Bắt đầu tựu trường cũng là lúc các vi khuẩn hoạt động trở lại và bắt đầu cho một mùa cảm cúm mới. Bệnh cúm thực sự hoành hành vào thời điểm đầu năm nhưng bây giờ là lúc chúng ta nên chuẩn bị trước. Bạn có biết những điều gì cần phải làm để bạn và con cái bạn tránh bệnh cảm cũng như bệnh cúm? Sau đây là vài lời khuyên của Bác Sĩ Eunice Yoon thuộc Cardon Children’s Medical Center:
1. Nên ho hay nhảy mũi vào cùi chỏ.
2. Dùng nước ấm và xà bông rửa tay thường xuyên ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi hỉ mũi hoặc ho. Sau đó lau khô lại bằng khăn dùng chỉ 1 lần.
3. Thường xuyên tẩy trùng bề mặt những nơi bạn hay dùng trong nhà, ví dụ như mặt bàn, điện thoại, bàn phím máy vi tính, vòi nước và các tay nắm cửa. Virus có thể sống trên những bề mặt này trong vài giờ đồng hồ, do đó thường xuyên dọn dẹp là điều cần thiết.
4. Phải bảo đảm là gia đình bạn ăn uống theo chế độ cân bằng thực phẩm với nhiều trái cây và rau, nghỉ ngơi nhiều và thường xuyên tập thể dục để giữ tốt hệ thống miễn nhiễm.
5. Có sự khác biệt giữa bệnh cảm và cúm. Mức độ nguy hiểm của bệnh cúm thường nặng hơn bệnh cảm nhưng triệu chứng của cả 2 bệnh thì hầu như giống nhau bao gồm sốt, đau họng, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, ho, sổ mũi, tiêu chảy, ói, nhức đầu và mệt mỏi. Thông thường bệnh cảm mau hết hơn cúm.
6. Bác sĩ luôn khuyến khích trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên chích ngừa cúm. Trẻ em dưới 2 tuổi, hoặc những em có vấn đề về sức khỏe như suyễn, tiểu đường hay bệnh mãn tính về não, đều rất dễ bị các biến chứng nặng của bệnh cúm, do đó cũng nên chích ngừa. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa là từ tháng 10 đến tháng 12. Hiện nay đang có 2 dạng thuốc chủng ngừa cúm là chích bằng kim và xịt qua mũi. Bạn có thể hỏi thêm bác sĩ loại thuốc ngừa nào tốt cho gia đình bạn.
7. Cách tốt nhất để bảo vệ em bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi khỏi mắc bệnh cúm là mọi người xung quanh phải chích ngừa cúm.
