Thầy cầm tay ta, khai trí ta và làm trái tim ta rung động (*)
Tu viện mang tên Các Nữ Tu Của Lòng Thương Xót –Sisters of Charity BVM (Blessed of Virgin Mary) của thành phố Dubuque, tiểu bang Iowa soi mình xuống dòng sông Mississippi. Con sông nằm song song với tu viện. Ở trên nhìn xuống, khúc sông này chảy qua ba tiểu bang: Iowa, Minnesota và Wisconsin.
Tu viện được chính thức xây từ năm 1893, chuyên đào tạo các nữ tu thành giáo viên và giáo sư. Dạy từ tiểu học, trung học cho đến đại học.
Hiện có 500 Sơ của tu viện đi dạy trên 20 tiểu bang của nước Mỹ và 3 quốc gia ngoài nước Mỹ.
Tu viện cũng đang là nơi hưu dưỡng cho 250 Sơ bước vào tuổi hưu trí. Các Sơ như những cánh chim bay bốn phương, tám hướng: dạy chữ, dạy đàn nhạc và dạy giáo lý. Khi về già lại trở về tu viện và khi qua đời thì chôn cất ngay trong nghĩa trang của tu viện, sát tường cạnh hàng rào.Với các sơ, chết cũng giống như đi từ phía trong tu viện ra ngoài vườn hưởng không khí thiên nhiên mà thôi. Các Sơ đã thuộc về nhà dòng khi sống và cả sau khi chết.
Sơ Mary Francesca bước vào tu viện từ năm 20 tuổi, được khấn nhập dòng hai năm sau và khấn trọn đời năm 25 tuổi. Sơ được chuyển đi dạy học ngay từ lúc 22 tuổi từ tiểu bang này đến tiểu bang khác và đã để hết đời mình cho việc dạy học trong 38 năm (Sơ về hưu năm1962)
Cũng như tất cả các Sơ khác khi đến tuổi già, không còn đi dạy nữa, Sơ Mary Francesca trở lại tu viện và qua đời tại đó năm 1999, thọ 97 tuổi.
Sơ là người thầy dạy học đầu tiên về kinh sách công giáo trong những năm đầu đời của cậu bé Francis Xavier. Sơ dạy cậu Giáo Lý để được rước lễ lần đầu. Khi đó cậu theo học ở ngôi trường One-Room-School tại nông trại ở Dillon, Montana.
Sau này, khi cha mẹ cậu bán trại dọn nhà ra tỉnh Butte, Montana cho con đi học ở trường Tiểu Học Công Giáo Saint John, Sơ Mary cũng lại chính là người dạy học cho cậu ở lớp năm và Sơ cũng dạy người học trò nhỏ đó thành chú giúp lễ, dạy hoàn toàn bằng tiếng La Tinh.
Hình ảnh một dì phước trẻ rất cứng rắn, nguyên tắc không phai mờ trong trí người học trò. Sơ cho tất cả mọi học trò biết là Sơ yêu quý người học trò chăm chỉ, cần mẫn hơn là một học trò thông minh. Với tiền lương 60 Mỹ kim một tháng gửi thẳng về nhà thờ Sơ cư trú, để trả tiền ăn ở và y phục. Sơ là một nữ tu rất nghèo nên Sơ dạy học trò đời sống đơn giản, cần kiệm như Sơ. Cậu học trò ngày đó cho đến hôm nay, tóc bạc trắng vẫn thích ăn táo cả lõi (không vứt đi phần nào của quả táo.) Và mỗi lần có ai hỏi, tại sao thích ăn lõi táo là hình ảnh người thầy đó lại được mang ra khoe.
Điều ghi nhớ của cậu bé cho đến 60 năm sau vẫn không quên là mỗi lần đổi môn học từ lớp nọ sang lớp kia, Sơ dạy cầm quyển sách của môn học đó lên ngang trán nói: “Xin Chúa cho con biết con sẽ phải làm gì với đời sống và xin cho con ơn phúc cùng sức mạnh để thi hành việc đó.” Khi vào đời mỗi lần bắt tay vào việc gì, câu nói đó lại trở về trong óc người học trò.
Sau bốn mươi tám năm, đi từ trường này tới trường khác, từ tiểu bang này đến tiểu bang khác để truyền bá đức tin và khai trí cho tuổi trẻ. Sơ Mary Francesca Martha quay về tu viện đầu tiên của mình hưu trí và qua đời tại đó.
Hơn sáu mươi năm sau, cậu học trò ngày đó đã trở thành người chồng, người cha, ông nội, ông ngoại, cùng vợ tìm về tu viện dòng Lòng Thương Xót – BVM ở Dubuque, Iowa. Thăm viếng và tìm hiểu về tu viện nơi người thầy đầu đời của mình tận hiến và qua đời.
Được hẹn trước, nên Sơ Mary Eliza Kenny đã sẵn sàng đưa hai vợ chồng người học trò của Sơ Mary Francesca đi thăm viếng tu viện.
Sơ Mary Eliza cựu giảng sư âm nhạc của Đại Học Mundelein, Chicago, ở phía bên kia dòng sông Mississippi của tu viện đã hưu trí và Sơ trở lại tu viện sống nốt quãng đời còn lại. Bây giờ Sơ trông coi việc sắp đặt, triển lãm phòng ốc, và tiếp tân.
Sơ dẫn hai vợ chồng đi từ đầu tới cuối tu viện, chỉ cho xem và cắt nghĩa tiểu sử của từng gian phòng trong tu viện, nơi sinh hoạt thường xuyên hay nơi chỉ để trưng bày từng chiếc ghế cũ, cái đàn dương cầm cổ, chân nến, ảnh, tượng và những vật dụng dành cho việc thờ phụng lâu năm. Trên tường là hình các Sơ đã qua đời, hình những Sơ sáng lập tu viện của từng giai đoạn đã qua.
Tiểu sử của tu viện từ năm bắt đầu thành lập1831, lúc mới chỉ có năm (5) phụ nữ trẻ ở Dublin, Ireland, dẫn đầu là Sơ Mary Frances Clarke cùng nhau dạy trẻ em nghèo với lòng thương xót. Sau một thời gian ngắn, họ chuyển đến định cư hợp pháp ở Philadelphia dạy trẻ em di dân người Irish. Năm 1833 họ được chính thức công nhận là những nữ tu dưới sự trợ giúp của Rev. Terence Donaghoe.
Mười năm sau, 1843, các nữ tu thuyên chuyển về Dubuque, Iowa với lời mời của Giám Mục Maria Loras và sáng lập tu viện chính ở đây cho đến ngày hôm nay. Các nữ tu nhận lãnh ngay trọng trách phát triển nhà dòng, dạy học trẻ em. Họ thành lập ngay trường nội trú cho nữ sinh ở vùng đồng quê gần Dubuque. Sau này trở thành trường Đại Học Clarke University.
Tất cả các Sơ tu ở dòng này đều có tên Mary đặt trước tên Thánh và tên gọi của mình. Ngày nay luật lệ trong nhà tu một phần nào được nhẹ nhàng hơn. Các nữ tu qua đời không phải bắt buộc có tên Mary trên mộ bia nữa. Mỗi bia mộ chỉ cần ghi tên Thánh và họ của nữ tu, với ba chữ BVM (Blessed of Virgin Mary) bên cạnh và ghi rõ năm khấn trọn đời của mình.
Sau hơn một giờ thăm viếng phòng ốc, nói chuyện với một vài Sơ còn sinh hoạt trong tu viện, mặc dù phần đông đã ngoài 80 tuổi. Hai vợ chồng dắt nhau sang khu nghĩa trang tìm mộ thầy giáo cũ.
Nghĩa trang của các Sơ có tên: Mount Carmel Cemetery. Con đường dẫn vào nghĩa trang trồng toàn thông có tên là Pine Walk. Ngay bên ngoài lối vào, một tấm bảng kẻ dòng chữ:
….We wait
In hope….
Hai người đi giữa những hàng thông xanh biếc, ánh nắng chấp chới sáng mà không khí vẫn se se lạnh. Nai và sóc ở đâu chạy ra, nghênh mắt nhìn khách lạ, rồi lại biến mất. Cỏ mềm mại và mộ chí xếp hàng thấp ngang cỏ, rất đơn sơ và khiêm nhường như cuộc đời những nữ tu của Dòng Thương Xót.
Cả hai vừa đi vừa cúi nhìn, đọc tên các Sơ khắc trên những mộ bia ciment mộc mạc. Lâu lâu người vợ lại hỏi người học trò:
Sơ nguyên tên viết thế nào, mất năm nào, Sơ dạy anh những gì?
Mặc dù đã hỏi vài lần rồi, nhưng hỏi chỉ là được nghe cái tên Sơ nhắc lại, nghe lần nữa cái quan hệ mật thiết giữa thầy và trò của chồng.
Cả ngàn tấm bia trên mặt đất, khó lòng mà tìm được mộ, mặc dù có số lô khu vực, nhưng cả hai cũng mất khoảng hai mươi phút mới tìm ra. Có bia mộ mới dựng mấy tháng trước, nhưng cũng có bia mộ, khắc ngày chôn từ năm 1820. Những phần mộ của các Sơ này có thể được mang tới đây từ một nghĩa trang Công Giáo khác, sau khi nghĩa trang cho tu viện được chính thức thành lập năm 1831. Không biết có tấm mộ bia nào còn trước năm đó nữa không.
Mỗi mộ bia, phía dưới tên là những con số được khắc bắt đầu từ năm sinh, rồi năm khấn trọn của các Sơ và cuối cùng là năm mất.
Bia của người thầy đó được khắc:
Sister Martha Cronkleton
1902 – 1922 – 1999
Tên cha mẹ đặt cho Sơ là Francesca, Tên thánh khi rửa tội là Martha và BVM là tên dòng tu Blessed of Virgin Mary. Sơ sanh năm 1902, khấn dòng năm 1922 và mất 1999.
Người học trò cúi xuống, xòe bàn tay, phủi phủi, chùi chùi những chiếc lá khô rơi trên bia mộ, vỗ về trên mặt đá, rồi để nguyên cả lòng bàn tay mình trên mộ bia một lúc, rồi lại luồn tay vào bên dưới một phía của tấm bia như nâng đầu người thầy cũ lên. Người thầy khai tâm, mở trí, trao cho mình tất cả sự đức hạnh cần thiết cho một đứa bé bắt đầu chập chững vào đời.
Đã từ lâu lắm rồi, anh ao ước được gặp lại người thầy đầu tiên dạy giáo lý cho mình trong thời thơ ấu của khu nông trại xa xưa, rồi lại dạy mình ở Tiểu Học. Nhưng từ ngày lên trung học, đời sống cuốn anh đi từ trường học này sang trường học khác, từ thành phố này qua thành phố khác, rồi vợ con, cơm áo, cứ thế dồn dập tới. Anh quên thầy xưa, quên bạn cũ, quên cái hoang vu xa xăm của nông trại, quên cái lớp học nhỏ bé mà học sinh cả bao nhiêu cấp khác nhau cùng học chung một thầy. Anh đã là người của thành phố.
Bây giờ các con đã trưởng thành, đã đi xa, cha mẹ anh cũng qua đời. Anh cũng tóc pha sương. Anh bỗng nhớ đến người thầy ấy. Anh biên thư về tu viện, liên lạc và cuối cùng anh tìm đến tu viện của thầy mình.
Gió xào xạc trên những cành thông. Ba con nai không biết từ đâu bước ra, nghiêng đầu, giương mắt tròn xoe nhìn hai người khách.
Người vợ nhìn nhìn ba con nai rồi nhìn người học trò cũ đang thầm thì nói chuyện với thầy, chợt nhớ đến những câu nói tốt đẹp về tình thầy trò trên quê hương mình ngày trước: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
Rồi lại nhớ mẩu truyện ngắn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư kể:
“Ngày xưa có người học trò từ quê lên tỉnh học, anh ta học giỏi lắm, làm tới tri huyện, tri phủ, được gọi là “Quan”. Anh rất oai vệ sang trọng. Nhưng khi anh về quê, đến thăm thầy học cũ, người thầy đầu tiên dạy cho anh biết tập đánh vần, biết thế nào là lễ giáo, anh không bao giờ dám ngồi ngang hàng với thầy, chỉ đứng bên cạnh hầu chuyện.”
Bài học còn vẽ hình nữa, hình ông Thầy ngồi trên một cái giường tre, gầy yếu, già nua, nghèo nàn. Người học trò quần áo sang trọng, đứng cạnh thầy, khoanh tay, cúi đầu vâng, dạ.
Cái hình ảnh trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư của phương Đông ngày đó và hình ảnh người học trò phương Tây, tóc bạc trắng đang khom mình xuống bên cạnh ngôi mộ của người thầy đầu tiên kia, cả hai cùng đẹp như nhau.
Ai nói, học trò phương Tây không có lòng kính trọng thầy giáo.

Người học trò Francis Xavier ngày xưa đầu bạc trắng, ngồi bên bia mộ Sơ Sister Martha Cronkleton
(*) A teacher takes a hand, opens a mind and touches a heart.- Author Unknown