Khi thần chết ân xá
1.
Tôi mở mắt. Run rẩy và tê cóng. Tôi cảm giác khó thở và căng thẳng. Đêm đầu tiên trong bệnh viện Broward Health Heart Center, người thấm vào đêm trên cái đệm giường, tôi tưởng rằng sẽ ngã quỵ vì kiệt sức. Đêm không ngủ với tôi. Tôi gõ lên cánh cửa của giấc ngủ với những bắp thịt lúc căng lúc dãn.
Những tiếng rên như bám vào vách ngăn. Những tiếng rên khàn vỡ, khò khè dồn dập. Âm thanh của sự đau đớn như bám riết một bệnh nhân luống tuổi. Tiếng rên rỉ của cụ ông như ném tôi vào một thế giới khác. Trong khoảnh khắc choáng váng đầy những ám ảnh của quá khứ lẫn hiện tại. Những đau đớn, những tâm cảnh tuyệt vọng và cô đơn nơi xứ người, sự khủng hoảng đã vượt trên mọi cảm nhận, mọi ký ức, mọi hy vọng…
Tôi vẫn đang sống giữa nỗi lo âu, cảm giác nỗi u uất tựa như sự trồi gas của một lon bia. Mỏi mệt vì hãy còn, và vẫn còn, là một biên giới giữa sự sống và cái chết. Anh, sau cơn mê vã lại bắt đầu cuộc chống chỏi với định mệnh. Tôi cố giữ thăng bằng trong sự chờ đợi, mừng cuộc trở về và cầu mong sự cứu rỗi vô thường. Căn phòng bệnh viện tựa như một cái bồn cá quạnh hiu. Tôi ngủ trên một cái giường phụ, kéo ra từ chiếc ghế bành. Tôi được phép đóng cửa, tắt đèn. Sự lo âu quá thực vẫn khiến tôi choàng tỉnh, giấc ngủ cứ như một cuốn phim đứt đoạn. Tôi dần nhận ra nỗi lo buồn mênh mông đang trương nở. Tôi bày ra một cuộc độc thoại đầy lạc quan để quên đi những cơn ác mộng. Con mắt vẫn chẳng buồn khép.
2.
5 giờ sáng. Tôi trở lại phòng Hồi Sinh, anh đã thức giấc.
“Em ngủ được không, honey?” ánh mắt anh đầy lo âu.
“Em ngủ như chết,” tôi hôn anh, cố giấu cái vẻ mặt muộn phiền nặng nỗi thống khổ và đôi mắt trũng sâu thâm quầng. Tôi đang tìm nơi nương náu của một niềm tin với đôi chút bình yên trong hồn. Tôi như kẻ ăn mày niềm hy vọng để thở.
“Honey, chỉ có em làm anh sống. Và cũng chỉ có em lấy đi hơi thở của anh,” anh nhìn tôi, trong ánh mắt hoang mang, chất chứa sự quyết cưỡng với định mệnh. Những đau đớn làm thương tổn ánh mắt anh, và tước đoạt đi thứ ánh sáng của sự lạc quan, yêu đời.
“ Mình sẽ sống vì nhau. Chẳng gì có thể chia lìa được, honey” tôi nhìn sâu vào mắt anh, như xác nhận một nguyện ước tuyệt đối. Tôi cần tách mình ra khỏi sự tuyệt vọng. Tôi nhớ đến những khoảnh khắc với những dấu hiệu chắc chắn sự “kết thúc” đã đến gần.
Giai đoạn cuối cùng của cơn bệnh tim. Mọi việc có thể đã quá trễ tràng. “Tim của ông nhà bị tổn thương quá nặng vì không được cứu chữa kịp thời, con số 15% còn lại là những gì chúng tôi có thể hy vọng,” Dr. Catanelli – người nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giải phẫu tim cho biết.
Tôi sát lại thật gần để hôn lên gương mặt đầy râu ria thương thuộc của chồng. Tôi ôm anh, cái ôm nóng riết những yêu thương, hy vọng. Dẫu biết, cái chết chẳng bao giờ trong trẻo. Và dù day dứt bởi những ý nghĩ bất an. Trái tim tôi gắng điềm tĩnh để lấy lại quân bình. Tôi vẫn tin rằng anh sẽ trở về sau cuộc chiến sinh tử.
Tám giờ đồng hồ chờ đợi. Một nỗi hiu quạnh sâu thẳm đang đáp lời.
3.
Gây hấn với cuộc đời, mọi thứ đều dừng lại như một câu chuyện thiếu tình tiết. Cả đến cái cảm giác đói cũng bị hờ hững. Trái tim tôi chật chội những niềm đau chen lấn. Ngoài kia, chim vẫn hót trên mái nhà, nắng vẫn chảy qua cửa sổ. Tôi như một cành cây đứng yên chờ gió quật.
“Ăn gì đây, hả trời,” tôi lảm nhảm với chính mình như một điệp từ; cơn đói khát cứ như mất tích giữa những lo âu. Tôi lục tìm trong balô những cắc bạc. Chợt nhớ đã biếu tờ đô la cuối cùng cho Bailey. “Xin hãy cầm lấy. Chúng tôi thành thực biết ơn sự tử tế của ông trong những ngày nơi đây,” tôi dúi vào tay người đàn ông bản xứ tờ giấy bạc xanh. Bailey với cái đôi mắt mở lớn trắng dã, khó tưởng mình có thể nhận được tờ “típ” hậu hĩnh đến vậy.
Ngày chông chênh nỗi chờ đợi. Nỗi buồn lo, thành kẻ nài xin niềm vui trong một thể thức khác. Tôi hiện hữu bằng một động từ “chờ đợi”, và chẳng thể làm gì hơn được. Tôi chẳng thể nuốt trôi bất cứ thứ gì, và chẳng thể yên ắng một chỗ ngồi. Một nỗi lo to tướng đeo bám. Tôi lên/xuống chiếc thang máy nhiều lượt, rồi lại trở lại phòng chờ đợi, thờ thẫn ngóng lên cái màn hình TV. Tôi để lại sau mình tất cả của chuyến về hoảng hốt. Cảm giác đang kiệt sức từng giây. Tôi nhắm mắt, thì thầm theo vô thức. Tôi luôn quá bận rộn để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Và những năm tháng đã vô tình trôi dưới chân cầu. Tôi trôi qua cuộc đời. Và tôi đã không sống với nó…
4.
Áo xanh đứng trước mặt tôi, cao lớn. Cái trán rộng nằm thẳng hàng với đầu tóc cắt ngắn.
“Tôi là Manny, y tá trực của phòng Hồi Sinh. Phòng giải phẫu tim vừa gọi điện cho biết, ca mổ thành công. Ông nhà sẽ có mặt ở phòng Hồi Sinh sau một giờ đồng hồ nữa.”
Tôi cảm thấy mình đang đứng với đôi vai còng xuống, rồi như tỉnh thức trong cơn tuyệt vọng. Tôi nghe rõ âm thanh tiếng nấc của mình và ôm chầm chiếc áo xanh không quen ấy như một sự cứu rỗi. Vị bác sĩ khoa giải phẫu tim gặp tôi sau đó để báo tin tốt lành. Tôi chẳng thể nhớ, mình đã khóc bao lần. Và đã có bao cái ôm siết biết ơn.
Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Trật tự tâm hồn được tái lập sau cơn tai biến. Thần chết, đã ân xá anh, một lần nữa.
5.
Anh nằm, bất động như một cái xác vừa bị mổ phanh. Những nùi dây nhợ chằng chịt tựa như một cơ thể của một người máy trên bàn thí nghiệm. Cái ống thở to tướng như cắm vào cuống họng. Tôi mường tượng đến người bệnh nhân cằn cỗi đêm qua, chia sự tra tấn cơn đau đớn bằng những tiếng rên rỉ như chia động từ. Anh dường như chưa thể cảm nhận được mình đang qua đời hay đã chạm đến cửa hồi sinh.
Tôi bàng hoàng. Bật khóc. “Em đây nè, honey.” Tôi nghe tim mình run rẩy. Trên gương mặt bất động, giọt nước mắt lăn xuống từ khoé mắt nhắm nghiền. Anh đã nghe. Tôi gắng dằn tiếng nấc. Một nỗi đau có thể hiểu theo nghĩa đen, tựa như ngón chân bị bật móng.
“Bà cứ yên tâm. Ông sẽ tỉnh lại trong vài giờ sau. Tôi sẽ báo cho bà biết ngay.” Manny đưa cái nhìn đầy cảm thông về phía tôi. Rồi ra vẻ giễu cợt, đầy thân thiện, “Hãy giữ sức khoẻ. Giờ, bà phải tự lo cho mình. Nhìn như bà cần 24 giờ để ngủ!”
Tôi thì thầm lời cảm ơn. Tư tưởng cứ như lớp mây u ám đang phân tán. Tôi vác cái balô bờ bụi, trở về phòng chờ đợi. Bên ngoài cửa sổ. Cơn mưa đêm đang khan tiếng.

“Anh không chết đâu em!” Andy Nguyễn trở về phòng Hồi Sinh sau cơn thập tử nhất sinh.