Những ngày gần đây, Ebola trở thành nỗi lo âu của cư dân Hoa Kỳ khi bệnh nhân đầu tiên, ông Eric Duncan, tử vong vì căn bệnh hiểm nghèo kể trên. Ông Duncan đến Hoa Kỳ từ Liberia nơi Ebola đang hoành hành, gây tử vong cho cả ngàn người và truyền bệnh qua nhiều quốc gia xa gần khác.
Ông Duncan qua đời nhưng Ebola không ngừng ở đó, đã có hai y tá chăm sóc ông ấy bị nhiễm bệnh. Và sự truyền nhiễm kia khiến dư luận sôi nổi, hoang mang; Ebola ám ảnh người Hoa Kỳ khiến cả bộ máy điều hành quốc gia phải tìm cách trấn an dân chúng.
Tại Hoa Kỳ, Ebola khởi đầu từ ngày 30 tháng Chín, 2014 khi cơ quan Phòng Ngừa & Chữa Trị Bệnh Tật, the CDC, chứng nhận ca bệnh đầu tiên.
Bệnh sử của ông Duncan bắt đầu từ ngày 20 tháng Chín khi ông ấy di chuyển từ Monrovia, Liberia qua Brussels, đến Washington và sau cùng đến Dallas. Tại Washington, Sở di trú đã cảnh báo về triệu chứng của Ebola. Viên chức Hoa Kỳ cho rằng khi nhập cảnh, Ông Duncan không lên cơn sốt và cũng không có dấu hiệu bệnh tật.
Tại phi trường Monrovia, Liberia, ông Thomas Eric Duncan đã được khám bệnh, ông ấy không bị sốt và trả lời về mọi câu hỏi liên quan đến triệu chứng của Ebola kể cả câu hỏi “có tiếp xúc với người bệnh nào không trong suốt 21 ngày trước đó”. Thực ra 4 ngày trước khi lên máy bay, ông ấy đã đưa một phụ nữ đến bệnh viện địa phương, rồi đưa về nhà, và bà ấy qua đời vài tiếng sau đó.
Ngày 25 tháng Chín, ông Duncan trở bệnh và được đưa vào bệnh viện. Tại Texas Health Presbyterian Hospital, hồ sơ bệnh lý của ông Duncan ghi nhận rằng người bệnh lên cơn sốt, 100.1 độ F; đau bụng, nhức đầu và bớt tiểu tiện. Ông ấy nói với một y tá là vừa đến từ vùng Tây Phi nhưng không giao tiếp với người bệnh nào cả. Chuyên viên y tế ở đó cho rằng bệnh tình ông Duncan không trầm trọng đủ để điều trị tại bệnh viện nên cho bệnh nhân ra về.
Ba ngày sau, cơn bệnh trở nặng, ông Duncan được đưa vào bệnh viện bằng xe cứu thương, và thân nhân báo với nhóm di chuyển bệnh nhân rằng ông ta đến từ nơi đang có bệnh truyền nhiễm và họ cần cẩn thận.
Dựa trên lời kể bệnh, CDC khuyến cáo bệnh viện thử nghiệm chứng Ebola, và kết quả được chứng thực.
Sau đó, thân nhân và những người tiếp xúc với ông Duncan được cách ly và theo dõi tình trạng sức khỏe.
Bốn người sống chung trong apartment nơi ông Duncan thăm viếng đã chịu cách ly theo lệnh của nha Y Tế địa phương trong suốt 21 ngày sau khi CDC khẳng định rằng ông Duncan bị nhiễm Ebola. Họ được nhân viên của bộ y tế đến thăm và đo thân nhiệt hai lần mỗi ngày. Tính đến hôm nay, ngày 19 tháng Mười, chưa có dấu hiệu gì về sự nhiễm bệnh của thân nhân ông Duncan.
Tiếng Việt ta dùng chữ “cách ly” để mô tả tình trạng tách rời người / vật để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm nhưng Anh ngữ lại phân biệt rõ ràng các tình trạng cách ly:
1) “isolation” là việc cách ly theo lệnh của bác sĩ điều trị; bệnh nhân được đặt trong khu riêng biệt tại bệnh viện, tùy theo mức độ của sự truyền nhiễm;
2) “quarantine” là việc cách ly theo lệnh của cơ quan y tế địa phương, của cơ quan công quyền trong một thời gian cố định, và có cảnh sát canh gác, giám sát.
Trong thời gian điều trị, bệnh viện địa phương đã dùng một loại thuốc mới, còn nằm trong vòng thí nghiệm chưa được phép sử dụng rộng rãi (experimental drug) nhằm cứu mạng ông Duncan, có tên brincidofovir do công ty Chimerix sáng chế. Trong tình trạng khẩn cấp như hiện nay, cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm, the FDA, đôi khi cho phép sử dụng các loại thuốc còn đang được tìm hiểu, chưa chứng minh đầy đủ hiệu quả và biến chứng của chúng. Ông Duncan là người đầu tiên dùng brincidofovir.
Mười ngày sau khi vào bệnh viện, ông Duncan qua đời. Việc chữa trị có phần phức tạp vì ông ấy được trợ sinh qua ống thở đặt trong cuống họng, nối kết với máy móc và lọc máu, dialysis, khi thận không còn hoạt động. Khi dùng cách chữa trị này, chuyên viên y tế thường xuyên tiếp xúc, sờ mó các chất lỏng, biological fluid, của bệnh nhân và do đó sự rủi ro về truyền nhiễm gia tăng cấp kỳ.
Theo phương thức chôn cất người bệnh Ebola của CDC, bộ Y Tế tiểu bang (The Texas Department of State Health Services) đề nghị với thân nhân ông Duncan nên hỏa thiêu và họ đồng ý.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng ngay từ tháng Chín, sở Di Trú và nhân viên biên phòng đã được trao nhiệm vụ thông báo cho CDC nếu họ nghi ngại người nhập cảnh bị Ebola kể cả việc phỏng vấn những du khách có điều kiện nhập cảnh Hoa Kỳ.
CDC đã đặt việc du hành đến ba quốc gia Guinea, Liberia, và Sierra Leone đến mức báo động hạng 3, Warning Level 3, cảnh giác cư dân Hoa Kỳ rằng không cần thiết thì đừng đến những nơi ấy. Mức báo động hạng 1 cho Nigeria và hạng 2 cho the Democratic Republic of the Congo (DRC).
Các tình trạng báo động này được cập nhật đều đặn trên trang nhà của CDC. Khi cần du hành đến các quốc gia xa lạ ta có thể đến thăm trang nhà của CDC để tìm hiểu rõ ràng hơn tình trạng y tế địa phương và cần chủng ngừa những bệnh gì. http://wwwnc.cdc.gov/travel/notices
Tại các “cổng vào” (phi trường địa phương), hành khách đã phải chịu đo thân nhiệt, ai lên cơn sốt bất cứ vì lý do gì đều không được lên máy bay đến Hoa Kỳ. Điều đáng ngại là triệu chứng của Ebola không tỏ lộ trong suốt thời gian “tiềm ẩn” (incubation) từ 2-21 sau khi nhiễm bệnh nên du khách có thể không bị sốt khi lên máy bay như trường hợp của ông Duncan.
Kỹ lưỡng như thế nhưng các cách phòng ngự kể trên vẫn chưa hoàn hảo. Vẫn có những du khách không biết mình bị bệnh để khai báo hoặc cố tình giấu giếm tình trạng bệnh tật để được nhập cảnh Hoa Kỳ.
Nhìn chung, có một số dữ kiện quan trọng về Ebola:
1. Căn bệnh này không lan truyền qua việc tiếp xúc sơ sài (không sờ mó các chất lỏng từ cơ thể như máu, nước tiểu, tinh dịch, đờm rãi…), do đó việc Ebola trở thành trận dịch có một xác suất khá thấp.
2. Người bệnh chỉ truyền bệnh khi các triệu chứng đã xuất hiện. Khi triệu chứng chưa tỏ lộ, mức truyền nhiễm rất thấp; do đó CDC không đòi hỏi rằng các hành khách trên cùng chuyến bay với ông Duncan phải chịu cách ly, nha y tế địa phương chỉ cần nhận diện và theo dõi tình trạng sức khỏe của các hành khách này mà thôi. Tính đến hôm nay, chưa có hành khách nào trên các chuyến bay đồng hành với ông Duncan bị nhiễm bệnh.
Ta khẳng định được các yếu tố kể trên nhờ phương pháp theo dõi chặt chẽ và kiểm soát kỹ lưỡng bệnh truyền nhiễm của CDC. Và con người thành công khi đối mặt với siêu vi khuẩn Ebola. Điển hình là mấy bệnh nhân ốm thập tử nhất sinh vì Ebola nhiễm bệnh từ nơi xa xôi và được chữa trị thành công tại Hoa Kỳ khi theo đúng phép tắc cách ly của CDC.
Việc hai chuyên viên y tế bị nhiễm Ebola sau khi chăm sóc ông Duncan là một điều đáng ngại và đã dẫn đến một số câu hỏi cho các chuyên viên dịch tễ, epidemiology, tại sao, nguyên nhân bắt đầu từ đâu? Khi Bác sĩ Thomas R. Frieden, sếp lớn của CDC, lên tiếng trấn an dư luận, ông ấy đã đề cập đến việc không theo đúng phương pháp cách ly của CDC, và sóng gió nổi lên khắp nơi từ các hiệp hội y tá đến những người liên quan đến Texas Health Presbyterian Hospital. Và họ công kích CDC để bào chữa, để chuyển mũi dùi dư luận về CDC. Tạm hiểu là ông Frieden, một chuyên viên lỗi lạc về y học nhưng chưa phải là một chính khách tài năng, khéo léo né tránh dư luận.
Sau đây là những điều cần biết về Ebola:
– Khi tiếp xúc với người xa lạ, đừng quá thân cận (hôn hít, giao hợp…). Nếu bạn là chuyên viên y tế, cần chăm sóc bệnh nhân bất kể lạ hay quen, sẽ cần tối thiểu những vật dụng sau đây:
. Găng tay (latex là loại tốt nhất)
. Quần áo không thấm nước
. Kính an toàn và mặt nạ che kín mặt mũi
– Khi làm việc trong phòng cấp cứu, khu lọc thận, những nơi phải tiếp xúc với một lượng lớn các chất lỏng từ thân thể bệnh nhân, hãy dùng hai lần quần áo không thấm nước, hai lần găng tay, vỏ bọc giày dép… để gia tăng mức an toàn.
Trong trường hợp của ông Duncan, Bác sĩ Frieden nghi ngại rằng việc lọc máu và đặt ống thở có thể là nguồn truyền nhiễm từ bệnh nhân sang các chuyên viên y tế.
Bạn cần làm gì khi trở về Hoa Kỳ từ những nơi đang có trận dịch Ebola?
Hãy để ý đến sức khỏe qua các hành động sau:
– Tự theo dõi sức khỏe trong suốt 21 ngày, nhất là khi đã tiếp xúc với người bệnh thú bệnh qua việc sờ mó các chất lỏng từ cơ thể hoặc thịt sống, máu tươi hoặc tại bệnh viện chữa trị các ca Ebola hoặc tham dự nghi lễ tang ma của người bệnh quá vãng.
– Đi khám bệnh lập tức nếu lên cơn sốt (thân nhiệt 100.4°F/ 38.0°C hay cao hơn) và có những triệu chứng như nhức đầu, đau bắp thịt, tiêu chảy, đau bụng hoặc xuất huyết, bầm tím da thịt mà không có lý do.
– Nói cho bác sĩ biết về chuyến du hành vừa qua, đã đến đâu, gặp triệu chứng gì trước khi đến phòng mạch hoặc bệnh viện. Hành động này sẽ giúp chuyên viên y tế chữa trị bệnh trạng hiệu quả và phòng ngừa việc truyền nhiễm cho những người khác.
Bạn cần làm gì nếu đang du hành tại nơi có trận dịch?
Hãy tự bảo vệ bằng những phương thức sau:
– Rửa tay thường xuyên hoặc dùng những món xà phòng chứa cồn (alcohol-based hand sanitizer).
– Tránh tiếp xúc với người và thú bị bệnh.
– Đừng sờ mó những thứ ta không biết rõ xuất xứ.
– Đừng sờ mó xác bệnh nhân quá vãng vì Ebola.
– Đừng sờ mó dơi, khỉ; đừng sờ mó thịt dơi khỉ còn sống.
– Tránh các bệnh viện tại West Africa nơi điều trị bệnh nhân bị Ebola. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại địa phương có danh sách các bệnh viện này.
– Đi khám bệnh lập tức nếu lên cơn sốt (thân nhiệt 100.4°F/ 38.0°C hay cao hơn) và có những triệu chứng như nhức đầu, đau bắp thịt, tiêu chảy, đau bụng hoặc xuất huyết, bầm tím da thịt mà không có lý do. Tránh tiếp xúc với kẻ khác cho đến khi được khám bệnh. Trong thời gian này, đừng la cà đến bất cứ nơi nào ngoại trừ trung tâm y khoa.
Tóm lại là Ebola dù là bệnh nan y nhưng con người đã có cách phòng ngừa và điều trị trợ giúp bệnh nhân qua cơn ngặt nghèo. Ta có thể tin tưởng vào CDC và ủng hộ việc làm đầy những khó khăn của họ. Với đầy đủ các phương tiện tối tân có sẵn kể cả các bộ óc tài ba của thế giới chung lưng cộng sức, nếu CDC không thành công thì đại họa sẽ xảy đến cho con người.
Riêng với Bác sĩ Frieden, xin cầu chúc ông chân cứng đá mềm, đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Việc làm của ông và những người cộng sự được giới chuyên môn ngưỡng mộ và âm thầm tán thành.

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại các phi trường – NGUỒN TELEGRAPH.CO.UK