Nhật ký Bá Linh là những trang viết tay của một thiếu phụ trẻ ghi lại khoảng thời gian vài tuần lễ trước và sau khi Hồng quân Sô Viết chiến thắng. Trước tiên là một tập nhật ký giàu chất liệu về đời sống hằng ngày của một thủ đô bị tàn phá rồi bị xâm chiếm. Đời sống dưới hầm, cơn đói triền miên, những trận pháo kích rồi những cảnh hãm hiếp luân phiên của lính Nga. Tác giả tự đặt cho mình những câu hỏi thẳng thắn: “Thế nào là hãm hiếp? Hai từ ‘‘hãm hiếp’’ gợi lên sự tệ hại. Chưa phải. Tệ hại là cái chết… Tôi có phải là một con điếm hay không?…Tôi chỉ là một con mồi, thuộc về kẻ săn bắt quyền định đoạt số phận con mồi.” Vượt trên số phận, tác giả nêu rõ: Nếu trong chiến tranh, đàn ông sắm vai gà trống, khi thảm bại, chính đàn bà đi kiếm ăn, có thể bằng đổi chác thân thể hay bằng sức mạnh sinh tồn, cách nào đi nữa, đàn ông một khi buông vũ khí trở thành phái yếu. Nếu thống kê ước tính trên một trăm ngàn phụ nữ Bá Linh bị hãm hiếp, trong nhật ký của Marta Hillers, những phụ nữ này trao đổi với nhau không tránh né về kinh nghiệm mình vừa trải qua. Để cuối cùng, như tác giả xác quyết: “Tổng số nước mắt không thể nhiều thêm”. Đó là phần chính của 394 trang in mà lược dịch của 4 ngày đầu tiên, kể từ buổi chiều 20 tháng 4-1945, chỉ là những nốt nhạc dạo làm nền.

Năm 2008, Nhật ký Bá Linh được đạo diễn Max Farberbock quay thành phim A Woman in Berlin, do Nina Hoss thủ diễn vai chánh. – NGUỒN ITPWORLD.WORDPRESS.COM
Thứ Sáu 20 tháng 4-1945, 16 giờ
Vâng, chiến tranh thật sự tràn đến Bá Linh. Hôm qua là tiếng gầm gừ ngoài xa, hôm nay đã là cơn lốc cuộn ầm ầm không dứt. Dân chúng thở tiếng nổ. Lỗ tai lùng bùng, màng nhĩ chỉ còn tiếp nhận tiếng trọng pháo. Không còn khả năng định hướng. Chúng tôi sống giữa vòng súng nhắm thẳng và vòng pháo thắt chặt từng giờ.
Từng quãng, nhịp pháo lơi làm nên sự im lắng bất thường. Mọi người đột ngột khám phá mùa xuân vừa đến. Trên gạch đá cháy đen của khu phố dâng lên từng làn tử đinh hương từ những góc vườn vô chủ bỏ hoang. Trước rạp hát, gốc dạ hợp gẫy đổ xanh um lá. Giữa hai tiếng còi hụ, con người vẫn tìm ra thời gian làm vườn vì chung quanh các gian lều tạm bợ, đất xới hãy còn tươi dọc đường Bá Linh. Duy nhất chim chóc nghi ngại tháng 4; bầy sẻ làm ngơ máng xối.
Giấc 3 giờ, người giao báo ngừng ở sạp. Chừng hai mươi người đợi báo. Trong nháy mắt, người giao báo chìm vào giữa lượn triều của các đầu ngón tay và tiền bạc cắc. Gerda, vợ lão quản gia, chụp một xấp ‘‘Ấn bản buổi chiều’’ và chia cho tôi một tờ. Không ra dáng nhật trình mà là một thứ bản tin đặc biệt in hai mặt vẫn còn ẩm mùi mực. Trên đường đi, tôi đọc lập tức thời sự của quân đội Wehrmacht. Những địa danh mới: Müncheberg, Seelow, Buchholz, kề cận đến kỳ cục, đâu đó trên trục chuyển vận chính. Lướt mắt nhanh ra mặt trận phía Tây. Liên quan gì đến chúng tôi nữa? Số phận của chúng tôi chạy đến từ phía Đông, thứ định mệnh làm đảo lộn khí hậu như đã lập nên thời kỳ băng giá. Vì sao? Dân chúng nhồi những câu hỏi vào đầu mà không tìm ra giải đáp. Tôi chỉ còn lo lắng từng ngày một, cho những việc cần làm nhất thời.
Chung quanh sạp báo, dân chúng dính chết thành từng nhóm nhỏ, dáng vẻ thảm hại, rồi những tiếng xì xầm:
‘‘Liệu tin được không?’’
‘‘Vẫn còn hy vọng!’
’
‘‘Không còn liên quan gì đến mình nữa, dân thủ đô bị lừa rồi!’’
Đối với mặt trận phía Tây, các tiếng xì xầm trở nên lầm thầm: ‘‘Dân miền Tây thoát rồi.’’ Không ai dám phát âm hai chữ ‘‘Lính Nga’’. Ngôn ngữ chết trong cuống họng.
Tôi trở về căn chung cư ba phòng dưới mái ngói của mình. Không hẳn là nhà mình. Tôi không còn nhà nữa. Căn gác cũ bày trí mà thảm bom nện đã nhổ đi, cũng không phải là nhà tôi. Tuy suốt sáu tháng ròng rã sống ở đó tôi đã lấp đầy không gian sinh tồn của mình. Lấp đầy bằng sách, bằng những khung hình, và trăm thứ vật lỉnh kỉnh mà con người chất chung quanh mình. Ngôi sao biển mà tôi mua mùa hè năm rồi ngoài đảo Norderney yên bình. Tấm thảm nhung mà Gerda mang về từ Ba Tư, đồng hồ báo thức móp méo. Những tấm ảnh, những lá thư cũ, lục huyền cầm, bộ sưu tập tiền đồng của mười hai xứ, dải khăn len đan dở… Tất cả những kỷ niệm này, da thú, vỏ sò ốc và các thứ nham thủy: hàng hóa nồng ấm của cả một quãng đời sống.
Rồi kể từ khi đồ đạc biến mất và còn độc nhất một vali quần áo cũ, tôi cảm giác vừa trần truồng, vừa nhẹ nhõm. Chính vì mình không còn gì nữa, nên mọi thứ thuộc về mình. Như cái gác lửng này, hoàn toàn xa lạ. Thật ra không hẳn xa lạ. Chủ căn nhà là một đồng nghiệp cũ. Anh mời tôi đến ở trước lúc nhập ngũ. Chúng tôi từng đổi chác hiện vật chung khi có dịp: Mớ thịt hộp Đan Mạch của anh đổi rượu cognac của tôi, xà phòng Tây của tôi đổi tất cao Tiệp Khắc của anh. Tôi chỉ kịp giãi bày với anh hoạn nạn của mình và xin phép dọn vào ở. Những tin tức cuối cùng anh gửi từ Áo; anh làm việc cho sở kiểm duyệt quân đội. Lúc này anh ở đâu? Dù sao, ít người tìm thuê những gác lửng. Nhất là khi mái dột, phần lớn ống ngói vỡ vì bị gió cuốn.
Trong nhà, tôi không giữ nổi bình tĩnh. Tôi chạy từ phòng này sang phòng khác. Tôi lục lọi các ngăn tủ và các tủ áo tìm những thứ có thể giúp mình: để dọn ăn, làm ly uống hay nhóm sưởi. Thảm thương vì không còn gì hết. Bà Weiers, đã dọn dẹp trước khi tôi đến, chắc chắn đã khuân đi hết. Ngày hôm nay, mọi thứ thuộc về mọi người. Con người chỉ còn mối liên hệ buông thả với đồ vật vì không ai phân biệt nữa, giữa những thứ thuộc về mình hay thuộc về kẻ khác.
Một lá thư nghẽn trong kẽ hở của một ngăn kéo. Lá thư viết cho chủ nhà. Tôi đã xấu hổ vì muốn đọc, nhưng rồi tôi vẫn đọc. Lá thư yêu thương nồng cháy, một cánh thư tình, tôi đã thải lá thư cùng với nước bồn tắm (vẫn còn nước máy những khi không bị cúp). Trái tim, khổ đau, đam mê, rung động. Sao những từ này trở nên xa lạ, giống như chúng đến từ thật xa. Hiển nhiên, một đời sống tình ái cao nhã, phẩm chất, giả định phải có những bữa ăn hằng ngày với lượng thực phẩm đầy đủ. Ngay lúc này, khi tôi viết những dòng này, trọng tâm của đời sống tôi mang, chính là bụng mình. Tất cả những suy nghĩ, tất cả những tình cảm, khát khao hay kỳ vọng, đều phải đi qua bao tử trước nhất.
Hai giờ đã trôi qua. Lửa ga cháy leo lét. Chảo khoai luộc (những củ khoai dùng nấu rượu đế) đặt trên lò từ nhiều giờ. Củ khoai tệ nhất của nước Đức: khoai vữa lập tức khi sôi và có mùi giấy cứng. Tôi đã ăn nửa củ khoai sống. Sáng nay tôi nhồi bao tử sớm. Tôi ra hiệu Bolle mua sữa bằng những tấm tem phiếu màu da trời mà Gerd gửi dịp Giáng Sinh. Kịp lúc. Vì để rót sữa, bà bán đã phải nghiêng hẳn bình trút và nói chẳng mấy chốc Bá Linh sẽ hết sữa. Có nghĩa tử thần đã kết án các hài nhi.
Ngay khi ra đường, tôi uống liền vài ngụm. Về đến nhà, tôi nhồi bao tử bằng súp bột và vài mẩu bánh mì. Trên lý thuyết, tôi phải thỏa thuê như chưa bao giờ no nê đến vậy. Trong thực tế, tôi chịu cơn đói chó sói giày vò. Hành động nhai đã làm tôi thêm đói, đói thật sự. Chắc chắn phải có một lối giải thích khoa học về chuyện này. Chẳng hạn, thực phẩm kích thích dịch vị và cù nhẹ dịch tràng. Và rồi khi cơ phận tiêu hóa khởi động, chút ít thực phẩm vừa nhồi tan biến. Phải tiêu hóa khoảng trống, khiến dạ dày càu nhàu.
Lục trong tủ sách xác xơ của chủ nhân (chính trong mớ sách này tôi tìm ra tập giấy trắng dùng viết nhật ký bây giờ), tôi mở một quyển tiểu thuyết. Câu chuyện diễn ra trong giới quý tộc thượng lưu Anh; người ta có thể đọc những câu văn như: ‘‘Chàng ném cái nhìn vụng trộm lên đĩa thức ăn mà nàng đã không đụng đến, đã đứng lên rồi bỏ đi…’’ Tôi đã đọc xuống mười dòng bên dưới, nhưng tôi đã không thể tự ngăn mình quay trở lại câu văn ấy, lời văn thu hút như nam châm. Tôi đã đọc lại hàng mươi lần rồi ngạc nhiên bắt gặp mình đang cào những từ ngữ bằng chính móng tay của mình như thể muốn khều đĩa thức ăn chưa động đến ra khỏi trang sách (chi tiết thức ăn được miêu tả đoạn trước). Quả là điên khùng một chuyện như vậy. Có phải đang bắt đầu một thứ điên loạn vì đói? Tiếc là tôi không thể tìm hiểu thêm về đề tài này qua tiểu thuyết Cơn Đói của Hamsun. Ngay cả nếu tôi không bị dội bom, quyển sách này cũng đã thất lạc. Bị đánh cắp cách đây hai năm dưới tàu điện ngầm. Quyển tiểu thuyết nằm trong túi thực phẩm, bó lại bằng giấy dầu. Có lẽ kẻ cắp đã nghĩ một bó tem phiếu lương thực. Tội nghiệp! Hắn đã phải thất vọng nhiều. Đáng làm một cốt truyện mà Hamsun ưa thích.
Sáng nay, ngoài hiệu bánh mì thiên hạ đồn đãi: ‘‘Khi họ đến, họ sẽ tịch thu hết những gì ăn được trong nhà. Họ sẽ không cấp phát gì hết. Họ đã quyết định bắt dân Đức trước tiên phải chết đói trong tám tuần lễ. Dân vùng Schlesien đã phải vào rừng đào rễ cây. Con nít chết vì thiếu dinh dưỡng. Ông bà già nhai cỏ như súc vật.’’
Đó, lời ta thán của nhân dân, dư luận quần chúng, vox populi. Thực sự, không ai biết gì hết. Không còn tuần san Nhân dân Quan sát Völkischer Beobachter trên cầu thang trước cửa chung cư. Không còn bà Weiers giấc điểm tâm đọc những cột báo huyên náo loan tin xâm hại tiết hạnh: ‘‘Bà lão bảy mươi bị hãm hiếp. Dì phước nát nhụy hai mươi bốn lần’’ (Ai ra tại chỗ để đếm?). Hay các cột lớn đưa tin cùng loại. Các bản tin tường thuật nhằm mục đích thúc đẩy đàn ông Bá Linh tử chiến để bảo vệ chúng tôi? Lố bịch. Hậu quả là nhiều mươi ngàn phụ nữ và trẻ em không khả năng tự vệ bị lùa ra khỏi thủ đô lang thang trên những con đường dẫn về phía Tây, được quyền chết vì đói hay vì oanh kích trên mặt lộ. Khi đọc, bà Weiers luôn luôn trợn tròn mắt trong lúc tia mắt bà sáng ngời. Cái gì trong mình bà đang khoái lạc sự kinh dị. Hay vì trong vô thức bà sung sướng thoát kiếp nạn nhân? Vì bà đã rất hãi hùng, muốn trốn thoát bằng bất cứ giá nào. Tôi không gặp lại bà nữa, từ hôm kia.
Đã bốn ngày đài phát thanh im bặt. Một lần nữa con người kiểm chứng các vật dụng do kỹ thuật ban phát kém bền. Chúng không có một giá trị tự tại nào, hoặc chỉ có với một số điều kiện, giả dụ là có thể cắm điện. Bánh mì mới mang giá trị tuyệt đối. Than đá có giá trị tuyệt đối. Một lượng vàng luôn là một lượng vàng, ở La Mã, Pérou hay Breslau. Ngược lại, đài radio, bếp ga, hệ thống sưởi trung ương, bếp điện, tất cả những gì thời hiện đại dâng tặng:… là những vật cồng kềnh vô nghĩa một khi nhà máy hỏng. Con người lui về cách sống của những thế kỷ quá vãng. Chúng tôi trở lại làm người hang động.
Thứ Sáu, có lẽ 19 giờ. Hấp tấp lấy chuyến xe điện cuối cùng, hướng Tòa đô chánh. Tiếng ầm ầm vù vù sấm sét không dứt của pháo kích. Tài xế hét khản cổ mọi người mới nghe rõ. Tôi nhìn chăm chăm những đôi mắt trên những gương mặt vây quanh mình. Tất cả những gì con người không thể nói ra thành lời hiện lên gương mặt. Chúng tôi đã trở thành một dân tộc câm. Mọi người chỉ còn trao đổi một khi trú ẩn được dưới những căn hầm biến hóa thành nhà ở tập thể. Khi nào tôi sẽ đi xe điện nữa? Hay tôi không bao giờ có thể lấy xe điện nữa? Báo chí loan tin bắt đầu ngày mai, thẻ lưu thông hạng I và II, mà chính phủ ca ngợi ầm ĩ những tuần rồi, sẽ không còn giá trị, duy nhất ai có thẻ đỏ hạng III mới có quyền lấy phương tiện di chuyển công cộng. Có nghĩa một công dân trên bốn trăm, có nghĩa dân hết quyền, có nghĩa: chấm dứt.
Buổi chiều mát, nước máy cúp. Những củ khoai vẫn còn luộc trên tàn lửa ga của bình đốt. Tôi chụp giựt bên trái, bên phải, nhét đầy các túi nào đậu, lúa mạch, bột mì, thế phẩm thay cà phê, rồi xếp hết vào một thùng giấy. Thêm một thùng nữa phải mang xuống hầm. Tháo ra tôi sực nhớ quên muối. Cơ thể con người không thể sống sót hay ít nhất không thể sống lâu thiếu muối. Dân chúng bắt buộc thích nghi với thời gian lưu trú lâu dưới hầm.
Thứ Sáu, 23 giờ. Dưới hầm, với cây đèn bão, tập nhật ký trên hai đầu gối. Vào lúc 22 giờ đêm, ba bốn trái bom rơi liên tiếp. Còi hụ cùng lúc. Hụ chậm vì quay tay. Cúp điện. Từ Thứ Ba đầu tuần, mọi người xuống cầu thang trong bóng tối. Mọi người dọ dẫm bằng những bước trơn trợt. Có tiếng quay của một máy điện chạy tay ném những chiếc bóng khổng lồ lên vách vòm cầu thang. Gió lùa qua các tấm kính bể, làm đập các bức mành sáo cuộn mà không còn một ai buồn thả buông. Để che gì nữa?
[…]

Trần Vũ lược dịch