Menu Close

Trong Ánh Lửa Thù – Uyên Thao

“Trong Ánh Lửa Thù” – tiểu thuyết dã sử của nhà văn Uyên Thao xuất bản năm 2002 – được dàn dựng trên bối cảnh đất nước Đại Việt đang ở trong giai đoạn Quốc Sư Trần Thủ Độ thao túng triều đình, nắm toàn quyền sinh sát trong tay, không từ nan bất cứ một thủ đoạn tàn độc hay mưu sâu kế hiểm nào, nhằm bẻ gãy các thế lực trong và ngoài triều đình, như mũi dùi nhắm vào ông ta. Hành động bạo lực của Trần Thủ Độ không phải để chống giặc ngoại xâm Phương Bắc, mà chỉ để củng cố địa vị và quyền lực cũng như để đàn áp phe đối lập, thủ tiêu các thành phần có liên hệ ít nhiều đến vương triều Nhà Lý trước đây.

Người có bản lãnh khiến Trần Thủ Độ coi là đối nghịch với Nhà Trần là Lý Trung Chính, vương tử của Võ Thành Vương. Lý Trung Chính cùng nhóm bằng hữu trung thành tìm cách phá vỡ mọi âm mưu của Trần Thủ Độ. Nhưng chàng thanh niên tuấn kiệt là hậu duệ của Nhà Lý, không có tham vọng chiếm đoạt quyền bính. Động cơ thúc đẩy Lý Trung Chính hành động là lòng yêu nước. Chàng trai khao khát có thể đánh thức quốc sư họ Trần, kéo ông ta ra khỏi sự mê lầm, để nhìn thấy sự tồn vong và tương lai của đất nước. Lý Trung Chính muốn tất cả mọi thế lực của dân tộc vượt lên trên những hận thù, một lòng chung sức xây dựng quốc gia Đại Việt hùng mạnh, độc lập. Chính vì thế trong cuộc tranh luận gay gắt với Trần Thủ Độ, Lý Trung Chính khẳng khái nói:

“Tuy nhận di mệnh giành lại ngai vàng đã mất của giòng họ, nhưng tiểu sinh không quên rằng giang sơn đổi chủ vốn là lẽ thường kim cổ. Điều lớn nhất trên đời này là vun bồi cuộc sống cho sinh linh trăm họ. Cố giành ngai vàng đến độ đảo lộn đời sống muôn dân, cũng như cố giữ ngai vàng bằng bước đi đạp trên máu trăm họ không phải hành vi hợp đạo trời. Ngai vàng không là tài sản của riêng ai, mà chỉ là chỗ ngồi của người biết chăm lo xã tắc. Dường như quốc sư đã quên điều đó, vì nghĩ rằng ngai vàng đang là tài sản riêng của họ Trần.” [Trang 372]

Lý Trung Chính nói như vậy, bởi vì chàng trai này nhớ lời của nhà sư ở Huyền Không Cổ Tự:

“Giang sơn này không của riêng giòng họ nào, mà thuộc chung về trăm họ. Con có khi nào nghĩ con đang hành động vì nguyện vọng chính đáng của trăm họ không?” [trang 94]

Nhà văn Uyên Thao tên thật là Vũ Quốc Châu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, bắt đầu viết văn từ năm 1952, vào Sài Gòn sinh sống năm 1953. Ông cộng tác với nhiều tờ báo Miền Nam, làm việc tại Đài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn từ năm 1960 đến năm 1968. Sau năm 1975 ông bị đi tù trên 10 năm, đến Hoa Kỳ định cư cuối năm 1999, thành lập Tủ Sách Tiếng Quê Hương năm 2000, xuất bản tác phẩm đầu tiên là tập truyện ngắn “Thân Phận Ma Trơi” của Nguyễn Thụy Long. Nhà văn Uyên Thao viết rất nhiều sách dưới nhiều thể loại khác nhau, nhưng nổi bật nhất là những tiểu thuyết dã sử, như “Gươm Thiêng Trấn Quốc – 1987” và “Trong Ánh Lửa Thù – 2000.” Thông thường người viết chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử là một cách tránh né sự soi mói của chính quyền, hay để xây dựng một câu chuyện võ hiệp kỳ tình hoang đường, nhằm thỏa mãn thị hiếu tiêu khiển của người đọc. Nhưng nhà văn Uyên Thao không làm như vậy. Ông chỉ muốn mượn bối cảnh tao loạn binh biến của lịch sử, để nhắc độc giả nhớ đến thực trạng đen tối của đất nước. Bởi vì “Bụi một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông,” như lời thơ của Nguyễn Trãi được trích đăng ngay đầu tác phẩm “Trong Ánh Lửa Thù.” Ông không khai thác yếu tố thù hận, cũng bởi vì ông chủ trương vượt lên trên những tranh chấp ảo, tìm một con đường mới, một hướng đi mới cho đất nước Việt Nam được trường tồn, phồn vinh, tự do và hạnh phúc.

Những phong trào đấu tranh dưới lá cờ chủ nghĩa dân tộc, hay hô hào vận động nhân quyền mà vẫn chia rẽ và kình chống lẫn nhau, thiết tưởng nên đọc “Trong Ánh Lửa Thù” để có thể nối vòng tay lớn, tìm ra một giải pháp và một con đường ưu việt nhất cho đất nước Việt Nam hiện nay.

alt

HNP
5:52am Thứ Hai ngày 29 tháng 9 năm 2014