Khi các hãng hàng không hè nhau kịch liệt thu bạc lẻ bạc chẵn từ hành khách phải dùng dịch vụ bay bổng thì hành khách đành phản đối. Họ phản đối ra sao? Người ta dùng vật dụng có tên “Knee Defender”. Vật dụng này được kẹp vào cái khay trước mặt. Thế là người ngồi hàng ghế trên chẳng thể ngả lưng ra phía sau được nữa và bộ giò của người phía sau đỡ bị ép chặt. Cứ tưởng tượng, ta ngồi bó gối mà có một cái lưng ngả trên hai chân vài tiếng thì chịu sao thấu?
Làm sao mà đến nỗi này? Bạn ạ, chẳng là các công ty hàng không đang cố góp bạc làm giàu. Họ cắt hầu hết mọi dịch vụ, từ nước uống, thức ăn đến gửi hành lý. Cái chi cũng tính thêm tiền. Đói bụng? Ta cứ việc mua một gói bánh mì khô từ hãng hàng không. Gửi hành lý? Trả thêm tiền cước… Chỉ với ba cái dịch vụ lẻ tẻ như thế mà các công ty hàng không đã kiếm bạc tỷ, số tiền họ thu về từ túi khách hàng là một con số đáng kể: 2.2 tỷ Mỹ kim trong năm ngoái! Hẳn bạn đang tự hỏi sao hãng hàng không chẳng tính luôn vào tiền vé cho gọn, cứ nhặt nhạnh như thế phiền quá?! Tiền bán vé phải đóng thuế theo một tỷ lệ khác với tiền thu từ dịch vụ, bạn ạ! Vả lại với giá biểu thường quảng cáo thì rẻ, dễ dụ dỗ người du lịch hơn. Đâu mấy ai để ý đến các chi phí phụ lúc lang thang trên mạng để khảo giá? Cho đến khi đặt mua vé mới ngã ngửa, cơ man nào là chi phí phụ!

Ira Goldman, người sáng chế ra “Knee Defender”
Tính toán chi li như thế vẫn chưa đủ, các công ty hàng không còn tính thêm tiền… chỗ ngồi nữa. Chỗ ngồi nào có vẻ tốt tốt, cạnh cửa sổ hay lối đi, phía trước thân tàu hay lối ra là họ đòi thêm tiền, từ 35 – 50 ông Washington nữa. Nghĩa là các ghế ngồi không mấy ai chọn như chỗ giữa, hàng ghế ngay bên nhà vệ sinh… thì được bán với giá “hảo hữu” như quảng cáo.
Chưa hết, các hãng hàng không còn nghĩ ra cách kiếm [thêm] bạc qua việc bán vé hàng cá kèo, cũng chiếc ghế cùng kích thước nhưng hành khách trả thêm tiền có thêm chút không gian nữa ở ghế ngồi, cỡ 4 phân Anh hay 10 cm để duỗi chân duỗi cẳng, gọi nôm na “Economy Plus”!
Lẽ ra thì chuyện cái kẹp ghế chẳng mấy ai hay biết trừ những tay bay bổng đều chi, họ dùng máy bay để di chuyển thường xuyên và phải ngồi ở ghế hàng cá kèo nên kinh nghiệm đầy mình. Như đang mơ màng ngủ lấy sức sau khi phải thức dậy từ lúc mờ sương mò ra phi trường cho kịp chuyến bay thì… oái, người ngồi trước mặt ngả ghế và lưng ghế đụng cái rầm vào hai đầu gối! Đây là nỗi lòng của những người cao cỡ thước tám (6 bộ Anh) phải thu gọn thân mình vào chiếc ghế trên máy bay, và hai đầu gối ép sát vào thân mình vì khoảng trống trước mặt rất hẹp. Vài lần như thế nên người ta tìm cách… giải quyết. Và người sáng chế ra cái món “kẹp ghế” kia là ông Ira Goldman, cao 6.3. bộ Anh.
Rồi câu chuyện chiếc kẹp ghế trở nên rầm rộ vì mới đây trên chuyến bay của United Flight 1462 từ Newark đến Denver, hai hành khách không vui vẻ với nhau nên viên phi công phải hạ cánh ở Chicago và mời hai người nọ ra ngoài mà giải quyết, thư hùng với nhau ở sở cảnh sát! Câu chuyện bắt đầu từ chiếc kẹp ghế. Người sử dụng và kẻ kia chống đối.
Bất kể việc ẩu đả, và một số hãng hàng không đã bắt đầu cấm sử dụng vật kẹp ghế, món hàng kia vẫn bán chạy như tôm tươi! Tại sao? Người ta tìm mua vì tò mò bạn à. Tò mò vì không biết mặt mũi vật dụng trị giá 21.95 Mỹ kim này ra sao mà gây ra sự bất bình ẩu đả giữa hai con người!
Chiếc kẹp ghế bán cùng với tấm biển nhỏ nhỏ, in mấy dòng chữ lịch sự yêu cầu người trước mặt báo trước khi ngả ghế ra phía sau vì chân [người dùng kẹp] dài quá, dễ bị bầm giập, và báo trước để họ sửa soạn co cẳng lại! Nhưng chẳng mấy người dùng kẹp ghế chịu xài mấy chữ lịch sự. Họ cho rằng khi mua vé là họ đã mua cả khoảng không gian nhỏ híu kia, và kẻ khác không có quyền ngả ghế ra phía sau mà thu hẹp chút không gian ấy. Ngược lại, người kia cũng tin rằng họ mua vé và có quyền ngả ghế vì hãng hàng không bán chỗ ngồi với chiếc ghế ngả ra phía sau thêm 5 phân nữa!
Vì tin rằng khoảng không gian nhỏ hẹp trên máy bay là của mình nên hai hành khách trên chuyến bay nọ đã cãi cọ, to tiếng, không ai chịu ai. Dư luận trên mạng ảo cũng chia thành hai phe rõ rệt như thế.

Tuy nhiên, cãi cọ thì vẫn cãi cọ chuyện phải trái nhưng mọi người đều chỉ tay về phía hãng hàng không, kể tội các công ty này thu hẹp khoảng không gian trên máy bay để có thể bán nhiều vé hơn!
Trong khi các hãng hàng không thu nhỏ chiếc ghế ngồi trên máy bay, thu hẹp khoảng cách giữa hai hàng ghế thì khách hàng, nhất là khách hàng Huê Kỳ, lại mỗi ngày một to lớn. Theo bà Kathleen Robinette, chuyên nghề đo đạc kích thước hành khách cho Không Quân Huê Kỳ, trong hai thập niên qua, mỗi ngày một nhiều hành khách thò chân tay mình mẩy ra bên ngoài chiếc ghế trên máy bay. Nghĩa là chiếc ghế quá nhỏ nên người ngồi phải chìa tay, thò chân, nghiêng vai ra bên ngoài, và chỗ trống rõ ràng nhất là lối qua lại. Những người ngồi trên ghế ngoài cùng thường chịu cảnh xe đẩy huých vào tay, chân mỗi khi tiếp viên dọn nước giải khát.
Năm 1962, chính phủ Huê Kỳ đo chiều rộng mông hành khách trong thế ngồi, nam phái cỡ 14 phân Anh (hay 35 phân) và phụ nữ cỡ 14.4 phân Anh (35 phân). Năm 1982 thì con số ấy đã lên đến 15+ phân Anh hay 37.5 cm trở lên. Để khách hàng thoải mái hơn, lẽ ra hãng hàng không phải… rút bớt số ghế và đặt những chiếc ghế rộng rãi hơn. Nhưng không, sự thay đổi cần thiết kia đã bị hãng hàng không tảng lờ vì tốn kém quá, bán ít ghế thì thu về ít bạc nên chẳng công ty nào thực hành.
Theo bà Robinette, chiều rộng của mông đít không phải là yếu tố chính, mà chiều rộng của vai và cánh tay hành khách mới là điều đáng kể. Hai vai và cánh tay rộng hơn chiều ngang của mông đít rất nhiều! Hậu quả là ghế máy bay quá hẹp, ít nhất 5 phân Anh (12.5 cm) nhỏ hơn so với kích thước của một hành khách trung bình chưa kể đến việc các hành khách Huê Kỳ ngày nay thường to lớn hơn “trung bình” rất nhiều!

Knee Defender
Trung bình, chiều rộng của một chiếc ghế trong hạng cá kèo hiện nay là 17 – 19 phân Anh giữa hai chỗ để tay, và trong khoảng không gian ấy, “living space”, con người có thể chịu đựng được một thời gian là 18 tiếng đồng hồ! Kết quả nghiên cứu rạch ròi như thế nên các hãng hàng không tha hồ bán vé, bán khoảng không gian nhỏ híu kia bất kể kích thước của hành khách nhất là các chuyến bay trên dưới 4 tiếng đồng hồ. Khách hàng tha hồ xếp lớp như cá mòi. Nhưng dù ghế rộng hay chật, yếu tố mang lại sự “thoải mái” là việc thân thể có thể xoay trở trong các vị thế khác nhau trên ghế ngồi. Khi bị ép chặt, khó nhúc nhích thì ta phải ngồi im một chỗ, và từ vị thế không đụng đậy cục cựa trong nhiều giờ, máu có thể đóng cục trong tĩnh mạch và trôi [bậy bạ] đến các mạch máu chính rồi gây bệnh tật và tử vong!
Trong một không gian chật chội gò bó như thế không lạ là hành khách dễ nổi nóng nhất là khi họ mệt mỏi, điển hình là câu chuyện của hai hành khách trong chuyến bay kể trên. Dù họ chỉ bị mời ra khỏi chuyến bay để nói chuyện với cảnh sát, chẳng hành khách nào bị giam vì chuyện cãi cọ của họ không dính dáng chi đến an ninh hay sự an toàn của các người khác. Hai hành khách kia ra về, không thơ thới hân hoan, vì họ phải lên chuyến bay khác mà đi cho đến nơi, về cho đến chốn.
Phía các hãng hàng không thì quyết liệt không cho hành khách mang kẹp ghế hay vật dụng nào mà họ chưa cho phép; với phản ứng này ta có thể hiểu rằng khách hàng có quyền… ngả ghế trên máy bay theo mức độ định sẵn! Ngoài ra, để giữ một chút hòa bình, mỗi người cần nhường nhịn một chút, lịch sự hơn một chút như khi bá tánh cần nghỉ ngơi hay xem tivi, người ngồi sát cửa sổ nên… kéo màn xuống che bớt ánh sáng bên ngoài. Đừng nóng nảy khi người ngồi bên trong cần dùng nhà vệ sinh và phải… trèo qua ghế bên cạnh để ra lối đi. Hãy chịu thương chịu khó với mấy cục bông gòn nhét trong tai khi đám con nít khóc èo ẹo bên cạnh, cha mẹ chúng cũng khổ sở không kém khi con cái mình quấy nhiễu người chung quanh. Nên chăng?