Menu Close

“Lũ trẻ đường tàu”, tác phẩm dành cho thiếu nhi qua bao thế hệ

The Railway Children (Lũ trẻ đường tàu) của Edith Nesbit là cuốn sách được yêu thích nhất của nhiều thế hệ trẻ thơ. Tác phẩm lần đầu tiên xuất hiện từng kỳ trên tạp chí The London Magazine vào năm 1905 và được in thành sách năm 1906. Sau hơn một thế kỷ ra mắt, Lũ trẻ đường tàu của Edith Nesbit vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển, một viên ngọc còn lại mãi trong ký ức nhiều thế hệ độc giả trẻ trên thế giới.

Edith Nesbit (15/8/1858 – 04/5/1924), một trong những thành viên sáng lập Hội Fabian. Nhà bà thường là trung tâm của giới văn sĩ và những người theo chủ nghĩa xã hội thời bấy giờ. Lũ trẻ đường tàu là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, được liên tục tái bản trong cả thế kỷ qua, cùng 6 lần chuyển thể thành phim.

 

alt

Edith Nesbit – nguồn d.gr-assets.com

Lũ trẻ đường tàu kể về ba đứa trẻ nghèo tên là Roberta, Peter, Phyllis sống bên đường ray xe lửa. Một buổi tối, cha của ba đứa trẻ phải rời khỏi nhà cùng hai người đàn ông lạ mặt và không trở về. Đó chính là ngày định mệnh khiến ba đứa trẻ đang sống trong ngôi biệt thự hạnh phúc bên cha mẹ và sự tiện nghi đầy đủ phải đi vào kết thúc. Mẹ lẳng lặng gói ghém đồ đạc đưa lũ trẻ tới sống tại “Ba Ống Khói”, ngôi nhà nằm bên một nhà ga tưởng tượng ở miền quê Yorkshire.

Từ ngày về đây, đường tàu đã trở thành trung tâm cuộc sống của ba chị em Roberta hay còn gọi là Bobbie, cuốn chúng vào những chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng vô cùng kỳ thú: “Cứu cả đoàn tàu thoát khỏi tai nạn trong trận lở đất, giúp ông người Nga tha hương tìm lại gia đình, cứu em bé nhà “ông sà lan” thoát khỏi đám cháy… Nhưng đằng sau những “chiến tích” rực rỡ vẫn là một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi. Và rồi hàng loạt câu hỏi được hiện ra trong đầu lũ trẻ mà không có lời giải đáp. Bởi vì, cha đã đi đâu? Bao giờ cha sẽ về? Chuyện gì đã xảy ra?…

 

alt

Trong khi mẹ bận viết truyện để trang trải cuộc sống, bọn trẻ mải mê với đường tàu và lao vào những cuộc phiêu lưu liều lĩnh khiến mẹ tưởng chúng quên cha rồi. Nhưng mẹ không biết ngày ngày chúng vẫn ra đứng trên hàng rào vẫy tàu Rồng xanh để nhờ Rồng xanh mang tình yêu tới cha, chỉ là chúng không dám nhắc tới cha trước mặt mẹ vì sợ mẹ buồn, còn trong lòng chúng luôn âm thầm tự hỏi: sao cha mãi chưa trở về?

E. Nesbit kể câu chuyện bằng giọng điệu vui tươi hóm hỉnh, song ẩn sau đó là sự đồng cảm với nỗi niềm nhân vật và sự am tường tâm lý trẻ thơ, nhờ đó tạo nên sức lay động và ám ảnh lòng người. “Ôi! Cha của con, cha của con!” – tiếng Bobbie thống thiết gọi cha sau bao ngày mong ngóng cha trở về được xem là dòng văn xúc động nhất trong văn học thiếu nhi Anh.

 

alt

Một cảnh trong phim “the Railway Children” (1970) – nguồn derekwinnert.com

DH & BH – Tổng hợp