Xin bác sĩ cho biết cháu bé mới sinh ra có nên cắt bỏ da quy đầu dương vật hay không?
Đáp
Trong đạo Do Thái, các bé trai mới sinh ra được cắt da quy đầu trong một lễ nghi cầu nguyện rất trang trọng. Hành động này được xem là sự thỏa hiệp giữa người nam đó với Thượng đế. Tuy nhiên, các bác sĩ lại cho rằng việc cắt bao quy đầu là không cần thiết đối với đa số bé trai.
Bao da quy đầu bao bọc bên ngoài cơ quan sinh dục nam. Đây là nếp gấp da trên phần cuối dương vật. Mặt trong lớp da này có những tuyến tiết ra chất nhờn mà khi tích tụ sẽ tạo ra một lớp bựa mầu trắng đục.
Một số nơi có phong tục circumcision (cắt bỏ lớp da quy đầu khiến cho đầu dương vật lộ ra) vì lý do tôn giáo hoặc vệ sinh (để cơ quan sinh dục được sạch sẽ, tránh bị hẹp bao quy đầu). Giải phẫu này được thực hiện phổ biến ở Mỹ từ năm 1940, nhưng ngày nay đã giảm đi vì quan niệm mới cho là không cần thiết. Hơn nữa, việc giải phẫu nhiều khi gây đau đớn cho em bé, làm chảy máu, sưng nơi vết mổ cả mấy ngày. Nhiều người muốn giữ lại da quy đầu để đầu dương vật khỏi bị cọ xát, giữ độ nhạy cảm của nó.
Năm 1991, Hiệp hội các bác sĩ nhi khoa Mỹ đã đồng ý rằng thông lệ cắt bao quy đầu ở trẻ sơ sinh là không cần thiết vì không đem lại lợi ích y khoa quan trọng nào. Họ để các bậc cha mẹ tùy ý quyết định cắt hay không cắt cho con.
Những bác sĩ theo ý kiến giữ da quy đầu giải thích rằng, việc cắt bỏ sẽ dẫn đến một số vấn đề như đầu dương vật mất sự che chở cho nên dễ nhiễm trùng, miệng ống tiểu dễ bị chít hẹp. Cắt da quy đầu cũng có nghĩa là cắt bỏ một số cơ thịt và dây thần kinh; vì vậy, dương vật thường ở vị thế nằm rũ khi không cương. Khoái cảm trong hành động tình dục cũng giảm bớt. Theo họ, chỉ nên cắt da quy đầu khi có vấn đề sức khỏe do nó gây ra, và khi người cắt tự nguyện.
Về phương diện thỏa mãn sinh lý, theo tạp chí British Journal of Urology số tháng 1/1999, phụ nữ thích giao hợp với nam giới còn nguyên bao quy đầu hơn là đã cắt. Lý do nêu ra là da quy đầu đem lại cho họ nhiều khoái cảm hơn, nam giới chậm xuất tinh, động tác của người nam nhẹ nhàng, bớt cọ xát và do đó nữ giới tiết nhiều âm dịch hơn.
Benjamen Spock, một người luôn chủ trương cắt da quy đầu cũng đã thay đổi ý kiến. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1989, ông cho biết mục đích của việc cắt da quy đầu vì lý do vệ sinh cơ quan sinh dục cũng giống như cắt mí mắt (với hy vọng mắt sạch hơn).
Nếu các bậc cha mẹ vẫn muốn con mình thực hiện giải phẫu này, nên lưu ý:
– Yêu cầu em bé được cho thuốc giảm đau trước khi giải phẫu.
– Sau khi mổ, thay băng nhiều lần trong ngày để tránh nhiễm trùng.
– Vết mổ có thể rỉ máu vài ngày.
– Sau mổ, em bé có thể không tiểu tiện trong vòng 6-8 giờ.
– Cắt da quy đầu là một giải phẫu đơn giản, có thể thực hiện ngay tại phòng mạch bác sĩ và vết thương sẽ lành sau vài tuần lễ.
Người trưởng thành đôi khi cũng cần cắt da quy đầu. Đó là các trường hợp sau:
– Thường xuyên bị nhiễm trùng cơ quan tiểu tiện, nhất là ở người mắc bệnh tiểu đường, vì đường trong nước tiểu dính dưới da quy đầu sẽ là môi trường thuận lợi cho vi trùng sinh sản.
– Khi da quy đầu quá co chặt gây khó khăn trong quan hệ tình dục.
– Sợ bị ung thư cơ quan sinh dục.
– Muốn cắt bỏ vì lý do thẩm mỹ nào đó.
Tôi ở Việt Nam.
Mẹ già của tôi năm nay tuổi 68, đã bị cao máu trong 8 năm, thường hay bị nhức đầu, chóng mặt, uống thuốc nhiều không hết. Huyết áp thường xuyên trên 16 hoặc 17.
Xin bác sĩ hướng dẫn trong việc chăm sóc điều trị bệnh cao máu của bà cụ.
Cảm ơn bác sĩ
Đáp
Chúng tôi có phân tích lời trình bày của ông về bệnh tình của Cụ nhà thì được biết là cụ đang bị bệnh cao máu được tám năm và đã điều trị, uống nhiều loại thuốc mà vẫn chưa khỏi.
Chúng tôi có cùng ý kiến với ông là cao huyết áp là bệnh khó chữa và cần một sự kiên nhẫn lâu dài.
Xin nhắc lại:
Cao huyết áp là bệnh rất thường thấy, đặc biệt là ở quý vị lớn tuổi. Huyết áp cao khi chỉ số tâm thu = > 120 mmHg và chỉ số tâm trương = >80mmHg.
Từ 85-0% trường hợp bệnh không có nguyên nhân rõ rệt; 5-0% do bệnh của thận và chỉ có từ 1-2% là do nguyên nhân có thể điều trị khỏi được.
Nhiều trường hợp cao huyết áp có liên hệ tới vấn đề di truyền, mập phì, căng thẳng tinh thần. Bệnh thường diễn ra âm thầm cho tới khi có một biến chứng trầm trọng nào đó xuất hiện như là tâm thất trái suy, vữa xơ động mạch tim, tai biến động mạch não, suy thận. Bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, mặt nóng bừng, người mệt mỏi.
Bệnh được xác nhận sau khi đo huyết áp hai lần mỗi ngày trong ba ngày liên tiếp và đều cao tức là trên 120/80. Nhiều người đã ví cao huyết áp như một tên sát nhân thầm lặng, làm thiệt mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào, nhất là khi bệnh không được điều trị.
Xin nhấn mạnh là không có phương thức nào có thể trị tuyệt/dứt cao huyết áp, mà chỉ có thể giữ nó ở mức bình thường và tránh những biến chứng.
Việc điều trị nói chung gồm có:
– Giữ một nếp sống lành mạnh: Giảm mập nếu có, ngưng thuốc lá nếu đang hút, giảm tiêu thụ muối hoặc dùng muối thay thế, vận động cơ thể, bớt uống rượu. Vận động cơ thể tùy theo sức khỏe của mình chứ không nên nặng quá.
– Thuốc uống: Thuốc trị cao huyết áp có rất nhiều loại và đều công hiệu như nhau. Nhưng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ, cần được bác sĩ theo dõi và điều chỉnh liều lượng.
Chúng tôi thấy bên nhà có nhiều loại thuốc giống như ở nước ngoài. Điều cần thiết là được một bác sĩ tận tâm, dành thì giờ giải thích về bệnh tật cũng như cách dùng thuốc, ăn uống kiêng khem cho người bệnh. Đồng thời bệnh nhân cũng cần hợp tác, nghe theo lời bác sĩ thì bệnh cũng dễ kiểm soát.
Trong trường hợp của bà cụ: huyết áp 16- 17 mà tuổi là 68 thì nên mang huyết áp tâm thu xuống mức 13 thì tốt hơn.
– Ngoài ra xin ông cũng nói với bác sĩ gia đình tìm hiểu coi có nguyên nhân nào như đã kể ở trên có thể gây ra cao huyết áp thì chữa các bệnh này.
Chúc cụ nhà mau ổn định bệnh cao huyết áp và thọ thêm vài chục năm nữa để vui với gia đình con cháu.
NYD