Menu Close

Tất cả, tôi muốn nói lời cám ơn

Thấm thoắt đã hai mươi năm kể từ ngày gia đình tôi đến nước Mỹ. Một đất nước được mệnh danh là xứ sở thần tiên. Thật vậy đường sá yên tĩnh và sạch đẹp, khắp các nẻo đường bóng cây rợp mát, hoa nở xinh tươi.

Tôi cảm ơn chư Phật đã độ cho tôi gặp bạn hiền, và độ cho tôi trong quá trình làm hồ sơ xuất cảnh được  thông suốt.

Tôi cảm ơn nước Mỹ, người Mỹ họ đã không kỳ thị mà lại vui vẻ và sống hòa đồng, không quen cũng chào hỏi lịch sự.

Sống trên đất nước này mỗi người Việt tự chọn cho mình một công việc thích hợp, vừa sức, không ai buộc mình phải làm một việc mà mình không ưa thích. Trừ khi những người nào đó muốn mình mau có thật nhiều tiền thì đi làm nhiều giờ hay nhiều jobs.

Tôi xin cảm ơn tất cả các tướng lãnh đã tuẫn tiết hy sinh cùng vô số các sĩ quan, binh sĩ, thương phế binh  của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong các binh chủng, họ đã bị mất đi một phần thân thể mà cuộc sống của họ hiện tại vô cùng khó khăn. Nhờ sự hy sinh cao cả của các anh chiến sĩ nên tất cả những người Việt nói chung được sống trên một nước tự do đủ mọi mặt như tự do phát biểu, tự do đi lại, tự do kinh doanh. Nên cuộc sống của mỗi gia đình dần được sung túc, các con, các cháu đầy đủ các phương tiện để đi học và thành đạt.

alt

Vợ chồng tác giả, Chị Thủy và anh Nộ, người đã giúp bảo trợ.

Viết đến đây tôi thấy thương và xót xa cho rất nhiều cháu học sinh ở quê nhà phải đu dây qua sông để đi học dù cho trời mưa hay nắng, nhìn cảnh ấy tôi sợ dại nếu có cháu nào bị rớt xuống nước thì sẽ ra sao? Vì ở tại nơi đấy không có người lớn nào để kịp thời cứu các cháu. Còn cô giáo thì ngồi trong bao nilon cột kín lại nhưng có người nắm bao kéo qua sông để đến trường dạy học. Thật là một chế độ mà tôi không biết dùng từ nào để diễn tả cho mọi người biết về sự lừa gạt, họ không lo cho dân mà họ chỉ biết thi nhau bỏ tiền vào túi của các bộ, ngành mà họ đã quên mất tình người.

Tôi cũng cảm ơn hai người bạn học cùng trường trung học Cường Để tại Quy Nhơn nhưng khác lớp. Năm 1994 anh bạn tôi ở San Antonio, Texas đã về nước thăm người thân và gia đình. Anh có gặp vợ chồng tôi thăm hỏi một lúc anh bạn mới biết gia đình tôi sắp định cư ở Mỹ, người bảo trợ ở tiểu bang Washington. Anh có nói với chúng tôi ở Washington khó tìm việc làm, nhà lại đắt và ở đó lạnh lắm. Anh góp ý với chúng tôi nên qua San Antonio, TX thế là chúng  tôi đồng ý và anh là người bảo trợ cho gia đình tôi.

Đúng như lời anh hứa hai tháng sau tôi nhận được giấy báo ngày 24/5/1994 gia đình tôi qua Mỹ, đón chúng tôi tại phi trường, anh chị và cháu H đưa chúng tôi về nhà và nói với chúng tôi ở lại nhà anh chị một tuần mới được về apartment, vì anh chị lo chúng tôi buồn và cảm thấy lẻ loi khi lần đầu tiên đến xứ lạ. Lòng thương mến của hai người bạn đã làm cho tôi cảm động đến rơi nước mắt. Bạn bè học từ đệ thất lên đến tú tài, nên anh chị biết tôi hay buồn. Thật vậy cứ mỗi buổi chiều tôi trốn chồng và các con để khóc, tôi khóc vì nhớ quê hương, nhớ ba tôi và các em, các cháu. Nhất là nhớ M.L con gái lớn và hai cháu ngoại đầu lòng, gia đình cháu không được đi với chúng tôi theo diện HO vì cháu đã có gia đình. Lần đi này thật xa nửa vòng trái đất mà núm ruột còn kẹt lại nên tôi buồn da diết. Mấy ngày sau hai bạn tôi làm tiệc để giới thiệu gia đình tôi với bạn bè.

Bạn tôi có business sáng phải ra bán hàng tối mới về nhà. Các con của anh chị thì đi làm và đi học chỉ có gia đình tôi ở nhà. Sang ngày thứ ba tôi xin anh chị cho gia đình tôi đến apartment để ở, nhìn quanh mấy phòng tôi thấy đầy đủ cả, nhà bếp cũng thế soong nồi chảo rổ đều có. Anh chị lại nói với tôi đồ dùng tạm đủ duy chỉ có mấy con dao chưa có, anh chị không mua vì sợ “dao cắt đứt tình bạn” nghe đến đây một lần nữa làm tôi cảm động.

alt

Chị Thủy và tác giả

Thời gian đầu về ở đây cứ mỗi buổi sáng anh chị mua đồ ăn sáng đem xuống cho các con tôi, mỗi khi đi chợ các con anh thay phiên đưa tôi đi. Nhờ vậy mà chúng tôi quen dần đường sá. Điều mà tôi thấy ít có không phải anh chị là bạn học của chúng tôi nên tốt mà các con của anh chị nào là bác sĩ, kỹ sư, dược sĩ và luật sư… nhưng rất lễ phép với tôi và vui vẻ với các con của tôi. Tôi còn nhớ ngay ngày đầu đến Mỹ,  H đã đưa các con tôi đi Riverwalk-Downtown chơi. Anh chị dạy con rất khéo, không phải gia đình nào cũng được như vậy. Rồi sau đó anh chị hướng dẫn cho các con tôi phải làm gì và làm như thế nào để được thành đạt. Nhờ vậy mà việc kinh doanh của các con tôi sau đó và bây giờ được ổn định.

Ông bà ta thường nói “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Hai mươi năm trôi qua cuộc sống của gia đình tôi được hạnh phúc, dâu rễ, cháu nội, cháu ngoại đông đủ là nhờ tất cả những ân nhân mà tôi đã cảm ơn. Tôi cũng không quên được hình ảnh ông Nội của các con tôi 95 tuổi, ông vừa mừng, vừa lo cho lần đi thật xa của gia đình tôi. Còn các em trai và em gái đã chăm sóc cho chúng tôi thật chu đáo, nhất là các em dâu và các cháu suốt thời gian gia đình tôi ở Sài Gòn để chờ chuyến bay đến Hoa Kỳ.

Lúc này tôi mới thấy rõ đây là một tình thương bao la của người cha và sự thương kính của các em, các cháu. Họ nói cười quanh tôi nhưng họ đang sưởi ấm lòng tôi khi tôi đang buồn vì phải xa quê hương, xa cha và xa các em. Những hình ảnh đó không bao giờ xóa nhòa trong tâm khảm của tôi. Tôi thương ba tôi và các em, các cháu nhiều lắm.

Sau năm năm định cư tôi được nhập tịch, lòng mừng vô hạn, tôi liền điền đơn xin bảo lãnh gia đình con gái tôi theo diện F3… Rồi ngày tháng trôi qua với sự mong chờ, lúc này tôi thấy thời gian dài vô hạn.

Mãi đến năm 2008 gia đình M.L. con gái tôi mới được qua Mỹ đoàn tụ với Ba Mẹ và các em. Tôi mừng còn hơn được trúng số độc đắc.

Một lần nữa con xin tạ lễ chư Phật, Người đã chứng minh cho lời cầu nguyện của con và ban cho con nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Đúng là đất lành chim đậu gia đình tôi đã ở San Antonio, TX đã hai mươi năm, tôi rất thích vì nơi đây là thành phố có ít người Việt nhưng tình người thì không thiếu. Nơi đây phong cảnh rất hữu tình có River Walk, cổ thành Alamo, Sea World và American Tower nổi tiếng trên toàn quốc đã thu hút lượng lớn khách du lịch tấp nập đổ về thăm viếng hàng năm.

Hai mươi năm tôi gởi gắm tâm linh ở chùa, tôi sinh hoạt với Hội cao niên, Hội cựu quân nhân và cộng đồng nên tôi có thêm nhiều bạn và cảm thấy vui khi tuổi về già.

Để nhớ ơn và cảm ơn tôi chỉ biết nhờ trang giấy này viết và gởi đến các bạn với tận đáy lòng của gia đình tôi.

Nguyễn Thị Lộc – San Antonio-TX