Menu Close

Kỹ nữ

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có một bài thơ thời chiến rất hay vì hồi xưa ai từng giày sô áo trận đều có cảm giác là ổng nói tui đó nha! Trong đó có mấy câu như: “Mai ta đụng trận, may còn sống / về ghé Sông Mao phá phách chơi / chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / đốt tiền mua vội một ngày vui!”

Hà Triều Hoa Phượng, hai soạn giả cải lương tài hoa, thường đưa thân phận những người con gái bán phấn buôn hương vào các vở tuồng của mình như: ‘Nửa đời hương phấn, Con gái Chị Hằng, Tần Nương Thất hay Tuyệt Tình Ca!’

Cuộc đời éo le, cay đắng của những thân phận bán phấn buôn hương đó làm em Ba, em Tư, dì Năm, dì Sáu khóc hết nước mắt cùng Út Bạch Lan, Bạch Tuyết hay Phượng Liên! Khóc vì thương người kỹ nữ chớ không phải khóc vì đã tốn tiền mua vé để đi coi năm lần bảy lượt đâu nha!

Văn nhân, thi sĩ quê mình có tấm lòng ‘đại bác’ với cái nghề kinh doanh vốn tự có nầy khác với những nhà đạo đức học gọi nó là nghề làm nhục tổ tông?! Nội cái truyện Kiều thôi mà mấy ổng ong ỏng chửi bới tối tăm mặt mũi dù nhân vật nầy không hề có thực ngoài đời!

Trước mấy ông Việt Nam, bên Tàu cũng có những nhà thơ nổi tiếng lấy cảm hứng từ những người con gái sa cơ thất thế, phải bán mình vào lầu xanh, đem thân xác mình mua vui cho thiên hạ để đổi lấy miếng cơm.

Chuyện rằng: Đỗ Mục bị đày xuống Dương Châu, sống với một kỹ nữ. Một hôm nhà thơ ôm lấy cái lưng thon nhỏ của em (khoái quá) mà làm bài Khiển hoài!

Rồi Bạch Cư Dị bị đày đi làm Tư mã ở Cẩm Giang, gặp em kỹ nữ tài hoa chơi đàn tỳ bà mà cảm hứng viết ra bài Tỳ bà hành.

Như vậy mấy nhà thơ, nhà văn phải cám ơn mấy em! Không những cám ơn mà còn thương cảm và thông cảm lắm lắm!

Cái nghề bán thân mẹo dậu nầy theo Sử ký, nó có từ thời Xuân Thu bên Tàu. Kỹ nữ là người con gái làm nghề ca hát hoặc kể chuyện cho khách nghe, phục vụ rượu cho khách uống, ôm ấp khách (bây giờ gọi là bia ôm) và bán dâm cho khách (bây giờ gọi là chơi tăng hai). Quản Trọng (Quản Di Ngô) làm tướng quốc cho Tề Hoàn Công cho lập 700 nhà chứa cho gái bán rượu và bán dâm để thâu thuế làm giàu cho ngân khố!

Nhớ hồi xưa, Sài Gòn mình cũng có những địa danh rất nổi tiếng về vụ nầy… như Xóm Bình Khang, Ngã Ba Chú Ía, Cầu Hàn Tân Thuận rồi sau nầy có Ngã Ba Sung Sướng mà dân chơi trên chốn giang hồ thường hay “hiệp khách hành”.

Đó là chuyện hồi xưa bên Tàu, bên Ta còn bây giờ chuyện bên Tây!

Tiểu bang Victoria, Úc Châu nầy có 50 lầu xanh (nhưng treo đèn đỏ), 18 dịch vụ gái gọi, 75 vừa nhà thổ vừa gái gọi có “đăng ký”, có đóng thuế thu nhập như ai. Ngoài ra, còn có 525 thương vụ nhỏ (?) hợp pháp do chính chủ nhân điều hành để cung cấp dịch vụ về tình dục cho phe quý ngài đáng kính.

Dĩ nhiên không thể nào biết rõ số kỹ nữ hành nghề bất hợp pháp tại nhà riêng, trong những nhà thổ lậu hay trên đường phố của thủ phủ Melbourne.

Ta và Tàu xưa giờ làm kỹ nữ là vì hoàn cảnh nghèo đói, không còn biết làm gì hơn ngoài cái việc kinh doanh vốn tự có của mình. Còn Tây thì khác!

Một kỹ nữ Tây tự nhận mình là một nữ doanh nhân kinh doanh vốn tự có, là ‘call-girl’, gái gọi cao cấp, tính giá từ 450 đô đến 600 đô một giờ. Suốt 11 năm qua, em tự tay sắp xếp việc quản lý khách hàng, coi sóc trang mạng quảng cáo và cân đối thu chi.

“Người ta thường nghĩ thương vụ bán vốn tự có nầy là phải ra đứng đường, dùng chiêu trò ma giáo, lừa đảo kiếm tiền để chơi ma túy. Nó không đúng với trường hợp của tôi!”

Em nói: “Tôi có tiền đầu tư, có bất động sản, có quỹ hưu trí, có bảo hiểm sức khỏe tư. Khi về già, với số tiền tích lũy được tôi vẫn bảo đảm cho cuộc sống của mình!”

Kiều nữ, 29 tuổi, sanh ở Tây Úc, khởi nghiệp làm gái gọi năm 18 tuổi, khi đó em đang là thợ cắt tóc và làm việc cho một hộp đêm. Làm nhiều giờ, lương lại ít… nên nản. Khi hai người bạn lớn tuổi hơn cùng chia phòng với em là công nhân tình dục (sex workers) dắt em vào đời… Em chịu liền!

“Tôi là người rất ‘năng động’ về đời sống tình dục… nên nghĩ rằng có thể kiếm được nhiều tiền nhờ cái ‘năng động’ nầy! Nhưng gia đình lại nghĩ tôi đang làm việc trong lãnh vực tiếp thị… Nếu Tía Má em biết chắc buồn khổ lắm!”

“Tôi không phải là một người phụ nữ gương mẫu kiểu Úc gốc Ý ngoan hiền, lập gia đình rồi có con cái, sống êm đềm trong bốn bức tường.”

Khách hàng là những ông tai to mặt lớn, đủ giàu, để trả tiền phòng khách sạn 4 hoặc 5 sao. Đôi khi kiều nữ nầy cũng bay xuyên bang hay ra nước ngoài tới Á Châu, tới Huê Kỳ với khách.

“Những ngày trong tuần tôi làm việc khoảng hai hoặc ba tiếng. Nhưng cuối tuần thì rất bận rộn! Khách hàng thường thích chuyện trò, đi ăn tối chứ không phải luôn là đòi hỏi về ‘tù ti’. Suốt ngày ‘quan anh’ tiếp xúc nhân viên dưới quyền, nghe toàn là vâng dạ… làm ‘quan anh’ chán ngấy lên tới tận cần cổ… Nên muốn nói chuyện với một ai đó dám ‘phản biện’ quan anh.”

“Làm ít; xít… nhiều tiền! Tuy nhiên nếu quan nào chịu chơi mà không chịu chi thì tôi sôi máu lên! Tôi cự tuyệt thẳng thừng rồi xách ‘vốn tự có’… về nhà!”

Tiền kiếm thì nhiều nhưng nghề nầy đã hủy diệt một phần cảm xúc tình yêu. Kỹ nữ có yêu ai không? Có chớ! Đâu phải làm vợ khắp người ta mà trái tim em không hề rung động đâu!

“Tình đầu với một khách hàng dài được 3 năm rưỡi và tôi ngưng đi khách. Nhưng khi quan hệ tan vỡ tôi lại trở về nghề cũ! Tổ cha cái thằng Sở Khanh!”

“Tôi sẽ ngưng đi khách khi tìm đúng được người mình yêu. Tôi là người phụ nữ hơi cổ lỗ trong quan hệ tình cảm; tôi chỉ chấp nhận một vợ một chồng mà thôi(?!)

Làm gái gọi! Đó là sự chọn lựa của tôi!”

Nàng Kiều thứ hai, Amanda Goff, là một ký giả, sau bỏ nghề báo, làm gái gọi với giá 800 đô một giờ. Goff đã 40 tuổi, gây sôi nổi trên dư luận thế giới khi xuất bản một cuốn tự truyện về đời mình: ‘Những bí mật của một gái gọi cao cấp!’ (The Secrets of a High-Class Call Girl), do nhà Random xuất bản, giá 35 đô. Mại dô!

Hai kiều nữ nói trên coi bộ làm ăn khấm khá nên gáy te te! Tuy nhiên, một nhà khoa bảng, thuộc phân khoa Chánh Trị và Xã Hội Học trường Đại học lại rầy mấy ông anh ham vui (tại mấy ông mới có nghề nầy) như vầy: “Mại dâm làm tổn hại thể chất và phẩm giá của người phụ nữ!” “Phụ nữ không chọn nghề nầy mà là nạn nhân do sự thống trị của phái nam. Đàn ông thường coi người phụ nữ là công cụ để giải quyết nhu cầu sinh lý, lợi dụng tính phụ thuộc của phái nữ. Ta không thấy phái nam đứng đường và phụ nữ dạo xe qua, ngừng lại để mua thân xác của họ!”

Thưa quý độc giả thân mến!

Cái nghề bán phấn buôn hương nầy nó xưa như trái đất. Nước hợp thức hóa; nước không? Tranh luận dài dài, cãi nhau ỏm tỏi… Tui chắc hết thế kỷ tới còn chưa chấm dứt.

Nhưng thường tình trong xã hội là phụ nữ mà bị gọi là tụi bán phấn buôn hương; là bị xúc phạm, bị sỉ nhục tột cùng, hậu quả là sẽ gây ra cơn giận dữ như sóng thần (tsunami!). Có chuyện thật 100% xảy ra như sau:

Kondrat Golubev, 32 tuổi, đi nhậu cùng bạn bè ở một hộp đêm tại thành phố Atyrau, miền Đông nước Kazakhstan. Khi ra ngoài hút thuốc nhìn thấy hai cô gái, chú em mời hai nàng một ly nhưng bị cự tuyệt khá phũ phàng. Em bảo: “Cút đi!”

Trả đũa, Golubev chọc quê hai em rằng: “Có đi khách hay không? Giá bao nhiêu?”

Không chịu nổi sự xúc phạm như thế, một em cung tay đấm một phát vào mặt và con ‘dê’ nầy ngã lăn ra đất… bất tỉnh. Em chưa đã nư, bồi thêm một cú đá vào bộ chỉ huy ‘nhẹ’ của chàng ta! Xong cả hai bỏ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra cả!

Anatoli Pokrovski, 36 tuổi, đang đứng chờ người bạn gái của mình đi lấy áo khoác, tình cờ nghe tiếng đôi bên cãi nhau, dùng mobile phone ghi lại được trận đấu võ, có nốc ao nầy, rồi đưa cho cảnh sát. Xe cứu thương chở con dê ‘khờ’ nầy vào bịnh viện. Sau đó, cảnh sát nhận xét rằng: “Thiệt là kinh ngạc! Một cú đấm ra trò! Cô nàng nhỏ nhưng mà có võ. Cách lăng ba vi bộ như thế chứng tỏ người đẹp không phải là một võ sĩ quyền anh nhưng chắc chắn là có học võ và cách động thủ nhanh gọn như thế cho thấy không phải là lần đầu em xuất chiêu đẹp kiểu này.” May phước là con ‘dê’ nầy không đến nỗi đi chầu ông bà ông vải!

Thưa quý độc giả thân mến!

Để kết bài, người viết xin kể hầu quý độc giả thân mến hai chuyện hổng vui hổng ăn tiền như sau:

Một quý bà là phu nhân của một quý ông thành đạt. Ông bỏ nhà đi suốt vì công chuyện mần ăn. Hai đứa con gái xinh đẹp lại đi học xa. Ở nhà một mình, bà cảm thấy cô đơn lắm nên đến tiệm bán thú cưng mua một con vẹt biết nói về hủ hỉ cho vui! Con vẹt giá 20 đô! Sao rẻ vậy? Ông bán chim nói: “Con vẹt nầy nó từng sống trong một thanh lâu nên khi mở miệng nói toàn là chửi thề và nói những điều bậy bạ không hà nên chẳng ai muốn mua!” “Không sao! Đầu óc tui cởi mở lắm!”

Đem con vẹt về. Mới bước vô nhà nó đã chửi thề nói: “Kỹ viện mới! Má mì mới! Quá đã!” Bà mệnh phụ cải chính: “Nhà tui chớ hổng phải là kỹ viện và tui không phải là ‘Má mì’…”

Rồi hai đứa con gái xinh đẹp về thăm nhà. Con vẹt bật lên tiếng chửi thề: “Quá đã! Có hai em mới! Thơm như múi mít!” Hai cô con gái mắc cỡ lên tiếng cải chính: “Ê! Tụi tao không phải là kỹ nữ đâu nha!”

Lúc đó ông chồng bước vào nhà. Con vẹt rất mừng rỡ chửi thề liên tu bất bận: “Kỹ viện mới! Má mì mới! Kỹ nữ mới! Chỉ có khách là cũ!” “Bill! Hổm rày mần ăn ra sao vậy bồ?!”

Chuyện thứ hai là: Cuối năm, một tổ chức từ thiện làm buổi gây quỹ Cây Mùa Xuân, kiếm tiền giúp những người vô gia cư nghèo khổ có chút đỉnh để ăn Tết với người ta. Và cuộc bầu cử tiểu bang sắp tới, mấy chánh trị gia bấy lâu ngủ Đông, lặn mất tiêu, không thấy mặt mũi tròn méo ra sao; lại lục tục xuất hiện tại buổi gây quỹ để ông đi qua, bà đi lại cho tui xin lá phiếu.

Buổi gây quỹ đìu hiu, không ai mở hầu bao cho cắc nào hết ráo vì ai cũng mạt. Một ‘Má mì’ cai quản hơn một chục kỹ viện, dưới tay có hàng trăm kỹ nữ, làm ăn rất khấm khá, bèn nhảy lên, cầm micro, nói: “Tui xin hiến tặng năm chục ngàn đô!” Bà trưởng ban tổ chức ngần ngại nói: “Dạ tụi tui cần tiền thiệt… Nhưng những đồng tiền nhơ nhớp nầy thiệt không dám…”

Thì một chánh trị gia nổi tiếng ngồi hàng ghế đầu vọt miệng: “Bà cứ nhận đi! Tiền của anh em chúng tôi cả đó mà!”

alt

Bảo Huân

DXT – Melbourne