Menu Close

Phỏng vấn họa sĩ Trịnh Cung – Kỳ 2

6.
LĐNL: Ông có nói đến “ngữ pháp” và “ngôn ngữ ẩn dụ” trong hội họa. Xin ông nói rõ hơn về hai khái niệm này.

Trịnh Cung: Ngôn ngữ ẩn dụ trong mỹ thuật đã có từ thời Tiền Ấn Tượng. Cụ thể là Eugène Delacroix đã vẽ về tự do và bình đẳng bằng hình ảnh người phụ nữ Pháp phanh ngực cầm quốc kỳ xung phong trong cuộc cách mạng đòi dân chủ cho dân tộc mình bằng “ngữ pháp” kinh điển.

alt

Delacroix, Tự Do dẫn đường cho nhân dân, 1830NGUỒN WIKIPEDIA.ORG

Cuộc cách mạng Dân Chủ Pháp 1789-1799 thành công đã tạo cảm hứng cho những đổi mới khác của văn học và nghệ thuật Pháp, trường phái hội họa Ấn Tượng là một điển hình. Và ngay sau đó, ngôn ngữ ẩn dụ và ngữ pháp được đẩy lên cao bởi những tài năng như Paul Cézanne, Henri Rousseau, Van Gogh, Picasso, Dali, Kandinsky… và cho đến khi Marcel Duchamp khởi xướng Nghệ Thuật Ý Niệm thì phép ẩn dụ đã được cắt bỏ tính cầu kỳ, làm dáng, che đậy… ngữ pháp trong nghệ thuật đã hoàn toàn phá vỡ cấu trúc ngữ pháp kinh điển, thiết lập lại một cấu trúc hoàn toàn nhất thời nhưng hợp thời. Cùng một thời đại bùng nổ ý thức sáng tạo của nghệ thuật tạo hình, văn học và triết học cũng không ngủ yên. André Breton viết Manifesto về Siêu Thực, Tristan Tzara cùng nhóm khởi xướng chủ nghĩa Dada mở ra thời đại văn chương Hậu Hiện Đại. Bên triết học có Jacques Derrida với Giải Cấu Trúc…

Một ví dụ khác rất cụ thể về thay đổi cấu trúc của ngữ pháp hội họa là trường hợp Picasso. Trước khi chuyển qua cấu trúc Lập Thể có hình thức diễn đạt dựa trên hình học không gian 3 chiều và siêu hình học nên rất khó cảm nếu không được giải thích, ông đã có hai thời kỳ Xanh và Hồng với cấu trúc Tân Hiện Thực vừa dễ hiểu và đẹp một cách gần gũi, giản dị, gây cảm xúc trực tiếp tới người xem mà không phải thông qua những lối đi quanh co đầy thách thức của hệ tiêu hóa kiến thức.

alt

Dali, Cấu trúc mềm với đậu luộc (Linh cảm về Nội Chiến), 1936

Vậy thì cảm xúc trong thưởng thức tác phẩm nghệ thuật và văn học cũng phải thay đổi theo từng hoàn cảnh? Chắc chắn là như vậy. Trước kia, người ta không cảm được thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền và chê đó là thơ hũ nút, nhưng sau đó khoảng hơn một thập niên thì nó đã được yêu thích và truyền tụng. Cảm xúc không thay đổi hoặc uyển chuyển thay đổi tùy theo khả năng tiếp xúc với nghệ thuật hay văn học của mỗi người, nhưng khả năng phát triển theo hướng cao hơn là không khó, chỉ cần bằng vào sự nâng cao kiến thức thông qua con đường học hỏi và tiếp xúc với nghệ thuật thường xuyên.

alt

Picasso, Ông già Do Thái, 1903

7.
LDNL: Qua báo chí Tây phương khi họ loan tin về món quà của ông Lauder, chúng ta được biết ông có thuê một giám tuyển để tư vấn trong việc chọn tác phẩm. Nhưng chính ông Lauder cũng có sự đánh giá riêng, và tiêu chuẩn của ông đi sát với mục đích của ông khi bắt tay vào sưu tập. Đó là, khi đứng trước một tác phẩm mà ông muốn mua, ông thường tự hỏi: Liệu tác phẩm này có đủ tiêu chuẩn cho bộ sưu tập (mà ông nhắm dành cho một bảo tàng sau này)? Thưa ông Trịnh Cung, theo ông, người thưởng ngoạn Việt Nam thường chơi tranh, tượng theo những tiêu chí nào?

Trịnh Cung: Chúng ta biết qua truyền thông, những cuộc bán đấu giá những tác phẩm nghệ thuật của các danh họa thường diễn ra hàng năm ở những thành phố lớn trên thế giới như New York, Paris, London… đã có nhiều trường hợp tác phẩm được mua qua điện thoại. Người mua được là những người không có mặt tại nơi diễn ra cuộc đấu giá, mặc dù giá được trả lên tới hàng chục triệu USD. Đương nhiên họ là những nhà tỷ phú. Cũng như ông Lauder, bên cạnh họ luôn có người “giúp việc,” những curator thượng hạng, để tránh được những rủi ro như tranh giả, tranh không có giá trị đầu tư… Và những nhà sưu tập lớn như họ thường đã có khả năng thưởng ngoạn ở cấp độ sành sỏi và biết mình sưu tập để làm gì trong tương lai.

alt

Picasso, Người đàn bà ngồi với đồng hồ đeo tay, 1932

alt

Ernst, Chim sơn ca Trung Hoa, 1920

Còn về người Việt chơi tranh, họ có đặt ra những tiêu chí cho riêng mình? Tất nhiên rồi, ai cũng vậy, Tây hay Ta, chỉ khác nhau ở 3 điểm: kiến thức, số lượng người “chơi” và khả năng tài chánh. Ở Phương Tây họ mạnh hơn gấp nghìn lần Ta về cả con người và tiền của. Việt Nam mới có lớp họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp vào năm 1929 do người Pháp đào tạo, nên việc chơi tranh cũng chỉ mới bắt đầu sau đó nhưng chủ yếu là người Pháp. Việt Nam chỉ có một nhà sưu tập được truyền tụng: Đức Minh. Ông là nhà giàu ở Hà Nội từ thủa Pháp thuộc đã chơi tranh và có nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng người Việt từng được đào tạo từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương, Hà Nội. Ông không chỉ nổi tiếng như một nhà sưu tập đích thực và gần như duy nhất trong giới người Việt thời trước 1954, mà còn là nhân vật hào sảng với giới văn nghệ sĩ, nhất là với họa sĩ, như việc ông mua tranh không trả giá và trong thời miền Bắc nghèo khó, ông thường đưa tiền trước mà không cần biết họa sĩ sẽ bao giờ đưa cho mình tranh và bức tranh ấy ra sao.

Tiêu chí của Cái Đẹp nghệ thuật đối với người chơi tranh ở Việt Nam có 2 thời kỳ, trước 1954 và sau. Trước 1954 thường nghiêng về loại tranh hiện thực và tân hiện thực có bản sắc dân tộc, đường nét mềm mại, màu sắc hòa hợp, êm dịu, hình tượng chân phương, thanh nhã, ý nghĩa nên thơ, thanh cao như tranh của Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh… Và thời sau 1954, hội họa hiện đại bắt đầu ảnh hưởng đến nghệ sĩ Việt Nam, các tiêu chí trước kia có thay đổi trong một số người yêu tranh, nhất là giới trẻ theo Tây học. Họ chấp nhận cái mới, cái lạ trong sáng tạo và đó là tiêu chí số một rồi mới đến những tiêu chí khác tùy theo cá tính và mục đích riêng. Thực tế này gần như chủ yếu xảy ra ở Miền Nam. Vì ở đây có nền tự do, nên các khuynh hướng sáng tạo mới như Dã Thú, Lập Thể, Trừu Tượng dễ dàng được các nghệ sĩ trẻ tiếp nhận và phát triển. Nhiều cuộc triển lãm của Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng và nhất là của những họa sĩ thuộc Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam như Nguyễn Trung, Ðinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước… đã gây nên một nguồn cảm hứng mới trong những người yêu tranh, đã đóng góp vào sự thay đổi một số tiêu chí về cái đẹp nghệ thuật của thế hệ chơi tranh thời sau 1954. Một trong những trường hợp cụ thể cho tính cách chọn lựa tác phẩm dựa theo tiêu chí cái đẹp hiện đại là nhà sưu tập Nguyễn Anh Tuấn ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa, chỉ mua toàn tranh trừu tượng của Tạ Tỵ và điêu khắc hiện đại trên chất liệu đồng của Mai Chửng (đã mất); hoặc nhà báo Lê Thiệp, chuyên sưu tập toàn tranh của Thái Tuấn(đã mất)…

alt

Nguyễn Gia Trí, Vườn xuân Nam Trung Bắc, 1970

8.
LDNL: Tại Việt Nam từ xưa đến nay, có nhà hảo tâm nào tặng tranh, tượng cho bảo tàng hay không?

Trịnh Cung: Tôi thực sự không biết có ai đã làm như thế ở Việt Nam trừ một trường hợp đã trở thành giai thoại. Ấy là chuyện xảy ra thời Hà Nội trước 1975, rằng ông Đức Minh đã có lần muốn hiến cho Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội toàn bộ số tranh quý của mình, chỉ với điều kiện là cho ghi tên ông tại nơi dành để trưng bày bộ sưu tập này, nhưng ông đã bị Nhà nước lúc ấy từ chối.

alt

Trịnh Cung, Metaphor 1, 2012

Cho đến hôm nay người Việt chưa thật sự coi việc xem tranh tượng là một nhu cầu nên không có mấy nhà sưu tập, càng không có mấy ai trong số họ hào phóng như ông Đức Minh trong câu chuyện vừa kể. Ai có được của quý thì chỉ lo giữ hoặc bán đi, thậm chí tôi còn nghe có người từng tráo tranh giả cho bảo tàng và lấy tranh thật bán cho người nước ngoài. Thậm chí, trong những cuộc bán đấu giá quốc tế mà Sotheby’s hay Christy’s thực hiện hàng năm ở Jakarta và Singapore, có tranh của các nhà danh họa hàng đầu Việt Nam như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh… cũng không có nhà sưu tập người Việt nào mua về, để rồi vào tay người ngoại quốc. Đặc biệt mới đây, những nhà sưu tập Việt Nam đã để mất cơ hội mua một tác phẩm hội họa sơn dầu do Vua Hàm Nghi vẽ năm 1915, thời ông bị người pháp bắt đi lưu đày ở Algérie. Bức tranh có tên là “Chiều Tà,” vào cuối năm 2012 được nhà Drouot bán đấu giá tại Paris với giá cuối cùng là 10.000 Euro. Theo tôi, sự quý giá của bức tranh này nằm ở chỗ: 1, lịch sử mỹ thuật Việt Nam đã có thêm một bằng chứng là hội họa trường quy Việt Nam có mặt sớm hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta được biết chính thức; và 2, đối với hoàng tộc nhà Nguyễn, đây là một bảo vật làm tôn vinh và phong phú cho kho tàng của triều đình Huế mà giá của nó chỉ xấp xỉ những túi xách đắt tiền của những hiệu như Louis Vuitton, Versace hoặc Gucci.

Chỉ có bán ra, sự thất thoát các tác phẩm nghệ thuật giá trị bao gồm cả cổ vật của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, cho đến hôm nay là rất lớn. Lý do để xảy ra thì nhiều, nhưng chủ yếu là vì tình trạng nghèo về văn hóa bảo tồn của cả công dân và Nhà nước bị kéo dài lê thê, không có điểm dừng.

alt

Vua Hàm Nghi, Chiều tà, 1915

9.
LDNL: Ông trông đợi điều gì xảy ra để tình hình có thể khá hơn?

Trịnh Cung: Theo tôi, với nền tảng xã hội hiện nay, khó có cơ hội cho một nền mỹ thuật tốt đẹp cất cánh dù có thêm 20 hay 30 năm nữa, nếu chỉ còn hoạt động với một cánh. Ý tôi muốn nói là một nền mỹ thuật phát triển phải có đôi cánh đều tốt. Hiện nay, nó chỉ có cánh sáng tác, đã đào tạo ra cả ngàn họa sĩ, nhưng cái cánh người xem thì ngày càng teo tóp, vậy lấy ai tiêu thụ những sản phẩm do phía họa sĩ làm ra? Người xem và mua tranh là một lực cân bằng và tác động rất lớn, có tính quyết định cho sự cất cánh của một nền mỹ thuật.

alt

Lê Phổ, Thiếu nữ hái hoa

Lê Đình Nhất Lang
Thực hiện phỏng vấn