Hai cha con tôi có cùng chung một sở thích là đi dạo ở những cửa hàng Antiques. Một hôm, tôi thấy Hải đứng như bị hớp hồn bởi chiếc gương cũ kỹ, đầy bụi bám. Khuôn mặt Hải đột nhiên biến sắc, ngây dại trước tấm gương. Cuối cùng Hải quyết định mua với giá rất hời. Hải nói, nếu đúng như chiếc gương được làm từ thời Phục Hưng Ý 1870, thế kỷ 17. Thì cha con chúng tôi như được trúng số bất ngờ. Tôi nhìn khuôn mặt hớn hở của Hải khi hai cha con khệ nệ đặt chiếc gương vào trong xe. Chiếc gương được lấy cảm hứng từ kiến trúc Hy Lạp, La Mã. Khung gương bằng gỗ được làm tương tự như thành Corinth. Hai bên là hai cột với những đường rãnh nhỏ, phía trên là vòm tròn hình bán nguyệt, bắc ngang như chiếc cầu vồng cùng những hoa văn điêu khắc đơn giản. Phía dưới là thanh gỗ thẳng, có phần trầy xước. Hải nói, dù chiếc gương này được làm giả, cũng rất đáng giá. Tôi tin Hải. Thằng con học nhiều hơn tôi, yêu đồ cổ hơn tôi, lúc nào cũng dán mắt vào chương trình Antiques Roadshow.
Tôi đến Mỹ không được học hành đàng hoàng thì tôi cũng mong cho Hải, con tôi, được đi học đến nơi, đến chốn. Cho nên Hải nói gì, tôi tin đó. Hải hiểu ý tôi và thương tôi nhiều hơn. Tôi hy sinh tất cả cho Hải. Gà trống nuôi con, vất vả trăm chiều nên không có con gà mái nào dại mà sáp vào chúng tôi. Nhất là tôi, một tên thợ quèn làm lương bấm thẻ ăn giờ. Thế nhưng tôi vẫn lo cho con tôi lấy được cái bằng cao học điện toán. Tôi dốt, thì không nên để cho con tôi dốt theo tôi. Lúc ở trại tị nạn Phi Luật Tân, tôi cũng từng làm thông dịch viên cho những việc vớ vẩn, thế nhưng khi qua Mỹ, tôi lại không có cơ hội đi học. Nên tôi cứ bị tụt lùi. “Học như chèo thuyền ngược nước, không tiến tức phải lùi.”. Tôi lùi dần vào sự an phận, thủ thường. Ngày hai buổi hủ hỉ với Hải. Tội nghiệp, thằng con bị mất mẹ từ khi còn đỏ hỏn. Nó cần tình thương. Tôi thương con. Hải là niềm vui, là tất cả của tôi.
Bây giờ, ngồi nghĩ lại. May mắn tôi còn có đứa con cho đời thôi hiu quạnh. Đã biết bao nhiêu lần tôi tìm cách chấp nối thêm một mối tình khác. Khi tuổi xế, về chiều cũng có bạn ra vào hủ hỉ. Nhưng tất cả đều không thành. Số phận của tôi là phải như vậy. Canh cô mồ quả. Không biết sao, bao nhiêu mối tình đến với tôi rồi cũng giữa đàng gẫy gánh. Không có cuộc tình nào lâu dài. Nói là không tin dị đoan, nhưng tôi thấy có điều gì bất thường trong vấn đề tình cảm của tôi. Quen một người nào đó, không vì lý do này, cũng mâu thuẫn khác, lại cãi nhau. Lại chia tay. Cuối cùng. Tôi đầu hàng số phận.
Tranh: Thắm Nguyễn
o O o
Từ khi có chiếc gương trong nhà. Tôi thấy Hải thay đổi rất nhiều. Lúc đầu, chiếc gương được trưng bày ở phòng khách. Sau này, Hải mang vào phòng riêng. Tôi biết Hải rất thích chiếc gương, nên chẳng thắc mắc gì. Một đêm, tôi ra bếp lấy nước uống. Lúc đi ngang phòng Hải, tôi nghe thấy giọng nói con gái phát ra từ trong phòng. Lạ, nửa đêm nửa hôm mà Hải còn mang gái về nhà. Thằng này hư quá. Ngày mai tôi sẽ đề cập đến vấn đề này với Hải. Khi tôi uống nước xong, trong lúc quay về phòng mình, tôi lại nghe tiếng con gái khóc thảm thiết từ trong phòng Hải vọng ra. Tôi nghĩ thầm trong đầu. Thằng này thật quá đáng. Dám chơi cái trò “bắt cá hai tay”. Làm con người ta tới nhà khóc lóc thảm thiết, nửa đêm nửa hôm chưa chịu ra về. Tôi tần ngần trước phòng Hải, định gõ cửa vào khuyên can. Cửa phòng không biết tự lúc nào đã hé mở, rọi tia sáng yếu ớt của chiếc đèn ngủ ra ngoài hành lang. Tôi nhìn qua khe cửa. Kinh ngạc. Hai tròng mắt muốn rớt ra ngoài. Cảnh tượng trước mặt khiến tôi không dám tin vào mắt mình. Người ngồi trước gương, giữa ánh sáng tù mù không ai khác, chính là Hải. Hải mặc đồ phụ nữ, trang điểm như con gái. Khóc lóc và kể lể thê thiết. Tôi không tin tiếng nói phụ nữ ấy lại thoát ra từ miệng Hải. Tiếng nói tuôn ra một tràng, không đầu không đuôi, khó hiểu. Tôi bụm miệng tôi lại, cố không để phát ra tiếng kêu. Tôi chạy một mạch về phòng. Nằm xuống giường, tôi trùm chăn, thở dốc. Tôi không tin ở mắt mình. Tôi không tin ở tai mình. Hải, trong hình dáng của mẹ nó, đang ngồi nói chuyện cùng chiếc gương. Tôi không nhìn được những gì trong gương. Nhưng chưa bao giờ tôi thấy Hải giống mẹ nó đến như thế, một người mà tôi không bao giờ quên. Chúa ơi! Chuyện gì đang xảy ra trong căn nhà này?
o O o
Sáng hôm sau. Tôi làm như không có chuyện gì xảy ra. Mặc dầu tối hôm trước tôi sợ hãi đến mất ngủ cả đêm. Hải vẫn tươm tất ngồi ăn sáng với tôi trước khi chuẩn bị đi làm. Dạo sau này, hãng tôi làm đang bị thua lỗ nên cắt giảm nhân viên, tôi bị ép về hưu non. Hải bảo như thế mà hay. Ba lại có thì giờ sống cho chính mình. Bao nhiêu năm làm lụng vất vả, nay đã đến lúc Hải phải chăm sóc cho ba. Tôi cười ngọt ngào từ trong bụng. Ừ! Nói thì nghe hay đấy, đến khi lấy vợ, chắc thằng già này dẹp qua một góc xó. Hải cười. Con thà bỏ vợ chứ không bỏ ba đâu. Tôi cười. Cái thằng con, cứ nói cho người ta vui.
Tôi đẩy đĩa thức ăn trước mặt Hải, mắt săm soi nhìn Hải. Hải vẫn bình thường. Dấu tích đêm qua giờ đã xóa sạch. Hải thấy tôi nhìn, nhột nhạt:
“Mặt con có dính gì sao?”
Tôi cúi xuống nhìn đĩa trứng tráng và xúc xích, tránh đôi mắt của Hải:
“Ồ! Không có gì cả.”
Hải cười:
“Ba hôm nay hơi lạ.”
“Vậy sao? Ba chỉ quan tâm tới con. Thế thôi.”
Đợi cho Hải đi làm xong. Tôi vào phòng Hải. Tôi đứng trước chiếc gương. Mặt gương phẳng, im lặng soi đuôi con mắt tôi đã hằn vết chân chim. Mái tóc muối tiêu của tôi dần thưa sợi. Tôi đứng trước gương rất lâu. Những ngày thanh xuân của tôi lần lượt kéo về, phản chiếu trong ánh gương như những thước phim pha mầu thời gian.
o O o
Tôi quen Hài trong bệnh xá, đó là hôm Mục sư Kellum dẫn tôi đến để làm kính thuốc. Cái kính cận của tôi đã bị gẫy càng sứt gọng từ hồi đặt chân lên đảo vẫn còn lơ lửng treo trên sống mũi tôi. Trong thời gian chờ đợi nơi bệnh xá, tôi bắt chuyện cùng cô – người con gái ngồi co ro trong một góc khuất, như con mèo ướt – tóc cô rối bời nhưng không che đậy được khuôn mặt xinh xắn của mình. Tôi tiến tới, ngồi bên:
“Cô ở vùng mấy, sao tôi chưa được thấy cô bao giờ?”
Cô bối rối ngồi yên. Khi không lại có một người lạ,đến đánh thức trong cô cái thinh lặng. Tôi tiếp:
“Cô chờ đã lâu chưa?”
Cô gật đầu. Tôi trầm ngâm nhìn cô. Cô thật nhỏ nhoi với khuôn mặt tiều tụy và đôi mắt lạc thần. Nhưng rồi tôi cũng biết được lý do khi nghe bác sĩ người Phi Luật Tân nói với Mục sư Kellum rằng, cô muốn phá thai, nhưng trại không cho phép. Đa số những người Phi Luật Tân đều theo Thiên Chúa Giáo, nên việc phá thai là không thể chấp nhận được. Ông nhờ Mục sư Kellum khuyên cô ấy giúp. Mục sư Kellum nói tiếng Việt rất giỏi. Ông từng ở Đà Nẵng, nên giọng nói của ông thật thà âm điệu Quảng Đà. Tôi có dịp được quen biết ông ở trại tỵ nạn Hong Kong, đến Phi Luật Tân lại được ông ra đón, thật không có gì quý hóa bằng. Từ đó, tôi thường theo ông giúp hầu việc Chúa.
Lần thứ hai, gặp Hài bên bờ suối. Tôi thấy Hài trượt chân trên đá và đỡ cô. Không ngờ, Hài trả ơn tôi bằng một cái liếc thật sắc như dao (sau này tôi mới biết Hài cố tình té cho hư cái thai). Hôm ấy, Hài cũng khóc thật nhiều và nói năng như một người khùng. Tôi ngồi với Hài bên bờ suối cho đến khi trời trở tối. Hài nói với tôi về những đêm ngồi yên trên đảo. Nhìn xa xa dãy núi qua hàng rào chắn, mà ước một lần được quay về. Hài nói, Hài được đi theo diện “hốt rác”. Hài chẳng có thân nhân nào ở Mỹ. Nhưng cũng được Mỹ nhận cho định cư vì lý do nhân đạo. Và Hài khóc, nước mắt làm cho khuôn mặt tái của cô nhoè ra trong đêm. Đêm thì thào tiếng lá. Tôi chỉ biết ngồi im. Hài khuấy đôi chân trần dưới nước. Cô không nhìn tôi. Hình như Hài không phải nói để tôi nghe, mà nói với chính cô hay với một người nào khác. Tôi ngồi bên cạnh Hài như chiếc bóng, lắng nghe như để chia sẻ một nỗi đau chất chứa lâu ngày.
Từ đó, tôi để ý Hài nhiều hơn. Tôi rủ Hài vào sinh hoạt trong Hội Thánh với chúng tôi. Tôi mong Chúa sẽ ban thêm sức cho Hài. Cho Hài có điểm tựa tinh thần. Tôi mong Hài đến với Chúa, giao hết gánh nặng cho Chúa lo, như thế cuộc sống của Hài sẽ không đến nỗi tuyệt vọng. Tôi nói với Hài: “Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài.” (Thi Thiên 34:8). Hãy ngã vào vòng tay Đức Chúa Trời. Vì Ngài lúc nào cũng dang tay đón chờ những đứa con lạc lối. Tôi mang Kinh Thánh ra an ủi Hài. Và nhờ Hồng Ân Thiên Chúa. Tâm hồn Hài như được Chúa đặt tay lên đó, khang phục dần dần.
Hài sống cách tôi hai blocks. Từ trại tỵ nạn Thái Lan mới đến Bataan chừng mười ngày. Buổi chiều, tôi thường thấy Hài đi lang thang một mình trên đồi cỏ khô cháy của vùng nhiệt đới. Bóng Hài thật lẻ loi. Nhưng tôi nghĩ, tâm hồn cô là một biển tối, mênh mông, khó hiểu được. Ngay cả đôi mắt sâu thẳm của Hài cũng đã ẩn giấu rất nhiều tâm sự. Nhìn Hài, tôi nghĩ đến biết bao nhiêu người con gái Việt , đã ra đi, đã chịu đựng, mất mát, đau khổ như cô.
Có nhiều đêm tôi thao thức vì Hài, thao thức vì đôi mắt mở lớn, nhìn xa xăm, tê dại. Ôi! Đôi mắt mà đã hơn một lần chứng kiến cảnh đớn đau. Đôi mắt hình như đã ung mủ, làm độc.
Trong cái cô đơn lạc lõng đó của Hài, tôi bắt gặp chính tôi. Tôi cũng cô đơn lạc loài từ trại tỵ nạn Hong Kong qua. Người Việt Nam lạc loài từ các trại tỵ nạn các nước gặp nhau ở Bataan, Phi Luật Tân trước khi qua Mỹ định cư. Đã qua tới được Bataan rồi, giống như được “lên bờ” lần thứ hai. Cho nên tâm trạng ai cũng đôi phần nhẹ nhõm. Chờ đợi tương lai tươi sáng đang mở ra trước mắt mọi người. Nhưng với Hài thì trái ngược. Cô lặng lẽ mình cô. Một sự lặng lẽ đầy cam chịu. Sự lặng lẽ đó thu hút tôi một cách lạ lùng. Có thể Hài rất giống em gái tôi. Giỏi chịu đựng. Bỏ học, cùng mẹ tôi gồng gánh gia đình khi nước nhà trong cơn tan hoang. Sự lặng lẽ đó một hôm tuôn tràn thành những giòng lệ. Và, tiếng khóc òa trong lời giảng của Mục sư Kellum. Những uất ức lâu ngày nay có dịp tràn ra. Hài khóc một trận đã nư. Tôi hiểu lời giảng của Mục sư hôm đó đã đánh động lòng Hài. Tôi ngồi bên, nhìn Hài bằng đôi mắt sẻ chia. Hài đã nghe được lời Chúa gọi. Sau buổi lễ, Hài mạnh dạn giơ tay tin Chúa. Tôi mừng cho Hài, vì từ nay Hài sẽ tích cực sống trong con đường Chúa chọn cho Hài.
Hài của tôi đó. Muời bảy tuổi với bào thai trong bụng. Người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương. Bỏ nước ra đi với tấm lòng trắng trong, tìm tự do trong bầu trời xanh gió lộng. Bây giờ toàn thân ô nhục. Những đứa con của mẹ Việt Nam, không biết ngày sau có còn ghi nhớ những nỗi ô nhục này?
Chuyến tàu của Hài không suôn sẻ như những chuyến tàu vượt biển khác. Đã có người bị hải tặc hiếp, trong đó có Hài vừa bước qua tuổi mười sáu. Đã có anh của Hài hy sinh cho Hài được sống. Nhưng sống để làm gì khi Hài bơ vơ không nơi nương tựa? Đó là một trong hàng ngàn câu chuyện thương tâm của thuyền nhân Việt Nam. Tại sao tôi lại khơi động vết thương quá khứ? Ai cũng biết, cũng từng có thân nhân, hoặc chính bản thân đã trải nghiệm qua. Vết thương của người Việt Nam vẫn còn đó như một dấu hằn. Nào cướp của, hãm hiếp. Nào đánh chết người bằng mã tấu, chày thô. Hài cũng đã trải qua. Chúng nó phá nát máy tàu của Hài. Chiếc tàu trôi lênh đênh trên biển cả. Bao nhiêu người lần lượt ra đi theo thần chết. Chiếc tàu của Hài cứ thế vẫn trôi. Trôi không bờ bến. Chuyến đi của tôi cũng không thua gì chuyến đi của Hài. Thảm cảnh vẫn còn giăng đầy trong trí nhớ. Nào những chuỗi cười man rợ, sau khi đã thỏa mãn thú tính, vang động một góc trời. Những người đàn ông trai tráng như chúng tôi bị cột chặt, trơ mắt nhìn thân nhân, đồng bào mình bị ác quỷ làm nhục. Chúng tôi bị đánh không đau bằng trong lòng như dao cắt. Quay mặt đi chỗ khác, nhưng bên tai còn nghe vang dội tiếng la rú thảm khốc. Những người con gái Việt Nam đang oằn thân khứng chịu, trả giá cho hai chữ tự do. Chúng tôi cùng chảy nước mắt. Những giọt nước mắt ô nhục Việt Nam. Bao nhiêu năm trôi qua. Giọt nước mắt như vẫn còn đây, vẫn còn nóng ướt da mặt.
o O o
Tôi lục tìm trong ngăn tủ Hải. Thấy vài bộ trang phục phụ nữ nằm khuất dưới đáy tủ. Không dưng, tôi nghe nhói đau. Không lẽ Hải là người có khuynh hướng thích hóa trang thành đàn bà? Không. Tôi không tin như thế. Hải đã trải qua một vài cuộc tình với những cô con gái khác nhau. Hiện tại, Hải đang tính toán chuyện hôn nhân với Diệu, người con gái dược sĩ làm trong CVS pharmacy mà Hải đã đưa về nhà nhiều lần. Và, tôi cũng đã xem cô là con dâu rồi. Tôi và bố mẹ Diệu cũng đã từng gặp mặt nhau, từng bàn tính chuyện hôn nhân cho hai đứa. Không thể nào. Tôi quả quyết như thế. Nhưng hình ảnh và tiếng nói của Hải tối hôm qua? Rồi những trang phục phụ nữ đang ở trên tay tôi? Không lẽ tất cả cũng chỉ là ảo tưởng thôi sao? Tôi chưa già đến mức phải lú lẫn như thế chứ?
Tôi xếp đồ đạc vào nguyên vẹn chỗ cũ cho Hải. Mang tách cà phê ra vườn. Tôi thẫn thờ ngồi nhìn những con chim đen đang đậu trên những chiếc dây điện cao thế như những nốt nhạc buồn. Buổi sáng. Căn nhà quạnh vắng. Khu vườn lặng căm. Tôi nhìn vạt nắng hắt hiu. Tiếng chim gọi nhau đánh vỡ không gian yên tĩnh trong ngày. Bao nhiêu năm trôi nổi trong đời sống lưu vong, vật lộn với thứ ngôn ngữ bất đồng. Tôi mệt mỏi quá đỗi. Tôi không còn muốn tranh cãi cho dù ai có nói xóc óc tới đâu. Lặng lẽ mình tôi. Lặng lẽ chốn này. Hải muốn cho tôi an hưởng tuổi già bằng cách mua một căn nhà có chút vườn, không gần nơi thị tứ. Hải khuyến khích tôi nên đi du lịch. Nhưng đi du lịch chỉ mình tôi thôi sao? Hải cũng khuyên tôi nên tìm cho mình một người bạn để cùng tôi đi nốt quãng đường còn lại. Nhưng bao nhiêu năm qua. Tôi vẫn không quên được Hài. Cô bé có đôi mắt bi ve tròn buồn. Tôi luôn nghĩ Hài vẫn còn hiện hữu bên cạnh. Vẫn theo tôi như một thứ định mệnh oái oăm.
Buổi tối cuối tuần. Hải được nghỉ long weekend đã cùng Diệu bay qua Disney World bên Orlando. Tôi thấy căn nhà như rộng thêm. Ánh trăng non chiếu xuyên qua cửa sổ phòng khách. Tiếng cành lá cọ quẹt vào khung cửa nghe nổi cộm làn da. Cây dừa Hải đã vô ý trồng sát cửa sổ phòng khách. Bây giờ thân dừa lớn lên, cành lá cứ dang tay tha hồ gõ cửa mặt gương mỗi khi có gió trở mình. Tôi đã nhiều lần muốn tỉa bớt cành nhưng chưa có dịp.
Nửa đêm, tôi nghe tiếng động trong phòng Hải. Sự tò mò kéo đôi chân tôi bước tới phòng Hải. Tiếng động lớn dần. Tôi mở cửa phòng. Hơi lạnh như một lớp sương mù khi không ùa vào thân thể tôi. Tôi nghe rờn rợn thịt da. Tiếng âm thanh như tiếng gào của gió, phát ra từ chiếc gương cổ. Tôi sững sờ đứng trước gương. Mặt gương dao động như gợn sóng. Tôi mơ hồ nghe ra tiếng sóng biển. Rồi từng đợt sóng biển mấp mé như muốn tràn ra khỏi mặt gương. Tôi đứng chết trân như người bị vọp bẻ. Sóng tràn vào từng đợt. Từng đợt. Rồi tiếng gió. Và trời ơi! Tiếng gọi của Hài. Tiếng kêu la của người thiếu nữ giãy giụa dưới sức mạnh của gã đàn ông lưng trần. Rồi tiếng kêu rên đau đớn của người sản phụ lúc lâm sàng. Nước tràn khỏi mặt gương. Cánh tay Hài theo nước kéo lấy thân thể tôi. Tôi như người bị chết đuối. Tôi mơ hồ không nhận ra được đây là khuôn mặt Hài hay khuôn mặt Hải giả dạng con gái. Tôi như chiếc cây bị bứng mất gốc. Tôi té nhào xuống sàn nhà. Tôi chụp lấy chân giường. Tôi như đang bám vào chiếc ván mỏng trên bờ đại dương, khi chiếc tàu vượt biển bị hải tặc kéo vỡ ra từng mảnh. Nước mênh mông tứ bề. Tôi cầu nguyện Đức Chúa Trời. Bỗng nhiên tôi nói lớn, như nói với Hài bằng một câu trong Thánh Kinh: “Ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đớn đau nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi.” (Khải Huyền 21:4). Sau đó tôi thấy cánh tay Hài tuột khỏi thân thể tôi. Nước từ đó cũng rút dần vào chiếc gương. Căn phòng trở lại như cũ, như chưa từng xảy ra điều gì. Tôi loay hoay đứng lên. Miệng không ngớt thốt lên. Tạ ơn Chúa.
o O o
“Hài sanh khó, đã chết trong lúc lâm bồn. Bây giờ em phải làm sao?”
Tôi hốt hoảng nói. Xong, tôi òa khóc như trẻ thơ. Mục sư Kellum trầm ngâm. Vết nhăn trên trán khiến khuôn mặt ông thật trang nghiêm:
“Tôi sẽ giúp em lo giấy tờ cho đứa bé theo em qua Mỹ định cư.”
“Nhưng nó còn quá bé, làm sao em nuôi nổi được?”
“Em có thương nó không?”
“Dạ, rất thương. Mục sư.”
“Vậy em phải cố gắng nuôi nấng nó, dạy dỗ và đùm bọc nó. Đó là món quà quý giá Chúa đã ban cho em.”
“Nhưng….”
Mục sư Kellum đặt tay lên vai tôi, ngăn không cho tôi nói tiếp:
“Chúa sẽ ban thêm sức cho em.”
Mục sư Kellum bước đi. Như nhớ ra điều gì, ông quay đầu lại hỏi:
“Em đặt tên cho em bé chưa? Nhớ là nó sẽ lấy họ của em.”
Tôi gật:
“Dạ. Thưa Mục sư, nó tên Hải.”
VP