80% giới tuổi teen hiện nay đang sử dụng một hình thức nào đó của truyền thông xã hội, và đang chia sẻ với nhau những thông tin về chính mình nhiều hơn thời gian trước đây. Sau đây là một số hệ thống xã hội hoặc các ứng dụng các em thường dùng: Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, Vine, YouTube, Tumblr, Secret, Whisper…
Tuy có nhiều lợi ích, nhưng sử dụng các trang mạng đó cũng đặt ra nhiều nguy cơ. Do đó các bậc phụ huynh cũng nên để ý đến sinh hoạt của con em mình trong những lãnh vực này. Nhưng trước hết, phụ huynh phải có một số kiến thức về truyền thông xã hội đã, rồi mới có khả năng hướng dẫn con em mình được.
Trong loạt bài này chúng ta sẽ cùng nhau trước hết tìm hiểu sơ lược về truyền thông xã hội và sau đó lần lượt về các trang mạng phổ biến hiện nay.
Truyền thông xã hội là gì?
Truyền thông xã hội (social media) là một thuật ngữ hiện nay được nói đến rất nhiều, nhưng định nghĩa thì hơi phức tạp.
Cách tốt nhất để định nghĩa là tách biệt nhóm từ này ra để tìm nghĩa từng phần. Media là một dụng cụ để truyền đạt, để thông tin, chẳng hạn như tờ báo hoặc chiếc radio. Vậy social media sẽ là dụng cụ, là phương tiện xã hội dùng để truyền đạt.
Một số trang mạng không chỉ thông báo tin tức cho bạn mà còn “tương tác” với bạn khi đưa tin đó, hay nói cách khác là còn cho bạn “đối thoại”. Sự tương tác này có thể đơn giản như yêu cầu bạn đưa ra nhận xét, hoặc để bạn bầu chọn về một đề tài, nhưng cũng có thể phức tạp như giới thiệu các phim bạn nên coi dựa theo sự đánh giá của những người khác có cùng chung sở thích.
Để cho dễ hiểu, có thể ví truyền thông thường (regular media) như con đường một chiều; trên đó bạn có thể đọc một tờ báo, nghe một bản tin loan trên đài phát thanh hoặc đài truyền hình, nhưng rất ít có cơ hội bày tỏ ý nghĩ của bạn về vấn đề đó.
Còn truyền thông xã hội (social media) thì khác, đó là con đường hai chiều để cho bạn cũng có khả năng truyền đạt, đối thoại về vấn đề đó nữa.
Truyền thông xã hội và tin tức xã hội chỉ là một thứ?
Thật dễ lẫn lộn truyền thông xã hội với tin tức xã hội (social news), vì chúng ta thường gọi những người đưa tin tức, người làm báo là “the media (truyền thông)”. Mà còn có thể lầm thêm nữa vì một trang mạng đưa tin xã hội cũng là truyền thông xã hội vì nó nằm trong thể loại đó theo nghĩa rộng.
Nhưng tin tức xã hội và truyền thông xã hội không chỉ là một thứ, giống như một trái chuối và một trái cây không chỉ là một thứ.
Một trái chuối là một loại quả, nhưng quả cũng có thể là nho, là dâu tây, là chanh… Cũng vậy, tin tức xã hội có thể ví như trái chuối, còn truyền thông xã hội là quả.
Một số trang mạng xã hội
Vì truyền thông xã hội là một thuật ngữ có nghĩa rộng nên nó bao quát một phạm vi lớn nhiều trang mạng. Mối liên kết chung giữa các trang mạng này là bạn có thể tương tác, đối thoại với chính những người chủ trương trang đó và những người khách thăm viếng.
Dưới đây là một số thí dụ về các trang mạng truyền thông xã hội:
– Social Bookmarking ( như Del.icio.us, Blinklist, Simpy) Tương tác bằng cách đánh dấu các trang mạng và tìm kiếm các trang mạng đã được người khác đánh dấu. (Bookmark nguyên nghĩa là đánh dấu một trang sách ta muốn coi lại sau này).
– Social News (như Digg, Propeller, Reddit) Tương tác bằng cách bầu chọn các bản tin và bình luận những tin đó.
– Social Networking (như Facebook, Hi5, Last.FM) Tương tác bằng cách kết thêm bạn, nhận xét về các thông tin cá nhân (profile), gia nhập các nhóm và thảo luận.
– Social Photo and Video Sharing (như YouTube, Flickr) Tương tác bằng cách chia sẻ hình ảnh hoặc những đoạn video và đưa ra nhận xét về những hình ảnh và video đó.
– Wikis (như Wikipedia, Wikia) Tương tác bằng cách thêm các đề mục và biên tập các đề mục đã có.
Các trang mạng xã hội không chỉ gồm có những trang mạng vừa kể trên. Bất cứ trang mạng nào mời gọi bạn đối thoại, bàn luận với trang đó hoặc với các khách viếng thăm đều nằm trong phạm vi định nghĩa của truyền thông xã hội.
PN