Menu Close

Chiều mùa thu, đói bụng, đọc chơi vài trang văn Nguyễn Nhật Ánh

Mùa thu đã về trên đầu phố. Lá phong bắt đầu nhuộm vàng tuy chưa rộ lên như bên Virginia theo như Đinh Cường cho biết. Lá chưa rộ vàng chưa nhuốm đỏ đồng loạt nhưng nắng thì đã nhạt màu và tắt hẳn, mây kéo về đầy trời, gió và mưa làm chùng lòng gã làm thơ lưu lãng. Trời đất này khiến gã mau cảm thấy đói, ngồi trong chiều mà lòng như thấy trống không. Thèm đọc và thèm ăn quá chừng chừng.

 

A, có người sẽ bắt bẻ: Ông này nói nghe sao ngang chướng quá trời. Sao đọc và ăn lại đi chung, có chõi nhau không đó, cha nội. Không đâu, không đâu. Xin thưa như thế này: Đọc thuộc về nhu cầu của trí óc, ăn thuộc về cái đòi hỏi của bao tử. Tình cờ cả hai nhu cầu này cùng được cuốn sách của ông Nguyễn Nhật Ánh đáp ứng. Đó là cuốn Thương Nhớ Trà Long, kẻ này vừa nhận được từ tay Thận Nhiên mang từ Việt Nam qua cách đây chừng tuần lễ. Lật qua, đọc vài câu vài đoạn, lòng thấy hân hoan quá trời. Văn của Nguyễn Nhật Ánh giản dị, trong sáng, lối kể chuyện có duyên mà sâu sắc, khiến đôi lúc ta mỉm cười, nhiều khi xúc động. Mà đều là chuyện ngày xưa, thuộc về kỷ niệm ấu thời. Đọc thú còn vì lẽ này: trong sách Nguyễn Nhật Ánh viết về nhiều món ăn thời thơ dại. Cái này thì Cu tôi mê quá (hồi nhỏ ở nhà gọi mình là Cu), cũng bởi mình có tâm hồn ăn uống, lại cũng đã viết nhiều bài về các món ăn. Nguyễn Nhật Ánh kể nhiều thứ lắm. Nào là cái bánh ú ở miền quê, miếng cùi thơm, cái hột xoài, những cái xương gà, chén đậu hủ (tàu hủ – chữ dùng trong sách), mứt, bánh tét, lạp xường, ốc ruốc… Chỉ mới kể thôi mà đã thấy thèm. Nào ta thử xem Nguyễn Nhật Ánh tả như thế nào.

Trước hết là cái bánh ú. Nói tới bánh ú thì ai cũng biết, ai cũng ưa, nhất là lớp người đã trải qua thời ấu thơ ở quê nhà. Nguyễn Nhật Ánh cũng kể lại kỷ niệm “hồi nhỏ ăn bánh ú”. Hãy nghe ông nói về cái bánh ú: “Chỉ có bánh ú là tôi nhìn thấy quanh năm trên các thúng mủng ngoài chợ hoặc treo lủng lẳng từng chùm năm bảy cái trên cái sào tre vắt ngang của những tiệm tạp hóa nhỏ dọc đường làng. Gọi là tiệm tạp hóa, thực ra đó chỉ là những túp lều tranh đơn sơ chỉ treo trên sào chùm bánh ú, vài nải chuối và bày trên chiếc giá đỡ mộc mạc vài chai nước tương, dầu phộng, rổ trứng, rổ khoai lang, khoai mì luộc, cùng dăm hủ bánh kẹo xanh xanh đỏ đỏ…” Cu tôi cũng thích ăn bánh ú, nó vừa đỡ đói vừa thơm ngon, nhưng không ăn cái kiểu như Nguyễn Nhật Ánh vì không sợ ai tranh giành cả. “Ăn bánh ú nhiều đứa thích ăn vòng quanh các góc nhọn trước, chừa cục nhưn lại ăn sau cùng, đồng thời có dịp chìa thứ quý giá đó vào mắt những đứa lỡ ăn xong trước để chọc cho đối phương thèm. Cái trò chọc tức đó đứa nào cũng thích, nhưng cố bắt mình ăn nhín lại trong khi miệng đang thèm bụng đang đói không phải đứa nào cũng làm được.” Cục nhưn bánh ú cực kỳ ngon và quý giá nên mỗi khi cho đứa bạn nghèo khổ ăn một miếng, cậu bé chủ nhân cái bánh không quên dặn dò “Chỉ được cắn cái góc thôi nhé!” Đã thế còn cẩn thận đưa tay che kín cái bánh, chỉ chừa cái góc nhọn ra ngoài. Nhưng đứa bạn nghèo khổ kia có khi vì thèm quá, ráng ngoạm cho thật sâu liền bị xỉ vả: “Aaaaa… Đồ tồi. Mai mốt tao không cho mày ăn nữa.”

 

alt

Nguyễn tôi ngồi viết bài này trong một buổi chiều thu lành lạnh, bụng lại đói nên nghe Nguyễn Nhật Ánh tả mà phát thèm, nước miếng ứa lên trong miệng. Vậy đó. Ta tiếp tục chương trình tạp lục nha các bạn. Bây giờ đến cái cùi thơm cái hột xoài và đám xương gà. Cái cùi thơm, trời ạ, với người lớn chúng ta bây giờ cái cùi thơm đâu quý giá gì mà mơ với ước. Thế nhưng với lũ trẻ con nhà nghèo, nhất là ở nơi thôn ổ, cái cùi thơm là món đáng thèm thuồng. Cho nên đám anh em Nguyễn Nhật Ánh thấy mẹ nấu bếp làm cơm là vây quanh để xin cho được cái lõi của trái thơm. Hãy nghe Nguyễn Nhật Ánh tả: “Cùi thơm nhai sừn sựt, vị lờ lợ, thua xa lát thơm ngọt lịm. Vậy mà hễ thấy mẹ tôi chuẩn bị phân phát, đứa nào cũng đua nhau chìa tay năn nỉ “Cho con cái cùi thơm!”, “Con lấy cái cùi!” Cái cùi thơm đâu ngon lành gì mấy vậy mà lũ trẻ vẫn thích vì nhấm nháp được lâu. Cái hột xoài thì quả là ngon, không như cái cùi thơm như Nguyễn Nhật Ánh nói. Bằng chứng là cho tới bây giờ Cu tôi vẫn thích ngậm mút cái hột xoài, nhất là khi có con bé dễ thương nào mút chung! Rồi tới đám xương gà. Ngày nay ở Mỹ, trong các gia đình người Việt, trẻ con không thích xương gà, trừ một vài đứa đặc biệt, nhưng các bé nghèo ở nông thôn thì mê lắm. Đối với dân nhậu, xương gà lại càng mê ly, nhưng phải là thứ xương gà có dính thịt, thêm chút da càng quý, cộng thêm mùi thơm của rau răm và bắp sú thái nhỏ. Một món nữa cũng được nhiều người ưa thích, nhất là các bà các cô. Ốc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lúc nhỏ đặc biệt mê ốc ruốc, mê và thèm cho tới nỗi mẹ đi chợ cũng nhắn với theo: “Mẹ ơi, nhớ mua ốc ruốc!” Thú thật, Cu tôi không biết ốc ruốc là gì và cũng không khoái ốc cho lắm, trừ ốc bươu luộc với lá sả chấm nước mắm gừng hồi nhỏ mẹ cho ăn. Bây giờ thì chỉ thích ốc vòi voi và cá salmon, tuna, bluetail sống ăn với wasabi uống sake trong những nhà hàng Nhật. Ôi, tâm hồn ta giờ trôi dạt tới nơi đâu, trong biển ẩm thực của nhân loại. Còn một món nữa Nguyễn Nhật Ánh cũng viết thành bài là tàu hủ (sic). Tàu hủ gánh, do một bà hoặc một chị gánh kĩu kịt qua các ngõ xóm. Gánh tàu hủ ấy theo Nguyễn Nhật Ánh qua hết chặng đường tuổi thơ cho tới khi có gia đình và con cái. Với Cu này thì đậu hủ (tàu hủ) chỉ có một thời, ấy là thời nhỏ ở Vương Phủ. Hồi ấy, mình nhỏ như con cún, mỗi sáng có chị gánh đậu hủ ghé vào sân nhà dưới giàn hoa lý. Cu được ba mẹ cho ăn một chén. Đậu hủ đường cát, ăn nóng, thơm mùi gừng, hương vị đọng trên đầu lưỡi tới bây giờ.

Mùa thu tới rồi. Trong không khí se lạnh này, buổi sáng được ăn một cái bánh ú hoặc bánh ít Huế kèm thêm một chén đậu hủ nóng nữa để thấy đời này coi vậy mà cũng đáng sống. Cám ơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho tôi những giây phút được sống lại không khí và mùi vị của tuổi thơ trong lúc mùa thu về trên phố.

TN – Tháng mười, Chủ nhật ngày 12. 2014