Menu Close

Xin hãy cho anh yêu em…

Trời tự nhiên tối sầm, mây đen vần vũ, gió mạnh rít từng cơn. Duyên và Thảo chỉ kịp bưng mấy chậu lan đang ra hoa vào phần sân có mái che, thì cơn mưa nặng hạt đổ xuống. Tiếng Thảo thì thầm: “Gió khiếp thật, chị nhớ cái đêm đưa chị Nhung xuống tàu vượt biên cũng mưa gió bão bùng như vầy!” Duyên nói trong bồi hồi: “Em cũng vậy, em nhớ suốt đêm hôm ấy, cả nhà thức chờ chị về! và em không thể nào quên những gì chị Nhung và các phụ nữ cùng chuyến tàu đã trải qua!”

alt

Chị Nhung, người chị họ hiền lành, ít nói, là thành viên đầu tiên của đại gia đình Duyên đi vượt biên năm 1980. Chị Nhung có người yêu là anh Thức. Anh chị yêu nhau từ hồi chị Nhung học Sư Phạm Sàigòn năm 70. Anh Thức học kỹ sư Phú Thọ. Sau đó anh được học bổng sang Mỹ. Khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm năm 75, gia đình bị mất liên lạc. Ba năm sau, anh viết thư về nhà ngỏ ý muốn cưới chị Nhung và bảo lãnh chị sang Mỹ. Thế là gia đình hai bên tổ chức một đám hỏi gọn nhẹ để nhận dâu nhận rể. Một thời gian sau, gia đình anh Thức cho biết có người quen tổ chức vượt biên, nên muốn chị Nhung đi trong chuyến này cùng với hai người con gái của họ. Thế là chị Nhung xin nghỉ dạy và bước vào chuyến hải trình đầy oan nghiệt. Chuyện xảy ra hơn 30 năm trước…

o O o

Chị Nhung cùng mấy chục người đã bí mật vượt biển trong mùa biển động, người tổ chức nói đi vào mùa có bão sẽ tránh được công an biên phòng. Chuyến đi đã ba tháng mà không có tin về. Bác Năm trông đứng trông ngồi. Những tin tức truyền miệng bí mật, hãi hùng đã bủa vây cả đại gia đình. Đầu tiên, có người nói chuyến tàu của chị Nhung bị công an bắn chìm, những người trên tàu một số chết, một số mất tích. Mọi người bổ đi tìm thân nhân, nhưng bến sông được cho là nơi tàu ra khơi vẫn vắng vẻ, mặt sông nơi ấy vẫn êm đềm. Trong nhiều tháng, đại gia đình Duyên sống chênh vênh như chiếc lá dập dình ở đầu ngọn thác, không biết lúc nào sẽ đổ theo dòng thác, hay được gió thổi ngược lên đầu nguồn. Chỉ còn trông cậy vào Trời Phật, Thượng Đế. Bác Năm gái là một Phật Tử thuần thành, đã quỳ trước tượng Đức Mẹ, nước mắt ngắn dài thổ lộ nỗi thống thiết, như bác đã khóc với Phật Bà Quan Âm, xin Phật Bà, xin Đức Mẹ cứu chị Nhung. Không một ai trong gia đình dám nói đến chuyện vượt biên. Bố mẹ Duyên được giới thiệu một mối rất bảo đảm, vượt biên đường bộ qua Cam Bốt rồi sang Thái Lan, nhưng cũng phải bỏ qua, vì chị Nhung vẫn bặt tin.

Một thời gian sau, bỗng có tin tàu của chị bị hải tặc, được tàu Mỹ vớt, và chị còn sống sót. Cả nhà bừng lên hy vọng. Một hôm, bác Năm còm cõi trên chiếc xe đạp đến nhà bố mẹ Duyên, (bố Duyên là em út trong gia đình). Nghe tiếng chuông cửa, Duyên từ trên lầu chạy xuống, mở cửa cho bác Năm, mắt bác đỏ hoe, lạc giọng:

– Bố đâu con, bố có nhà không?

Duyên linh tính có chuyện chẳng lành, vừa giữ chiếc xe đạp, vừa đẩy bác Năm vào nhà, vừa gọi:

– Bố mẹ ơi, bác Năm sang, mau lên bố ơi!

Tiếng chân chạy trên lầu, có tiếng gấp gáp của bố Duyên:

– Anh, anh vào nhà, chắc có tin của cháu Nhung.

Duyên dựng được chiếc xe đạp dựa vào gốc cây Lan Hoàng Hậu, thì cũng là lúc bác Năm quỵ xuống trước cửa phòng khách. Chưa bao giờ Duyên thấy Bác khóc. Bác Năm là mẫu mực của dòng họ, là sự mạnh mẽ cho đám con trai, là nghiêm khắc lễ giáo cho đám con gái. Bố Duyên chạy đến đỡ bác Năm, khuôn mặt bác đẫm nước mắt, bác nức nở đưa tờ giấy nhiều nếp xếp cho bố Duyên:

– Chú ơi, cái số kiếp con cháu Nhung, nó bị hải tặc chú ạ!

Mẹ Duyên mặt tái xanh, nắm chặt tay Duyên kéo thẳng xuống bếp, không cho Duyên nghe chuyện. Nhưng có tiếng bác Năm gọi giựt lại: “Thím gọi các cháu xuống hết đây, cho chúng nó biết tin con Nhung”. Duyên vuột khỏi tay mẹ, nước mắt lưng tròng, đến ngồi bên bác Năm. Các em Duyên cũng ùa xuống, rón rén vào phòng khách, đứa đứng đứa ngồi, lặng lẽ chờ đợi. Bố Duyên xem thư, mắt bố đỏ sọng lên, bỏ lá thư xuống bàn. Ông nghẹn ngào kể lại nội dung thư của chị Nhung:

“…Tàu của chị đi được một ngày một đêm thì ra đến hải phận quốc tế, cuộc hành trình dự định đi đến Mã Lai, nhưng không hiểu tài công lái thế nào, tàu lại lọt vào vịnh Thái Lan và bị cướp. Bọn hải tặc Thái dồn hết mọi người xuống hầm tàu, cướp hết nữ trang của cải, sau đó xô hết đàn ông xuống biển, và bắt đàn bà con gái qua tàu của chúng. Chị Nhung và 9 phụ nữ khác đã đối diện với định mệnh khắc nghiệt, cùng cực và tràn đầy phẫn nộ. Chị Nhung bị hãm hại 33 lần. Sau đó chúng thả tất cả lên hoang đảo và tiếp tục hành hạ. Có một người đã cố leo qua vách đá trốn vào lùm cây, nhưng bị trượt chân ngã, vì không biết bơi, yếu sức, đã bị sóng cuốn đi trước những đôi mắt thất thần, bất lực của những người cùng cảnh ngộ. Đảo hoang, nắng cháy xém da ban ngày, lạnh cắt thịt ban đêm, thời gian là những chuỗi ngày đêm dài vô tận, nhày nhụa máu và nước mắt. Bỗng một buổi sáng, gió thốt nhiên thổi mạnh, sóng biển vỗ đập vào bờ đá như giận dữ, một chiếc tàu to như muốn bổ sập vào đảo, những chiếc ca nô thoăn thoắt hướng về phía đảo. Chị Nhung và những phụ nữ khốn khổ ngồi sát vào nhau, nhắm mắt đón tai ương. Nhưng những người ngoại quốc, gương mặt thân thiện nhòe nước mắt đã ân cần hỏi han, đã nương nhẹ những bộ xương trần truồng biết di động lên băng ca, với những thương cảm sâu thẳm của con người. Chị và 8 phụ nữ khác đã rời hoang đảo với hành trang duy nhất là vết nhơ hải tặc. Các chị được đưa thẳng đến phòng cấp cứu của một bệnh viện tại Bangkok, Thái Lan. Sau đó được đưa về trại tỵ nạn Songkhla.”

Sự sống sót của chị Nhung là một phúc đức to lớn so với thảm nạn xảy ra, nên ngày qua ngày, những thương cảm dần lắng xuống. Mọi người lại bắt đầu bàn đến những chuyến vượt biên sắp tới vì không chịu nổi  những bức bách, những đe dọa ngột ngạt trong cuộc sống.

Khoảng hai tháng sau, bác Năm báo tin anh Thức đã sang Thái Lan gặp chị Nhung. Anh đã làm giấy bảo lãnh cho vợ là chị Nhung và hai người em gái sang Mỹ.

o O o

Một hôm Thảo xầm xì với Duyên: “Chị Nhung và anh Thức vừa lấy nhau được vài tháng, đã lục đục, chị ấy không chịu ngủ chung với anh Thức nữa, có lẽ chị bị ám ảnh bởi tai nạn vừa qua. Thật là thương!” Tin này rò rỉ, lan nhanh đến nhánh trên, nhánh dưới của đại gia đình dòng họ Nguyễn Lê. Dù mọi người cố kìm giữ, thế nhưng cái tin tạm gọi là “Chị Nhung và anh Thức không ngủ chung nữa” đã được thêm vây thêm cánh, bay xa hơn, và đậu ngay cửa chính của gia đình anh Thức. Thế là mọi người như bị cái vòng kim cô xiết trên đầu. Người bị nhức đầu trước tiên là bác Năm. Bác gọi cả nhà gồm bác gái, gia đình năm người con lớn nhỏ, và chị em Duyên đến ăn cơm tối. Nhìn bác, mấy anh chị em đoán già đoán non thế nào cũng có chuyện, và chắc là chuyện gia đình chị Nhung. Cơm nước xong, bác Năm bảo tất cả ngồi quanh cái bàn gỗ vuông kê sát cạnh cái phản rộng. Bác ngồi trên phản, nghiêm khắc nhìn một lượt từ trái sang phải và hỏi:

– Đứa nào nói chuyện lục đục của gia đình con Nhung ra, hử?

Im lặng, không khí nặng nề dâng cao.

– Tao hỏi đứa nào?

Vẫn im lặng!

Bác Năm bỗng đập bàn đánh rầm một cái! Mọi người giật mình, bác Năm gằn giọng:

– Hử? đứa nào?

Tất cả nhìn nhau, chị Thảo bỗng đứng dậy, òa khóc, chạy xuống bếp.

– Con kia, mày đi đâu? Bố đang nói mà mày dám bỏ đi hử?

Bác Năm trừng mắt, nghiến răng quát to, khiến chị Thảo đứng sựng lại run lẩy bẩy.

– À, hay là chính mày, chính mày bép xép chuyện gia đình con Nhung, phải không?

Chị Thảo khóc to hơn, cơ hồ muốn khuỵu xuống trước tiếng quát giận dữ cao độ của bác Năm. Duyên ngồi cạnh chị Thảo, sợ chết khiếp, đôi chân như bị chôn cứng dưới gầm ghế. Bác Năm gái ngồi cạnh bác trai, bước xuống phản, kéo con gái lại bên mình, giọng nhỏ nhẹ: “Con ơi, sao mày dại thế, chuyện gia đình chị mày, mà mày lại đem rêu rao, thì đúng là bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ còn gì!”

Bác Năm cúi đầu im lặng. Không một ai dám nhúc nhích. Không khí càng nặng chịch. Bỗng bác Năm thở dài đánh sượt một cái và nói: “Bố biết ăn làm sao, nói làm sao với gia đình bên ấy đây! Ông bà bên đấy mới thông báo cho gia đình ta biết là cái Nhung nó đang cấn thai.” Tiếng “ồ” đồng loạt vang lên, nét mặt mọi người như nở ra, bác Năm gái cười mãn nguyện. Nhưng giây phút thoải mái ấy chỉ dài chưa đầy nửa phút, rồi lại tắt ngúm! Mọi người lại thu gọn mình trên từng chiếc ghế đẩu và lấm lét nhìn bác Năm đang trầm ngâm sau câu nói.

Tiếng bác Năm chậm rãi: “Ông bà ấy bảo vợ chồng cái Nhung không ngủ với nhau, thế mà cái Nhung lại cấn thai, thì họ hết sức là hoang mang, khó hiểu! Họ bảo gia đình họ vì giữ cái tình với mình, nên vẫn đồng ý chấp nhận cái Nhung làm dâu, sau cái đận ấy. Thế mà…” Bác Năm ngừng không nói tiếp, một luồng khí lạnh buốt bỗng chạy dọc sống lưng, Duyên chợt hiểu nỗi khổ tâm, dằn vặt của người cha đứng trước hoàn cảnh cay nghiệt của đứa con gái thương yêu. Gia đình họ nghi ngờ chị Nhung có thai với hải tặc ư? Không thể như thế được. Chị Nhung ở trại tỵ nạn đến bảy tháng mới đi Mỹ, bây giờ mới có tin chị ấy cấn thai! Thì không thể là hậu quả của hải tặc được.

o O o

Mưa tạnh, trời ngưng gió, những vạt nắng lại lóng lánh mềm mại vắt ngang các tàn cây. Duyên vừa tìm cầu vồng thường có sau cơn mưa, vừa nhớ lại thời gian sau hôm biết tin chị Nhung có thai. Cả nhà vui mừng, nhưng vẫn chờ thư xác nhận của chị. Thư chị Nhung cho biết chị đã có thai hai tháng. Tin vui lan nhanh như giòng nước Cam lồ gột rửa mọi oan khiên, dập tắt mọi hoài nghi về tai nạn hải tặc. Bảy tháng sau, tin chị Nhung sinh cháu trai, khiến hạnh phúc như tràn vào nhà từng người. Bác Năm gái hỉ hả, mọi người ra vào chúc mừng. Bức ảnh chụp chị Nhung e ấp ôm con trong vòng tay thương yêu của anh Thức đã khiến mọi người như quên hết thương đau. Dường như không còn ai nhớ vết thương của chị Nhung. Dường như chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra. Ngày ấy, Duyên cũng mong chị Nhung quên tai nạn khủng khiếp đã qua, hãy sống với tình yêu của anh Thức, như thư của anh viết cho mấy chị em: “Những khổ ải trong chuyến vượt biên đã hủy hoại tâm hồn chị Nhung, chị ấy luôn kinh sợ và thấy mình nhơ nhớp. Anh tin với tình yêu của anh, chị Nhung sẽ bình yên và hạnh phúc”.

PDH – 03/12