an bắt giam 2 năm (1977-1979) vì tội gửi một số bài thơ, bài viết sầu buồn ra nước ngoài. Tháng 5/1984 bị bắt lần thứ hai cũng vì tội gửi tác phẩm ra nước ngoài. Lần thứ hai này bị đưa ra tòa, bị án tù 6 năm. Năm 1990 trở về Sàigòn, năm 1994 sang Hoa Kỳ tỵ nạn, định cư ở Virginia. Ngoài bút danh Hoàng Hải Thủy, ông còn có các bút danh khác như: Công Tử Hà Đông, Ngụy Công Tử, Con Trai Bà Cả Đọi, Hạ Thu, Hồ Thành Nhân, Văn Kỳ Thanh, Dương Hồng Ngọc, Triều Đông, Người Sài Gòn… Ông nổi tiếng là nhà văn phóng tác và chuyển dịch rất hay những tác phẩm ngoại quốc ra Việt Ngữ, như “Kiều Giang” [nguyên tác “Jane Eyre”], v.v… Ngoài ra ông còn viết rất nhiều tác phẩm khác, dưới nhiều thể loại khác nhau.
Những người Sài Gòn xưa, những người Sài Gòn hôm nay, và những ai yêu mến Sài Gòn trước năm 1975, muốn biết từng biến cố xảy ra cho người Sài Gòn cũ, nên đọc “Sống Và Chết Ở Sài Gòn.”
